Gia đình hội viên CCB Phạm Văn Sơn, phố Bằng, xã Tây Phong (Cao Phong) phát triểnkinh doanh dịch vụ ổn định kinh tế.
Hiện nay, Hội CCB huyện Cao Phong có 2.661 hội viên. Những năm gần đây, phong trào "CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” được triển khai rộng khắp, thường xuyên góp phần tạo sự đồng thuận, đoàn kết giữa các hội viên CCB, sự gắn bó mật thiết giữa tổ chức Hội và hội viên. Từ đó đã xuất hiện nhiều tấm gương CCB tiêu biểu giúp nhau giảm nghèo, vượt khó vươn lên làm giàu chính đáng.
Có thể kể đến tấm gương tiêu biểu CCB Phạm Văn Sơn, phố Bằng, xã Tây Phong. Sau thời gian phục vụ trong quân ngũ, trở về địa phương dù tuổi cao nhưng hàng ngày ông Sơn vẫn cùng gia đình sản xuất, phát triển kinh tế. ông cùng các CCB học hỏi mô hình phát triển chăn nuôi, trồng cây có múi. Nhờ cần cù lao động và năng động, gia đình ông Sơn không chỉ thoát nghèo mà còn có vốn tích góp để tiếp tục vươn lên làm giàu. Hai năm gần đây, do sức khỏe không được tốt, ông cùng gia đình chuyển hướng sang kinh doanh dịch vụ.
CCB Bùi Văn Chinh, đội Tây Phong, xã Tây Phong với bản lĩnh của người lính, vượt khó vươn lên phát triển kinh tế ổn định. ông Chinh cho biết: "Sau khi rời quân ngũ trở về, tôi xác định phát triển kinh tế gia đình từ chính mảnh đất quê hương. Tôi vay vốn ngân hàng đầu tư trồng cam. Thời điểm cam Cao Phong chưa có thương hiệu và được giá như hiện nay nhưng gia đình vẫn kiên định mục đích của mình”. Từ những năm 1996, vườn cam của gia đình ông luôn đạt chất lượng, được lái buôn đặt mối lấy hàng thường xuyên. Đặc biệt từ năm 2005 đến nay, gia đình ông đầu tư và phát triển ổn định từ loại cây trồng này. Gia đình ông luôn duy trì vườn cam trĩu quả, chất lượng với doanh thu trên 500 triệu đồng/năm.
Cùng với tấm gương CCB Phạm Văn Sơn, Bùi Văn Chinh, còn nhiều tấm gương điển hình có đóng góp trong sự phát triển KT-XH tại địa phương và giúp đỡ đồng đội như các CCB: Bùi Văn Miêng, thương binh hạng 2/4 xã Xuân Phong đã vượt qua thương tật phát triển kinh tế từ vườn, thu nhập trên 100 triệu đồng/ năm; Bùi Minh Hiện, xã Xuân Phong phát triển kinh tế từ chăn nuôi đàn bò, dê cho thu nhập trên 200 triệu đồng/ năm; Bùi Văn Tiến xóm Trẹo Ngoài, xã Nam Phong thu nhập trên 250 triệu đồng/ năm; Bùi Văn Tới, xã Nam Phong vừa kết hợp trồng trọt với kinh doanh, cho thu nhập từ 400 - 500 triệu đồng/năm; CCB Phạm Văn Đá, xóm Hải Phong, xã Bắc Phong mạnh dạn đầu tư vào phát triển kinh tế vườn rừng cho thu nhập 500 triệu đồng/năm…
ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch Hội CCB huyện Cao Phong chia sẻ: Để giúp CCB có thêm điều kiện phát triển kinh tế, thời gian qua, Hội CCB huyện luôn chú trọng công tác tập huấn, giúp hội viên áp dụng và nâng cao kiến thức khoa học trong sản xuất. Ngoài ra, bằng nhiều giải pháp tạo nguồn vốn giúp hội viên CCB phát triển sản xuất, kinh doanh như: các cấp Hội tập trung khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay ủy thác Ngân hàng Chính sách xã hội. Tổng dư nợ vốn vay thông qua Hội đến nay đạt trên 62,2 tỉ đồng với 50 tổ vay vốn, khoảng 2.000 lượt hộ vay. Với hoạt động vay vốn phát triển kinh tế của hội viên, Hội CCB vừa giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống gia đình, vừa góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế tại địa phương, tăng tỷ trọng sản xuất ngành nông nghiệp. Tỷ lệ hộ hội viên nghèo hàng năm giảm; tỷ lệ hộ khá, giàu tăng từ 15% (năm 2002) lên 41% (năm 2017). Trong 5 năm (2002 -2017), hội viên CCB huyện duy trì và phát triển gần 100 mô hình kinh tế giỏi, thu nhập từ 1 tỉ đồng trở lên/năm; có 1.225 hội viên là chủ trang trại, gia trại…
Hồng Duyên