Ngầm Gò Lào, xã Phúc Sạn (Mai Châu) thường xuyên bị ngập, nguy hiểm cho người qua lại khi trời mưa lũ.
Tháng 9/2018, tôi có dịp trở lại Phúc Sạn. Sau 1 năm mưa lũ lịch sử tàn phá, đường từ huyện đến trung tâm UBND xã đã thông thoáng, nhiều đoạn được nâng cấp. Tuy nhiên 2 bên lề đường vẫn còn đó những dấu tích và nguy cơ sạt lở đất do mưa lũ. Chủ tịch UBND xã Phúc Sạn Đinh Công Hanh chia sẻ: Phúc Sạn là vùng đất khó, địa hình treo leo, hiểm trở, một bên là núi, đồi, một bên là vực, suối. Sau trận bão lịch sử năm 2017, cả xã có trên 400 hộ dân nằm trong vùng nguy cơ sạt lở. Nhiều gia đình đã đi xây dựng vùng kinh tế mới ở khu tái định cư thuộc các huyện Lạc Sơn, Yên Thủy. Hiện tại, Phúc Sạn còn 510 hộ với hơn 2.011 nhân khẩu, sinh sống ở 8 xóm.
Dân số ít, nhưng do địa hình đồi dốc, chia cắt dẫn đến thiếu đất ở, đất sản xuất. Đường sá đi lại khó khăn, lại thường xuyên bị thiên tai hoành hành, vì vậy, việc phát triển kinh tế, ổn định đời sống của nhân dân trong xã bao năm qua luôn ở thế không bền vững. Nói như Chủ tịch UBND xã Đinh Công Hanh thì Phúc Sạn thực sự không có nền tảng để thoát nghèo. Bởi là xã thuần nông nhưng nông dân lại không có đất sản xuất, đời sống chủ yếu dựa vào trồng bương, luồng, ngô, khoai sọ, nuôi cá lồng. Những năm trước đây, được sự hỗ trợ từ nhiều nguồn, người dân đã tập trung phát triển sản xuất có hiệu quả. Theo đó, số hộ nghèo giảm hẳn. Xét tất cả các tiêu chí thì năm 2015, xã đã bước ra khỏi vùng 135. Tuy nhiên, do ảnh hưởng mưa lũ lịch sử tháng 10/2017, nhiều ngôi nhà bị ngập, sập hoặc phải di dời, phân nửa diện tích lúa và hoa màu của người dân mất trắng (có những thửa ruộng không thể tiếp tục canh tác); 3.320 m2 ao cá của người dân bị san phẳng, cuốn trôi khoảng 2.783 kg cá của bà con. Bởi thế nên đến nay dẫu gạn đi, gạn lại, số hộ nghèo và cận nghèo của xã vẫn lên tới 56,3%.
Trong gian khó, Đảng ủy, chính quyền xã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, địa phương để phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho người dân và nhân rộng mô hình giảm nghèo. Theo đó đã phát triển được 255 lồng cá, 5 ha cam, quýt, 19,9 ha khoai sọ làm nguồn sinh kế cho hộ nghèo.
Để giảm nghèo bền vững, lãnh đạo UBND xã Phúc Sạn đề nghị Trung ương xem xét để nhân dân tiếp tục được thụ hưởng các chính sách của Nhà nước (thuộc Chương trình 135 giai đoạn 2015-2020). Cụ thể là các chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sinh kế cho nhân dân. Mong muốn trước mắt là tỉnh quan tâm đẩy nhanh tiến độ thi công tuyến đường Đồng Bảng - So Lo để người dân 3 xã: Tân Mai, Tân Dân, Phúc Sạn đi lại thuận tiện và giao thương hàng hóa. Đó sẽ là nền tảng để nhân dân vươn lên vượt đói, thắng nghèo, ổn định cuộc sống.
Thúy Hằng