Giáo viên Trung tâm GDNN - GDTX huyện Mai Châu hướng dẫn học viên kỹ thuật nuôi, phòng trị bệnh trong chăn nuôi gà hữu cơ tại xã Mai Hạ theo hướng "cầm tay chỉ việc".
Sau khi hoàn thành khóa học nghề may công nghiệp tại Trung tâm GDNN - GDTX huyện, chị Khà Thị Huyền, xóm Chiềng Châu (Chiềng Châu) được nhận vào làm tại HTX Dệt thổ cẩm Chiềng Châu. Sản phẩm chị Huyền và các chị em trong HTX làm ra là ví, túi xách, khăn trải bàn... Sản phẩm không chỉ được tiêu thụ tại địa phương, mà còn được đưa đến các điểm du lịch trong, ngoài tỉnh. Công việc hiện tại với mức thu nhập bình quân từ 3,5 - 4 triệu đồng/tháng đã góp phần làm cho cuộc sống của gia đình chị ổn định hơn.
Giống như chị Huyền, anh Lò Văn Quỳnh, xã Đồng Tân cũng theo học lớp dạy nghề trồng rau an toàn do Trung tâm GDNN - GDTX huyện mở. Sau khóa học, nhờ được trang bị kiến thức về sản xuất, chăm sóc rau an toàn, anh Quỳnh đã vận động, tập hợp những người có cùng chí hướng để thành lập HTX Rau sạch Tân Sơn. "Từ chỗ chúng tôi chỉ trồng, chăm sóc rau theo kinh nghiệm, đến nay, 100% hội viên HTX biết ứng dụng KHKT, áp dụng thành thạo kỹ thuật tiên tiến từ khâu trồng, chăm sóc, đến bảo quản sau thu hoạch. Nhờ đó, đã nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập cho xã viên” - anh Quỳnh chia sẻ.
Đồng chí Nguyễn Thị Là, Giám đốc Trung tâm GDNN - GDTX huyện cho biết: Bám sát nhu cầu thực tiễn của địa phương, ngoài việc mở các lớp đào tạo, chuyển giao KHKT về chăn nuôi, trồng trọt, trung tâm còn mở nhiều lớp đào tạo các nghề liên quan đến hướng dẫn viên du lịch, quản lý kinh doanh khách sạn, kỹ thuật nấu ăn... theo nhu cầu thực tế tại địa phương. Sau khi học nghề đã có nhiều học viên tổ chức được các mô hình, điểm du lịch ngay tại địa phương như chị Hà Thị Thu ở bản Lác, Hà Thị Hòa ở bản Pom Coọng (xã Chiềng Châu), Hà Văn Cương ở bản Văn (xã Nà Phòn), Hàng Y Gánh ở xã Hang Kia...
Với chức năng đào tạo nhân lực trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, đào tạo nghề nghiệp trình độ sơ cấp, bồi dưỡng hoàn thiện kỹ năng nghề nghiệp, thời gian qua, Trung tâm GDNN - GDTX huyện đã phối hợp UBND các xã, thị trấn khảo sát nhu cầu học nghề của LĐNT theo hướng đào tạo những gì nông dân thực sự cần; đa dạng hóa loại hình đào tạo theo phương châm "học đi đôi với hành”, "cầm tay chỉ việc”. Để nâng cao chất lượng dạy nghề cho lao động, trung tâm lựa chọn liên kết với các đơn vị có uy tín để đào tạo. Nhờ đó, học viên vừa học vừa được thực hành, đảm bảo tay nghề vững vàng khi kết thúc khóa học.
Với cách làm đó, qua 10 năm thực hiện Đề án đào tạo nghề cho LĐNT, Trung tâm đã tổ chức đào tạo được 106 lớp nghề cho 2.964 học viên là LĐNT với các nghề như: nuôi gà hữu cơ, nuôi và phòng trị bệnh cho trâu, bò, trồng dưa hấu, rau sạch, thêu, dệt thổ cẩm truyền thống, nấu ăn, hướng dẫn du lịch... Cùng với đó, trung tâm đã gắn kết công tác đào tạo nghề với nhu cầu của doanh nghiệp dạy các nghề: may công nghiệp, điện dân dụng, hàn điện... Nhờ vậy, sau khi học nghề có trên 90% học viên tự tạo việc làm, có đủ năng lực, đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh trên địa bàn huyện cũng như trong, ngoài tỉnh.
Từ việc làm tốt công tác đào tạo nghề cho LĐNT đã giúp hàng nghìn người lao động, nhất là đối tượng chính sách, người dân tộc thiểu số, người nghèo được chuyển giao kiến thức KHKT, kỹ năng nghề. "Nhờ học nghề, nhiều LĐNT đã có những thay đổi trong cách thức sản xuất trồng trọt và chăn nuôi, biết bố trí cơ cấu cây, con giống phù hợp; biết áp dụng để nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, đời sống được cải thiện, góp phần vào việc xóa đói, giảm nghèo nhanh, bền vững. Hầu hết học viên sau khi được đào tạo nghề tại trung tâm đã thành công trong áp dụng kiến thức được học, tìm được việc làm tại các doanh nghiệp trên địa bàn, hoặc tự tạo việc làm tại chỗ bằng các mô hình sản xuất cho thu nhập cao” - đồng chí Nguyễn Thị Là nhấn mạnh.
Mạnh Hùng