(HBĐT) - Sau nhiều năm triển khai, tuyến đường Hòa Lạc - Hòa Bình đã đưa vào khai thác, mở ra cơ hội lớn phát triển KT-XH của tỉnh và khu vực. Tuy nhiên đang xuất hiện tình trạng san đất, xây dựng dọc 2 bên tuyến đường. UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng và chính quyền địa phương tham mưu triển khai các giải pháp quản lý mốc giới, hành lang an toàn giao thông (HLATGT) đường Hòa Lạc - Hòa Bình và mốc giới trong phạm vi quy hoạch đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình trong tương lai.


Hoạt động san hạ đồi diễn ra dọc tuyến đường Hòa Lạc- Hòa Bình

Tình trạng san đất, xây dựng dọc tuyến đường

Tuyến đường Hòa Lạc - Hòa Bình dài gần 26 km, trong đó qua địa bàn tỉnh 19,3 km, đi qua các xã: Yên Quang, Phúc Tiến, Mông Hóa, Dân Hạ, thị trấn Kỳ Sơn (huyện Kỳ Sơn) và xã Trung Minh (TP Hòa Bình). Từ khi đi vào khai thác đến nay đã xuất hiện tình trạng có nhiều xe quá khổ, quá tải chở đất, đá lưu thông với tốc độ lớn, gây mất an toàn giao thông. Cùng với đó là tình trạng nhiều tổ chức, cá nhân khai thác, san hạ đất, xây dựng diễn ra khá sôi động dọc tuyến đường. Dọc hai bên đường Hòa Lạc có nhiều tổ chức, cá nhân cố tình san hạ, đào mái taluy dương, tự ý đấu nối vào tuyến đường, nhất là các khu vực thôn Trung Mường, Chằm Cun, xã Yên Quang; thôn Quyết Tiến, xã Phúc Tiến; xóm Nút, xã Dân Hạ… Ngoài ra, là tình trạng xe chở đất, đá lưu thông với tốc độ lớn gây mất an toàn giao thông và vệ sinh trên tuyến đường…

Ông Bùi Quang Bát, Giám đốc Công ty TNHH BOT QL 6 - Hòa Lạc - Hòa Bình cho biết: Để bảo đảm an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, quản lý mốc giới quy hoạch đường Hòa Lạc- Hòa Bình, Công ty đã đề nghị các địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý các phương tiện chở quá tải trọng lưu thông; kiểm tra, rà soát, có biện pháp xử lý tổ chức, cá nhân khai thác đất dọc tuyến đường không vệ sinh môi trường, cố tình đào phá mái taluy dương, tự ý đấu nối vào tuyến đường. Ông Bát cũng cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT, Công ty đã cắm mốc quy hoạch giải phóng mặt bằng phạm vi mở rộng thành đường cao tốc và đề nghị các địa phương quản lý quy hoạch đã được cắm mốc.

Ngày 6/4/2016, Bộ GTVT có Văn bản số 3790/BGTVT-CQLXD về chủ trương cắm cọc giải phóng mặt bằng tuyến cao tốc Hòa Lạc – Hòa Bình theo quy mô đường cao tốc hoàn chỉnh. Theo đó, Bộ GTVT đã chấp thuận chủ trương và giao cho Công ty TNHH BOT QL6 – Hòa Lạc – Hòa Bình tổ chức thực hiện công tác lập hồ sơ và cắm cọc chỉ giới, cọc giải phóng mặt bằng (GPMB) đường Hòa Lạc – Hòa Bình theo quy mô đường cao tốc hoàn chỉnh để bàn giao cho các địa phương quản lý. Phạm vi cắm cọc hành lang an toàn giao thông đường (HLATĐB) được căn cứ điều 15, Nghị định số 100/2013/NĐ-CP ngày 3/9/2013 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 11/2010. Theo đó, phạm vi cắm cọc (HLATĐB) như sau: Đối với đường cao tốc ngoài đô thị là 17 m, tính từ đất của đường bộ ra mỗi bên, khi có đường gom tính từ cọc GPMB của đường gom ra 4 - 9m (tương ứng từ cấp VI-cấp IV), 20 m tính từ mép ngoài của kết cấu ngoài cùng ra mỗi bên đối với cầu cạn và hầm. Đối với đường đô thị, giới hạn HLATĐB là chỉ giới đường đỏ theo quy hoạch.

Theo rà soát của cơ quan chức năng, tổng diện tích mặt bằng sử dụng tuyến cao tốc tăng thêm so với giai đoạn 1 khoảng 159,25 ha, gồm: Đất sản xuất nông nghiệp 25,13 ha, đất lâm nghiệp61,85 ha, đất ở 64,45 ha, đất giao thông 3,45 ha, đất suối và kênh mương là 2,15 ha, đất nghĩa địa 1,25 ha, đất quốc phòng 0,97 ha. Trong số diện tích tăng thêm so với giai đoạn 1 của dự án thì diện tích đã giải phóng mặt bằng còn lại từ nhà đầu tư BT là 45,3 ha (TP Hòa Bình 7,3ha, huyện Kỳ Sơn 38ha). Diện tích đất phải bổ sung giải phóng mặt bằng để xây dựng cao tốc 56 ha. Diện tích hạn chế quyền sử dụng đất do cắm cọc HLATGT: 57,88 ha. Cũng theo rà soát, về cơ bản các dự án dọc tuyến đường Hòa Lạc- Hòa Bình được bố trí ngoài phạm vi cọc (HLATGTĐB), nhưng cũng có một số dự án được bố trí sát tuyến đường cần phải rà soát để điều chỉnh nhằm bảo đảm an toàn theo quy định. Nhằm quản lý mốc giới HLATGT, UBND tỉnh giao các ngành chức năng tham mưu thực hiện các giải pháp tăng cường quản lý, xử lý vi phạm mốc lộ giới, hành lang đường Hòa Lạc- TP Hòa Bình và mốc quy hoạch đường cao tốc Hòa Lạc- Hòa Bình.

Quy trách nhiệm khi xảy ra xây dựng, san mặt bằng trái phép

Ông Trần Thanh Tùng, Trưởng Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Kỳ Sơn cho biết: Theo quy định của pháp luật thì chính quyền địa phương có vai trò quan trọng trong quản lý các hoạt động xây dựng, đất đai, HLATGT . Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước ở địa phương, ngày 26/9/2018, UBND huyện Kỳ Sơn đã ban hành Văn bản số 1070/UBND-KTHT về việc quản lý cọc giải phóng mặt bằng và hoạt động xây dựng dọc hai bên tuyến đường Hòa Lạc- Hòa Bình, yêu cầu các cơ quan liên quan và UBND các xã: Yên Quang, Phúc Tiến, Mông Hóa, Dân Hạ, thị trấn Kỳ Sơn phối hợp thực hiện công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực chuyên môn. Trong đó nhấn mạnh: UBND các xã, thị trấn dọc tuyến đường có trách nhiệm tiếp nhận và quản lý các cọc giải phóng mặt bằng đã được bàn giao; quản lý hành lang giao thông và hoạt động xây dựng dọc hai bên tuyến đường Hòa Lạc- Hòa Bình. Phối hợp với Hội đồng bồi thường hỗ trợ và tái định cư huyện rà soát, đánh giá chi tiết giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và phần diện tích đất đã được đề bù, giải phóng mặt bằng của toàn bộ các hộ gia đình dọc hai bên tuyến đường, báo cáo bằng văn bản gửi các Phòng Kinh tế - hạ tầng, TN&MT, NN&PTNT, Hội đồng bồi thường hỗ trợ và tái định cư trước ngày 15/11 để quản lý. Xây dựng kế hoạch phân công trách nhiệm cụ thể trong việc quản lý cọc giải phóng mặt bằng và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân, kịp thời phát hiện,ngăn chặn không để tình trạng các tổ chức, cá nhân trên địa bàn vi phạm kết cấu hạ tầng giao thông, tự ý san lấp mặt bằng, xây dựng nhà cửa, lều quán trái phép trong phạm vi giới hạn của cọc GPMB dọc hai bên tuyến đường Hòa Lạc- Hòa Bình.

Đối với các trường hợp đã tự ý xây dựng trái phép trong phạm vi cọc giải phóng mặt bằng và đã được đền bù giải phóng mặt bằng , yêu cầu, các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động người dân tự giác tháo dỡ trả lại nguyên trạng ban đầu và có biện pháp xử lý theo quy định. Chủ tịch UBND các xã, thị trấn chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng tự ý san lấp mặt bằng, xây dựng nhà cửa, lều quán trái phép trong phạm vi giới hạn cọc giải phóng mặt bằng và vi phạm hành lang giao thông dọc 2 bên tuyến đường Hòa Lạc - Hòa Bình. Đảng ủy, HĐND các xã, thị trấn coi việc quản lý GPMB và hoạt động xây dựng dọc 2 bên tuyến đường Hòa Lạc- Hòa Bình là nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền, vận động nhân dân trên địa bàn không vi phạm kết cấu hạ tầng giao thông, không tự ý san lấp mặt bằng, không xây dựng lều quán trái phép trong phạm vi giới hạn của cọc giải phóng mặt bằng dọc 2 bên tuyến đường Hòa Lạc- Hòa Bình. MTTQ và các tổ chức đoàn thể vận động hội viên, đoàn viên cơ sở gương mẫu chấp hành, tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.


Một khu đất vừa được tôn cao ngang mặt đường Hòa Lạc- Hòa Bình

Bí thư Đảng ủy xã Yên Quang Lý Bình Thạch cho biết: Đường Hòa Lạc- Hòa Bình qua địa bàn xã Yên Quang dài khoảng 6 km, đi qua các xóm: Trung Mường 1, 2, xóm Rợn và Mùn 5. Từ khi tuyến đường được đưa vào sử dụng đã xuất hiện tình trạng san đất, xây dựng dọc tuyến đường. Theo chỉ đạo của tỉnh và huyện, xã đang triển khai công tác tuyên truyền người dân không tự ý san gạt, xây dựng, thực hiện rà soát phạm vi quy hoạch 2 bên đường để tổ chức quản lý. Trên địa bàn xã đã giải phóng mặt bằng một phần theo quy hoạch của đường cao tốc từ nhà đầu tư trước, hiện người dân đang tận dụng trồng hoa màu. Xã đã tổ chức ký cam kết đối với các hộ dân trả lại đất khi Nhà nước trưng dụng sau này. Xã đang rà soát các hoạt động xây dựng, san hạ đất, kiên quyết đình trì vi phạm mốc giải phóng mặt bằng theo quy hoạch. Tuy nhiên, việc quản lý hoạt động xây dựng rất khó khăn vì từ trước tới nay, khi xây dựng nhà ở nông thôn, người dân chưa quen làm các thủ tục xây dựng, thường xây nhà chỉ báo với chính quyền chứ không phải xin phép. Mặt khác nhu cầu tách hộ, chuyển đổi đất, tách thửa của người dân rất lớn, trong khi đó dự thảo của cơ quan tài nguyên không cho chuyển đổi mục đích sử dụng đất đã được cấp. Xã cũng mong muốn các dự án đầu tư trên địa bàn sớm triển khai để thúc đẩy KT-XH địa phương. 

LC


Xử lý vi phạm lấn chiếm hành lang đường Hòa Lạc- Hòa Bình

Trước tình trạng người dân tự ý đào phá kết cấu công trình, xâm phạm đất đường bộ trên tuyến đường Hòa Lạc - Hòa Bình, ngày 5/11/2018, Bộ GTVT ban hành Văn bản số 12517/BGTVT-KCHT đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan hỗ trợ nhà đầu tư là Công ty TNHH BOT QL 6- Hòa Lạc- Hòa Bình trong công tác bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ; xử lý các hành vi vi phạm lấn chiếm hành lang đường Hòa Lạc- Hòa Bình; đồng thời tuyên truyền, phổ biến cho các tổ chức, cá nhân thực hiện các quy định của pháp luật bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ như: Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/2/2010 của Chính phủ, Nghị định số 100/2020/NĐ-CP ngày 3/9/2013 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP; Thông tư số 50/TT-BGTVT ngày 23/5/2015 của Bộ GTVT về hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP. Công văn yêu cầu Nhà đầu tư chịu trách nhiệm thực hiện công tác quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; đồng thời phải có biện pháp bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và HLATGTĐB theo quy định; chủ động phối hợp với chính quyền địa phương các cấp, kiểm tra thường xuyên, phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm lấn chiếm (HLATĐB) để xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định. Bộ GTVT giao Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông chỉ đạo nhà đầu tư và đơn vị tư vấn rà soát, khôi phục lại toàn bộ hệ thống mốc lộ giới, cọc giải phóng mặt bằng, phạm vi giới hạn đất của đường bộ và HLATGTĐB đã được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư xây dựng tại Quyết định số 1393/QĐ-BGTVT ngày 16/4/2014 để bàn giao cho nhà đầu tư theo quy định.


Các tin khác


Bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại

(HBĐT) - Xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em là vấn nạn không mới nhưng cũng chưa bao giờ là cũ khi vụ việc vẫn thường xảy ra. Các hành vi XHTD trẻ em đều gây tổn thương, hậu quả nặng nề, lâu dài về cả thể chất, tâm lý và sức khỏe của trẻ. Bởi vậy, bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị XHTD là vấn đề cần quan tâm, trách nhiệm của toàn xã hội.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu quả bộ máy chính quyền

(HBĐT) - Với sự tập trung chỉ đạo các nội dung cải cách hành chính (CCHC), tỉnh ta đã đạt được những kết quả quan trọng. Ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, hiệu quả bộ máy chính quyền được cải thiện, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương. Tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, tỉnh đang tập trung chỉ đạo các giải pháp siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy dịch vụ công, trách nhiệm cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC); phát huy trách nhiệm của người đứng đầu trong điều hành, quản lý thực thi công vụ, xây dựng chính quyền đồng hành phục vụ doanh nghiệp và người dân. 

“Phòng hỏa hơn cứu hỏa” trong cao điểm nắng nóng

(HBĐT) - Mùa nắng nóng đang bước vào giai đoạn cao điểm. Lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), Công an tỉnh khuyến cáo người dân nâng cao hơn nữa ý thức phòng ngừa.

Tìm giải pháp cải thiện chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công

(HBĐT) - Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) là công cụ theo dõi thực thi chính sách, phản ánh của người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công (DVC) của chính quyền các cấp; là kênh tham khảo của các địa phương trong quản lý nhà nước, thực hiện chính sách, nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Năm 2022, chỉ số PAPI của tỉnh xếp thứ 43/63 tỉnh, thành phố, giảm 24 bậc so với năm 2021, nằm trong nhóm trung bình thấp. Tỉnh đang tập trung các giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao chỉ số PAPI năm 2023 và những năm tiếp theo.

Để hạn chế tình trạng cưỡng chế thi hành án dân sự

(HBĐT) - Thực hiện công tác thi hành án dân sự (THADS), mỗi năm toàn tỉnh thụ lý giải quyết từ 4.600 - 4.800 vụ việc. Số án năm sau cao hơn năm trước cả về số lượng và giá trị, nguyên nhân do số lượng vụ việc tranh chấp tăng. Những năm qua, xác định công tác THADS là một trong những nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần ổn định xã hội, Cục THADS tỉnh đưa ra nhiều giải pháp nhằm tạo sự chuyển biến cơ bản trong công tác này. Tuy nhiên, vẫn còn không ít bản án, quyết định có hiệu lực thi hành nhưng không được tự nguyện thi hành và phải cưỡng chế THADS.

Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội

(HBĐT) - Giám sát, phản biện xã hội (GS, PBXH) là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội (CT-XH). Quyền này được quy định trong Hiến pháp, Luật MTTQ Việt Nam và được cụ thể hoá bằng các quyết định, chỉ thị, quy định của Đảng. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành các chỉ thị, kết luận về công tác này. Việc thực hiện góp phần tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Tuy nhiên, GS,PBXH của MTTQ và các tổ chức CT-XH còn những hạn chế, cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả nhằm đáp ứng kỳ vọng của Đảng và mong đợi của Nhân dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục