Bài 2 - Biến ý tưởng thành hiện thực

(HBĐT) - Những ý tưởng "khác người” về phát triển du lịch cộng đồng ở xã Hang Kia đang dần trở thành hiện thực. Hang Kia đã đánh dấu tên mình trên bản đồ du lịch và được nhiều du khách trong, ngoài nước biết đến. Không chỉ chứng minh cho dân bản thấy mình đang có thành công bước đầu trên con đường khởi nghiệp, anh chị Nhà - Múa còn "truyền lửa” khởi nghiệp cho những hộ khác trong bản với khát vọng làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.


 

Ông Raymon, du khách Pháp trải nghiệm thổi khèn Mông cùng vợ chồng Vàng A Nhà - Sùng Y Múa tại homestay Y Múa.

 Hiện thực hóa ý tưởng

Nhận thấy tiềm năng du lịch của bản Mông và đã xuất hiện những người tiên phong, sáng tạo, được coi như chất men quan trọng trong phát triển du lịch cộng đồng, nhiều công ty lữ hành lớn đã đến khảo sát Hang Kia như Ben Thanh tourist, Adventure Tours… Đại diện đoàn khảo sát Công ty Ben Thanh tourist sau khi nghỉ đêm tại homestay Y Múa đã viết: "Nơi đây cảnh sắc thật đẹp, bình yên, con người mến khách, văn hóa độc đáo. Homestay đủ tiêu chuẩn đón khách nội địa và quốc tế. Ben Thanh tourist sẽ thiết kế tour đến Mai Châu và Hang Kia.”

Thực vậy, du khách đến với Hang Kia ngày một nhiều. Tại homestay Y Múa, mỗi đêm lưu trú giá 100.000 đồng/người tại nhà nghỉ cộng đồng và 600.000 đồng/bungalow cho nhóm hoặc gia đình. Với phương châm tận tâm, bản sắc, hướng tới cộng đồng, dần dần du khách đến với bản Mông nhiều hơn. Nhiều món ăn phục vụ khách như gà đen, bánh dày, rau cải… sẵn có tại Hang Kia vừa được du khách ưa thích, vừa thúc đẩy dân bản phát triển trồng trọt, chăn nuôi.

Mô hình homestay Y Múa đã tạo việc làm cho khoảng 20 người trong bản với thu nhập 150.000 đồng/ngày, chưa kể ăn. Đối với người hướng dẫn địa phương khi dẫn khách trải nghiệm được trả 200.000 đồng/ngày, bằng 4 ngày đi làm nương. Tính từ đầu năm đến tháng 10, gia đình chị Sùng Y Múa đã đón gần 2.000 khách, trong đó 1.500 khách từ các công ty lữ hành chuyên nghiệp. Hơn 25 công ty lữ hành như Công ty Việt Nam Adventure Tours, Didi, Tân Phương Đông… thường xuyên kết nối đưa khách trong, ngoài nước đến Hang Kia và nghỉ tại homestay Y Múa. Du khách từ TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội… hay từ nước Pháp, Đức, Israel, Anh, Australia, Tây Ban Nha... đều hài lòng khi để lại lưu bút. Cuốn sổ lưu niệm bằng giấy giang đơn sơ ngày càng dày lên cũng là cách để chị nắm bắt, phát huy những lời khen và khắc phục đối với những lời góp ý.

Vừa làm homestay, Y Múa vừa tiếp tục học để tích lũy kiến thức, học tiếng Anh để giao tiếp, tìm hiểu nhu cầu của từng nhóm khách phục vụ được chu đáo. Ví như trong ẩm thực, khách Pháp thích khám phá những món ăn ở chỗ họ không có. Khách Đức, Anh, Tây Ban Nha... ăn uống cẩn thận hơn. Mùa hè chị đun nước quế rừng, mùa đông là chè gừng, mật ong với loại chè shan tuyết cổ thụ 400 - 500 năm tuổi tự nhiên ở độ cao 1.200 - 1.500 m so với mực nước biển.

Công ty Adventure Tours là một trong những doanh nghiệp thường xuyên kết nối đưa khách từ khối Pháp ngữ đến Hang Kia. Hướng dẫn viên Trần Văn Lực trung tuần tháng 10/2018 cùng 2 người nữa đã đến Hang Kia trong tour "Hà Nội - bản Lác - Hang Kia - Pù Luông - Ninh Bình - Huế”, trong đó có ông Raymon, người Pháp. Anh Lực cho hay, khách Pháp thích khám phá, bản sắc, khác biệt. Điểm đến Hang Kia đáp ứng được tiêu chí của họ. Sáu lần đến Hang Kia, có lần đoàn trên 10 người và lần nào cũng nghỉ tại homestay Y Múa. Các đoàn đều thích không khí trong lành dễ chịu, cảnh hoang sơ, văn hóa độc đáo, nhiều món ăn. Họ rất vui khi tham gia uống rượu vòng, hòa mình vào các làn điệu dân ca Mông, hát giao duyên, hát đối, thử thổi khèn…

Khách trong nước cũng hứng thú khi khám phá bản Mông. Anh Nguyễn Các Ngọc từ TP Hồ Chí Minh viết: "Gia đình tôi đã có một chuyến đi ấn tượng. Homestay Y Múa quá đặc sắc từ phòng ngủ đến cảnh sắc, món ăn ngon. Vợ chồng Nhà - Múa rất nhiệt tình, lại hát hay, thổi kèn giỏi. Tôi nhất định sẽ trở lại”. Còn du khách Nguyễn Việt đi tour từ Viet Nam Travel ghi: "Chưa bao giờ tôi thấy nuối tiếc khi phải chia tay với một điểm du lịch như thế này. Hang Kia có quá nhiều điều chúng tôi phải lưu luyến, ghé thăm”.

Tiếp tục sáng tạo, mong biến Hang Kia thành điểm sáng du lịch

Sùng Y Múa cho rằng, làm gì cũng phải học, phát triển du lịch cộng đồng thì cả cộng đồng cùng làm mới bền vững. Cần xóa tư tưởng đi học chỉ để làm cán bộ của đồng bào, cần tạo được động lực để người dân ý thức được việc tự học, học để sáng tạo, để ấm no. Từ mô hình đầu tiên, giờ Hang Kia đã có 4 homestay phục vụ khách nghỉ đêm. Lượng khách đến đây tăng lên khi có chỗ lưu trú và các sản phẩm du lịch đi kèm. Mỗi homestay tạo việc làm cho hàng chục đến vài chục lao động là người dân bản.

Phát triển du lịch từng bước góp phần nâng cao thu nhập không chỉ cho riêng gia đình Y Múa mà nhiều dân bản vốn trước đây bị cho là sống khép kín, khó tiếp cận. Thông qua những chuyến du lịch, du khách đã kết nối tổ chức nhiều hoạt động thiện nguyện giúp đỡ đồng bào. Nói như Vàng A Nhà: "Vui nhất là dân bản được mở rộng giao lưu văn hóa, chuyển biến trong cách nghĩ, cách làm, đặc biệt số người tham gia vận chuyển ma túy trái phép giảm”. A Nhà giờ đã đảm nhận công tác khác. Theo anh, để du lịch cộng đồng phát triển cần sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền một cách bài bản. Ý tưởng đã có nhưng công tác tổ chức thực hiện mới là cốt lõi. Cần những cán bộ nhiệt tình, có tâm, có tầm nhìn, hiểu biết. Một gia đình mình giữ bản sắc văn hóa, giữ rừng… chưa đủ mà cần cả cộng đồng.

Riêng với gia đình Y Múa, để tiếp tục tạo ra sản phẩm du lịch hấp dẫn, chị sẽ mở khu bán hàng lưu niệm, góp phần khôi phục, phát triển nghề thêu truyền thống. Xây dựng bảo tàng không gian văn hóa dân tộc Mông, tái hiện lại mọi hoạt động của người Mông từ ngôi nhà cổ đến trang phục, sinh hoạt văn hóa, cuộc sống thường ngày… Điểm khác biệt của bảo tàng là du khách sẽ được trải nghiệm trực tiếp, chứ không chỉ là hiện vật trưng bày. Vợ chồng Nhà - Múa vẫn miệt mài sáng tạo và truyền nhiệt huyết cho dân bản với mong muốn Hang Kia sẽ thành điểm đến không thể bỏ qua. Được biết, một số công ty du lịch như Công ty CP Dịch vụ thương mại và du lịch Hòa Bình đang có dự định triển khai dự án tại Hang Kia.

Nhìn những du khách dậy sớm thích thú đi ngắm mây, tự tay vẽ sáp ong, nặn bánh dày, chụp ảnh trong vườn mận, chia sẻ dòng trạng thái vui vẻ trên mạng xã hội… Y Múa hiểu rằng ước vọng "đánh thức” tiềm năng du lịch ở Hang Kia đang dần hiện hữu. Mai này nếu du lịch tiếp tục phát triển một cách bài bản, đời sống đồng bào Mông sẽ được cải thiện, mong sao họ sẽ tránh xa ma túy, xóa nạn tảo hôn, chuyển hóa được địa bàn.

Cẩm Lệ



Các tin khác


Xã Mai Hịch phát triển du lịch cộng đồng

(HBĐT) - Cách trung tâm huyện Mai Châu khoảng 13 km, xã Mai Hịch hội tụ đầy đủ các yếu tố để phát triển du lịch cộng đồng. Trong đó điểm nhấn là núi rừng hùng vĩ, lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc Thái, ẩm thực phong phú… Nhạy bén, nắm bắt xu thế của du khách thích trải nghiệm, khám phá văn hóa truyền thống, một số hộ dân trong xã mạnh dạn phát triển dịch vụ du lịch cộng đồng với hy vọng nâng cao thu nhập, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương.

Ba Khan thơ mộng

(HBĐT) - Đúng như cái tên, xã Ba Khan (Mai Châu) có diện tích khiêm tốn, vỏn vẹn 3 xóm gồm: Khan Thượng, Khan Hạ và Khan Hò. Kể từ khi tỉnh lộ 450 được xây dựng, mảnh đất vốn "ẩn mình” giữa núi non trùng điệp, hướng ra vùng lòng hồ mênh mang này đã được du khách gần xa khám phá. Vẻ đẹp hoang sơ, hùng vỹ của Ba Khan khiến bao người đắm say.

Mai Châu có nhiều giải pháp thúc đẩy du lịch phát triển

(HBĐT)-Là điểm sáng của du lịch tỉnh Hòa Bình, những năm qua, huyện Mai Châu có nhiều giải pháp để phát triển du lịch, nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về tài nguyên du lịch, góp phần tạo dựng bộ mặt NTM, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Sống chậm ở thung lũng Mai Châu

Khám phá Mai Châu là một hành trình thu hút du khách trong và ngoài nước với nhiều điều hấp dẫn đang chờ đón.

Mai Châu luôn phấn đấu để là điểm đến hấp dẫn, tạo được ấn tượng tốt đẹp đối với du khách trong nước và quốc tế

Nhân dịp xuân Mậu Tuất 2018, trong không khí xuân sắc với các hoạt động lễ hội, văn hóa văn nghệ rộn ràng, sôi động tại các bản, làng Mai Châu, phóng viên Báo Hòa Bình đã có cuộc trò chuyện với đồng chí Hà Công Thẻ, Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Mai Châu về "bức tranh” tổng thể về du lịch Mai Châu trong giai đoạn hiện nay.

Du khách Tây ăn Tết ở bản

(HBĐT) - Khi hoa mai, hoa đào chớm nở là lúc những người làm du lịch homestay ở xã Mai Hịch (Mai Châu) rục rịch trang trí khuôn viên nơi ở, mua sắm thêm vật dụng cần thiết… Họ sắm Tết không chỉ cho gia đình mà cho những người khách nước ngoài ở lại đón Tết.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục