(HBĐT) - Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra 3 vụ ngộ độc thực phẩm (NĐTP) làm 74 người mắc, 1 người chết, trong đó 2 vụ ngộ độc tập thể. Ngoài ra còn ghi nhận các ca NĐTP đơn lẻ với 130 người mắc. Vậy đâu là nguyên nhân và giải pháp phòng tránh NĐTP, đặc biệt là NĐTP tập thể?


Bếp ăn tập thể trường phổ thông liên cấp Sao Mai (phường Thịnh Lang, TP Hòa Bình) được đầu tư đồng bộ, đảm bảo theo quy trình một chiều. 

Nỗi lo ngộ độc thực phẩm tập thể

Khu vực xung quanh các cổng trường học trong tỉnh "mọc” lên nhiều hàng quán bán đồ ăn, uống. Nhiều người bán hàng rong cũng chọn khu vực này để bán hàng. Điều dễ nhận thấy là đồ ăn được bày bán ngay trên vỉa hè, không tủ che đậy. Người bán chủ yếu bốc, cầm trực tiếp thức ăn. Đồ ăn thập cẩm từ xúc xích, thịt viên chiên, bò khô, xôi, đến bánh, kẹo… Một số đồ ăn vặt đóng gói chữ nước ngoài, không có nhãn Việt Nam và đềurẻ tiền. 

Khu vực cổng trường THCS Hữu Nghị (TP Hòa Bình) có trên 10 quán bán hàng ăn, uống phục vụ nhu cầu của học sinh. Ngày 16/4/2018, sau khi ăn xúc xích, bò khô, thịt chiên… tại quán của bà Nguyễn Thị H. (số nhà 21, tổ 14, phường Hữu Nghị), 21 học sinh của trường đã bị ngộ độc với các biểu hiện buồn nôn, nôn, đau bụng, chóng mặt… Kết quả kiểm nghiệm cho thấy, 2/5 mẫu thực phẩm có tỷ lệ nhiễm vi khuẩn S.aureus (tụ cầu vàng) vượt mức giới hạn rất cao. Mẫu bò khô chỉ số là 3,4 x 103 CFU/g, mẫu thức ăn hỗn hợp gồm xúc xích và thịt chiên là 1,2 - 104 CFU/g (giới hạn cho phép là 102). Khi bị nhiễm tụ cầu vàng, các học sinh bị ngộ độc cấp tính. Tuy nhiên, đầu tháng 11/2018, theo quan sát của phóng viên, nhiều hàng quán ăn, uống ở khu vực cổng trường này vẫn không tủ che đậy, đồ ăn được bày sát lề đường, người bán vẫn dùng tay trần để lấy thức ăn. 

Một mối lo nữa là các bữa ăn nấu cho đông người, các bếp ăn tập thể như ở trường học cho học sinh, ở công ty cho công nhân. Đặc biệt là việc người dân tự nấu phục vụ đám giỗ, đám cưới… Ngày 7/10, sau khi ăn cỗ tự nấu tại đám giỗ nhà ông Phạm Đăng Q. (xóm Mỗ, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong), gồm các món: thịt lợn luộc, dồi lợn luộc, rau đồ thập cẩm, canh măng nấu xương… 52/70 người đã bị ngộ độc. Triệu chứng chính là đau bụng, sốt cao, buồn nôn, đi ngoài phân lỏng nhiều lần. 47 người phải nhập viện điều trị, trong đó có người sốt cao phải điều trị nhiều ngày. 

Đồng chí Bùi Quang Huấn, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh nhận định: Khi người chế biến không hiểu biết, không có ý thức đảm bảo ATTP, ngộ độc có thể xảy ra bất cứ lúc nào, ở đâu, nhất là những bữa ăn đông người tự chế biến. Ở các khu, cụm công nghiệp, số lượng công nhân đông nhưng người chế biến được tập huấn, cấp chứng chỉ, khám sức khỏe định kỳ và tuân thủ quy trình lựa chọn, chế biến, bảo quản thực phẩm thì đảm bảo an toàn. Đáng lo là thức ăn đường phố, hàng rong và một số bếp ăn trường học chưa đảm bảo an toàn. Điển hình như bếp ăn tại chi trường mầm non xóm Nghìa, xã Cuối Hạ (Kim Bôi), trường mầm non Hoa Hồng, thị trấn Kỳ Sơn (Kỳ Sơn)…  

Còn đó những vi phạm, mối nguy

Qua công tác thanh, kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện nhiều vi phạm về đảm bảo ATTP. Trong lĩnh vực y tế, từ đầu năm đến hết tháng 10/2018, Ban chỉ đạo ATTP tỉnh giao Sở Y tế thành lập 9 đoàn kiểm tra, chủ trì 3 đoàn kiểm tra liên ngành. Đoàn đã kiểm tra 12 Ban chỉ đạo ATTP huyện, 1 Ban chỉ đạo ATTP tuyến xã và 72 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Qua đó xử phạt vi phạm hành chính 16 cơ sở với số tiền 50,75 triệu đồng. Sở Y tế tham gia 6 đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra 117 cơ sở, đã phát hiện vi phạm và xử phạt 29 cơ sở với số tiền gần 50 triệu đồng. Sở kiểm tra chuyên ngành, đột xuất 115 cơ sở kinh doanh nước đá, bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp, trường học, cơ sở ăn uống… và xử phạt 2 cơ sở với số tiền 13,25 triệu đồng. 

Để kiểm soát mối nguy thực phẩm, Sở Y tế đã tiến hành lấy 804 mẫu thực phẩm, trong đó gửi 209 mẫu xét nghiệm tại phòng kiểm nghiệm. Kết quả, 180 mẫu đạt (chiếm 87%), 29 mẫu không đạt (chiếm 13%). Mẫu không đạt gồm: 8 mẫu thịt chế biến sẵn dương tính với E.coli, 2 mẫu dương tính với Coliforms; 8 mẫu giò, chả, thịt lợn dương tính với E.coli. Thực hiện thử test nhanh mang tính chất sàng lọc đối với 595 mẫu thực phẩm, có 7 mẫu không đạt: 4 mẫu giò, chả, thịt lợn dương tính với hàn the; 3 mẫu rượu thủ công dương tính với methanol. 

Trong lĩnh vực công thương, Sở Công thương đã chủ trì 3 đoàn và tham gia 6 đoàn kiểm tra liên ngành, thành lập 2 đoàn kiểm tra đột xuất các cơ sở kinh doanh rượu và các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý. Qua kiểm tra 938 cơ sở, đã phát hiện 389 vụ vi phạm, xử phạt 298,3 triệu đồng; hàng hóa tịch thu trị giá gần 21 triệu đồng. Công an tỉnh cũng đã đấu tranh, xử lý 92 tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về đảm bảo ATTP với số tiền 183,65 triệu đồng. 

Trong lĩnh vực nông nghiệp, qua kiểm tra 79 cơ sở sản xuất, kinh doanh, phân phối thực phẩm, bếp ăn tập thể, dịch vụ ăn uống đã xử phạt 17 cơ sở với số tiền gần 30 triệu đồng. Tịch thu và tiêu hủy hàng hóa không đảm bảo chất lượng trị giá 5,65 triệu đồng; yêu cầu 1 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống dừng hoạt động và tháo biển hiệu. Qua lấy mẫu nông sản, thực phẩm có 17/235 mẫu không đảm bảo ATTP (chiếm 6,7%). Trong đó, 2 mẫu rau có hàm lượng Cd, 3 mẫu quả có hàm lượng Pb vượt giới hạn cho phép, 3 mẫu thủy sản có kháng sinh cấm Enrofloxacin, 9 mẫu giò, chả có chất cấm hàn the và chất bảo quản nhóm benzoat. 

Nguyên nhân do đâu?

Theo đánh giá của Chi cục ATVSTP tỉnh, công tác quản lý Nhà nước về ATTP của Ban chỉ đạo tuyến xã, phường, thị trấn còn nhiều hạn chế, thiếu chủ động trong công việc, nhất là trong công tác kiểm tra, kiểm soát và ký cam kết đảm bảo ATTP đối với các cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý. Việc xử lý vi phạm hành chính đối với các cơ sở vi phạm chưa triệt để, chủ yếu nhắc nhở. Chưa quản lý tốt các cơ sở thực phẩm nhỏ lẻ, thức ăn đường phố, dịch vụ ăn uống, quán bánh kẹo, nước giải khát, đặc biệt trước các cổng trường học còn mất vệ sinh, hàng hóa không an toàn. Ban chỉ đạo ATTP tuyến xã có người chưa nắm rõ về công tác đảm bảo ATTP... 

Hoạt động giết mổ, kinh doanh gia súc, gia cầm thường các hộ thực hiện nên việc cập nhật các quy định về ATTP hạn chế. Việc ghi chép sổ sách về quá trình mua bán, giết mổ chưa thường xuyên, khó khăn khi điều tra nguyên nhân và truy xuất nguồn gốc thực phẩm không an toàn. Các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm hầu hết nhỏ lẻ, khó đáp ứng  đủ các điều kiện theo quy định. Ý thức chấp hành pháp luật về ATTP chưa cao, vẫn đặt mục tiêu lợi nhuận lên trên. Các cơ sở chế biến thực phẩm sử dụng nhiều loại phụ gia. Một số hộ sản xuất, kinh doanh cố tình sử dụng chất bảo quản và phụ gia ngoài danh mục cho phép. 

Chưa có nhiều cửa hàng chuyên kinh doanh thực phẩm có đầy đủ nhãn mác, rõ nguồn gốc. Người tiêu dùng khó phân biệt thực phẩm an toàn và không an toàn. Hiểu biết và thói quen giữ vệ sinh của không ít người dân còn hạn chế, nhất là khi tổ chức tự nấu các bữa cỗ cho đông người ăn.

NĐTP có thể do nguyên nhân sinh học, hóa học, lý học, trong đó nguyên nhân sinh học - vi khuẩn là chủ yếu. Ở tỉnh ta, một số vụ NĐTP xảy ra vừa qua do thực phẩm nhiễm tụ cầu vàng và E.coli. Trong đó, tụ cầu khuẩn có ở khắp nơi, trong không khí, đất, nước. Đây là vi khuẩn nội sinh thường xuyên ở da và các hốc tự nhiên của người, động vật. Quá trình chế biến, bảo quản thực phẩm không hợp vệ sinh rất dễ nhiễm vi khuẩn này. Ngoại độc tố của tụ cầu vàng có tính chịu nhiệt cao, ở 100oC cần 1 - 2h mới phá hủy. Đối với E.coli, ký sinh chủ yếu ở ruột người. Từ ruột, E.coli theo phân ra đất, nước, phát triển ở 5oC - 40oC và bị tiêu diệt ở 60oC trong 30 phút. 

Giải pháp đảm bảo an toàn, giảm thiểu ngộ độc thực phẩm

Để đạt mục tiêu này, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Bùi Quang Huấn cho rằng: Trước hết cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức từ lãnh đạo địa phương đến Ban chỉ đạo ATTP tuyến xã và người dân, từ đó thay đổi hành vi sản xuất, lựa chọn, chế biến, bảo quản thực phẩm an toàn. Tuyên truyền khách quan, trung thực, kịp thời về ATTP, nhất là các điển hình và hành vi vi phạm bằng nhiều hình thức như qua phương tiện thông tin đại chúng, phát huy vai trò của MTTQ và các đoàn thể, hiệp hội, hội nghề nghiệp. 

Nêu cao vai trò của người đứng đầu chính quyền địa phương. Chỉ thị số 13/CT-TTg, ngày 9/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về ATTP tại các địa phương và Nghị định số 15/2018/NĐ-CP, ngày 2/2/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATTP đã phân cấp, quy định rõ trách nhiệm. Ban chỉ đạo ATTP cấp trên trực tiếp chỉ đạo, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của Ban chỉ đạo cấp dưới, kiên quyết xử lý cán bộ thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý. 

Cùng với đó, quan tâm tổ chức tập huấn cho cán bộ làm công tác ATTP, nhất là Ban chỉ đạo ATTP ở tuyến xã. Tập huấn, cập nhật các văn bản cho các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm theo phân cấp quản lý. Xây dựng và phát triển các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy hình thành các cửa hàng thực phẩm an toàn. 

Các địa phương cần tìm giải pháp để làm sao các gia đình khi tổ chức tự nấu các bữa cỗ cho đông người ăn phải báo cáo với chính quyền địa phương và ký cam kết đảm bảo ATTP. Đơn vị chức năng, ví như cán bộ y tế phải giám sát quá trình chế biến, bảo quản thực phẩm. Ban chỉ đạo ATTP tuyến huyện, tỉnh tăng cường kiểm tra, giám sát, lấy mẫu kiểm định chất lượng, truy xuất nguồn gốc, song cũng cần tính toán để tránh chồng chéo.

 
                                                                                         Cẩm Lệ

* Đảm bảo vệ sinh để tránh ngộ độc thực phẩm

Bùi Đinh Thị Dinh

Phó Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh

Để phòng, chống ngộ độc thực phẩm cần có sự phối hợp của tất cả các bên liên quan, từ người sản xuất, kinh doanh, chính quyền, cơ quan quản lý Nhà nước, người tiêu dùng. Thường xuyên khám sức khỏe định kỳ cho người chế biến thực phẩm, không dùng tay trần bốc thực phẩm. Người tiêu dùng nên mua và sử dụng những thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; chú ý vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống, thực hiện ăn chín, uống sôi. Không để thức ăn sống lẫn với thức ăn chín; bảo quản thực phẩm ở nhiệt độ phù hợp để ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn. Sử dụng nước sạch và thực phẩm tươi sống an toàn để tránh thức ăn bị ô nhiễm…

 

* Đề nghị tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm

Nguyễn Văn Thưởng

Chủ tịch UBND xã Bình Thanh (Cao Phong)

Xã Bình Thanh có 7 xóm với 2.678 nhân khẩu. Trên địa bàn vừa xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm làm 52 người mắc. Sau khi xảy ra vụ việc, xã đã tổ chức họp Ban chỉ đạo ATTP và rút kinh nghiệm sâu sắc. Trong đó, quán triệt nếu tổ chức ăn uống đông người phải báo cáo với trưởng xóm để giám sát công tác đảm bảo ATTP. Một số xóm đã tổ chức tuyên truyền trên hệ thống loa đến người dân. Loa ở nhiều xóm hỏng thì tổ chức tuyên truyền qua cuộc họp. Song cũng thẳng thắn nhận là thành viên Ban chỉ đạo ATTP xã chưa nắm sâu kiến thức về ATTP; không đủ năng lực, chuyên môn để thực hiện kiểm tra, giám sát. Đề nghị cơ quan chuyên môn thường xuyên tổ chức tập huấn cho các thành viên Ban chỉ đạo ATTP xã.

 




Các tin khác


Tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới

(HBĐT) - Nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế, tỉnh Hoà Bình đã và đang tích cực xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp. Từ đó từng bước góp phần nâng cao giá trị kinh tế, tăng thu nhập cho nhân dân, hướng đến mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng toàn diện, hiện đại và bền vững.

Để y tế cơ sở là nền tảng trong phòng bệnh, chăm sóc sức khoẻ

(HBĐT) - Y tế cơ sở là tuyến y tế ban đầu trong hệ thống chăm sóc sức khỏe nhân dân, có nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe, dự phòng và khám chữa bệnh (KCB). Trạm y tế xã, phường, thị trấn là tuyến y tế cơ sở gần dân nhất cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, giảm áp lực KCB cho tuyến trên. Nâng cao chất lượng y tế cơ sở là yêu cầu thực tiễn. Đây cũng là nội dung quan trọng trong Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của BCH T.ư Đảng, khóa XII về "Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới”.

Gỡ nút thắt trong kết nối cung - cầu lao động việc làm

(HBĐT) - Đồng chí Nguyễn Đức Cường, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH khẳng định: Việc làm là nhu cầu và hoạt động cơ bản tự thân của mỗi người nhưng lại là vấn đề có tính xã hội được cả cộng đồng quan tâm. Giải quyết việc làm và phát triển thị trường tốt nhằm góp phần phát triển KT-XH, giảm nghèo bền vững, ổn định an ninh chính trị, đảm bảo an sinh xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Vì sao tăng cả ba tiêu chí trong Tháng hành động về an toàn giao thông?

(HBĐT) - Thực hiện Kế hoạch số 112/KH-UBND, ngày 23/8/2018 của UBND tỉnh về triển khai "Tháng hành động về an toàn giao thông (ATGT) - tháng 9/2018 trên địa bàn tỉnh”, ngay từ cuối tháng 8, các ngành, địa phương và các lực lượng chức năng đã ráo riết triển khai các giải pháp để đảm bảo TTATGT trên địa bàn.

Để các hoạt động nhân đạo, từ thiện tạo niềm tin cho nhân dân

(HBĐT) -Hoạt động nhân đạo, từ thiện trên địa bàn tỉnh do các đơn vị, cá nhân, tổ chức thực hiện trong thời gian qua đã góp phần chia sẻ khó khăn với nhân dân trên địa bàn tỉnh. Không chỉ về vật chất, đó còn là động viên tinh thần to lớn, thể hiện tinh thần đoàn kết toàn dân. Qua đó tạo niềm tin, động lực cho nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn yên tâm sinh sống, lao động sản xuất.

Nâng cao chất lượng dân số - chìa khóa để phát triển

(HBĐT) - Nâng cao chất lượng dân số, đảm bảo nguồn nhân lực phát triển KT-XH là một trong những mục tiêu hàng đầu của tỉnh. Những năm qua, các cấp, các ngành đưa nhiệm vụ nâng cao chất lượng dân số thành nội dung trọng tâm. Tỉnh ta đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục, vận động về dân số và phát triển theo hướng chú trọng nâng cao chất lượng dân số, phù hợp với từng nhóm đối tượng, đặc điểm văn hóa từng huyện nhằm làm chuyển biến về nhận thức, tâm lý, tập quán trong toàn xã hội.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục