Một góc bản Thái Pom coọng
(HBĐT) - Bản Pom Coọng thuộc thị trấn Mai Châu, huyện Mai Châu, khiến ta tò mò ngay từ cái tên. Nơi mảnh đất này, người Thái đã biết làm du lịch từ chính cuộc sống thường ngày của họ.
Từ nhà sàn, các sinh hoạt ăn uống, từ nét đẹp trong đời sống văn hoá mà hình thành và phát triển du lịch. Pom Coọng làm du lịch sau bản Lác, vì vậy học hỏi được nhiều kinh nghiệm về cách làm du lịch, có nhiều thuận lợi hơn.
Giống như các bản làng của người Mường, người Thái – Pom Coọng thường sinh sống ở những nơi có sông, suối, làm nhà dựa lưng vào núi đồi, phía trước nhà thường là cánh đồng bao la. Người Thái nổi tiếng bởi điệu múa xoè, múa sạp. Xoè Thái một điệu múa nổi tiếng, gần gũi và giản đơn, là nét đặc sắc của người Thái với sáu điệu múa xoè cổ ngày nay đang được lưu giữ và bảo tồn. Khác với nhà sàn của các dân tộc khác, nhà sàn của người Thái thường cao ráo hơn vì vậy luôn tạo được cảm giác sạch sẽ, thoáng mát. Sàn nhà cách mặt đất trên dưới 2m bằng những cột gỗ chắc chắn. Sàn nhà bằng tre hoặc bương. Mái nhà lợp gianh, lá mây hoặc được cải tiến bằng gạch. Các cửa sổ trong nhà có kích thước khá lớn để đón gió mát và cũng là nơi để chủ nhà treo các giò hoa phong lan, hoa rừng, những lồng chim cảnh. Dưới chân nhà sàn, các cô gái Thái miệt mài bên khung cửi làm ra các sản phẩm thổ cẩm độc đáo, thu hút khách du lịch. Các sản phẩm lưu niệm là những tấm thổ cẩm, túi, áo được bày bán ngay tại dưới chân nhà sàn với nhiều màu sắc sặc sỡ, những màu khiến những ngôi nhà sàn của Pom Coọng càng thêm nổi bật.
Điểm hút của Pom Coọng, trong du lịch đó chính là không gian “thuần Thái” rất sạch sẽ. Nguồn nước sạch, các công trình nước, vệ sinh được làm quy củ tạo cho du khách cảm giác trong lành và an toàn. Nước chủ yếu là dùng nước máy. Rác thải được phân loại, đựng trong thùng và sẽ được xử lý. Đường làng, ngõ xóm luôn sạch sẽ, không có chuyện người dân vứt rác bừa bãi. Đến đây, bạn sẽ cảm nhận được sự trong lành của đất trời, yên bình của cuộc sống, bạn sẽ quên đi những mệt nhọc và lo toan thường ngày. Đến đây bạn sẽ được gặp gỡ những cô gái Thái duyên dáng, e ấp trong các điệu múa hay bắt gặp họ dịu dàng, chăm chỉ trong cuộc sống thường ngày.
Du khách đến với Pom Coọng chủ yếu là người nước ngoài, những học sinh và sinh viên đam mê tìm hiểu về văn hoá các dân tộc thiểu số. Họ đến đây để hiểu rõ hơn về cuộc sống, con người dân tộc Thái, họ hoà mình vào cuộc sống của người Thái và thực sự thích thú với những điệu múa xoè, những lễ hội cồng chiêng, ngủ nhà sàn - uống rượu cần và đi bộ ngắm núi đồi, con người nơi đây…Không chỉ thăm quan du lịch, những du khách nước ngoài đến với Pom coọng còn chung tay giúp đỡ những người dân nghèo, những người có hoàn cảnh khó khăn xây nhà, các công trình công cộng ở Mai Châu. Chị Hà Thị Chung, một người đi đầu về làm du lịch ở Pom Coọng cho biết: Trong năm 2010, gia đình chị đã làm cầu nối cho những du khách nước ngoài giúp đỡ người dân xây dựng được 4 ngôi nhà ở xóm Pu (Xăm Khoè), Nà Mòn (Cun Pheo).
Du lịch Pom Coọng ngày càng thu hút và trở nên quen thuộc với du khách. Trong điệu xòe huyền diệu cùng men rượu cần đằm say, du khách ngất ngây cùng nhảy múa, hát, cùng ngồi bên bếp lửa bập bùng trong tiết trời lành lạnh, mà thưởng thức các đặc sản của đất trời Mai Châu như: thịt nướng hạt dổi, cơm lam, rau đồ, xôi bảy màu, nộm hoa chuối…Đó là những phút giây khiến du khách không thể quên được Pom Coọng, không thể quên được người Thái Mai Châu.
Bùi Thu
(Sở TT-TT)
(HBĐT) - Bộ trang phục duyên dáng, gọn gàng bó sát người làm nổi lên những đường cong khoẻ khoắn tuyệt đẹp của những cô gái Thái; trang phục của nam giới thì giản dị, gần gũi với môi trường cảnh quan, không sặc sỡ và cầu kỳ…
Ngay từ thời sinh viên khi nghe thầy kể về sự độc đáo của cạp váy dân tộc Mường đã khiến chúng tôi tò mò và thích thú. Khi bắt đầu tìm hiểu, tôi mới biết được: cạp váy của người Mường là cả một kho tàng, là cả một nghệ thuật - nghệ thuật tạo hình. Cái riêng, cái độc đáo nhất của trang phục được thể hiện ở cạp váy. Chính cạp váy đó là điểm khác biệt nhất, không lẫn với trang phục của các dân tộc khác
(HBĐT) - Mường Động không chỉ nổi tiếng là một trong bốn trung tâm Mường xưa kia mà còn được biết đến bởi sự huyền bí của khu mộ cổ Đống Thếch, nơi chôn cất của dòng họ Đinh thời quan lang và là dấu tích về một thời phồn vinh, thịnh vượng của người Mường Động khi xưa. Khu mộ cổ đã được bộ VH – TT công nhận là di tích khảo cổ cấp quốc gia vào năm 1997
(HBĐT)- Năm 2002, Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh được sự cho phép của các cơ quan chức năng đã tiến hành thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học “Nghiên cứu, sưu tầm Mo Mường ở Mường Bi, Tân Lạc - Hòa Bình" với mục đích phục dựng sưu tầm 12 đêm mo tang lễ của người Mường. Địa chỉ cụ thể thực hiện tại xóm Lầm, Mường Bi (huyện Tân Lạc). Sau 8 năm xử lý tư liệu, đến tháng 10/2010, cuốn sách Mo Mường Hòa Bình đã chính thức được xuất bản ra mắt bạn đọc.
(HBĐT) - Bên bếp lửa nhà sàn ấm cúng. Cái lạnh đầu đông đã kéo cả gia đình tôi xum họp quanh bếp lửa. Tôi lại có dịp được nghe bà kể chuyện cổ Mường Vang, Mường Vó; chuyện ngày xưa bà và mẹ ngồi dệt nên những tấm thổ cẩm rực rỡ sắc màu, những mền chăn ấm áp.
(HBĐT) - Ông Nhâm không còn đếm nổi bây giờ trong làng có bao nhiêu cây Dổi, mà điều đó cũng không còn quan trọng nữa. Giờ đây ông rất vui vì Mường Be, xã Chí Đạo (Lạc Sơn) quê ông nhà nào cũng có cây dổi. Những cây dổi to, nhiều năm tuổi cũng không bị chặt bán nữa, những cây mới 7,8 năm cũng bắt đầu cho thu quả bói và cả những vườn ươm giống cũng ngợp một màu xanh mướt….!