Bộ phận một cửa BHXH tỉnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người tham gia BHXH.
Mở rộng đối tượng tham gia
Qua thống kê của ngành BHXH tỉnh cho thấy, đối tượng tham gia BHXH, BHYT trong những năm qua không ngừng tăng lên. Đối với BHXH, năm 2012, toàn tỉnh có hơn 57 nghìn người tham gia, đạt 12,68% lực lượng lao động, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trên 44 nghìn người, đạt 9,72% lực lượng lao động. Đến hết năm 2018, toàn tỉnh có trên 76 nghìn người tham gia BHXH, trên 61 nghìn người tham gia BHTN. Như vậy, sau 6 năm, số người tham gia BHXH tăng gần 20 nghìn người, BHTN tăng thêm 17 nghìn người tham gia.
Đối với BHYT, năm 2012, toàn tỉnh có số người tham gia trên 745 nghìn người, đạt 92,7% dân số. Đến hết năm 2018 có trên 814 nghìn người tham gia, đạt 96,3% dân số. Trong đó, 100% đối tượng chính sách, người có công với cách mạng, người nghèo, dân tộc thiểu số, hộ cận nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi tham gia ổn định thường xuyên, tỷ lệ học sinh, sinh viên tham gia BHYT đạt trên 90%, nhất là nhóm BHYT hộ gia đình tăng. Hòa Bình là một trong các tỉnh có tỷ lệ người dân tham gia BHYT cao so với trung bình cả nước.
Cùng với việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH, BHYT, quỹ BHXH cũng không ngừng tăng hàng năm, đáp ứng việc thực hiện chế độ, chính sách BHXH. Quyền lợi khám, chữa bệnh của người bệnh có thẻ BHYT luôn được đảm bảo, quỹ BHYT được sử dụng có hiệu quả. Số lượng đối tượng được hưởng các chế độ, chính sách BHXH tăng hàng năm. Mỗi năm có hàng chục nghìn lao động được hưởng các chế độ BHXH như trợ cấp ốm đau, thai sản, mất sức lao động, trợ cấp khó khăn... Chế độ, chính sách BHXH được thực hiện đúng quy định. Nhờ có chính sách BHXH, BHYT, cuộc sống của người lao động được bảo đảm khi đến tuổi không còn khả năng tham gia lao động, khi ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Vì vậy, chính sách BHXH đã trở thành điểm tựa tinh thần của người lao động.
Ngoài ra, tỉnh cũng quan tâm đầu tư nâng cấp các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn. Tạo điều kiện để hệ thống y tế ngoài công lập tham gia khám, chữa bệnh BHYT, góp phần khắc phục tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến tỉnh. Quan tâm công tác đào tào, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp, nâng cao y đức phục vụ bệnh nhân đối với cán bộ ngành Y tế, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh BHYT.
Cải cách thủ tục hành chính có lợi cho người dân
Mục tiêu Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 về cải cách chính sách BHXH do Ban Chấp hàng Trung ương ban hành đề ra khá rõ ràng. Theo đó, giai đoạn đến năm 2021, phấn đấu đạt khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH; khoảng 28% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHTN; khoảng 45% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hàng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội; tỷ lệ giao dịch điện tử đạt 100%; thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; giảm số giờ giao dịch giữa cơ quan BHXH với doanh nghiệp đạt mức ASEAN+4; chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia BHXH đạt 80%. Giai đoạn đến năm 2025, phấn đấu đạt khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH; khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHTN; khoảng 55% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hàng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội; chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia BHXH đạt 85%. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về cải cách TTHC, ngành BHXH thường xuyên rà soát, đơn giản hóa và cắt giảm thủ tục hành chính (TTHC) trong các lĩnh vực của ngành. Đến nay đã cắt giảm còn 28 thủ tục. Nhiều TTHC được rút ngắn thời gian giải quyết, như thời hạn cấp sổ BHXH từ 20 ngày, cấp thẻ BHYT từ 7 ngày còn 5 ngày, cấp lại thẻ BHYT ngay trong ngày đối với những trường hợp đang nằm viện hoặc không có thay đổi về thông tin...
Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành BHXH, việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT hiện nay còn gặp một số khó khăn, hạn chế. Trong đó, hạn chế lớn nhất là việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH, BHYT; độ bao phủ BHXH tăng chậm; số người hưởng BHXH một lần tăng nhanh. Thiết kế chính sách bảo hiểm hưu trí, trong đó có vấn đề về tuổi nghỉ hưu còn nhiều điểm chưa phù hợp, còn nặng về nguyên tắc "đóng - hưởng" mà chưa chú ý thỏa đáng đến nguyên tắc chia sẻ. Cơ chế quản lý, cơ chế tài chính và tổ chức bộ máy thực hiện BHTN còn nhiều điểm chưa phù hợp. Hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về bảo hiểm còn nhiều hạn chế. Tính tuân thủ pháp luật chưa cao, tình trạng trốn đóng, nợ đóng, gian lận, trục lợi BHXH chậm được khắc phục. Nhận thức của một bộ phận người lao động và người sử dụng lao động về vai trò, tác dụng của BHXH chưa đầy đủ và toàn diện. Công tác thông tin, tuyên truyền chưa đổi mới mạnh mẽ để mang lại hiệu quả tốt hơn về phát triển đối tượng, tạo niềm tin vững chắc để thu hút người lao động tham gia BHXH. Với đặc thù của một tỉnh nông nghiệp, tỷ lệ dân cư sống tại nông thôn, sinh sống bằng sản xuất nông nghiệp cao nên hoạt động BHXH, BHYT càng khó khăn.
Trung tâm Y tế huyện Mai Châu tiếp nhận, tư vấn cho bệnh nhân ngay khi nhập viện
Để cải cách công tác bảo hiểm, Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII nêu, trong thời gian tới, những chính sách BHXH được cải cách theo hướng từng bước mở rộng vững chắc, tiến tới thực hiện BHXH toàn dân. Phát triển hệ thống BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại theo nguyên tắc "đóng - hưởng", công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững. Đi kèm với đó, những giải pháp cụ thể cũng được đề xuất như thiết kế chính sách BHXH kiểu 3 tầng. Trong đó, tầng thứ nhất là an sinh (tức là Nhà nước đóng cho các đối tượng chính sách để họ hưởng lương hưu); tầng thứ 2 là BHXH bắt buộc; tầng thứ 3 là bảo hiểm tự nguyện, người lao động đóng cao hưởng cao, đóng thấp hưởng thấp.
Thay đổi nhiều nhất trong đề xuất cải cách hệ thống BHXH lần này là người lao động sẽ không nhất thiết đóng BHXH tự nguyện dài 20 năm như trước. Thay vào đó, thời gian đóng có thể chỉ từ 10 năm trên nguyên tắc đóng ít hưởng ít - đóng nhiều hưởng nhiều. Cải cách trong xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách nhằm củng cố niềm tin, tăng mức độ hài lòng của người tham gia vào hệ thống BHXH… Việc cập nhật, công bố, công khai TTHC được thực hiện theo đúng quy định. Tất cả các TTHC đều được niêm yết công khai tại trụ sở BHXH cấp tỉnh, huyện; thực hiện công bố công khai danh mục các TTHC trên Cổng thông tin điện tử của BHXH Việt Nam, trang tin điện tử của BHXH các tỉnh. Đồng thời, cập nhật lên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC, đảm bảo cho các tổ chức, cá nhân có thể dễ dàng tiếp cận, thuận tiện khi cần giải quyết công việc. Việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC được duy trì thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả theo 3 hình thức: qua bộ phận "một cửa" tại trụ sở cơ quan BHXH, qua giao dịch điện tử (doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ 24h/ngày, 7 ngày/tuần) và qua dịch vụ bưu chính công ích (doanh nghiệp không phải trả phí). Qua đó, đã giúp tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, người lao động khi tham gia giao dịch với cơ quan BHXH. Đồng thời, đưa vào vận hành Hệ thống một cửa điện tử tập trung để quản lý, theo dõi trực tuyến toàn bộ quy trình nghiệp vụ, từ việc tiếp nhận hồ sơ đến thụ lý giải quyết, trả kết quả giải quyết TTHC, cảnh báo tình trạng hồ sơ sắp đến hạn, chậm, muộn.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, ngành BHXH luôn chủ động tiếp nhận mọi thông tin phản ánh của các tổ chức, cá nhân về tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn hệ thống. Từ đó kịp thời có những điều chỉnh để nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân.
Việt Lâm
Giải quyết nhanh gọn chế độ, chính sách cho người tham gia BHXH, BHYT
Thời gian qua, ngành Bảo hiểm tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, ngăn chặn kịp thời tình trạng trốn đóng, chiếm dụng, nợ đọng quỹ BHXH, BHYT và lạm dụng quỹ BHYT; thường xuyên phối hợp với Bệnh viện Đa khoa huyện nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ cho các đối tượng thụ hưởng chính sách BHYT, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người bệnh. Cùng với việc mở rộng các đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN, ngành luôn nỗ lực thực hiện tốt công tác giải quyết chế độ, chính sách, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người tham gia BHXH, BHYT.
Nguyễn Hồng Hùng
Giám đốc BHXH huyện Kỳ Sơn
Củng cố niềm tin của người bệnh
Khi bệnh nhân đến các cơ sở khám, chữa bệnh là họ gửi gắm niềm tin vào đội ngũ y, bác sỹ. Để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh thì các trung tâm y tế, trạm y tế xã, phường cần tích cực nâng cao chất lượng hoạt động, nâng cao trình độ, rèn luyện kỹ năng giao tiếp, ứng xử, tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ, nhân viên, củng cố niềm tin và sự hài lòng của người bệnh. Do vậy, ngoài hỗ trợ bệnh nhân từ lúc vào khám bệnh, bốc số, hướng dẫn đến từng khoa khám, xét nghiệm cần tập trung nâng cao trình độ y, bác sỹ thông qua các lớp đào tạo, tập huấn, thi tay nghề, tăng cường bổ sung bác sỹ về tuyến y tế cơ sở.
Bác sỹ Nguyễn Văn Đang
Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Lạc Thủy
Chỗ "dựa” khi gặp rủi ro
Trước đây, có một thời gian, tôi không tham gia BHYT. Một lần, tôi bị đau ruột thừa chuyển lên tuyến tỉnh điều trị. Cả gia đình đi vay khắp nơi được hơn 20 triệu đồng để thanh toán viện phí. Sau lần đó, gia đình tôi tham gia BHYT đều đặn. Mỗi lần ốm ra trạm y tế xã hoặc chuyển tuyến huyện, tỉnh đều không phải lo lắng đến việc tiền viện phí, tiền thuốc… Lúc đi chỉ lo một ít tiền tàu xe. Việc gặp rủi ro với bệnh tật, tai nạn lao động, tai nạn giao thông… là điều không ai muốn. Bởi vậy, việc tự ý thức chăm lo cho bản thân là điều rất cần thiết và tham gia BHYT là cách bảo vệ cho chính mình.
Bùi Văn Thi
Xã Thanh Hối (Tân Lạc)
Tham gia bảo hiểm để không khổ khi về già
Là công nhân từ lúc còn hơn 20 tuổi, tôi được công ty đóng BHXH hơn 15 năm. Năm 2000, công ty nơi tôi làm việc làm ăn không hiệu quả nên đã giải quyết cho hàng trăm công nhân nghỉ trước hợp đồng lao động. Sau khi được chốt sổ, bản thân gia đình đang gặp khó khăn, lại muốn cầm "tiền tươi, thóc thật” cho chắc ăn nên tôi quyết định nhận trợ cấp BHXH một lần. Với 15 năm đóng BHXH, tôi được nhận gần 50 triệu đồng trợ cấp BHXH một lần. Với khoản tiền đó cũng giải quyết được những việc trước mắt như sửa chữa nhà, mua xe máy cho chồng đi làm, đóng học cho con… Sau đó, tôi ra làm ngoài, thu nhập không ổn định. Bây giờ, tuổi cao, sức yếu không còn đi làm được nữa, lương hưu không có, tôi mới thấy tiếc. Mỗi lần nhà có việc hoặc chi tiêu hàng ngày phải phụ thuộc vào các con.
Trần Thị Hòa
Phường Hữu Nghị (TP Hòa Bình)