Thực trạng VTN/TN thiếu kiến thức về SKSS và hệ lụy
VTN/TN Việt Nam (nhóm dân số từ 10 - 14 tuổi, theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới) chiếm khoảng 22% dân số. Mặc dù đã nỗ lực truyền thông giáo dục, song tình trạng quan hệ sớm, quan hệ tình dục không an toàn, mang thai ngoài ý muốn và phá thai không an toàn, nguy cơ lây nhiễm bệnh tình dục, nhiễm HIV ở VTN/TN có xu hướng tăng.
Tại tỉnh ta, nạo phá thai đang là vấn đề "nóng”. Năm 2017, theo thống kê của Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh, tổng số ca phá thai là 1.296 ca (chiếm 9,3%). 9 tháng năm 2018, có 692 ca phá thai (chiếm 7,9%). Một thực tế diễn ra là VTN/TN phá thai "chui” tại các cơ sở y tế tư nhân. Chính vì vậy, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh không thống kê được số ca nạo, phá thai ở độ tuổi VTN/TN. Bên cạnh đó, tình trạng tảo hôn còn cao, năm 2018, toàn tỉnh xảy ra 301 trường hợp tảo hôn.
Đến xã Pà Cò (Mai Châu), chúng tôi gặp những đứa trẻ đang chơi đùa với nhau trong vườn đào, vườn mận. Hỏi người dân được biết trong số đó có những đứa trẻ bố, mẹ còn đang học THPT ở dưới huyện. Trẻ nhỏ được gửi ở nhà với ông bà, người thân. Xã Pà Cò là một trong những xã có tỷ lệ tảo hôn cao nhất tỉnh. Trong năm 2018, xã có 15 trường hợp tảo hôn. Nhiều đứa trẻ mới 13, 14 tuổi đã làm mẹ. Cứ thế những đứa trẻ ra đời khi cha, mẹ chúng còn đang tuổi "ăn chưa no, lo chưa tới” và chưa từng chuẩn bị tâm lý, kiến thức, kỹ năng, kinh tế của gia đình. Có những đôi mắt mọng nước với lời ru chưa tròn giai điệu, ở đó bầu trời thanh xuân chỉ còn là những ước mơ dang dở. Đây thực sự không còn là chuyện con cái "có lớn mà không có khôn” của mỗi gia đình mà thể hiện sự thiếu kiến thức, thiếu hiểu biết về chăm sóc SKSS VTN/TN.
Diễu hành hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về dân số và Ngày dân số Việt Nam 26/12 trên địa bàn TP Hòa Bình.
Ở độ tuổi VTN/TN rất thích khám phá năng lực bản thân, mở rộng thêm nhiều mối quan hệ mới. Nếu không được tuyên truyền đúng cách, các em rất dễ có các nguy cơ: quan hệ tình dục sớm, quan hệ tình dục không an toàn, dễ bị xâm hại tình dục dẫn đến mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, kể cả HIV/AIDS, mang thai ngoài ý muốn, phá thai không an toàn để lại một số hậu quả nghiêm trọng như sẩy thai, sinh thiếu cân, đẻ non, thai nhỏ so với tuổi thai; nhiễm trùng tử cung, thủng tử cung dẫn tới vô sinh, tử vong mẹ. Đây là gánh nặng cho bản thân, gia đình và xã hội. Mang thai ở tuổi VTN/TN cũng gây ảnh hưởng nặng nề đến phát triển thể chất và tâm sinh lý cũng như phát triển trí tuệ sau này.
Tích cực trang bị kiến thức về SKSS cho vị thành niên, thanh niên
Trước thực trạng VTN/TN không có kiến thức về chăm sóc SKSS, tỉnh ta thực hiện nhiều giải pháp, nhiều mô hình nhằm cung cấp kiến thức chăm sóc SKSS cho VTN/TN. Đồng chí Nguyễn Thị Minh Phương, Chi cục trưởng Chi cục DS/KHHGĐ tỉnh chia sẻ: Triển khai tháng hành động quốc gia về dân số và Ngày dân số Việt Nam 26/12 năm 2018 với chủ đề: "Chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên vì tương lai giống nòi”, ngành Dân số các cấp đã tập trung tuyên truyền sâu rộng, ưu tiên về SKSS VTN/TN, các bệnh lây truyền qua đường tình dục; tình dục an toàn; phòng tránh thai ngoài ý muốn và tác hại của nạo phá thai không an toàn. Tùy từng điều kiện, các cấp xây dựng hoạt động khác nhau. Tại cấp tỉnh, Chi cục DS/KHHGĐ phối hợp với Báo Hòa Bình, Đài PT-TH tỉnh xây dựng các chuyên mục, phóng sự tuyên truyền về nội dung thông điệp và chủ đề Ngày dân số Việt Nam 26/12 và Tháng hành động quốc gia về dân số.
Chi cục DS/KHHGĐ đã thành lập và duy trì 6 câu lạc bộ về chăm sóc SKSS VTN/TN tại 6 xã (Mỹ Thành, Miền Đồi, Tân Lập, Quý Hòa, Tuân Đạo, Ngọc Lương) thuộc 2 huyện Lạc Sơn, Yên Thủy. Bên cạnh đó, Chi cục phối hợp với các sở, ban, ngành để truyền thông, giáo dục về SKSS VTN/TN.
Tỉnh Đoàn tổ chức truyền thông về SKSS, phổ biến giáo dục pháp luật cho VTN/TN. Năm 2018, tổ chức 29 cuộc truyền thông với trên 30.000 lượt ĐV-TN tham gia; thành lập được 112 câu lạc bộ gia đình trẻ phát triển bền vững trên địa bàn dân cư, trong các khu công nghiệp… tiêu biểu như mô hình gia đình trẻ phát triển bền vững tại xã Bắc Phong (Cao Phong), Dân Hạ (Kỳ Sơn), Trung Minh (thành phố Hòa Bình), CLB tiền hôn nhân tại khu công nghiệp huyện Lương Sơn.
Ngoài ra, Tỉnh Đoàn còn tổ chức hội thảo, cuộc thi sân khấu hóa, các đêm giao lưu văn nghệ nhằm đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, vận động thanh niên thực hiện tốt công tác chăm sóc SKSS. Trên 200 cán bộ Đoàn chủ chốt các huyện, xã, phường, thị trấn được đào tạo kỹ năng truyền thông thay đổi hành vi về dân số và chăm sóc SKSS. Tập huấn lồng ghép để phổ biến kiến thức về SKSS cho 2.700 lượt thanh, thiếu niên tham gia; tổ chức 15 buổi sinh hoạt ngoại khóa cho 1.230 lượt cán bộ đoàn và ĐVTN thuộc 20 trường THCS và THPT. Với việc tích cực thực hiện truyên thông, giáo dục SKSS cho VTN/TN đã góp phần nâng cao nhận thức cho VTN/TN về SKSS.
Để thực hiện Nghị quyết số 21 - NQ/TW của BCH Trung ương khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 101/KH - UBND ngày 16/7/2018, trong đó phấn đấu đến năm 2025, 75% VTN/TN hiểu biết cơ bản về một số vấn đề DS/ KHHGĐ; giảm 2/3 trẻ VTN/TN có thai ngoài ý muốn; 70% nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước hôn nhân; giảm tỷ lệ tảo trên 1,5 - 2%/năm.
Cần trang bị cho vị thành niên, thanh niên kiến thức về sức khỏe sinh sản VTN/TN còn thiếu, thậm chí nhiều người không có kiến thức về SKSS. Chính vì vậy, cần trang bị cho các em những kiến thức, kỹ năng cụ thể như: từ chối tình dục, tránh những môi trường tạo điều kiện quan hệ tình dục không lành mạnh. Ở trường học cần tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt theo chủ đề. Các thầy, cô giáo tùy từng nội dung có thể nam, nữ học riêng. Tại nhà, bố mẹ dành thời gian trò chuyện, tâm sự giữa mẹ với con gái, bố với con trai. Đây là chìa khóa giúp trẻ biết cách bảo vệ mình, giữ gìn bản thân khi người khác có động tác đụng chạm, người lạ rủ đi chơi… Đặc biệt, trang bị cho con gái lứa tuổi VTN/TN kỹ năng biết từ chối trước những đòi hỏi hoặc dụ dỗ từ người yêu; cách ứng xử hợp lý trong mọi tình huống để tránh những nguy cơ xấu. Bác sỹ Bùi Thị Dậu Phó Giám đốc Trung tâm chăm sóc SKSS tỉnh |
Tăng cường tuyên truyền về sức khỏe sinh sản cho học sinh VTN/TN chủ yếu học tập tại trường THCS và THPT. Ở độ tuổi này các em thích khám phá và chinh phục những điều mới lạ trong tình yêu nhưng chưa có kiến thức về tình yêu, giới tính, hôn nhân. Chính vì vậy, ngành Dân số cần phối hợp chặt chẽ với các trường học để tuyên truyền về SKSS cho học sinh. Nhà trường phải đa dạng các hình thức tuyên truyền cho học sinh về SKSS. Nội dung tuyên truyền tại nhà trường cần đúng trọng tâm như: hệ lụy của tảo hôn, cách phòng tránh mang thai ngoài ý muốn, giải pháp để tránh lạm dụng tình dục, phòng tránh bệnh lây truyền qua đường tình dục. Thầy, cô giáo phải cởi mở, đưa giáo dục giới tính, SKSS trở thành nội dung bắt buộc để học sinh không ngần ngại, xấu hổ khi đề cập tới SKSS. Thầy, cô cần tìm tòi, nghiên cứu, tham khảo ý kiến chuyên gia để ra các bộ đề thi trắc nghiệm nhằm khảo sát và đánh giá nhận thức, hiểu biết của học sinh, từ đó có những điều chỉnh hợp lý trong cách tiếp cận và giảng dạy. Hà Thị Dậu Giám đốc Trung tâm DS/KHHGĐ huyện Mai Châu |
Nhiều hệ lụy từ việc vị thành niên - thanh niên mang thai ngoài ý muốn Hiện nay, xã hội vẫn còn định kiến với vấn đề mang thai ngoài ý muốn. VTN/TN mang thai ngoài ý muốn bị mọi người chê trách, dè bỉu. Bạn bè cùng trang lứa nói xấu, gia đình người thân quát mắng. Những thái độ đó ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý của người mang thai. Nhiều bạn trẻ mang thai ngoài ý muốn có tâm lý hoang mang, sợ hãi dẫn đến tử tự hoặc suy nghĩ nhiều, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của thai nhi. Định kiến của xã hội khiến VTN/TN mang thai ngoài ý muốn không dám thông báo với gia đình, bạn bè mà tự đến các cơ sở y tế tư nhân để phá thai chui ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người mẹ. Sau khi phá thai không được chăm sóc chu đáo có thể dẫn tới nhiễm trùng tử cung, thủng tử cung, nguy hiểm hơn là vô sinh. Trần Thị Huệ Xã Sủ Ngòi (TP Hòa Bình) |
Mong muốn sự chia sẻ từ bố, mẹ Em rất cần sự chia sẻ từ bố, mẹ và người thân trong gia đình. Mặc dù ở trường, chúng em được thầy, cô giáo cung cấp những kiến thức về giới tính. Tuy nhiên, tâm lý của đa số học sinh vẫn còn e ngại, xấu hổ với thầy cô, bạn bè nên chưa dám chia sẻ những suy nghĩ, thắc mắc của mình về giới tính. Có thầy, cô nghiêm cấm học sinh thích bạn khác giới. Em không thể tự giải thích được những thắc mắc của mình nên cần sự chia sẻ của bố, mẹ về giới tính, về bạn khác giới và mối nguy hiểm của các mối quan hệ bạn bè không lành mạnh. Bố, mẹ thấu hiểu sẽ dạy cho em cách xử lý những tình huống không lành mạnh để không bị ảnh hưởng đến tình bạn. Bùi Bình Phương Linh Học sinh lớp 8, trường THCS Lê Quý Đôn (TP Hòa Bình) |