(HBĐT) - Vào ngày cuối tuần, 2-3 gia đình thuê một chiếc thuyền thưởng ngoạn trên vùng lòng hồ Hòa Bình. Không chỉ đáp ứng nhu cầu du lịch tâm linh của người lớn mà còn là trải nghiệm thú vị của trẻ nhỏ với những hoạt động như đi rừng, câu cá, cắm trại, tắm trên hồ..., hình thức du lịch gia đình trên vùng hồ Hòa Bình đang được nhiều du khách lựa chọn.


Du khách trải nghiệm chèo thuyền trên vùng hồ ở xã Ngòi Hoa (Tân Lạc).

Là một người yêu thích sông nước, nhất là vùng hồ Hòa Bình, chị Trần Thị Thảo ở Linh Đàm (Hà Nội) chia sẻ: Đầu năm nào tôi cũng lên hồ Hòa Bình để đi đền Bờ. Dịp đó đông đúc mà không có nhiều thời gian nên chỉ có hai vợ chồng đi. Qua một người bạn ở Hòa Bình, chúng tôi được biết, một số chủ thuyền nhỏ thường nhận dịch vụ đưa khách đi chơi lòng hồ. Với những thuyền nhỏ, giá thuê vừa túi tiền cho từ 2-3 hộ đi chơi trên lòng hồ cả ngày. Tuần trước, gia đình tôi cùng gia đình người anh thuê một chiếc thuyền có thể chở được 20 người, giá từ 600 - 800 nghìn đồng/thuyền/ngày. Khi thuê trọn gói thì mình thích đi đâu cũng được, vừa chủ động được thời gian, vừa thoải mái không phụ thuộc vào người khác. Do gần Hà Nội, lại được đi sông nước ngắm cảnh thiên nhiên nên chúng tôi thường xuyên rủ thêm gia đình bạn bè cùng đi vào dịp cuối tuần.

Chị Thảo cho biết thêm: Lộ trình của chúng tôi là khoảng 8h có mặt tại bến lên thuyền đi chơi tại điểm mình thích. Bữa trưa đặt cơm nhà thuyền nấu và ăn tại thuyền. Gần trưa, chúng tôi vào một nhà thuyền nuôi cá trên lòng hồ câu cá. Lên lòng hồ có nhiều điểm đi chơi để lựa chọn như: thăm đảo Dừa, đảo Xanh, đảo Quạ, đảo Dê, đền Chúa Thác Bờ, động Thác Bờ, đảo Cối Xay Gió… Thời gian gần đây, Công ty CP du lịch Hòa Bình chuyển khu vui chơi trên hồ từ xã Ngòi Hoa (Tân Lạc) về xã Thung Nai (Cao Phong). Đây là địa điểm trẻ rất thích vì được tắm, nô đùa cả ngày trên nước, vừa là nơi vui chơi, rèn luyện kỹ năng mới cho trẻ. Vào những ngày nắng, chúng tôi có thể lựa chọn đặt cơm tại khu vui chơi trên nước hoặc tại các đảo. Trong khung cảnh thiên nhiên hoang sơ, được đắm chìm trong bể tắm thiên nhiên mát lạnh, chèo thuyền lênh đênh giữa lòng hồ sông Đà, len lỏi trong những khu rừng rậm rạp, khám phá những hang động kỳ bí, ẩn chứa nhiều điều bí ẩn, trải nghiệm phiên chợ vùng cao đặc trưng, tìm hiểu nét văn hóa truyền thống độc đáo của những người dân địa phương và thưởng thức những món đặc sản núi rừng như cá nướng, rau đồ, lợn bản địa, gà chạy bộ… để lại ấn tượng khó quên. Với những chuyến đi như này, chi phí không cao. Như chuyến đi vừa rồi, cả hai gia đình chỉ hết hơn 2 triệu đồng. Nhưng điều tôi hài lòng nhất khi chọn dịch vụ này là các con được trải nghiệm nhiều hoạt động như câu cá, cắm trại, tắm sông, nướng cá… để có thêm kỹ năng sống.

 Là người thường xuyên đón, nhận khách đi chơi theo đoàn, anh Đinh Văn Linh, xóm Tráng, xã Bình Thanh (Cao Phong) cho biết: Gia đình tôi nuôi cá lồng trên lòng hồ. Qua mối quan hệ, tôi quen vài người dưới Hà Nội. Thỉnh thoảng họ đưa cả gia đình lên chơi. Họ lên đây thuê thuyền đi, ra lồng cá chơi bắt cá nấu hoặc nướng ngay tại nhà bè. Sau khi ăn cơm, họ thường đi sang Thung Nai để chơi. Từ 1-2 người dần dần đi họ giới thiệu cho nhau, hình thức du lịch này ngày càng tăng lên. Nhiều người còn cắm trại ở đảo, mua cá tự nướng rồi đi rừng khám phá. Hiện, tôi và nhiều người trên vùng lòng hồ cũng nhận khách du lịch theo hình thức này.

Việt Lâm


Các tin khác


Cảng Thung Nai hướng tới sự hài lòng của du khách

(HBĐT) -  Tại cảng Thung Nai, thuộc xã Thung Nai (Cao Phong) không xảy ra tình trạng chèo kéo khách. Theo chỉ dẫn của tổ bảo vệ, khách xếp hàng mua vé và xuống tàu. Chủ tàu trang bị đầy đủ áo phao, hướng dẫn khách du lịch những kỹ năng an toàn khi trên tàu. Đến trạm kiểm tra Cảnh sát đường thủy nội địa sẽ kiểm tra số lượng khách, lệnh xuất bến... Chất lượng dịch vụ tại cảng Thung Nai hướng tới tạo sự hài lòng cho khách du lịch hồ Hòa Bình.

Huyện Đà Bắc góp sức xây dựng khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình

(HBĐT) - Có gần một nửa số phân khu, điểm du lịch trong khu du lịch hồ Hòa Bình thuộc địa phận của huyện, những năm gần đây, Đà Bắc đã tăng cường thu hút đầu tư phát triển du lịch. Năm 2015, Huyện ủy ban hành Nghị quyết số 09 về "Phát triển du lịch huyện giai đoạn 2015 -2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Tháng 6/2017, UBND huyện ban hành Quyết định số 1908 về việc phê duyệt Đề án phát triển du lịch huyện đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030. Nội dung Đề án nêu rõ quan điểm về phát triển du lịch của huyện: Đảm bảo thống nhất với các định hướng phát triển du lịch của các quy hoạch cấp tỉnh, cấp quốc gia, phù hợp với bối cảnh, xu thế phát triển du lịch của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung; tập trung khai thác lợi thế mặt nước hồ Hòa Bình, cảnh quan, hệ sinh thái, văn hóa các dân tộc… để phát triển du lịch bền vững theo hướng xanh, sạch gắn với bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc; kết nối không gian du lịch Đà Bắc với khu du lịch hồ Hòa Bình và tăng cường liên kết với các khu, điểm du lịch khác trong, ngoài tỉnh để hình thành các tuyến du lịch liên hoàn. Mục tiêu của Đề án đến năm 2020, huyện trở thành trung tâm du lịch sinh thái, khám phá và kết nối chặt chẽ với khu du lịch hồ Hòa Bình. Với các sản phẩm du lịch đặc trưng: du lịch sinh thái, khám phá, nghỉ dưỡng, tâm linh và thắng cảnh vùng hồ…, huyện đặt ra kỳ vọng đến năm 2030 sẽ trở thành một trong những điểm du lịch trọng điểm của tỉnh.

Sức hút trò chơi đua thuyền kayak trên hồ Hòa Bình

(HBĐT) - Hồ Hòa Bình có chiều dài 70 km, trải rộng trên địa bàn 17 xã thuộc 5 huyện, thành phố. Khu vực lòng hồ có 47 đảo lớn, nhỏ. Trong thời gian qua, tỉnh ta đã khai thác những tiềm năng sẵn có của hồ Hòa Bình để phát triển du lịch. Tại đây, khách du lịch được đắm mình trong không gian yên tĩnh của sông nước hữu tình, hiền hòa. Đặc biệt, khách du lịch còn được khám phá, thử cảm giác mạnh với trò chơi đua thuyền kayak trên hồ.

Thăm đền Hang Miếng

(HBĐT) -Chúng tôi trở lại thăm đền Hang Miếng, thuộc địa phận xã Quang Minh, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La nằm trên khu vực hồ Hòa Bình. Đến thăm chốn tâm linh đền Hang Miếng là một hành trình không dễ dàng. Nhưng bù lại là được khảo sát, trải nghiệm "gần như” chọn tuyến sông Đà (khu vực tỉnh Hòa Bình), tìm lại sự thanh thản, bình yên trong tâm hồn trong cuộc sống vốn bộn bề lo toan.

Phát triển du lịch - cơ hội mới cho Ngòi Hoa

(HBĐT) - Bản Ngòi, xã Ngòi Hoa (Tân Lạc) được quy hoạch là vùng lõi - trung tâm phát triển khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình. Bản Ngòi là bản khó khăn của tỉnh, có gần 90 hộ dân với trên 300 nhân khẩu, người dân chỉ trông vào đánh bắt cá, tôm, làm nương rẫy, khai thác lâm sản, cuộc sống không ổn định, tỷ lệ hộ nghèo cao so với mặt bằng. Thế nhưng, bản Ngòi lại có tiềm năng lớn để phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa.

Xúc động bồi hồi trước Đài tưởng niệm bên công trình thủy điện Hòa Bình

(HBĐT) - Chúng tôi thành kính dâng hương Đài tượng niệm 168 cán bộ, sỹ sư, công nhân lao động và chuyên gia nước bạn đã hy sinh trong những ngày tháng gian khó, những rất đỗi vinh quang trong quá trình xây dựng công trình thủy điện Hòa Bình một ngày tháng 5 rực lửa hoa phượng đỏ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục