(HBĐT) - Không bao lâu nữa là đến Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, thị trường hàng hóa đã sôi động. Các lực lượng liên ngành, nòng cốt là quản lý thị trường (QLTT) tăng cường thực thi nhiệm vụ, mở cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường dịp trước, trong và sau Tết.


Buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả tiếp tục diễn biến phức tạp

Đó là nhận định của Ban chỉ đạo 389/ĐP tỉnh qua quá trình trinh sát, nắm bắt, dự báo tình hình của các lực lượng liên ngành. Buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả tiếp tục diễn ra với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, gây khó khăn trong công tác phát hiện, bắt giữ và xử lý. Các đối tượng lợi dụng những bất cập và kẽ hở trong cơ chế, chính sách để thực hiện hành vi buôn lậu, trốn thuế. Thêm vào đó, tình hình kinh tế khó khăn, nhất là vốn cho sản xuất, điều kiện thời tiết phức tạp, dịch bệnh gia súc, gia cầm diễn biến theo hướng không thuận lợi tiếp tục tạo sức ép đối với mục tiêu bình ổn giá cả thị trường.

Kể từ tháng 12/2018 đến trung tuần tháng 1/2019, lực lượng QLTT đã phối hợp với các đơn vị thành viên Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả kiểm tra, phát hiện và xử lý nhiều vụ việc, điển hình như: Phối hợp với Công an tỉnh, Đội QLTT số 6 chống buôn lậu kiểm tra chi nhánh Công ty CP thực phẩm sạch HTT Hà Nội tại địa chỉ thôn Đồng Quýt, xã Hòa Sơn (Lương Sơn), phát hiện vi phạm trong lĩnh vực ATTP đối với hàng hóa là bim bim. Với hành vi trên, Cục QLTT đã trình UBND tỉnh ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính 242 triệu đồng, đình chỉ hoạt động của cơ sở trong 6 tháng.

Đội QLTT số 2 phối hợp với đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, ma túy Công an huyện Lương Sơn kiểm tra xe ô tô BKS 60C - 353.74 do ông Trần Thủy Nguyên là giám đốc, địa chỉ khu Hợp Thành, phường Phương Nam, thành phố Uông Bí (Quảng Ninh) vi phạm hành vi buôn bán hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu và kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ. Với vi phạm trên, chủ hàng bị lực lượng chức năng tịch thu 120 bao thuốc lá ngoại, 70 chai rượu và hàng thực phẩm các loại (sa tế, mì tôm, cháo ăn liền...).


Đoàn kiểm tra liên ngành Công an, Quản lý thị trường kiểm tra việc lưu thông hàng hóa Tết trên tuyến QL 6 thuộc địa phận tỉnh.

Tổng mức xử phạt tiền 54 triệu đồng, trong đó 30 triệu đồng đối với hành vi buôn bán hàng cấm, 24 triệu đồng đối với hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc.

Liên tiếp sau đó, Đội QLTT số 2 phối hợp với đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, ma túy Công an huyện Lương Sơn kiểm tra xe ô tô BKS 30F 6135 có hành vi vi phạm vận chuyển rượu do Việt Nam sản xuất nhưng không dán tem sản phẩm rượu sản xuất trong nước theo quy định. Lực lượng đã tịch thu hơn 800 chai rượu các loại, bao gồm 750 chai rượu vang nho và 54 chai rượu vang nổ. Đội QLTT số 6 chống buôn lậu đã phối hợp với Công an tỉnh kiểm tra Chi nhánh doanh nghiệp tư nhân Quân Tám, địa chỉ xã Liên Sơn (Lương Sơn), ngành nghề sản xuất, kinh doanh men rượu vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, lập biên bản và phạt vi phạm hành chính 66 triệu đồng; kiểm tra lô hàng thực phẩm là mứt Tết các loại đang lưu thông trên QL6. Qua kiểm tra, phát hiện trên bao bì hàng hóa không ghi đầy đủ các chi tiêu công bố theo quy định, xử phạt vi phạm hành chính 1,2 triệu đồng.

Mở cao điểm đấu tranh, kiểm tra, kiểm soát thị trường

Ban Chỉ đạo 389/ĐP tỉnh vừa ban hành kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Cùng thời điểm, Cục QLTT yêu cầu các đội mở đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi.

Theo đó, Ban chỉ đạo 389/ĐP tỉnh yêu cầu và giao các sở, ngành thành viên Ban chỉ đạo, UBND các huyện, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ, địa bàn được phân công quản lý có trách nhiệm tăng cường chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị trực thuộc nắm vững tình hình thị trường, tổ chức lực lượng, phương tiện nghiệp vụ để kiểm soát chặt chẽ, đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng cấm. Công tác kiểm tra, kiểm soát đồng bộ trên phạm vi toàn tỉnh, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung kiểm tra các trung tâm, siêu thị, chợ, kho tàng, bến bãi, các đầu mối giao thông đường thủy, đường bộ, điểm đi, điểm đến nơi tập kết hàng hóa. Tăng cường các biện pháp nghiệp vụ tuần tra, kiểm soát chặt chẽ những tuyến địa bàn trọng điểm. Thanh, kiểm tra, đấu tranh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến nhóm hàng cấm (ma túy, vũ khí, chất nổ, tài liệu phản động, động vật hoang dã, pháo, máy móc thiết bị đã qua sử dụng...), các mặt hàng tiêu dùng nhiều trong dịp Tết, hàng hóa ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống nhân dân, sản xuất, môi trường (thực phẩm, tân dược, mỹ phẩm, phụ gia thực phẩm, chất cấm trong chế biến thực phẩm, phân bón, thuốc BVTV, hóa chất và các loại chất cấm trong thức ăn chăn nuôi...), các mặt hàng có thuế suất cao, tiêu thụ đặc biệt, hàng ảnh hưởng đến nền kinh tế (thuốc lá, rượu, xăng dầu...).


Việc kiểm tra đảm bảo ATTP dịp Tết sẽ được lực lượng chức năng tập trung vào mặt hàng thực phẩm tươi sống. Ảnh chụp tại chợ Thái Bình (thành phố Hòa Bình).

Chủ động, tích cực trong công tác đấu tranh, lực lượng QLTT đã triển khai đợt 1 cao điểm kiểm tra, kiểm soát đối với những mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu dùng lớn trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, kiểm tra, xử lý hoạt động vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu, hàng cấm, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, việc thực hiện các quy định của pháp luật về giá, đo lường, chất lượng và công tác đảm bảo ATTP. Hành vi vi phạm trong lĩnh vực xúc tiến thương mại, thương mại điện tử và các hình thức kinh doanh thông qua công nghệ số... Thông qua đó, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý. Đảm bảo ổn định thị trường để phục vụ nhu cầu Tết cho nhân dân.

Theo đồng chí Nguyễn Bá Thức, quyền Cục trưởng Cục QLTT, ở đợt cao điểm này, lực lượng QLTT đẩy mạnh phối hợp với các cơ quan QLNN, các lực lượng chức năng chủ động nắm tình hình cung - cầu hàng hóa và giá cả, lượng hàng dự trữ của các đơn vị kinh doanh đóng trên địa bàn, nhất là đối với những mặt hàng thiết yếu dịp Tết, qua đó phát hiện những vấn đề bức xúc, nổi cộm để có giải pháp xử lý kịp thời. Tăng cường quản lý, giám sát, giữ kỷ luật, kỷ cương trong thực thi nhiệm vụ, nâng cao vai trò, trách nhiệm, đồng thời xử lý vụ việc kiên quyết, không có "vùng cấm". Kết quả thực hiện đợt cao điểm kể từ đầu tháng 1/2019 đến nay, lực lượng QLTT đã kiểm tra 125 vụ, xử lý vi phạm hành chính 85 vụ, phạt vi phạm hành chính gần 420 triệu đồng.


Không để xảy ra điểm nóng về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả

Để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, Công an tỉnh đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, Công an các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch, xác lập chuyên án đấu tranh, triệt phá các đường dây, ổ nhóm, tụ điểm buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Kịp thời bắt giữ và xử lý nghiêm các đối tượng chủ mưu, cầm đầu, các đối tượng buôn bán, vận chuyển hàng cấm, nhập lậu, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, vệ sinh an toàn thực phẩm... trên địa bàn, không để xảy ra điểm nóng về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Công an tỉnh sẵn sàng hỗ trợ các lực lượng chức năng trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, chống người thi hành công vụ, đặc biệt là vi phạm hoạt động kinh doanh thương mại trên khâu lưu thông hàng hóa. Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường thủy, Cảnh sát trật tự... phối hợp, hỗ trợ các lực lượng khi có đề nghị.

Phạm Văn Sử

Phó Giám đốc Công an tỉnh


Xử lý nghiêm hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp

Tham gia tích cực trong đấu tranh xử lý các hành vi buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, trong năm 2018, ngành NN & PTNT đã tiến hành thanh, kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất 82 cơ sở, xử lý vi phạm hành chính 25,6 triệu đồng, đình chỉ 1 cơ sở kinh doanh thuốc BVTV trong thời gian 1 tháng.

Để góp phần ổn định thị trường dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019, Sở NN & PTNT chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi phạm trong sản xuất, kinh doanh mặt hàng phân bón, thuốc BVTV, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi. Tăng cường thanh, kiểm tra về VSATTP trong quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm tươi sống, sản phẩm thực phẩm tươi sống sản xuất trong nước và nhập khẩu, công khai kịp thời kết quả xử lý theo quy định.

Bên cạnh đó, Sở chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Chi cục Kiểm lâm phối hợp với các ngành liên quan kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán gia súc, gia cầm; kiểm tra, xử lý nghiêm việc vận chuyển, khai thác, buôn bản lâm sản, động vật hoang dã trái pháp luật.

Vương Đắc Hùng

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT

 

Tập trung thanh, kiểm tra về an toàn thực phẩm

Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm được giao phối hợp với các ngành, cơ quan liên quan tăng cường thanh tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về ATTP thuộc ngành Y tế quản lý. Trong đó, tập trung thanh tra đối với các loại thực phẩm chức năng, các loại phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến, hương liệu thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Chú trọng phối hợp với các lực lượng kiểm tra đột xuất các nhà hàng, khách sạn, các điểm kinh doanh dịch vụ ăn uống tại các điểm lễ hội, vui chơi giải trí.

Trong dịp Tết này, ngành Y tế chủ trì, phối hợp với Cục QLTT, Công an tỉnh, Thanh tra chuyên ngành thanh, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý chất lượng thuốc, mỹ phẩm, trang thiết bị về y tế nhằm phòng, chống kinh doanh thuốc, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế nhập lậu, giả, kém chất lượng. Phối hợp với Sở Tài chính và các ngành liên quan QLNN về giá thuốc, thực hiện các biện pháp bình ổn giá thuốc trên thị trường.

Hoàng Thị Thủy

Phó Giám đốc Sở Y tế




Bùi Minh

 

 


Các tin khác


Bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại

(HBĐT) - Xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em là vấn nạn không mới nhưng cũng chưa bao giờ là cũ khi vụ việc vẫn thường xảy ra. Các hành vi XHTD trẻ em đều gây tổn thương, hậu quả nặng nề, lâu dài về cả thể chất, tâm lý và sức khỏe của trẻ. Bởi vậy, bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị XHTD là vấn đề cần quan tâm, trách nhiệm của toàn xã hội.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu quả bộ máy chính quyền

(HBĐT) - Với sự tập trung chỉ đạo các nội dung cải cách hành chính (CCHC), tỉnh ta đã đạt được những kết quả quan trọng. Ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, hiệu quả bộ máy chính quyền được cải thiện, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương. Tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, tỉnh đang tập trung chỉ đạo các giải pháp siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy dịch vụ công, trách nhiệm cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC); phát huy trách nhiệm của người đứng đầu trong điều hành, quản lý thực thi công vụ, xây dựng chính quyền đồng hành phục vụ doanh nghiệp và người dân. 

“Phòng hỏa hơn cứu hỏa” trong cao điểm nắng nóng

(HBĐT) - Mùa nắng nóng đang bước vào giai đoạn cao điểm. Lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), Công an tỉnh khuyến cáo người dân nâng cao hơn nữa ý thức phòng ngừa.

Tìm giải pháp cải thiện chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công

(HBĐT) - Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) là công cụ theo dõi thực thi chính sách, phản ánh của người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công (DVC) của chính quyền các cấp; là kênh tham khảo của các địa phương trong quản lý nhà nước, thực hiện chính sách, nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Năm 2022, chỉ số PAPI của tỉnh xếp thứ 43/63 tỉnh, thành phố, giảm 24 bậc so với năm 2021, nằm trong nhóm trung bình thấp. Tỉnh đang tập trung các giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao chỉ số PAPI năm 2023 và những năm tiếp theo.

Để hạn chế tình trạng cưỡng chế thi hành án dân sự

(HBĐT) - Thực hiện công tác thi hành án dân sự (THADS), mỗi năm toàn tỉnh thụ lý giải quyết từ 4.600 - 4.800 vụ việc. Số án năm sau cao hơn năm trước cả về số lượng và giá trị, nguyên nhân do số lượng vụ việc tranh chấp tăng. Những năm qua, xác định công tác THADS là một trong những nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần ổn định xã hội, Cục THADS tỉnh đưa ra nhiều giải pháp nhằm tạo sự chuyển biến cơ bản trong công tác này. Tuy nhiên, vẫn còn không ít bản án, quyết định có hiệu lực thi hành nhưng không được tự nguyện thi hành và phải cưỡng chế THADS.

Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội

(HBĐT) - Giám sát, phản biện xã hội (GS, PBXH) là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội (CT-XH). Quyền này được quy định trong Hiến pháp, Luật MTTQ Việt Nam và được cụ thể hoá bằng các quyết định, chỉ thị, quy định của Đảng. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành các chỉ thị, kết luận về công tác này. Việc thực hiện góp phần tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Tuy nhiên, GS,PBXH của MTTQ và các tổ chức CT-XH còn những hạn chế, cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả nhằm đáp ứng kỳ vọng của Đảng và mong đợi của Nhân dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục