(HBĐT) - Tại Kỳ họp thường lệ giữa năm 2023, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026, tổ đại biểu huyện Lạc Sơn cho biết, cử tri xã Tuân Đạo mong muốn các cấp ủy Đảng, chính quyền và sở, ban, ngành quan tâm, hỗ trợ kinh phí xây dựng khu tái định cư (TĐC), sớm di dời các hộ dân sinh sống tại vùng có nguy cơ cao xảy ra thiên tai. Đó là việc làm cấp bách giúp người dân khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống sau thiên tai.
Khu vực tiềm ẩn nguy cơ sạt lở đất tại xóm Đào, xã Tuân Đạo (Lạc Sơn) ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Khảo sát thực tế tại 2 xóm Đanh, Đào có địa hình quanh co, dốc cao. Đất, đá rơi vãi dọc tuyến đường làm cản trở người và phương tiện lưu thông. Theo chia sẻ của bà con, mưa lũ lịch sử năm 2017 - 2018 đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của các hộ dân, trong đó có 13 hộ được di dời đến nơi ở mới an toàn. Hiện tại, địa bàn 2 xóm còn khoảng 20 hộ sinh sống ở khu vực tiềm ẩn nguy cơ sạt lở cao. Thời điểm mưa lớn kéo dài, các hộ phải đến nhà người thân hoặc nhà văn hóa xóm để đảm bảo an toàn.
Ông Bùi Văn Lập, Trưởng xóm Đanh trăn trở: Nhân dân sinh sống chủ yếu trên đồi cao, tuy nhiên nền đất yếu nên tiềm ẩn nguy cơ sạt trượt khi mưa to kéo dài. Cứ mưa lớn là các hộ phải di dời đến nhà người thân ở tạm. Ngoài ra, tình trạng đá lăn xảy ra thường xuyên ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt, lưu thông và vận chuyển hàng hóa của bà con.
Bà Bùi Thị Dìn ở xóm Đào chia sẻ: Sinh sống chênh vênh trên đồi cao, gia đình tôi lúc nào cũng nơm nớp lo sợ khi mưa to kéo dài. Tiền nợ xây nhà chưa trả hết, bây giờ không biết lấy tiền đâu để kè lại những điểm xung yếu. Chúng tôi mong muốn chính quyền các cấp quan tâm, hỗ trợ kinh phí để xử lý các điểm sạt trượt hoặc di dân TĐC tại nơi ở mới an toàn.
Xã Tuân Đạo thuộc vùng 135, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Toàn xã có 1.175 hộ, 5.400 nhân khẩu, sinh sống tại 9 xóm. Tổng diện tích đất tự nhiên 1.263 ha, trong đó diện tích đất ở chỉ có 92,4 ha. Địa hình chủ yếu là đồi núi cao, diện tích đất bằng chỉ chiếm 7,3%. Do đó các hộ dân phải xây dựng nhà trên đồi cao, dọc theo sườn đồi. Địa bàn xã cũng bị chia cắt bởi các nhánh suối nhỏ chảy từ thượng nguồn. Thời điểm mưa to kéo dài, nước từ trên đồi đổ xuống kéo theo đất, đá làm hư hỏng các tuyến đường giao thông. Cùng với đó, tình trạng đá lăn thường xuyên xảy ra vào mùa mưa bão. Theo rà soát, toàn xã hiện có 5 điểm dọc theo các tuyến đường giao thông tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn xã xuất hiện các đợt mưa lớn, tuy nhiên chưa có thiệt hại về tài sản. Không lơ là, chủ quan trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, xã đã xây dựng kế hoạch cụ thể, phân công cán bộ bám địa bàn. Thành lập các tổ kiểm tra, rà soát khu vực xung yếu để có phương án xử lý kịp thời. Cắm biển cảnh báo tại khu vực tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sạt lở đất, đá lăn. Tăng cường tuyên truyền, vận động bà con chủ động theo dõi diễn biến thời tiết, gia cố nhà cửa, chuồng trại chăn nuôi.
Khi xảy ra thiên tai, các thành viên Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn xã thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ". Huy động các lực lượng tham gia trực 24/24h để kịp thời ứng cứu, xử lý tình huống đột xuất, bất ngờ. Phân công thành viên trực tại các khu vực xung yếu, tuyệt đối không cho người và phương tiện lưu thông. Nhanh chóng di dời người và tài sản tại các khu vực xung yếu đến nhà văn hóa xóm để đảm bảo an toàn.
Đồng chí Bùi Hồng Diên, Chủ tịch UBND xã Tuân Đạo cho biết: Cấp ủy, chính quyền xã mong muốn Nhà nước quan tâm, bố trí nguồn kinh phí xây dựng các điểm TĐC đảm bảo cho người dân có nơi ở an toàn. Chính quyền địa phương sẽ bố trí khu vực bằng phẳng, thuận tiện cho công tác giải phóng mặt bằng và TĐC; huy động nhân dân đóng góp ngày công để nhanh chóng hoàn thiện khu TĐC. Đồng thời, quyết liệt triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm chủ động ứng phó với thiên tai, đảm bảo an toàn tính mạng người dân, giảm thiểu thiệt hại về tài sản, nhanh chóng ổn định cuộc sống sau các đợt thiên tai.
Đức Anh