Lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh và các huyện tọa đàm tại sự kiện hưởng ứng sáng kiến "Chấm dứt bạo lực thân thể trẻ em trong gia đình và trường học - cần bạn - cần tôi cần cả thế giới” do Sở LĐ-TB&XH và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới tại Việt Nam tổ chức.
Báo động tình trạng bạo lực và xâm hại phụ nữ trẻ em
Theo thống kê của các ngành chức năng, những năm qua, trên địa bàn tỉnh ta, tình trạng BLGĐ vẫn diễn biến phức tạp. Từ năm 2008 đến hết 6 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh xảy ra 2.644 vụ BLGĐ. Trong đó, các đơn vị Công an tỉnh đã tiếp nhận, điều tra, giải quyết 156 vụ án liên quan đến BLGĐ với 156 đối tượng, làm chết 37 người, bị thương 105 người, thiệt hại tài sản trị giá 540 triệu đồng. Trong đó phải kể đến giết người 43 vụ, cố ý gây thương tích 82 vụ, hủy hoại tài sản 13 vụ, hiếp dâm 2 vụ, 12 vụ hiếp dâm người dưới 16 tuổi, tự sát 4 vụ. BLGĐ xảy ra trên địa bàn 11/11 huyện, thành phố gồm: TP Hòa Bình, huyện Tân Lạc mỗi nơi 26 vụ, Kim Bôi 24 vụ, Lạc Sơn 22 vụ, Lương Sơn 18 vụ, Yên Thủy 10 vụ, Đà Bắc 9 vụ, Cao Phong 7 vụ, Lạc Thủy 5 vụ và Kỳ Sơn 3 vụ. Cơ quan công an đã điều tra làm rõ 156/156 vụ, xử lý 151 đối tượng. Trong đó xử lý hình sự 93 vụ, 93 đối tượng; xử lý hành chính 58 vụ, 58 đối tượng bằng hình thức phạt tiền.
Đồng chí Nguyễn Thị Anh, Phó trưởng Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở VH-TT&DL) cho biết: Hình thức bạo lực chủ yếu là tác động về tinh thần và thân thể, số ít sử dụng hình thức tình dục và kinh tế. Trong đó người bị bạo lực chủ yếu là phụ nữ và trẻ em - đây là những nạn nhân có thể trạng yếu, khả năng chống lại hạn chế nên tất yếu trở thành nạn nhân của BLGĐ. Người bị BLGĐ nằm trong nhiều độ tuổi khác nhau, tuy nhiên thường tập trung vào độ tuổi dưới 16 và từ 16- 59 tuổi. BLGĐ dù diễn ra ở bất cứ hình thức nào thì hậu quả nó để lại cũng hết sức nghiêm trọng.
Cùng với đó, thời gian gần đây, vấn đề trẻ em bị bạo lực, xâm hại, đặc biệt là trẻ em bị xâm hại tình dục có chiều hướng gia tăng. Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH, năm 2016, toàn tỉnh có 23 trẻ bị xâm hại, trong đó, 13 trẻ bị hiếp dâm, 5 trẻ bị giao cấu, 5 trẻ bị dâm ô. Năm 2017 có 19 trẻ bị xâm hại, trong đó 11 trẻ bị hiếp dâm, 4 trẻ bị giao cấu, 4 trẻ bị dâm ô. 6 tháng đầu năm 2018 có 13 vụ trẻ em bị xâm hại, trong đó 9 vụ hiếp dâm, 2 trẻ bị giao cấu, 2 trẻ bị dâm ô. Tuy nhiên, con số thống kê này chỉ là những vụ việc được phát hiện, trình báo, còn nhiều vụ chưa được phát hiện, tố giác.
Công tác phòng - chống cần sự chung tay của cả cộng đồng
Phân tích nguyên nhân của tình trạng BLGĐ, đồng chí Nguyễn Thị Anh cho rằng, một số cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai thi hành Luật Phòng, chống BLGĐ chưa nghiêm túc. Do ảnh hưởng của kinh tế thị trường nên giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình như hiếu nghĩa, thủy chung, kính trên, nhường dưới đang có biểu hiện xuống cấp. Tệ nạn xã hội như ma túy, cờ bạc, rượu chè, mại dâm, HIV/AIDS xâm nhập vào các gia đình. Cùng với đó, đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình, phòng chống BLGĐ ở cơ sở không ổn định, 100% cán bộ cấp huyện, xã là kiêm nhiệm, kinh phí dành cho công tác này còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu.
Trẻ em huyện Yên Thủy diễn tiểu phẩm tuyên truyền về bạo lực thân thể trẻ em.
Đối với tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em cũng có nhiều nguyên nhân như: 90% trẻ em toàn tỉnh sống tại địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa, nhận thức của cha mẹ, người thân còn hạn chế trong vấn đề bảo vệ con trẻ. Cha mẹ thiếu sự chăm sóc nên con dễ bị kẻ xấu dụ dỗ, lợi dụng. Hiện nay, trẻ em dậy thì sớm, thiếu sự chia sẻ, giáo dục của gia đình. Vấn đề giáo dục giới tính chưa được đề cao, trẻ ngại chia sẻ với bố mẹ nên kiến thức về giới tính không có, không phân biệt được những biểu hiện và hành vi của xâm hại…
Trong những năm qua, công tác bình đẳng giới (BĐG) và Vì sự tiến bộ phụ nữ của tỉnh ta luôn nhận được sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự vào cuộc có trách nhiệm của các ban, ngành, đoàn thể đã góp phần hoàn thành và vượt các chỉ tiêu về BĐG. UBND tỉnh đã xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về BĐG giai đoạn 2016- 2020 với mục tiêu cơ bản bảo đảm thực chất giữa nam và nữ về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực chính trị, KT-VH-XH, góp phần vào sự phát triển nhanh và bền vững của tỉnh. Tỷ lệ nữ trúng cử đại biểu Quốc hội đạt 50%. Tỷ lệ nữ trúng cử đại biểu HĐND tỉnh đạt 19,67%; HĐND cấp huyện, thành phố đạt 26,37%; HĐND cấp xã, phường, thị trấn đạt 24,18%. Tỷ lệ nữ được tiếp cận y tế đạt 100%. Số phụ nữ mang thai được khám định kỳ 3 lần/kỳ thai nghén đạt 98%. Hàng năm, tỷ lệ lao động được giải quyết việc làm là nữ chiếm 49%, lao động được học nghề là nữ chiếm 45%.
Ngay sau khi Luật số 02/2007/QH12 ngày 21/11/2007 của Quốc hội về phòng chống BLGĐ được ban hành, UBND tỉnh đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Luật đến các cấp, ngành, đoàn thể trong toàn tỉnh. Trong 10 năm triển khai Luật Phòng chống BLGĐ (2008- 2018), các ngành chức năng tham mưu UBND tỉnh ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo. Công tác tuyên truyền được đa dạng hóa bằng nhiều hình thức. Công tác bồi dưỡng, tập huấn nội dung liên quan đến pháp luật về Luật Phòng chống BLGĐ, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật trẻ em… được các ngành quan tâm triển khai tại các địa phương. Đặc biệt, năm 2008, tỉnh đã triển khai thí điểm Mô hình can thiệp, phòng chống BLGĐ tại xã Mông Hóa (Kỳ Sơn) và tiếp tục chỉ đạo triển khai nhân rộng mô hình tại 11/11 huyện, thành phố. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 1.535 CLB gia đình phát triển bền vững.
Đồng chí Nguyễn Thị Linh Ngọc, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: Để tiếp tục thực hiện tốt Luật Phòng chống BLGĐ, triển khai Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về BĐG giai đoạn 2016- 2020, đòi hỏi phải tập trung nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó tập trung vào một số giải pháp chủ yếu như: Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, chính quyền địa phương, cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trong thực hiện Luật Phòng chống BLGĐ, công tác BĐG và vì sự tiến bộ phụ nữ. Đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin tuyên truyền. Triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về BĐG tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2016-2020 trên tất cả các lĩnh vực. Tham mưu lồng ghép các chỉ tiêu của kế hoạch thực hiện Chiến lược vào kế hoạch phát triển KT-XH, các chương trình, dự án của địa phương. Bên cạnh đó, làm tốt công tác hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên trong gia đình và bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân của BLGĐ thông qua việc triển khai mô hình CLB "Ngăn ngừa và giảm thiểu tác hại của BLGĐ trên cơ sở giới” thí điểm tại xã Mông Hóa (Kỳ Sơn) và xã Trung Minh (TP Hòa Bình); mô hình "Sửa đổi hương ước, quy ước đảm bảo nguyên tắc BĐG” tại 6 xã của huyện Đà Bắc và xây dựng mô hình "Địa chỉ tin cậy - nhà tạm lánh” tại xã Tân Pheo (Đà Bắc). Trang bị cho nạn nhân BLGĐ kiến thức để tự bảo vệ mình, cách ứng xử trong gia đình. Đẩy mạnh phong trào "Xây dựng đời sống văn hóa ở KDC”...
Để nâng cao trách nhiệm của cộng đồng trong việc ngăn chặn, đẩy lùi phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, tỉnh ta tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức về công tác bảo vệ trẻ em trên địa bàn tỉnh. Tăng cường kiểm tra, thanh tra, hướng dẫn thực hiện pháp luật, chính sách về trẻ em và bảo đảm quyền trẻ em ở địa phương, đặc biệt ở cấp cơ sở. Phổ biến, phát hiện, ngăn chặn, lên án các hành vi bạo lực, vi phạm pháp luật, vi phạm quyền trẻ em...
Đặc biệt, ngày 24/7/2018, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 104/KH-UBND về việc triển khai Tháng hàng động vì BĐG và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới tỉnh Hòa Bình năm 2018. Với chủ đề "Chủ động phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em”, Tháng hành động năm 2018 được thực hiện từ ngày ngày 15/11- 15/12/2018. Lễ phát động Tháng hành động cấp tỉnh đã được tổ chức vào ngày 19/11 tại Cung Văn hóa tỉnh. Các cấp, ngành tùy vào điều kiện, tình hình thực tế cũng tổ chức các hoạt động thiết thực, phù hợp. Đây là đợt cao điểm truyền thông nhằm huy động sự tham gia, phối hợp của các ngành, các cấp, các cơ quan, tổ chức và cộng đồng nhằm xóa bỏ bất BĐG và chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, góp phần đạt được mục tiêu đến năm 2020 về cơ bản, bảo đảm bình đẳng thực chất giữa nam và nữ về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực.
Hương Lan
Tiếp tục đưa Luật Phòng chống bạo lực gia đình vào cuộc sống Năm 2018, với trách nhiệm là cơ quan thường trực BCĐ công tác gia đình tỉnh, Sở VH-TT&DL tham mưu cho tỉnh tổ chức tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng, chống BLGĐ trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2008- 2018. Sau 10 năm triển khai Luật, nhận thức của các cấp, ngành và người dân về công tác phòng, chống BLGĐ được nâng lên rõ rệt, góp phần đưa Luật vào đời sống. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn còn tồn tại khá nhiều vấn đề, trong đó BLGĐ đối với phụ nữ và trẻ em đang là vấn đề khá nổi cộm. Năm nay, thực hiện Tháng hàng động vì BĐG và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, Sở VH-TT&DL đã xây dựng kế hoạch chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai các nội dung tuyên truyền xuống cơ sở. Trong thời gian tới, để tiếp tục nâng cao công tác BĐG, phòng chống BLGĐ, Sở VH-TT&DL tiếp tục tham mưu với tỉnh xây dựng kế hoạch, chương trình hoạt động cụ thể, thiết thực. Trong đó quan tâm đến công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành Luật Phòng chống BLGĐ trong đời sống.
Lưu Huy Linh Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL
Đa dạng hình thức truyền thông về bình đẳng giới
Hiện nay, Hội LHPN huyện Lạc Sơn có 364 chi hội với trên 21.000 hội viên. Thời gian qua, Hội thực hiện tốt công tác giám sát thực hiện Luật BĐG trên địa bàn. Hàng năm, Hội LHPN huyện lựa chọn 1 đến 2 xã, thị trấn để đánh giá tình hình thực hiện. Bên cạnh đó, với vai trò là thành viên Ban vì sự tiến bộ phụ nữ huyện, Hội LHPN phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH tổ chức tập huấn cho cán bộ, hội viên phụ nữ từ huyện đến cơ sở. Xác định công tác BĐG là hoạt động thường xuyên, Hội LHPN huyện đã tổ chức các hoạt động truyền thông. Trong đó đa dạng hóa hình thức tuyên truyền như: truyền thông thành cụm ở cơ sở, tổ chức các buổi văn hóa, văn nghệ lồng ghép với sân khấu hóa, phát tờ rơi, tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh của xóm… để tuyên truyền Luật BĐG, vì sự tiến bộ phụ nữ đến đông đảo hội viên và người dân. Thời gian tới, chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ kinh phí để đa dạng hóa các hình thức truyền thông, góp phần nâng cao nhận thức và hành động của cán bộ, người dân về công tác BĐG, phòng chống BLGĐ. Bùi Thị Ngợi Chủ tịch Hội LHPN huyện Lạc Sơn
Nam và nữ có vị trí, vai trò ngang nhau trong gia đình và xã hội Như chúng ta đã biết, BĐG là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó. Ngày nay, vai trò, vị trí của người phụ nữ trong xã hội nói chung và gia đình nói riêng đã được nâng lên rất nhiều so với trước. Tuy nhiên, xét về thực trạng vấn đề giới vẫn còn những bức xúc trong xã hội và gia đình như: Nạn bạo hành, xâm hại phụ nữ và trẻ em gái; phụ nữ ít có cơ hội được học tập, thăng tiến; phụ nữ phải lo toan hầu hết các công việc trong gia đình; vẫn còn tư tưởng trọng nam, khinh nữ trong quá trình sinh con, nuôi con, chăm sóc con cái, kế hoạch hóa gia đình… Tôi mong muốn, vấn đề BĐG, phòng chống BLGĐ tiếp tục được quan tâm. Mỗi thành viên gia đình phải được tôn trọng các quyền của cá nhân và đối xử công bằng theo quy định của pháp luật. Trong đó thực hiện BĐG trong gia đình là giải phóng phụ nữ, giải phóng một nửa của xã hội và góp phần xây dựng thể chế gia đình bền vững là điều quan trọng nhất. Hoàng Tùng Lâm Phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới (Sở LĐ-TB&XH)