Những ngôi nhà sàn cổ nằm thấp thoáng bên sườn đồi ở xóm Ái, xã Phong Phú (Tân Lạc).
(HBĐT) - Mặc dù chỉ cách QL6 với những nhà xây cao tầng, với ôtô chạy tấp nập không xa nhưng xóm ải, xã Phong Phú (Tân Lạc) vẫn giữ được cái “gốc” của người Mường. Họ vẫn ở nhà sàn cổ, quần một ống, áo pắn (áo ngắn), gặp nhau hát đúm... Đây được coi là xóm cổ nhất của đất Mường Bi. Vừa qua, xóm được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chọn là đại diện dân tộc Mường xây dựng 20 làng truyền thống của cả nước.
Xóm nhà cổ
Cách QL6 chỉ chừng nửa cây số, xóm ải nằm gọn trong những dải đồi thấp. Bao bọc xóm là những rừng bương, tre và con đường làng đã rải bê tông. Xóm có 85 hộ, 100% là người Mường. Rừng ngày càng hiếm gỗ, gỗ mua ngày càng đắt nhưng hầu hết những nhà trong xóm đều là sàn cổ từ nhiều đời nay. Căn nhà đầu tiên chúng tôi đến thăm là nhà bà Bùi Thị Cái. Gia đình bà cũng như bao gia đình nơi đây sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp với 3.900 m2 trồng sắn, mía, lúa. Bà bảo, căn nhà này từ đời ông nội chồng để lại. Trước đây, căn nhà dựng theo lối nhà sàn cổ của người Mường là dựng nhà chôn các chân cột xuống đất nhưng do thời gian, mưa gió, những cây cột đó bị nước, đất làm mục. Năm 1993, gia đình bà dựng lại bằng kê cột trên đá, mọi cấu trúc của căn nhà vẫn giữ nguyên. Bà cho biết: Nhiều người bảo sao không làm lại nhà xây mà ở cho chắc chắn nhưng tôi không muốn. Tôi vẫn thích ở những căn nhà sàn hơn, vừa thoáng mát vào mùa hè, ấm cúng vào mùa đông. Có điều kiện, tôi mong muốn sửa chữa cho chắc chắn hơn. Con trai bà, anh Bùi Văn Ninh, 25 tuổi đang thêu hoa văn trên tấm thổ cẩm tâm sự: Em vẫn thích ở những căn nhà sàn hơn, vừa cao ráo, sạch sẽ, thoáng mát và có không gian rộng. Căn nhà này từ đời ông em, bố em ở và sau này chúng em vẫn cứ ở đây.
Bộ chăn đệm và vải thổ cẩm do chính tay bà Bùi Thị Trịnh (vợ ông Khẩn) dệt.
Căn nhà thứ hai mà chúng tôi đến thăm là nhà của ông Bùi Văn Khẩn, một giáo viên nghỉ hưu. Căn nhà của ông gọn gàng, ngăn nắp. Giữa nhà là bàn quỳ ngồi uống nước tiếp khách, bên trái là bàn thờ tổ tiên, phía dưới treo bộ chiêng cổ có tuổi đời gần 300 năm. ông giới thiệu sơ qua về bộ chiêng từ đời cụ nội để lại. Chiếc chiêng to dùng để đánh khi trong nhà có đám báo hiệu cho làng xóm biết. Chiếc chiêng nhỏ dùng để đi săn. Khi săn được thú đánh lên một hồi để thông báo cho bạn săn biết là mình đã săn được. ông kể: Ngày còn nhỏ, tôi nghe ông nội kể lại là có một người bán chiêng đến nhà gạ cụ đổi con trâu to nhất của nhà. Cụ không đồng ý. Khi người bán chiêng rời làng chừng 3 km và đánh chiêng. Nghe tiếng chiêng vang vọng, cụ đuổi bằng được để mua về. Mấy năm nay, nhiều người đến gạ ông bán nhưng ông không bán. Bên trong căn nhà của ông Khẩn là chiếc chiếu ngủ của gia đình. Những chiếc đệm, gối, tấm thổ cẩm do chính tay vợ ông dệt được xếp gọn gàng. Phía trên gác là ba bộ trò ổ. ông bảo ba bộ đó là bà nội tôi, mẹ tôi và vợ tôi khi về làm dâu mang chăn, đệm, gối, váy áo về nhà chồng. Đến nay, những bộ trò ổ này vẫn còn giữ nguyên. Căn nhà này từ đời ông nội tôi sống vẫn như thế này. Đến đời tôi, do cột bị hỏng năm 1985 nên cưa bớt chân cột thành nhà kê, hầu như mọi kiến trúc trong nhà vẫn giữ nguyên. Để phục vụ cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, tôi chỉ kê thêm cái tủ để tivi và một số vật dụng của cuộc sống hiện đại.
Giữa trưa nắng, ông Bùi Văn Thách, 73 tuổi ra phơi lại tấm chăn thổ cẩm. ông bảo: ở đây, nhiều nhà vẫn không thích dùng chăn đệm mới. Họ vẫn muốn tự tay dệt để đắp vì mọi người nghĩ rằng đắp nó có hơi ấm của người thân. Tấm đệm của ông do người nhà làm dù nó đã cũ nhưng ông vẫn dùng. ông sinh ra và lớn lên ở xóm ải, căn nhà sàn đang ở có từ đời ông nội. Cứ hơn 10 năm ông sửa lại nhà, chưa bao giờ ông và con cháu có ý định làm nhà xây. ông bảo, ở nhà sàn thích hơn, thoáng nhất là có cái gác bếp. ở đây, dù mùa đông hay mùa hè, cả nhà vẫn ngồi quây quần sau một ngày đi làm về. Vào mùa đông, ngoài nấu ăn, bếp còn là nơi sưởi ấm cho cả gia đình qua mùa đông. ở xóm, nhiều nhà làm nhà xây nhưng nhà bếp vẫn cố gắng mua gỗ làm một căn nhà sàn nhỏ chừng 10m2 để làm bếp. Bếp là nơi sinh hoạt cho cả gia đình, cũng là nơi tiếp khách. Vào ngày tết, khách đến nhà được ngồi bếp sưởi, ăn thịt lợn treo gác bếp mà gia chủ chuẩn bị hàng năm và uống chén rượu xuân.
Vùng đất đậm bản sắc văn hóa
Ông Bùi Văn Dựng, Trưởng xóm ải kể: Từ thời Pháp thuộc, nhân dân trong xóm chuyên săn bắn thú rừng và đánh bắt cá. Vào mỗi dịp tết đến, xuân về, lang đạo tổ chức cuộc thi săn bắn ở đây. Tất cả già trẻ, trai gái ở đất Mường Bi tụ hội về đây xem săn bắn. Lúc này các trai làng thể hiện tay nghề săn bắn của mình. Ai bắn được hoẵng là người chiến thắng được nhiều người ngưỡng mộ. Một trong những tiêu chí khi chọn chồng, người phụ nữ thường chọn người đàn ông săn bắn giỏi. Thịt hoẵng săn được trong dịp thi săn được mang thịt cúng thần linh và mang ra khao làng. Do vậy, trước đây, trong các dịp lễ, tết cúng thần linh, ngoài những sản phẩm săn bắn trên rừng và do con người làm ra như cơm nếp, rau rừng bao giờ cũng phải có thịt hoẵng. Nếu không có hoẵng thì có con vật lông màu vàng thay thế. Trong những năm gần đây, do rừng không còn thú, xóm thường tổ chức các cuộc thi bắn nỏ, thi bắn diều hâu.
Trong suốt buổi đi thăm xóm ải, chúng tôi luôn thấy hầu hết những người phụ nữ đứng tuổi đều mặc quần áo truyền thống của người Mường. Trải qua bao năm tháng nhưng những trang phục, nếp sinh hoạt của người Mường ở đây vẫn không thay đổi. ông Dựng cho hay, ở đây, hầu hết phụ nữ đều mặc quần áo người Mường. Theo quy ước của làng, vào dịp lễ tết hoặc cưới xin đều mặc, còn ngày thường không bắt buộc. Cô dâu không mặc áo cưới. Vừa kể chuyện, ông Dựng vừa rót rượu mời chúng tôi uống. Thấy chúng tôi chối với lý do không uống được ông hát bằng tiếng Mường dịch là: “ở đây có chén rượu trong, xin mời anh uống mà lòng cho say”. Thấy chúng tôi có vẻ ngại ngùng, ông vừa nâng chén rượu vừa hát tiếp: “Mấy khi khách đến chơi nhà không có gì, có chén rượu hoa cà cả nhà cùng vui”. Chúng tôi nghe câu hát, thấy khó chối từ. ông Dựng cho biết thêm: Đây là hát đúm của người Mường hay còn gọi là hát đối. Trong các dịp lễ hội, tết, cưới xin, mọi người trong xóm thường đối đáp nhau. Lời hát đối do người dùng tự sáng tác bằng câu 6 câu 8 vần, câu trên vần với câu dưới. Cũng trong mỗi dịp lễ hội, người trong xóm thường thi hát đối, ai hát được nhiều nhất, vần nhất là người thắng. Xóm ải là một trong những xóm ở tỉnh vẫn còn gìn giữ những điệu hát của người Mường. Nơi đây sinh ra nghệ nhân hát thường rang là bà Bùi Thị Quynh. Bà còn lưu giữ lại nhiều điệu hát cổ. Để gìn giữ bảo tồn, hàng năm vào lễ khai hạ Mường Bi thường tổ chức các cuộc thi hát thường rang và hát đối. Những dịp này, bà là ban giám khảo. Bà Quynh tâm sự: Hai thể loại hát này là nét đặc sắc của người Mường. Lời hát thường rang là lời cổ cha truyền con nối, nếu học không ham thì không thấy hay. Có bài cổ rất khó học theo làn điệu. Bà cũng mong Nhà nước hỗ trợ gìn giữ phát huy thể loại hát này. Ra về, bước xuống những bậc thang nhà sàn, chúng tôi vẫn còn nghe đâu đó câu hát: “Đất Mường Bi là đất rộng, đất dài, có núi Cột Cờ, có nền văn hóa đón chờ tình yêu. ước gì em biến nên ruồi, em đậu gò má, em cười với anh”...
Ông Bùi Văn Linh, Trưởng phòng Văn hoá thể thao huyện Tân Lạc cho biết: Vừa qua, xóm ải đã được Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch chọn triển khai làng bảo tồn văn hoá Mường truyền thống. Đề án sẽ hỗ trợ các hộ dân trong xóm sửa chữa lại những nhà sàn cổ, xây dựng đường sá, nhà văn hoá trung tâm. Về văn hoá phi vật thể gìn giữ nhạc cụ truyền thống của người Mường, khôi phục ngành nghề truyền thống như dệt vải, thổ cẩm, đan lát.. Đây sẽ là làng truyền thống điển hình của dân tộc Mường. |
Việt Lâm
(HBĐT) - Trong cái se lạnh của những ngày cuối tháng 10 âm lịch, bát cơm đe khiến đôi má thiếu nữ thêm ửng hồng, mâm cơm chay làm cả gia đình nhớ về những năm tháng khó khăn gian khổ nhưng thắm thiết ân tình đoàn kết. Thời gian đã làm cho Đình Rậm không còn giữ được nguyên trạng vẻ linh thiêng, cổ kính nhưng Tết cơm đe vẫn được người dân Lạc Thịnh (Yên Thuỷ) trân trọng, lưu giữ như một niềm tự hào dân tộc.
(HBĐT) - Đã thành thông lệ, mỗi năm, cứ vào độ tháng 5 - 6 và tháng 9 - 10 dương lịch, khi những cách đồng lúa trải tấm thảm vàng óng khắp bản làng cũng là lúc các gia đình ở làng trên, xóm dưới của huyện Mai Châu lại chộn rộn với công việc chuẩn bị cho lễ cơm mới. Người dân tộc Thái nơi đây quan niệm, để có một mùa vụ bội thu, thì sự phù hộ của đất trời, tổ tiên là rất quan trọng. Do vậy, sau mỗi mùa vụ, khi thóc, lúa đã nồng thơm, đầy bồ, các gia đình đều làm lễ cúng cơm mới với ý nguyện bày tỏ lòng biết ơn với tổ tiên, trời đất.
(HBĐT) - Bao đời nay, người dân xã Yên Phú vẫn tự hào về mảnh đất non nước hữu tình, giàu truyền thống văn hóa của đất mường Lạc Sơn. Từ những dãy núi đá sừng sững ôm ấp bản làng , dòng sông Bưởi hiền hòa uốn lượn đã làm nên những truyền thuyết dân gian làm say đắm lòng người, bồi đắp tâm hồn con người Yên Phú nhân hậu, thủy chung.
(HBĐT) - Đối với người Mường, Tết Nguyên đán là cái tết quan trọng nhất, to nhất trong một năm, nhiều vùng chỉ ăn một cái Tết Nguyên đán chứ không ăn tết gì khác. Trong dịp tết Nguyên đán, mỗi nhà tổ chức một bữa tiệc dâng tổ tiên và thần thánh, bữa đó gọi là làm tết.
(HBĐT) - Trong những ngày đầu năm, các bản làng đều tổ chức nhiều hoạt động lễ, hội độc đáo mang tính cộng đồng cao và đậm đà bản sắc văn hóa của các dân tộc vùng Tây Bắc. Dọc tuyến QL 6 lên phía Tây Bắc, vào những ngày đầu xuân, có 3 lễ hội lớn được mọi người quan tâm, đó là lễ hội Khai hạ của đồng bào Mường, hội xên bản, xên Mường của đồng bào Thái và lễ hội Gầu Tào của đồng bào Mông.
(HBĐT) - Trống đồng là tài sản quý giá được coi là báu vật mà cha ông để lại cho chúng ta hôm nay, là biểu tượng của nền văn minh và văn hoá Việt Nam thời dựng nước. Hoà Bình là một trong những tỉnh phát hiện và lưu giữ nhiều trống đồng nhất trong cả nước.