Mô hình nuôi lợn rừng lai, lợn bản địa và gà ri Lạc Sơn đã giúp gia đình anh Bùi Văn Tiềm ở xóm Bán Ngoài, xã Định Cư (Lạc Sơn) có nguồn thu nhập đáng kể.
Đồng chí Bùi Thị Mỳ, công chức LĐ-TB&XH xã Định Cư cho biết: "Sau nhiều năm tích cực lao động, sản xuất, phấn đấu, gia đình anh Bùi Văn Tiềm là hộ điển hình nỗ lực phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, trở thành hộ có kinh tế khá trong xã”.
Là diện hộ nghèo, cuộc sống hết sức khó khăn, nhờ có chế độ, chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, địa phương và chịu thương, chịu khó trong lao động, sản xuất, nỗ lực không ngừng nghỉ, đến nay gia đình anh Bùi Văn Tiềm ở xóm Bán Ngoài đã vươn lên thoát nghèo. Anh Tiềm chia sẻ: "Khoảng năm 2017 - 2018 là thời điểm cuộc sống khó khăn nhất. Lúc đó gia đình tôi có 8 người, gồm bố mẹ già, 2 con nhỏ, người chị bị câm điếc bẩm sinh, con của chị và hai vợ chồng tôi lao động để nuôi gia đình. Vợ đi làm công ty, lương mỗi tháng được khoảng 5 triệu đồng, còn tôi làm nông, vất vả quanh năm mà thu nhập vẫn thấp, bấp bênh, cuộc sống gia đình vô cùng chật vật. Mặc dù được quan tâm, hưởng các chế độ, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, địa phương nhưng cuộc sống vẫn thiếu trước, hụt sau. Được tuyên truyền về công tác giảm nghèo và tạo điều kiện tham gia một số lớp tập huấn, đào tạo nghề, tôi ấp ủ khát vọng phát triển kinh tế, quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương”.
Với suy nghĩ đó, năm 2019, từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội và vay thêm từ Ngân hàng NN&PTNT, anh Tiềm bắt tay thực hiện mô hình phát triển kinh tế, đầu tư xây chuồng trại chăn nuôi, mua 13 con lợn rừng lai. Nhưng chỉ sau 1 tháng, đàn lợn bị chết do nhiễm dịch tả lợn châu Phi. Mất trắng ngay lần đầu tiên đầu tư phát triển kinh tế, chưa kịp hoàn vốn lại thêm gánh nặng lãi suất, khó khăn chồng chất, anh từng chán nản, thất vọng. Nhanh chóng vực dậy tinh thần, từ thất bại anh rút ra được kinh nghiệm quý báu. 1 năm sau anh bắt tay làm lại từ đầu. Lần này anh tái đàn với số lượng ít hơn, vừa làm vừa học hỏi. Chăn nuôi gần 1 năm, lứa lợn đầu tiên xuất chuồng mang lại lợi nhuận kinh tế. Không những thế, anh đầu tư nuôi thêm 400 con ngan, gà, vịt. Có thêm nguồn thu, gia đình anh không còn phải lo túng thiếu như trước.
Từ lứa lợn đầu tiên có hiệu quả, anh Tiềm mạnh dạn mở rộng quy mô, tập trung nuôi lợn Mường bản địa, lợn rừng lai và cả ngan, gà, vịt. Năm 2022, sau khi trừ các khoản chi phí, anh Tiềm thu về 150 triệu đồng. Cùng một số nguồn thu nhập khác, trong năm, gia đình anh được công nhận thoát nghèo. Nhận thấy nhu cầu của thị trường thay đổi, năm sau anh đầu tư nuôi lợn rừng lai, lợn Mường bản địa và gà ri Lạc Sơn. Hướng đi này giúp anh thu về khoảng gần 200 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Đến nay, mô hình kinh tế của gia đình anh Bùi Văn Tiềm nuôi 20 con lợn nái, 100 con lợn giống và 100 con gà ri Lạc Sơn, 50 con gà trống thiến.
Xuất phát điểm từ hộ nghèo vươn lên, anh Tiềm hiểu rõ, đồng cảm với những khó khăn, nguyện vọng của các hộ có chung hoàn cảnh. Bởi vậy, khi cuộc sống đã đủ đầy hơn, anh luôn mong muốn được góp sức để giúp đỡ hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn phát triển kinh tế, có cuộc sống tốt đẹp hơn. Tháng 11/2022, anh Bùi Văn Tiềm và anh Hà Đức Anh cùng thành lập Hợp tác xã (HTX) lợn Mường Lạc Sơn. HTX hiện có 7 thành viên. Trên cương vị là Phó Giám đốc HTX và cũng là thành viên chăn nuôi số lượng nhiều nhất, anh luôn tích cực giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm với các thành viên, người dân trên địa bàn. Hiện nay, thị trường đầu ra tuy chưa thực sự bền vững nhưng các thành viên HTX vẫn duy trì hiệu quả, tạo thêm nguồn thu để kinh tế gia đình vững chắc hơn.
Vươn lên từ gian khó là động lực hộ nghèo, cận nghèo nỗ lực phấn đấu nhiều hơn nữa để có cuộc sống, tương lai tươi sáng hơn. Đồng thời, chung sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh. Việc nhân rộng mô hình giảm nghèo hiệu quả không chỉ khơi dậy ý chí tự vươn lên của người dân, mà còn góp phần vào mục tiêu giảm nghèo bền vững của địa phương.
Linh Nhật