(HBĐT) - Trong tháng giêng, trên địa bàn tỉnh diễn ra hơn 60 lễ hội thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh tham gia. Kéo theo là lượng phương tiện tham gia giao thông cũng tăng đột biến, tiềm ẩn nguy cơ ùn tắc, mất an toàn giao thông. Dự báo trước được tình hình, lực lượng chức năng đã tăng cường các biện pháp nhằm đảm bảo giao thông an toàn và thông suốt.


 

Các lễ hội trên địa bàn tỉnh thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh tham gia đặt ra thách thức lớn với công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Ảnh chụp tại lễ hội Khai hạ Mường Bi (Tân Lạc). Ảnh: P.V

 

Tăng cường các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông

Thực hiện kế hoạch của Bộ Công an và Công an tỉnh, ngay từ những ngày đầu năm 2019, Phòng Cảnh sát giao thông (PC08), Công an tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch đảm bảo an toàn giao thông mùa lễ hội xuân. Theo đó, yêu cầu lực lượng cảnh sát giao thông toàn tỉnh có phương án phân làn, luồng phương tiện, đặc biệt là tại những địa bàn diễn ra lễ hội lớn, thu hút đông du khách tham gia nằm trên các tuyến đường có lưu lượng người tham gia giao thông cao; khuyến cáo các phương tiện không đi vào khu vực có hội trong thời gian diễn ra lễ hội nhằm đảm bảo giao thông thông suốt… Đồng thời, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát giao thông, tập trung xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến mất an ninh trật tự như: điều khiển xe chạy quá tốc độ, đi không đúng phần đường, tránh vượt không đúng quy định, vi phạm quy định về sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông, không đội mũ bảo hiểm…

Song song với đó, công tác đảm bảo giao thông đường thủy cũng được lực lượng chức năng đặc biệt quan tâm. Đồng chí Bạch Công Thi, Phó đội trưởng Đội cảnh sát giao thông đường thủy, Phòng PC08 cho biết: Khác với những năm trước, công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa mùa lễ hội 2019 đã có bước tiến đột phá với sự quyết liệt của vào cuộc của toàn bộ cán bộ, chiến sỹ cảnh sát giao thông đường thủy. Để chuẩn bị cho mùa lễ hội, đội đã chủ động làm việc với Ban tổ chức lễ hội, lên phương án đảm bảo an toàn giao thông, tổ chức điều tiết giao thông chặt chẽ. Đồng thời, đội tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện những quy định của pháp luật đối với chủ phương tiện, thuyền viên, người lái và hành khách.

Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của Ban an toàn giao thông tỉnh, các ngành chức năng đã tăng cường thanh tra, kiểm tra điều kiện an toàn tại cảng bến thủy nội địa; rà soát hệ thống báo hiệu đã được triển khai trên tuyến, các khu vực trọng điểm có mật độ phương tiện giao thông lớn. Theo đó, đại diện Cảng vụ II tại Hòa Bình đã phối hợp với lực lượng chức năng của tỉnh kiểm tra ngay tại bến, kiên quyết không cho xuất bến các phương tiện và chủ phương tiện vi phạm đăng ký, đăng kiểm, không đáp ứng các điều kiện về kỹ thuật an toàn đường thủy nội địa, không bằng lái, chứng chỉ chuyên môn. Công ty CP Quản lý bảo trì đường thủy nội địa số 9, các Ban quản lý bến thủy nội địa tăng cường khảo sát, đo luồng lạch để di chuyển, điều chỉnh, bổ sung báo hiệu trên tuyến phù hợp, sơn, sửa hệ thống biển báo hiệu, duy tu, sửa chữa phương tiện, thiết bị sẵn sàng cho công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông và tìm kiếm cứu nạn.

Những chuyển biến đáng ghi nhận

Là một trong những lễ hội lớn của tỉnh, ngày diễn ra lễ hội Khai hạ Mường Bi (mùng 8 tháng giêng) lượng người và phương tiện đổ về huyện Tân Lạc trẩy hội tăng đột biến. Bên cạnh đó, khu vực tổ chức lễ hội nằm gần quốc lộ 6, lượng xe tải, xe khách lưu thông nhiều và có phần gia tăng vào những ngày đầu năm. Thực tế này đã gây không ít áp lực cho lực lượng chức năng trong công tác đảm bảo giao thông an toàn và thông suốt trên địa bàn. Trung tá Phạm Vũ Hà Minh, Đội trưởng Đội cảnh sát giao thông, Công an huyện Tân Lạc cho biết: Công an huyện đã thành lập các tổ công tác chốt 2 điểm đầu khu vực lễ hội, phân công cán bộ, chiến sỹ hướng dẫn người, phương tiện lưu thông qua khu vực hội; phối hợp cùng Ban tổ chức lễ hội Khai hạ bố trí khu vực gửi xe hợp lý. Đồng thời nhắc nhở kịp thời, không để người dân lấn chiếm lòng đường, vỉa hè gây cản trở giao thông, góp phần đảm bảo giao thông an toàn và thông suốt trong suốt quá trình diễn ra lễ hội, được nhân dân trên địa bàn và du khách thập phương ghi nhận, đánh giá cao.

Hiện đang sinh sống tại quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), song năm nào cũng vậy, cứ đến ngày tổ chức lễ hội Khai hạ Mường Bi, chị Nguyễn Thị Thanh Tâm lại cùng bạn bè, người thân trở về quê hương dự hội. Chị chia sẻ: Ấn tượng mạnh với tôi và đông đảo du khách về công tác đảm bảo an toàn giao thông của lực lượng chức năng năm nay đó là trong 100 m khu vực trước cổng UBND xã Phong Phú - lối vào lễ hội, nhiều cán bộ, chiến sỹ công an đã đứng tạo thành giải phân cách, hướng dẫn các phương tiện lưu thông đảm bảo an toàn, thông suốt. Có thể nói, họ đã góp phần vào thành công trong việc tổ chức lễ hội Khai hạ năm nay.

Bắt đầu từ Tết Nguyên đán đến hết mùa lễ hội tháng 3 âm lịch là thời điểm người dân thập phương nô nức đi lễ đền Bờ cũng như vãn cảnh lòng hồ sông Đà. Chính vì vậy, đây là thời điểm hoạt động vận tải hành khách trên đường thủy nội địa sôi động, phức tạp nhất trong năm, đòi hỏi những người "giữ bình yên sông nước” phải "gồng mình” đảm bảo từng chuyến tàu được an toàn. Trong tháng đầu tiên của mùa lễ hội xuân Kỷ Hợi 2019, khu vực lòng hồ thủy điện Hòa Bình đã đón khoảng 5 vạn lượt khách đi lễ và thăm quan. Tuy nhiên, đánh giá của du khách về công tác đảm bảo an toàn giao thông năm nay khá khả quan. Bà Bạch Thị Lựng, trú tại xã Tú Sơn (Kim Bôi) cho biết: Mỗi năm, lễ hội đền Bờ luôn là điểm du xuân đầu tiên của cả gia đình. Năm nay, công tác trật tự an toàn giao thông trên tuyến có chuyển biến đáng kể. Tình trạng chủ thuyền chở quá số người quy định, du khách không mặc áo phao diễn ra khá phổ biến ở những mùa lễ hội trước, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông đường thủy đến nay đã được hạn chế đáng kể.

Để có được kết quả đáng khích lệ trên, ngoài việc tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, lực lượng cảnh sát giao thông toàn tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát nhằm kịp thời phát hiện sai phạm, nhắc nhở người tham gia giao thông chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, hạn chế tối đa tai nạn đáng tiếc xảy ra. Qua đó, tính riêng tháng 2 đã thực hiện 38 ca tuần tra, kiểm soát giao thông; phát hiện, lập biên bản 461 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, không đội mũ bảo hiểm, chạy quá tốc độ…

Trung tá Đinh Thị Thu Hằng, Phó trưởng Phòng PC08 nhìn nhận: Với sự nỗ lực không ngừng nghỉ của lực lượng chức năng, nhiều năm qua, trên địa bàn không có tai nạn giao thông đường thủy xảy ra. Tuy nhiên, trong tháng 2, đường bộ vẫn xảy ra 9 vụ tai nạn làm 10 người chết, tăng 1 vụ so với cùng kỳ. Thực tế đó đòi hỏi lực lượng cảnh sát giao thông cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp nâng cao nhận thức cho người dân, tăng cường xử lý vi phạm theo chuyên đề, chủ động nắm chắc tình hình các tuyến giao thông… Về phía người tham gia giao thông, chúng tôi mong muốn mỗi người cần xây dựng ý thức bảo vệ chính mình bằng cách đi đúng tốc độ cho phép, chú ý quan sát, đội mũ bảo hiểm và đặc biệt là không lái xe khi đã sử dụng rượu, bia… để niềm vui du xuân cầu lộc, cầu tài trọn vẹn, bình an.



Hải Yến


Cần duy trì liên tục, thường xuyên và có sự chung tay của cả cộng đồng


Trong 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và những ngày đầu của lễ hội xuân năm 2019, tình hình trật tự an toàn giao thông trên các tuyến đảm bảo tốt, không có đua xe trái phép, không xảy ra ùn tắc. Đây là kết quả ghi nhận sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, lực lượng làm nhiệm vụ đảm bảo an toàn giao thông. Các lực lượng chức năng đã ứng trực kịp thời, đảm bảo giao thông thông suốt tại các điểm phức tạp. Năng lực và chất lượng dịch vụ vận tải cơ bản đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân…

Tuy nhiên, chúng ta không thể chủ quan, đặc biệt là trong thời gian diễn ra các lễ hội xuân, lượng người tham gia giao thông tăng đột biến đòi hỏi công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông cần được duy trì liên tục, thường xuyên, nhất là kiểm soát các hoạt động vận tải, tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các vi phạm… Bên cạnh đó, ngành chức năng và các địa phương trong tỉnh cần tăng cường công tác bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy nội địa, sửa chữa kịp thời những chỗ hư hỏng; bổ sung, chỉnh trang hệ thống cột tiêu, biển báo, đèn tín hiệu giao thông… để lễ hội xuân 2019 diễn ra an toàn, đảm bảo.

 

Phạm Văn Tư : Phó Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh




Tổ chức ký cam kết không vi phạm

Luật Giao thông, công khai các phương tiện không đủ điều kiện hoạt động


Huyện Cao Phong nhiều năm trở lại đây được biết đến với các điểm du lịch tâm linh như: đền Bờ (xã Thung Nai), chùa Quèn Ang (xã Tân Phong), chùa Khánh (xã Yên Thượng) và đền Thượng Bồng Lai (thị trấn Cao Phong). Bên cạnh đó, cũng như nhiều địa phương trong tỉnh, huyện đang tổ chức nhiều lễ hội đầu năm, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đến tham dự.

Để đảm bảo an toàn giao thông mùa lễ hội, với vai trò nòng cốt, Đội CSGT đã chủ động tham mưu với Công an huyện tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, hướng dẫn giao thông, bố trí cán bộ tại các điểm lễ hội lớn, tập trung đông người và phương tiện. Đồng thời phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền, Đội CSGT đường thủy, Phòng PC08 Công an tỉnh tổ chức cho các chủ thuyền ký cam kết không vi phạm Luật Giao thông và thông báo công khai các phương tiện không đủ điều kiện hoạt động. Qua đó chúng tôi hy vọng góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông cho du khách khi tham dự các lễ hội xuân trên địa bàn.


Thiếu tá Bùi Thanh Hưng: Đội trưởng Đội CSGT, Công an huyện Cao Phong



Siết chặt điều kiện xuất bến, cảng tạo môi trường kinh doanh

lành mạnh, an toàn


Nếu như trước đây, chúng tôi vừa lo làm ăn, vừa lo nộp phạt do phương tiện tàu thủy không đáp ứng yêu cầu thì nay, với sự tận tình tuyên truyền, hướng dẫn của cơ quan chức năng, hầu như những người làm ăn tại địa bàn đã nhận thức được sự cần thiết của phương tiện đảm bảo tiêu chuẩn đăng ký, đăng kiểm. Nhiều người đã đầu tư những phương tiện mới đảm bảo đúng tiêu chuẩn. Từ đó, việc làm ăn cũng dễ dàng và thuận lợi hơn, nỗi lo về những rủi ro thiếu an toàn đã giảm nhiệt.

Cá nhân tôi đánh giá cao và cho rằng, việc siết chặt điều kiện kinh doanh an toàn, điều kiện kinh doanh vận tải của các lực lượng chức năng, đặc biệt là từ khâu xuất cảng, bến chính là điều kiện tiên quyết dần dần tạo được môi trường kinh doanh lành mạnh và an toàn hơn. Trong thời gian tới, công tác này cần được đẩy mạnh hơn nữa, góp phần đem đến mùa lễ hội an toàn cho du khách thập phương.


Ngô Văn Trình: Chủ nhiệm HTX chuyên chở hành khách

dịch vụ du lịch Thái Thịnh

Các tin khác


Bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại

(HBĐT) - Xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em là vấn nạn không mới nhưng cũng chưa bao giờ là cũ khi vụ việc vẫn thường xảy ra. Các hành vi XHTD trẻ em đều gây tổn thương, hậu quả nặng nề, lâu dài về cả thể chất, tâm lý và sức khỏe của trẻ. Bởi vậy, bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị XHTD là vấn đề cần quan tâm, trách nhiệm của toàn xã hội.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu quả bộ máy chính quyền

(HBĐT) - Với sự tập trung chỉ đạo các nội dung cải cách hành chính (CCHC), tỉnh ta đã đạt được những kết quả quan trọng. Ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, hiệu quả bộ máy chính quyền được cải thiện, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương. Tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, tỉnh đang tập trung chỉ đạo các giải pháp siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy dịch vụ công, trách nhiệm cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC); phát huy trách nhiệm của người đứng đầu trong điều hành, quản lý thực thi công vụ, xây dựng chính quyền đồng hành phục vụ doanh nghiệp và người dân. 

“Phòng hỏa hơn cứu hỏa” trong cao điểm nắng nóng

(HBĐT) - Mùa nắng nóng đang bước vào giai đoạn cao điểm. Lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), Công an tỉnh khuyến cáo người dân nâng cao hơn nữa ý thức phòng ngừa.

Tìm giải pháp cải thiện chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công

(HBĐT) - Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) là công cụ theo dõi thực thi chính sách, phản ánh của người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công (DVC) của chính quyền các cấp; là kênh tham khảo của các địa phương trong quản lý nhà nước, thực hiện chính sách, nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Năm 2022, chỉ số PAPI của tỉnh xếp thứ 43/63 tỉnh, thành phố, giảm 24 bậc so với năm 2021, nằm trong nhóm trung bình thấp. Tỉnh đang tập trung các giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao chỉ số PAPI năm 2023 và những năm tiếp theo.

Để hạn chế tình trạng cưỡng chế thi hành án dân sự

(HBĐT) - Thực hiện công tác thi hành án dân sự (THADS), mỗi năm toàn tỉnh thụ lý giải quyết từ 4.600 - 4.800 vụ việc. Số án năm sau cao hơn năm trước cả về số lượng và giá trị, nguyên nhân do số lượng vụ việc tranh chấp tăng. Những năm qua, xác định công tác THADS là một trong những nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần ổn định xã hội, Cục THADS tỉnh đưa ra nhiều giải pháp nhằm tạo sự chuyển biến cơ bản trong công tác này. Tuy nhiên, vẫn còn không ít bản án, quyết định có hiệu lực thi hành nhưng không được tự nguyện thi hành và phải cưỡng chế THADS.

Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội

(HBĐT) - Giám sát, phản biện xã hội (GS, PBXH) là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội (CT-XH). Quyền này được quy định trong Hiến pháp, Luật MTTQ Việt Nam và được cụ thể hoá bằng các quyết định, chỉ thị, quy định của Đảng. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành các chỉ thị, kết luận về công tác này. Việc thực hiện góp phần tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Tuy nhiên, GS,PBXH của MTTQ và các tổ chức CT-XH còn những hạn chế, cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả nhằm đáp ứng kỳ vọng của Đảng và mong đợi của Nhân dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục