Ông Bùi Văn Đạo, xóm Lươn, xã Thượng Tiến (Kim Bôi) kiểm tra, theo dõi đàn ong lấy mật.
Phát huy tiềm năng
Khu bảo tồn thiên nhiên Thượng Tiến có diện tích 6.304,7 ha, trong đó, riêng xã Thượng Tiến có hơn 5.000 ha rừng (chiếm gần 80% diện tích). Tất cả 5 xóm có rừng đặc dụng bao quanh. Trên rừng có nhiều loại cây hoa tự nhiên có thể cho loại mật ong an toàn, thơm ngon. Mặt khác, do điều kiện địa hình đồi núi, diện tích đất tự nhiên rộng nhưng đất canh tác không nhiều nên việc phát triển nghề nuôi ong lấy mật được cho là hướng đi tiềm năng.
Gia đình ông Bùi Văn Đạo là hộ đầu tiên ở xóm Lươn nuôi ong lấy mật. Từ những năm 1980 của thế kỷ trước, với kinh nghiệm đi đặt ong soi (đặt hốc cho ong tự nhiên đến làm tổ), lúc đầu, ông nuôi chỉ để dùng trong gia đình hoặc bán 1 - 2 chai mật. Thấy hiệu quả kinh tế, phù hợp với điều kiện, ông đã phát triển mạnh đàn ong. Hiện nay, ông nuôi 300 đàn, mỗi đàn có 4 - 5 cầu ong khai thác mật, ngoài ra, ông còn bán ong giống. "Vào mùa hoa nhãn, tôi di chuyển đàn ong đến những vùng trồng nhiều loại cây này. Tôi cũng đặt hơn 10 tổ ong trên diện tích đất lâm nghiệp được giao khoán 50 năm để ong hút mật cây rừng tự nhiên. Mỗi năm, tôi quay mật 8 - 10 lần, mỗi lần được 300 - 400 lít tùy theo thời điểm. Với giá 160.000 đồng/lít mật, năm 2018, tôi thu được gần 200 triệu đồng” - ông Đạo chia sẻ.
Xóm Lươn cũng là xóm đầu tiên trong xã phát triển mạnh nghề nuôi ong. Bí thư chi bộ xóm Lươn Bùi Văn Hiểu cho biết: Xóm hiện có 8 hộ nuôi ong với khoảng 1.000 tổ. Gia đình tôi nuôi ong từ năm 2017 với 20 đàn. So với làm các công việc khác, nuôi ong không vất vả bằng nhưng phải kiên trì, tỉ mỉ, thường xuyên kiểm tra, theo dõi để kịp thời phát hiện bệnh và tránh việc chia đàn. Khoảng từ tháng 3 đến tháng 7, ong tự kiếm mật, chủ yếu là hoa nhãn và các loại hoa rừng tự nhiên. Các tháng mùa đông, tôi cho ong ăn đường vàng nhưng không quay lấy mật.
Những năm gần đây, nghề nuôi ong lấy mật đã phát triển ra một số xóm khác. Gia đình chị Bùi Thị Hà ở xóm Vãng bắt đầu nuôi ong từ cuối năm 2017 với 30 đàn. Mặc dù mới nuôi nhưng đã cho hiệu quả kinh tế. Chị cho biết đã quay mật 6 lần, mỗi lần được khoảng 15 lít. Ong nuôi là loài ong bản địa, mật sạch, bởi nếu phun thuốc bảo vệ thực vật, ong sẽ chết hoặc bay đi nơi khác.
Theo Bí thư chi bộ xóm Vãng Bùi Văn Tám, nuôi ong phải nắm được quy trình chăm sóc, mùa hè hay bị bệnh thối ấu trùng, khi đó phải di chuyển hoặc bỏ đi. Đến nay, xóm có 3 hộ nuôi với 80 đàn.
Hướng tới xây dựng thương hiệu
Nhận thấy những lợi thế trong nghề nuôi ong lấy mật, một số dự án triển khai trên địa bàn xã đã hỗ trợ nhân dân phát triển đàn ong. Chị Đinh Thị Hường, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã cho biết: Từ năm 2017, Dự án Childfund đã hỗ trợ 15 hộ vay vốn không tính lãi với số tiền 70 triệu đồng (mỗi hộ 5 triệu đồng) trong thời gian 5 năm để phát triển đàn ong. Chỉ hơn 1 năm, các hộ được vay vốn đã phát triển được thêm 105 đàn ong.
Toàn xã Thượng Tiến hiện có hơn 20 hộ nuôi ong với trên 1.000 đàn. Phát huy lợi thế nằm trong Khu bảo tồn thiên nhiên Thượng Tiến, xã có tiềm năng để phát triển nghề nuôi ong lấy mật sạch. Song, khó khăn là nghề nuôi ong lấy mật ở xã vẫn đang dừng ở quy mô hộ gia đình nhỏ lẻ, tự phát, phương tiện kỹ thuật hỗ trợ chưa đầy đủ, đặc biệt là vấn đề thị trường tiêu thụ và giá cả.
Theo Bí thư chi bộ xóm Lươn Bùi Văn Hiểu, các hộ nuôi ong trong xóm đã thành lập nhóm cùng sở thích để sinh hoạt, cập nhật thông tin và chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình nuôi. Mấy năm gần đây, phong trào nuôi ong phát triển mạnh. Chúng tôi mong muốn được hỗ trợ thành lập HTX, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm để nâng cao giá trị mật ong và tìm đầu ra ổn định.
Để phát huy tiềm năng sẵn có của địa phương, Đảng bộ và chính quyền xã Thượng Tiến đang nỗ lực đặt những "viên gạch” đầu tiên trong hành trình hướng tới xây dựng thương hiệu "Mật ong Khu bảo tồn thiên nhiên Thượng Tiến”. Chủ tịch UBND xã Nguyễn Ngọc Thủy cho biết: Xã vừa mời 1 HTX Dịch vụ nông nghiệp ở xã Hạ Bì (Kim Bôi) đến trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm thành lập HTX. Việc lồng ghép các chương trình, dự án trên địa bàn, trong đó có việc hỗ trợ đàn ong lấy mật đã góp phần phát triển nghề nuôi ong. Xã đang triển khai kế hoạch thực hiện đề án cải tạo vườn tạp, trồng cây ăn quả cũng góp phần phát triển nghề này. Song quan trọng nhất là tư duy của người dân trong phát triển kinh tế đã thay đổi và ngày càng có nhiều đảng viên tiên phong, gương mẫu.
Cẩm Lệ