(HBĐT) - Theo số liệu thống kê, chỉ tính riêng Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh, tổng số cán bộ, y, bác sỹ chuyển công tác và thanh lý hợp đồng năm 2018 là 24 người (tăng gấp đôi so với năm 2017), trong đó có 8 bác sỹ. Tại BVĐK thành phố Hòa Bình từ năm 2017 đến nay có 3 bác sĩ chuyển công tác và xin nghỉ việc... Vậy, nguyên nhân do đâu khiến tình trạng nhiều bác sỹ tại bệnh viện công lập chuyển công tác và xin thôi việc gia tăng.


 

Tạo môi trường làm việc phù hợp để các bác sỹ phát huy tối đa chuyên môn được đào tạo là một trong những giải pháp mang tính bền vững góp phần giải quyết vấn đề bác sỹ xin thôi việc tại các bệnh viện công lập. Ảnh chụp tại Khoa nhi - Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

 

Bác sỹ xin thôi việc tại cơ sở y tế công lập - chuyện như "cơm bữa”

BVĐK tỉnh là nơi tập trung đông nhất "chất xám” ngành Y tế của tỉnh. Năm 2017, có 12 trường hợp chuyển công tác và xin thôi việc, trong đó có 7 điều dưỡng, 3 bác sỹ. Năm 2018, trong 24 trường hợp thì có 8 trường hợp là bác sỹ, 12 điều dưỡng. Lý giải cho việc số lượng bác sỹ xin nghỉ việc, Giám đốc BVĐK tỉnh Lê Xuân Hoàng cho biết: "Hiện, bệnh viện được giao 582 giường bệnh, tuy nhiên, số bệnh nhân nhập viện luôn từ 700 người trở lên, lúc cao điểm lên đến hơn 800 bệnh nhân, gây áp lực không nhỏ cho các y, bác sỹ làm công tác khám, chữa bệnh tại đây. Tình trạng nhiều bác sỹ xin chuyển công tác và thôi việc chủ yếu do một số yếu tố là môi trường làm việc, thu nhập và hợp lý hóa hoàn cảnh gia đình”. Trong 11 bác sỹ chuyển công tác và xin thôi việc tại BVĐK tỉnh, có 9 trường hợp với lý do về thu nhập và môi trường làm việc, 2 trường hợp vì hợp lý hóa gia đình. Chẳng hạn như bác sỹ Tạ Hiền Nhi, khoa Nhi, nghỉ việc với lý do lương thấp và về gần nhà hợp lý hóa gia đình; Th.s - bác sỹ Nguyễn Đức Tiến, khoa Nội Tim mạch, chuyển công tác lên Bệnh viện lão khoa T.Ư do lương thấp; Th.s - bác sỹ Nguyễn Văn Lượng, khoa Ngoại Tiết niệu và Nam học, nghỉ việc do chuyển đến Bệnh viện tư tại Hà Nội lương cao, môi trường làm việc tốt hơn...

 Trao đổi với chúng tôi về lý do thôi việc tại BVĐK tỉnh, bác sỹ chuyên khoa II Bùi Minh Phúc, khoa Sản phụ khoa, BVĐK quốc tế Vinmec Hạ Long chia sẻ: "Tôi công tác tại khoa Sản, BVĐK tỉnh Hòa Bình từ năm 2009 - 2015. Sau khi nâng cao trình độ chuyên môn thành bác sỹ CK II, do môi trường làm việc tại bệnh viện tỉnh không phù hợp với cá nhân nên tôi quyết định chuyển đến Bệnh viện Hữu nghị Lạc Việt, một BVĐK tư nhân tại tỉnh Hưng Yên công tác. Đến tháng 6/2018, vì muốn tìm môi trường làm việc tốt hơn, thu nhập cao hơn, tôi chuyển đến làm việc tại khoa Sản phụ khoa, BVĐK Quốc tế Vinmec Hạ Long”.

Cùng thời điểm năm 2015, bác sỹ Bùi Minh Phúc chuyển công tác thì vợ anh là chị Phí Thị Lan Hương, điều dưỡng tại khoa Sản, BVĐK tỉnh cũng xin chuyển công tác với lý do hợp lý hóa gia đình để cùng chồng chuyển đến Bệnh viện Hữu nghị Lạc Việt làm việc. Sau đó một thời gian, chị tiếp tục chuyển đến BVĐK tư nhân Hưng Hà (Hưng Yên) công tác và định cư tại đây. Theo Giám đốc BVĐK tỉnh, các bác sỹ nghỉ việc hoặc chuyển công tác không ảnh hưởng quá lớn đến việc khám, chữa bệnh phục vụ nhân dân của toàn bệnh viện.

Tại BVĐK thành phố Hòa Bình, từ năm 2017 đến nay, có 3 bác sỹ chuyển công tác và xin thôi việc tại các khoa Chẩn đoán hình ảnh; liên khoa Răng - hàm - mặt, Tai - mũi -họng, Mắt; Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng. Việc bác sỹ xin nghỉ việc cũng gây ảnh hưởng nhất định. Cụ thể như trường hợp bác sỹ Dương Ngọc Hoàng, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh xin nghỉ từ tháng 3/2018 vì lý do gia đình. Bác sỹ Hoàng được bệnh viện cử đi đào tạo chuyên môn về đọc và chụp phim cắt lớp, nội soi dạ dày tá tràng. Từ khi bác sỹ Hoàng nghỉ việc, bác sỹ Cao Trần Tiến thay thế vị trí và đã được cử đi đào tạo xong trình độ chuyên môn bác sỹ Hoàng học trước đây nhưng do chưa đủ điều kiện nên chưa có chứng chỉ để thực hành. Hiện, máy nội soi dạ dày của BVĐK thành phố đang trong tình trạng "nằm ngủ” do bác sỹ mới thay thế chưa đủ điều kiện để vận hành sử dụng máy, gây hạn chế nhất định trong công tác khám, chữa bệnh của bệnh viện.

Sức hút từ cơ sở y tế tư nhân

Một lý do khác khiến nhiều bác sĩ rời bệnh viện công lập là sức hút của các cơ sở y tế tư nhân về môi trường làm việc khác hơn, nguồn thu nhập và tiền thưởng hấp dẫn hơn. Theo số liệu thống kê từ Sở Y tế, toàn tỉnh hiện có 139 cơ sở y tế tư nhân đang hoạt động khám, chữa bệnh có giấy phép. Trong đó có 11 phòng khám đa khoa; 82 phòng khám chuyên khoa bao gồm phòng khám nội, các phòng khám chuyên khoa phụ sản, ngoại, nhi, mắt, răng - hàm - mặt, tai - mũi -họng, da liễu; 5 phòng chẩn đoán hình ảnh; 28 phòng chuẩn trị y học cổ truyền và 13 cơ sở chữa bệnh bằng bài thuốc gia truyền. Trên địa bàn tỉnh mới chỉ có các phòng khám tư nhân chứ chưa có bệnh viện tư nhân như ở một số tỉnh, thành phố khác.

Nhiều bác sỹ nghỉ việc tại bệnh viện công lập để ra làm việc cho các cơ sở y tế tư nhân ở tỉnh, thành phố khác, như tại BVĐK tỉnh có bác sỹ Nguyễn Hải Sáng, khoa Nội Tim mạch, chuyển đến Bệnh viện tư nhân tại Hà Nội do lương cao. Hai vợ chồng bác sỹ Bùi Minh Phúc, khoa Sản chuyển ra bệnh viện tư nhân tại tỉnh Quảng Ninh và Hưng Yên. Bác sỹ Hà Thị Nga, khoa Sơ sinh và Bùi Thị Khuyên, khoa Nhi chuyển ra bệnh viện tư làm việc do lương cao hơn và nhiều chế độ ưu đãi hơn... Tại địa phương có bác sỹ Ninh Duy Sơn, khoa Răng - hàm - mặt, xin nghỉ việc chuyển ra ngoài mở phòng khám tư; bác sỹ Dương Ngọc Hoàng, khoa Chẩn đoán hình ảnh, BVĐK thành phố, chuyển ra phòng khám tư nhân...

Từ tháng 1/2017, các huyện trong tỉnh đồng loạt tiến hành sáp nhập Trung tâm Y tế dự phòng với Bệnh viện Đa khoa thành Trung tâm Y tế (TTYT) huyện. Đồng thời, các bệnh viện công lập đang đẩy mạnh thực hiện tự chủ tài chính và vấn đề này trở nên khó khăn khi số lượng bệnh nhân giảm; bệnh nhân chủ yếu khám, chữa bệnh bằng BHYT nên nguồn thu từ các dịch vụ y tế biến động, có xu hướng giảm, kéo theo thu nhập của bác sỹ bị ảnh hưởng. Tự chủ về tài chính, nhưng theo quy định, các cơ sở khám, chữa bệnh công lập vẫn trả lương cho cán bộ theo ngạch bậc và vị trí việc làm, chưa tính đến hiệu suất lao động thực tế nên khó khuyến khích sự nỗ lực trong công việc và tinh thần gắn bó của y, bác sỹ.

Đơn cử tại TTYT huyện Kỳ Sơn có 70 giường bệnh, thế nhưng số bệnh nhân chỉ khoảng 60 - 65 người, do bệnh nhân chủ yếu đến khám rồi chuyển thẳng lên bệnh viện tuyến tỉnh để điều trị. Nhiều trường hợp không khám tại đây mà lên thẳng bệnh viện tỉnh hay T.Ư khám và điều trị. Do lượng bệnh nhân ít, các dịch vụ y tế không được sử dụng nhiều nên không có nguồn thu nhập thêm cho các bác sỹ điều trị tại trung tâm.

Bác sỹ Hoàng Đại Tá, Giám đốc TTYT huyện Kỳ Sơn chia sẻ: "Bệnh nhân ít nên việc chi trả chế độ cho đội ngũ y, bác sỹ tại trung tâm không đảm bảo. Từ năm 2017 đến nay, trung tâm phải xin hỗ trợ kinh phí từ Sở Y tế để chi trả cho cán bộ y, bác sỹ mỗi quý khoảng 400 triệu đồng. Các phương tiện khám, chữa bệnh đã cũ nên việc khám, chữa bệnh cho bệnh nhân hạn chế. Trung tâm khó huy động nguồn vốn xã hội hóa nên chưa thể mua sắm trang thiết bị mới, hiện đại. Các bác sỹ trong trung tâm muốn đi học nâng cao chuyên môn đều không có nguồn kinh phí hỗ trợ mà phải tự đi học. Vì các y, bác sỹ làm việc tại trung tâm đa số là người địa phương nên Ban Giám đốc và Công đoàn cơ quan thường xuyên động viên họ bám trụ, làm việc, cống hiến cho cơ sở y tế của địa phương”.

Bác sỹ là trụ cột trong hoạt động khám, chữa bệnh của các cơ sở y tế công lập. Vì vậy, để giữ chân và thu hút bác sỹ có tay nghề cao về làm việc tại các bệnh viện công cần có những giải pháp trước mắt và lâu dài.

Đi tìm giải pháp bền vững

Năm 2010, nhằm đáp ứng nguồn nhân lực y tế tỉnh và khắc phục tình trạng thiếu bác sỹ ở các cơ sở y tế công lập, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 151/2010/ NQ-HĐND thông qua "Đề án đào tạo bác sỹ, dược sỹ đại học tuyến y tế cơ sở tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2010 - 2020”. Hơn nửa chặng đường thực hiện Nghị quyết số 151, tất cả các loại hình đào tạo đều không đạt theo kế hoạch, một số quy định trong Đề án không phù hợp với điều kiện thực tế.

Đến tháng 7/2015, HĐND tỉnh khóa XV ban hành Nghị quyết số 119/2015/NQ-HĐND sửa đổi bổ sung Nghị quyết số 151/2010/NQ-HĐND, đổi tên thành "Đề án đào tạo và thu hút bác sỹ phục vụ tại các cơ sở y tế công lập tỉnh Hòa Bình đến năm 2020”. Nghị quyết đã bổ sung khoản 4, mục II, phần II của Đề án quy định về chính sách thu hút bác sỹ chính quy về công tác tại tỉnh áp dụng với người có bằng tốt nghiệp bác sỹ hệ chính quy đối với nữ dưới 45 tuổi, nam dưới 50 tuổi (tính đến ngày nộp hồ sơ xin tuyển dụng), chỉ tiêu 128 bác sỹ. Chính sách thu hút được chia 3 mức và hưởng 1 lần sau khi có quyết định tuyển dụng của cơ quan có thẩm quyền. Cụ thể, công tác tại tuyến tỉnh, BVĐK thành phố Hòa Bình, TTYT dự phòng thành phố Hòa Bình được hỗ trợ 50 triệu đồng; công tác tại các huyện được 80 triệu đồng; công tác tại các xã đặc biệt khó khăn được 100 triệu đồng. Các bác sỹ được hưởng chính sách phải có đầy đủ các điều kiện theo quy định hiện hành của Nhà nước, chấp hành sự phân công công tác của cơ quan có thẩm quyền và cam kết làm việc tại tỉnh tối thiểu 10 năm trở lên. Ngày 25/12/2015, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 125 về thực hiện chính sách thu hút bác sỹ cho các cơ sở y tế công lập tỉnh Hòa Bình đến năm 2020 theo Nghị quyết số 119 của HĐND tỉnh. Theo đó đã xác định rõ mục tiêu, phạm vi, đối tượng, thời gian, kinh phí thực hiện và giao nhiệm vụ cụ thể cho các địa phương, cơ quan, đơn vị trong tỉnh.

Đồng chí Trần Quang Khánh, Giám đốc Sở Y tế cho biết: "Việc các bác sỹ xin chuyển công tác hoặc thôi việc ở các bệnh viện công lập chủ yếu do vấn đề thu nhập, nhất là thu nhập từ tư nhân nhiều hơn và hợp lý hóa hoàn cảnh gia đình, một phần do môi trường làm việc. Do đó, ngoài việc tiếp tục thực hiện Đề án đào tạo và thu hút bác sỹ, cần tập trung thực hiện các giải pháp nhằm khắc phục tình trạng trên bằng cách tạo môi trường làm việc phù hợp để các bác sỹ phát huy tối đa chuyên môn được đào tạo. Đảm bảo các chế độ, chính sách, tăng thu nhập cho cán bộ y, bác sỹ. Tăng thêm các dịch vụ phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân. Đặc biệt, ưu tiên tuyển dụng các bác sỹ đào tạo chính quy tốt nghiệp loại khá trở lên về làm việc tại bệnh viện tuyến tỉnh, các bác sỹ chính quy về tuyến huyện và các bác sỹ học chuyên tu, cử tuyển về tuyến xã”.

Dựa trên tình hình thực tế thì những giải pháp đó sẽ mang tính lâu dài, bền vững, là hướng đi đúng đắn để góp phần giải quyết câu chuyện bác sỹ xin thôi việc tại các bệnh viện công lập và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế của tỉnh.

 

Thanh Sơn



                   Cần có cơ chế tăng thu nhập tương xứng với áp lực công việc của các bác sỹ


Vấn đề bác sỹ tại các bệnh viện công lập xin thôi việc hay chuyển công tác đến nơi khác không còn là câu chuyện mới đối với ngành Y tế của tỉnh. Tuy nhiên, đây vẫn là bài toán khó cần có lời giải để tránh những khó khăn nhất định đối với công tác khám, chữa bệnh. Có thể thấy, đa số trường hợp nghỉ việc là các bác sỹ điều trị vì thu nhập không tương xứng với áp lực công việc hàng ngày. Do đó, họ thường tìm đến những nơi có môi trường làm việc tốt hơn, chế độ đãi ngộ cao hơn.

Với vai trò là hạt nhân trong ngành Y tế của tỉnh, để giữ chân bác sỹ, đặc biệt là các bác sỹ có tay nghề cao, tôi mong muốn các cấp ủy, chính quyền, ngành Y tế tỉnh có cơ chế phù hợp với điều kiện thực tế, giúp tăng thu nhập cho đội ngũ bác sỹ làm việc tại các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh. Tại các bệnh viện công lập cần có sự sáng tạo, thay đổi môi trường làm việc mới năng động, hiệu quả, thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng để tạo cơ hội cho các bác sỹ, nhất là bác sỹ đào tạo sau đại học phát huy khả năng để khẳng định bản thân. Đồng thời, tạo điều kiện hỗ trợ kinh phí cho các bác sỹ có nhu cầu học nâng cao trình độ chuyên môn phục vụ công tác khám, chữa bệnh lâu dài tại địa phương.

 

                          ( Phạm Kỳ Sơn - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa TP Hòa Bình)   



Mong muốn được khám, chữa bệnh từ các bác sỹ có trình độ cao tại bệnh viện công lập của địa phương

                

Đã ngoài 70 tuổi nên sức khỏe của tôi giảm sút, thường xuyên phải đến các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh để điều trị theo bảo hiểm y tế đã đăng ký. Vì gia đình thuộc địa bàn thành phố Hòa Bình nên tôi thường đến khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh hoặc Bệnh viện Đa khoa thành phố Hòa Bình. Tuổi cao, việc đi lại khám, chữa bệnh ở các bệnh viện tuyến Trung ương bất tiện nên tôi chỉ thăm khám tại địa phương.

Vì vậy, tôi mong muốn được khám, chữa bệnh bởi các bác sỹ có tay nghề, trình độ cao tại những bệnh viện công lập ở địa phương, vừa tiện cho việc đi lại và giúp cải thiện sức khỏe tốt hơn. Đây cũng là mong muốn của nhiều người dân có nhu cầu khám, chữa bệnh tại địa phương. Bởi không phải ai cũng đủ điều kiện, chi phí để đi lại khám, chữa bệnh tại các bệnh viện tuyến Trung ương. Nếu phải nằm viện điều trị tại bệnh viện công lập ở địa phương sẽ thuận tiện hơn cho người nhà chăm sóc bệnh nhân.

          

                           ( Nguyễn Văn Thi - Xóm Mỵ, xã Yên Mông (TP Hòa Bình))

                            

Các tin khác


Tinh gọn bộ máy ngành Y tế - giảm lượng cần song hành với nâng chất

(HBĐT) - Thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, nhất là theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 6 (khóa XII), ngành Y tế đã "bắt tay” triển khai. Bộ máy của ngành đã, đang và sẽ tiếp tục được tinh gọn. Thực tế cho thấy hiệu quả nhưng cũng phát sinh một số vấn đề cần quan tâm giải quyết.

Siết chặt hoạt động cầm đồ, cho vay nặng lãi

(HBĐT) - Dịch vụ cầm đồ là loại hình kinh doanh có điều kiện, hoạt động theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, thời gian gần đây, hoạt động kinh doanh cầm đồ diễn biến phức tạp, tác động xấu đến tình hình ANTT, gây bức xúc trong nhân dân.

Quyết liệt đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả

(HBĐT) - Đây là quyết tâm của Ban chỉ đạo (BCĐ) 389/ĐP tỉnh trong công tác lãnh, chỉ đạo đấu tranh trên "mặt trận” chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả đang diễn ra ngày càng tinh vi về phương thức và thủ đoạn. Theo đồng chí Nguyễn Bá Thức, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT), cơ quan thường trực BCĐ 389/ĐP tỉnh, quý IV là thời điểm cuối năm, nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng tăng cao, nhất là đối với mặt hàng rượu, bia, bánh, kẹo, thuốc lá và đồ điện lạnh, điện máy. Các đối tượng làm ăn phi pháp có thể lợi dụng dịp này để gia tăng các hành vi vi phạm.

Tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới

(HBĐT) - Nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế, tỉnh Hoà Bình đã và đang tích cực xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp. Từ đó từng bước góp phần nâng cao giá trị kinh tế, tăng thu nhập cho nhân dân, hướng đến mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng toàn diện, hiện đại và bền vững.

Để y tế cơ sở là nền tảng trong phòng bệnh, chăm sóc sức khoẻ

(HBĐT) - Y tế cơ sở là tuyến y tế ban đầu trong hệ thống chăm sóc sức khỏe nhân dân, có nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe, dự phòng và khám chữa bệnh (KCB). Trạm y tế xã, phường, thị trấn là tuyến y tế cơ sở gần dân nhất cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, giảm áp lực KCB cho tuyến trên. Nâng cao chất lượng y tế cơ sở là yêu cầu thực tiễn. Đây cũng là nội dung quan trọng trong Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của BCH T.ư Đảng, khóa XII về "Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới”.

Gỡ nút thắt trong kết nối cung - cầu lao động việc làm

(HBĐT) - Đồng chí Nguyễn Đức Cường, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH khẳng định: Việc làm là nhu cầu và hoạt động cơ bản tự thân của mỗi người nhưng lại là vấn đề có tính xã hội được cả cộng đồng quan tâm. Giải quyết việc làm và phát triển thị trường tốt nhằm góp phần phát triển KT-XH, giảm nghèo bền vững, ổn định an ninh chính trị, đảm bảo an sinh xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục