Đoàn công tác của tỉnh và huyện Lương Sơn rà soát, nắm bắt tình hình tạo việc làm bền vững cho hộ nghèo sau đào tạo nghề tại xã Liên Sơn.
Theo đồng chí Nguyễn Quý Linh, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN - GDTX) huyện Lương Sơn, với chức năng giáo dục nghề, đơn vị đang tích cực triển khai 2 chương trình đào tạo từ nguồn ngân sách huyện và kinh phí CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Riêng vốn CTMTQG giảm nghèo bền vững có thể không thực hiện được do khó tìm đối tượng học như quy định. Khởi động chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn từ tháng 6, huyện đã dành gần 200 triệu đồng từ nguồn ngân sách địa phương mở 3 lớp nghề ngắn hạn, mỗi lớp có 30 lao động tham gia. Mới đây có thêm 3 lớp thuộc CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được tổ chức. Các lớp nghề được mở tại địa bàn có đông lao động theo học, tạo điều kiện để lao động tham gia đầy đủ các giờ học lý thuyết và thực hành.
Ngoài vai trò là đầu mối thu gom, tiêu thụ sản phẩm mây tre đan cho các hộ, chị Nguyễn Thị Hàn ở xã Liên Sơn còn được Trung tâm GDNN - GDTX huyện mời làm giáo viên thỉnh giảng đào tạo nghề mây tre đan cho lao động ở các xã. Chị Hàn cho biết: Từ năm 2023 - 2024, các lớp nghề mây tre đan được mở theo nhu cầu của người lao động. Là người có kỹ thuật tay nghề và có mối tiêu thụ lâu dài, tôi đã đem những kiến thức, kinh nghiệm của mình truyền dạy, hướng dẫn cho học viên. Đáng mừng là người học rất tích cực và làm nghề được ngay sau khi hoàn thành khóa đào tạo ngắn hạn. Đến nay, hầu hết người học duy trì và phát triển nghề mây tre đan tại gia đình. Một số lớp nghề mây tre đan mở cho đối tượng theo học của xã Lâm Sơn và các xã vùng Nam Lương Sơn phát huy hiệu quả, thu hút hàng trăm lao động tham gia, có thu nhập từ nghề.
Bà Hoàng Thị Loan, hộ nghèo xã Liên Sơn chia sẻ: Nghề mây tre đan phù hợp với tôi và nhiều chị em khác vì ở độ tuổi ngoài 40 trở đi, chúng tôi rất khó tìm được công việc ở các nhà máy, khu, cụm công nghiệp. Một lý do khiến chúng tôi gắn bó với nghề này là không phải đi làm xa, có thể tranh thủ làm mọi lúc, mọi nơi mà vẫn có thời gian quán xuyến việc nhà.
Bên cạnh nghề mây tre đan, nghề may công nghiệp cũng được nhiều lao động trên địa bàn đăng ký theo học. Với thuận lợi có khu công nghiệp Lương Sơn, nghề này mở ra nhiều cơ hội việc làm cho người lao động nắm bắt, lựa chọn. Ngoài ra, nhiều lao động sinh sống ở các xã vùng Nam Lương Sơn có nhu cầu học nghề may vì dễ tìm được việc làm tại chỗ. Trong vùng có nhiều tổ may, xưởng may gia công cần tuyển dụng nhân công, hưởng lương theo trình độ tay nghề và khối lượng sản phẩm.
Cũng theo đồng chí Giám đốc Trung tâm GDNN - GDTX huyện, sau khi tham gia lớp nghề do trung tâm tổ chức, số lao động có việc làm và tự tạo việc làm đạt gần 90%. Mục tiêu năm 2024, đơn vị mở 15 lớp nghề, chủ yếu nghề mây tre đan, may công nghiệp, chăn nuôi gà thả vườn. Trong kế hoạch mở lớp, đơn vị cũng căn cứ vào nhu cầu của lao động các xã để mở khóa đào tạo kỹ thuật nấu ăn, nhằm cung ứng lao động cho các khu du lịch nghỉ dưỡng, dịch vụ, nhà hàng trên địa bàn. Thông qua đào tạo, dạy nghề đã góp phần giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động và giảm nghèo bền vững. Toàn huyện phấn đấu đến hết năm 2024, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 76%, trong đó 70% lao động có chứng chỉ đào tạo.
Bùi Minh