Cán bộ Phòng Thanh tra (Sở VH-TT&DL) kiểm tra tại Ngày hội mừng xuân của đồng bào dân tộc Dao tổ chức tại xóm Bai, xã Cao Sơn (Đà Bắc).
Tôn vinh giá trị tốt đẹp của lễ hội
Đối với mỗi người dân Việt Nam nói chung và người dân trên địa bàn tỉnh ta nói riêng, từ lâu, lễ hội đã trở thành loại hình văn hóa đặc sắc không thể thiếu trong đời sống tinh thần và tâm linh. Việc tổ chức lễ hội nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo lý "Uống nước nhớ nguồn”, tôn vinh công lao các bậc tiền nhân, nhân vật lịch sử, những người có nhiều đóng góp trong quá trình hình thành, phát triển đất nước và tuyên truyền giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc của di tích. Lễ hội là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, phản ánh nét đẹp văn hóa, mang tính giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống, gắn kết tinh thần cộng đồng, tình yêu quê hương, đất nước. Cứ mỗi độ xuân về, từ thành phố đến các miền quê, người dân lại nô nức đi trẩy hội thể hiện lòng thành tâm, cầu mong bình an, may mắn. Đây là dịp để mọi người giao lưu, cộng cảm và trao truyền đạo lý, tình cảm, khát vọng cao đẹp, cũng là dịp để vui chơi, thư giãn tinh thần, thăm viếng cảnh quan di tích.
Hầu hết các lễ hội thường được tổ chức 2 phần, phần lễ và phần hội. Phần lễ gồm những lễ nghi tái hiện và ôn lại truyền thống tốt đẹp của lễ hội, cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, cây cối, mùa màng tươi tốt, gia súc, gia cầm sinh sôi, bản làng yên vui, hạnh phúc. Phần hội có các tiết mục văn nghệ đặc sắc ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương, đất nước và các tiết mục đặc trưng của dân tộc. Ngoài ra, các lễ hội còn tổ chức trò chơi dân gian truyền thống như kéo co, bắn nỏ, đẩy gậy, đánh đu, đánh mảng, ném còn, bịt mắt bắt lợn, bắt vịt... tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho nhân dân và du khách. Các trò chơi dân gian trong lễ hội được ban tổ chức lựa chọn kỹ lưỡng nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống phù hợp với thuần phong mỹ tục địa phương.
Giải quyết vấn đề đặt ra trong quản lý lễ hội
Để bảo đảm cho lễ hội mùa xuân vui tươi, lành mạnh, các địa phương, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 5/2/2015 của Ban Bí thư (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Thời gian qua, các lễ hội ở Hòa Bình chưa xuất hiện nhiều vấn đề gây bức xúc, phản cảm. Công tác quản lý và tổ chức lễ hội ở các địa phương trên địa bàn tỉnh cơ bản đi vào nền nếp.
Lễ hội Khai hạ Mường Bi huyện Tân Lạcđược tổ chức hàng năm góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Theo đánh giá của Sở VH-TT&DL, năm 2018 tại lễ hội chùa Tiên (Lạc Thủy), lễ hội đền Bờ vẫn còn hiện tượng vi phạm như lén lút đổi tiền lẻ, rút thẻ, sớ, đặt tiền giọt dầu không đúng nơi quy định. Một số lễ hội cơ sở quy mô tổ chức còn hẹp, chưa có sự đầu tư. Công tác phục dựng lễ hội truyền thống ở cơ sở xuất hiện nhiều lễ hội giống nhau, phục dựng tràn lan, chưa có quy hoạch của địa phương…
Năm nay, số lượng các địa phương đăng ký tổ chức lễ hội tăng hơn năm trước. Theo tổng hợp của Phòng Quản lý văn hóa (Sở VH-TT&DL), năm 2019, trên địa bàn tỉnh dự kiến tổ chức 63 lễ hội (năm 2018, toàn tỉnh có 53 lễ hội đăng ký tổ chức), trong đó có 6 lễ hội cấp huyện, gồm: Lễ khánh thành nhà tưởng niệm người có công và Tết trồng cây tại Di tích Nhà máy in tiền đồn điền Chi Nê, lễ hội chùa Tiên (Lạc Thủy), lễ hội Mường Động (Kim Bôi), phục dựng lễ hội đền Trường Khạ, xóm Chiềng, xã Liên Vũ (Lạc Sơn), Hội xuân văn hóa - thể thao huyện Kỳ Sơn và khôi phục các lễ hội của người Dao, xã Cao Sơn (Đà Bắc); 35 lễ hội cấp xã, thị trấn; 22 lễ hội cấp thôn, xóm.
Để đảm bảo công tác quản lý, tổ chức lễ hội được thực hiện nghiêm túc, phục vụ tốt nhu cầu của du khách trong, ngoài tỉnh đến tham gia lễ hội năm 2019, ngày 7/1/2019, Sở VH-TT&DL đã có Công văn số 28 về việc quản lý và tổ chức lễ hội năm 2019 gửi UBND các huyện, thành phố. Theo đó, căn cứ Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ quy định về tổ chức và quản lý lễ hội, Sở VH-TT&DL đề nghị UBND các huyện, thành phố phối hợp chỉ đạo các cơ quan chức năng trong quá trình tổ chức lễ hội phải đảm bảo các nội dung chủ yếu như: Lễ hội phải được tổ chức trang trọng, thiết thực, hiệu quả, phù hợp với quy mô, nội dung của lễ hội. Việc tổ chức lễ hội truyền thống phải theo đúng bản chất, ý nghĩa lịch sử văn hóa. Nghi lễ của lễ hội phải trang nghiêm, bảo đảm truyền thống, không thực hiện nghi lễ có bạo lực, phản cảm, trái với truyền thống yêu hòa bình, nhân đạo của dân tộc Việt Nam. Đồng thời, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quá trình tổ chức lễ hội.
Bên cạnh đó, trong quá trình tổ chức lễ hội phải thực hiện các biện pháp bảo vệ di tích, danh lam thắng cảnh, bảo đảm ANTT, TTATXH, phòng - chống cháy nổ, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường và bảo đảm VSATTP nơi diễn ra lễ hội. Các huyện, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị tổ chức lễ hội thực hiện thủ tục đăng ký hoặc thông báo tổ chức lễ hội theo đúng quy định. Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động lễ hội và di tích trên địa bàn, tập trung ở các lễ hội lớn như lễ hội chùa Tiên (Lạc Thủy), lễ hội đền Bờ thuộc các huyện Cao Phong, Đà Bắc. Tổ chức đánh giá công tác quản lý Nhà nước của các địa phương trong hoạt động lễ hội trong những tháng đầu năm 2019 để đề xuất phương án, giải pháp khắc phục hạn chế trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội trong những tháng tiếp theo trong năm…
Có thể khẳng định, lễ hội ngày càng đóng vai trò quan trọng trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH của các địa phương trên địa bàn tỉnh. Chính vì vậy, tăng cường quản lý lễ hội ngoài trách nhiệm của các cấp, ngành chức năng thì vai trò của chính người dân và du khách trong việc thực hiện các quy định của Nhà nước về tổ chức lễ hội là rất cần thiết. Để các lễ hội được tổ chức lành mạnh, tiến bộ, tiết kiệm, an toàn, phù hợp với điều kiện KT-XH của từng địa phương, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân.
Hương Lan
Nâng cao chất lượng công tác quản lý lễ hội
Trong những năm qua, công tác quản lý, tổ chức lễ hội được các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện. Nhờ đó, công tác này dần đi vào nề nếp, đáp ứng nhu cầu văn hóa, tinh thần của người dân. Tuy nhiên, trong công tác tổ chức lễ hội cũng còn nhiều hạn chế.
Trong thời gian tới, công tác quản lý lễ hội tiếp tục được tăng cường. Đặc biệt cần triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị định số 110/2018/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý và tổ chức lễ hội. Những người tham gia lễ hội cần nâng cao ý thức thực hiện trách nhiệm của người tham gia lễ hội (theo Khoản 2, Điều 6, Nghị định số 110/2018/NĐ-CP của Chính phủ). Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngoài việc chấp hành nghiêm quy định tại các điểm a, b, c, d và đ, Khoản 2, Điều 6, Nghị định số 110/2018/NĐ-CP còn phải thực hiện các quy định sau: Không đi lễ hội trong giờ hành chính; không dùng xe công và các phương tiện công (hoặc thuê khoán phương tiện) tham gia lễ hội (trừ trường hợp thuộc thành phần tham gia tổ chức lễ hội hoặc được giao thực thi nhiệm vụ). Phòng VH-TT các huyện, thành phố, UBND các xã, thị trấn nơi diễn ra lễ hội cần phải tuyên truyền về giá trị di tích lịch sử của lễ hội, trách nhiệm người tham gia lễ hội để mọi người dân được biết và hưởng ứng, góp phần để mùa lễ hội 2019 diễn ra an toàn, văn minh…
Bùi Kim Phúc
(Trưởng phòng Quản lý văn hóa (Sở VH-TT&DL)
Tổ chức lễ hội đảm bảo tuân thủ theo các quy định
Từ những năm 50 của thế kỷ trước, xã Dũng Phong - trung tâm Mường Thàng (Cao Phong) đã tổ chức lễ hội Khai mùa. Một thời gian dài, do chiến tranh, cuộc sống khó khăn, lễ hội không được tổ chức và đứng trước nguy cơ mai một. Trong những năm gần đây, cuộc sống người dân phát triển hơn, nhu cầu khôi phục lễ hội trở lên cần thiết. Sau 5 lần được tổ chức quy mô cấp xã, đến năm 2018, lễ hội Khai mùa Mường Thàng lần đầu tiên được tổ chức với quy mô cấp huyện. Lễ hội được tổ chức vào ngày mồng 6 tháng giêng với tín ngưỡng thờ, tạ ơn thánh Tản Viên, cầu mong sự ấm no, an lành, hạnh phúc, xóm làng yên vui, mùa màng bội thu, vạn vật sinh sôi, phát triển.
Lễ hội Khai mùa Mường Thàng là sự kiện văn hóa có ý nghĩa đối với cộng đồng dân tộc Mường Cao Phong nhằm lưu giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa Mường. Công tác tổ chức lễ hội đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, ngành. Các quy định về việc tổ chức lễ hội được đảm bảo. Năm 2019, lễ hội Khai mùa Mường Thàng được tổ chức với quy mô cấp xã. Đảng ủy, UBND xã đã thực hiện đúng theo quy định của cấp trên như: Xây dựng kế hoạch, tờ trình, ra quyết định thành lập ban tổ chức lễ hội. Trong đó phân công nhiệm vụ cụ thể cho các ban, ngành, đoàn thể và các xóm để góp phần tạo nên sự thành công của lễ hội, đáp ứng nhu cầu vui xuân của nhân dân và du khách.
Bùi Văn Liển
Chủ tịch UBND xã Dũng Phong (Cao Phong)
Mong muốn tham gia các lễ hội an toàn, văn minh
Là người kinh doanh, buôn bán, tôi thường tham gia các lễ hội đầu năm để cầu mong năm mới có nhiều sức khỏe, bình an, làm ăn phát đạt. Thời gian qua, được tham gia một số lễ hội trên địa bàn tỉnh, tôi thấy các lễ hội đã được đầu tư quy mô, bài bản cả về phần lễ và phần hội, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tâm linh cũng như giải trí, tinh thần cho người dân. Tuy nhiên, một số lễ hội vẫn chưa quan tâm đến vấn đề đảm bảo ANTT, tình trạng chen lấn, xô đẩy nơi hành lễ, gây ách tắc giao thông khu vực để xe hay vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được đảm bảo, gây tâm lý lo lắng đối với du khách tham gia.
Thời gian tới, chúng tôi mong muốn các cấp, ngành chức năng tích cực vào cuộc. Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý những hành vi vi phạm để đảm bảo các lễ hội diễn ra an toàn, văn minh, thu hút ngày càng đông đảo du khách và người dân trong, ngoài tỉnh tham gia, góp phần phát triển KT-XH địa phương.
Trương Thị Huyền
Phường Thái Bình (TP Hòa Bình)