Bà Lộc Thị Quyên, chủ homestay Quang Duyên, bản Lác, xã Chiềng Châu (Mai Châu) đồ xôi chuẩn bị cho mâm cỗ ngày Tết.
Để tìm hiểu về ẩm thực truyền thống ngày Tết của đồng bào Thái, chúng tôi đến bản Lác, xã Chiềng Châu (Mai Châu) - nơi người Thái sinh sống từ lâu đời. Hồi tưởng bao cái Tết đã qua, ông Hà Văn Hoan nay đã xấp xỉ tuổi 70 chia sẻ: Các món ăn truyền thống ngày tết của ông cha cơ bản vẫn được các thế hệ đồng bào Thái gìn giữ cho đến ngày nay. Trong mâm cỗ cúng tổ tiên ngày Tết, không thể thiếu xôi ngũ sắc, bánh chưng, rượu, măng rừng, thịt trâu, lợn, gà, cá và các loại rau củ… Các món ăn ấy tượng trưng cho cuộc sống thường ngày của người Thái, sự hài hòa của đất trời, rừng núi và thể hiện sự hiếu thảo của con cháu đối với ông bà, tổ tiên. Mâm cơm mời khách cũng tương tự như vậy. Tất cả các món ăn đều gần gũi và có phần đơn giản nhưng rất đặc trưng và tinh tế.
Để thể hiện tình đoàn kết, đồng bào Thái có tục đụng lợn, đụng trâu ăn Tết. Cũng theo ông Hoan, việc chọn những con trâu, con lợn to khỏe, chắc thịt được bà con trong bản rất coi trọng và quan tâm, bởi có chọn được con vật tốt, món ăn mới ngon, đặc biệt là thịt sấy. Tết nào cũng vậy, dưới mỗi nếp nhà sàn, thịt sấy là món ăn luôn sẵn sàng mời khách. Vì vậy, nhà nào ít thì 3 - 4 kg, nhà nhiều sấy đến cả chục kg thịt tươi cùng vài cân cá để đãi khách. Món thịt sấy có hương vị rất đặc trưng và dễ làm, phù hợp với khẩu vị mọi lứa tuổi bởi được ướp với tỏi, ớt, muối… và đặc biệt không thiếu mắc khén - loại gia vị được mệnh danh là tiêu rừng Tây Bắc. Sau khi ướp, thịt được đem sấy trên bếp than hoặc phơi khô và đồ qua rồi tiếp tục sấy trong 2 - 3 ngày. Với kinh nghiệm nhiều năm làm món thịt sấy, ông Hoan chia sẻ: Món sấy đảm bảo chất lượng khi ăn, thớ thịt có độ dai vừa phải, ngọt, thơm, cay cay nơi đầu lưỡi, khiến ai thưởng thức 1 lần đều muốn thử thêm lần nữa.
Cùng với thịt sấy, xôi là món ăn quan trọng, luôn được chuẩn bị sẵn trong mâm cơm tất niên của đồng bào Thái. Để có những chõ xôi đồ thơm, dẻo, người Thái chọn loại nếp nương ngon nhất, vo sạch, ngâm nước rồi mới đồ lên. Người Thái chuộng đồ xôi có nhiều màu sắc được tạo nên từ các loại lá cây tự nhiên để cúng tổ tiên và đãi khách. Mỗi màu sắc của xôi mang 1 ý nghĩa khác nhau. Màu đỏ tượng trưng cho sự trù phú, màu vàng no đủ, màu tím thủy chung, màu trắng là tình yêu đôi lứa trong sáng, màu xanh của núi rừng Tây bắc. Ông Hà Văn Hoan cho biết: Người Thái dùng xôi như người Kinh sử dụng cơm tẻ trong bữa ăn hàng ngày. Vì thế vào ngày tết, xôi lại càng không thể thiếu trong các mâm cỗ. Món xôi của người Thái chúng tôi không chỉ được người trong gia đình yêu thích mà khách phương xa hoặc dân tộc khác đến chơi, dùng bữa cũng đều tấm tắc khen ngon.
Ngoài 2 món ăn kể trên, tết đến, các món ăn truyền thống khác vẫn xuất hiện đầy đủ trên mâm cỗ của các gia đình dân tộc Thái. Phương pháp chế biến món ăn của người Thái hoàn toàn dựa vào kinh nghiệm từ ngàn xưa để lại và được lưu giữ từ đời này qua đời khác. Chính điều này đã khiến cho món ăn luôn có hương vị đặc trưng. Ngày nay, các món ăn truyền thống của đồng bào Thái không chỉ tồn tại trong cộng đồng dân tộc mình mà còn phổ biến trong nhiều gia đình thuộc nhiều dân tộc khác nhau. Thịt sấy, cá sấy, xôi nếp nương... cũng đã trở thành những đặc sản của mảnh đất Mai Châu, mang hương vị núi rừng đi khắp muôn nơi.
Hôm nay, khi một mùa xuân nữa lại về, khắp bản trên, làng dưới, bà con quây quần bên nhau nhảy sạp, múa xòe, hát lên những làn điệu dân ca da diết, cùng thưởng thức món ngon truyền thống, mời nhau những chén rượu nồng, chúc cho mọi người khỏe mạnh, bản làng yên vui.
Hải Yến