(HBĐT) - Trong những ngày mùa thu Tháng Tám lịch sử, chúng tôi có dịp gặp gỡ, trò chuyện với ông Giang Hồng Phúc, người lính cựu đã từng tham gia Trung đoàn Tây Tiến (Trung đoàn 52) huyền thoại. ông bồi hồi nhớ lại kí ức một thời bom đạn, những câu chuyện đời thường của người lính và các trận đánh oanh liệt của đoàn quân Tây Tiến...
Nhân dân xã Mai Hịch trước đây cất giấu lương thực, đạn dược, thuốc men cho bộ đội Tây Tiến tại hang Lộng, xóm Hịch 1.
Trong căn phòng khách đầy ắp kỉ vật thời chiến, những bức ảnh chân dung của đồng đội vẫn được ông Phúc lưu giữ, treo trang trọng. Người lính cựu năm xưa chia sẻ: "Trung đoàn 52 Tây Tiến được thành lập ngày 27/2/1947 với nhiệm vụ củng cố lực lượng cho địa bàn chiến lược phía Tây Bắc. Lực lượng chủ yếu là thanh niên trí thức đến từ Hà Nội, Ninh Bình, Hà Tây, Nam Định... Tại đây, Trung đoàn Tây Tiến cùng nhân dân địa phương gắn bó keo sơn, đồng cam cộng khổ, phối hợp với bộ đội nước bạn Lào đánh chặn từng bước đi của địch, đập tan âm mưu thành lập "xứ Thái, xứ Mường tự trị”, góp phần không nhỏ đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi hoàn toàn bằng chiến dịch Điện Biên Phủ vang dội 5 châu, chấn động địa cầu. Tháng 6/1949, Trung đoàn 52 đổi tên thành Trung đoàn 12 thuộc Liên khu III”.
Theo lời kể của người lính cựu Tây Tiến, chúng tôi tìm về Mường Hịch (nay là xã Mai Hịch) nơi đặt trụ sở chỉ huy mặt trận Tây Tiến khi xưa. Tại trụ sở UBND xã, đồng chí Vì Văn Tít, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: "Vùng đất Mai Hịch có vị trí chiến lược quan trọng về AN -QP với địa hình đồi núi quanh co, rừng nguyên sinh rậm rạp, thuận lợi đóng quân, trú ẩn của quân ta. Ngoài ra, đường 15 nối liền Liên khu III lên Việt Bắc và sang nước bạn Lào là trục đường chiến lược vận chuyển vũ khí và lương thực, thực phẩm lên chiến trường. Chính vì vậy, Trung đoàn Tây Tiến đã chọn nơi đây là hậu cứ, trú ẩn của quân ta”.
Rời trụ sở UBND xã, chúng tôi được cán bộ xã dẫn tới xóm Hịch 1 (hay còn gọi là xóm Cháy), tại đây là nơi đóng quân, củng cố lực lượng của Trung đoàn Tây Tiến trong thời kỳ đầu chống thực dân Pháp. May mắn khi được tiếp xúc, trò chuyện với ông Đinh Công Thống, ngôi nhà của gia đình ông năm xưa là nơi trú ẩn của những người lính Tây Tiến. ông cho biết: "Xóm Hịch 1 trước đây là khu vực rừng núi rậm rạp. Cả xóm có khoảng trên 30 nóc nhà. Mỗi gia đình thường có từ 5 - 7 bộ đội trú ẩn. Người lính Tây Tiến đóng quân tại đây cực lắm, thiếu ăn, thiếu mặc, đói rét là chuyện thường ngày. Bữa ăn chỉ với lưng cơm trộn rau, măng rừng và muối trắng, nhiều hôm phải đi đánh cá để cải thiện bữa ăn. Người dưới xuôi lên đây không hợp khí hậu miền núi, bị sốt rét mặt xanh như tàu lá, chấy rận đầy người đến nỗi phải cạo trọc đầu như trong câu thơ "Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc” của nhà thơ Quang Dũng khắc họa. Ngoài thời gian làm nhiệm vụ chiến đấu, bộ đội tuyên truyền, vận động nhân dân cứu nước, giúp dân xây dựng nhà cửa, tăng gia sản xuất. Đồng cam cộng khổ, chia sẻ khó khăn với nhân dân, bộ đội là người nhà của bà con người Thái nơi đây”.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Mai Hịch là hậu phương vững chắc của mặt trận phía Tây Bắc và trở thành nơi trú ẩn của nhiều cán bộ cấp cao. Nhân dân Mai Hịch đã đóng góp 8.815 kg lương thực; 88 con lợn; ủng hộ 4.860 cây bương, tre, nứa; 760 cây gỗ cho bộ đội làm lán trại, cầu đường, nhà kho và nhân dân đóng góp 1.800 đồng tiền Đông Dương. Trong cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ này, Mai Hịch có 8.604 người tham gia các chiến dịch; 33 người tham gia dân quân du kích; 18 người tham gia bộ đội. Trong đó có 3 người hy sinh khi làm nhiệm vụ; 11 dân thường bị giết hại; 2 người bị thương và nhiều người dân bị thương tật suốt đời. Với những thành tích đó, năm 2005, Đảng bộ và nhân dân xã Mai Hịch đã vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang dân nhân thời kỳ kháng chiến chống Pháp”.
Đồng chí Vì Văn Uổi, Chủ tịch UBND xã Mai Hịch cho biết: Kế thừa và phát huy truyền thống yêu nước của quê hương anh hùng, cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân xã Mai Hịch thi đua phát triển kinh tế, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Hiện, thu nhập bình quân của xã đạt 17 triệu đồng /người/năm, tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 10,2%. Ngoài ra, xã chú trọng phát triển du lịch cộng đồng nhằm quảng bá đến du khách về văn hóa, lịch sử, con người và ẩm thực địa phương. Toàn xã hiện có 4 cơ sở kinh doanh du lịch cộng đồng, trong đó, 1 hộ ở xóm Cha Lang, 3 hộ ở xóm Hịch 2. Toàn xã có 6/7 xóm có nhà văn hóa; ANCT - TTATXH luôn được giữ vững. Đến nay, xã Mai Hịch đạt 12 tiêu chí xây dựng NTM.
Đức Anh