Cán bộ, đảng viên xã Dân Hòa (Kỳ Sơn) trao đổi các giải pháp phát triển KT-XH.
Nhà văn hóa trung tâm xã Dân Hòa nằm trong quần thể công trình văn hóa xã có tổng diện tích 12.000 m2, được xây dựng quy mô, đúng tiêu chuẩn, nổi bật sát quốc lộ 6, trở thành điểm nhấn về phát triển hạ tầng và là niềm tự hào của cán bộ, nhân dân trong xã trong hành trình "cán đích” NTM. Khi thực hiện xây dựng nhà văn hóa, công trình sân vận động trung tâm đúng thời điểm một số dự án đầu tư do doanh nghiệp chi trả đơn giá đền bù giá đất 220.000 đồng/m2, thì 20 hộ dân xóm Đễnh chấp nhận đền bù với giá 120.000 đồng/m2. Không đơn giản để có được sự đồng thuận từ phía người dân. Bí thư Chi bộ xóm Đễnh Nguyễn Văn Mừng cho biết: Khu vực đất xây dựng nhà văn hóa là đất nông nghiệp của nhiều gia đình. Với giá đền bù như vậy, người dân không thể không so sánh. Thế nhưng, do thực hiện tốt quy chế dân chủ, phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên, tổ chức đối thoại, tuyên truyền, vận động, bà con đã đồng tình hưởng ứng bàn giao đất, hoa màu để xây dựng công trình bảo đảm tiến độ. Ngoài ra, người dân trong xã tích cực nhường đất làm các công trình giao thông, thủy lợi, kênh, mương nội đồng.
Chủ tịch UBND xã Dân Hòa Đinh Xuân Thao tự tin: Dân Hòa là đơn vị tiên phong tổ chức tọa đàm, đối thoại giữa cấp ủy, chính quyền và người dân, nhất là 2 năm gần đây. Thông qua đối thoại, người dân cũng được cập nhật các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, tỉnh, huyện, đồng thời, tuyên truyền, vận động người dân thực hiện. Đối với chương trình xây dựng NTM, xã công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chủ trương, chính sách, các nội dung tiêu chí cần phấn đấu đến toàn thể nhân dân. Người dân có thể cởi mở bày tỏ quan điểm, ý kiến của mình đối với hoạt động của hệ thống chính trị. Qua đó, tạo được sự gần gũi giữa cán bộ, đảng viên với nhân dân. Cán bộ, đảng viên được lắng nghe ý kiến, kiến nghị của nhân dân để giải quyết. Nhiều ý kiến thắc mắc của bà con được giải quyết tại chỗ trong thẩm quyền của xã. Và qua đây, cán bộ, đảng viên xã cũng học tập nhiều ở quần chúng nhân dân. Người dân thẳng thắn góp ý về công tác cải cách hành chính của xã đã thực hiện tốt rồi nhưng cần đổi mới về lề lối, tác phong làm việc thân thiện, cởi mở, gần dân và phục vụ dân dân tốt hơn. Từ ý kiến của người dân, cán bộ, đảng viên nhận thức rõ mình đang đứng ở đâu, cái gì cần phát huy, cái gì cần bổ khuyết, khắc phục để nâng hiệu quả lãnh đạo, điều hành, vận động quần chúng thực hiện các mục tiêu phát triển chung.
Dân Hòa đã xây dựng được bộ máy, cấp ủy, chính quyền, đội ngũ cán bộ, đảng viên gần dân, nói cho dân tin, làm cho dân hiểu, phát huy nguồn lực, sức sáng tạo của người dân trong xây dựng quê hương. Tổng nguồn vốn xây dựng NTM của xã huy động gần 93 tỷ đồng, người dân đóng góp khoảng 30 tỷ đồng, chiếm 23% nguồn vốn. Là xã nằm dọc quốc lộ 6, có nhiều dự án đầu tư vào địa bàn phải thu hồi đất nhưng không để phát sinh bức xúc lớn, khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng.
Xã huy động tốt các nguồn lực đầu tư, kết cấu hạ tầng ngày càng khang trang, chất lượng cuộc sống người dân không ngừng được cải thiện. Các dự án đầu tư giải quyết việc làm, đóng góp chuyển dịch cơ cấu kinh tế bền vững của địa phương. Các cơ sở sản xuất CN-TTCN giải quyết việc làm cho hơn 500 lao động với thu nhập bình quân từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng. Sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng hàng hóa với nhiều mô hình nuôi trâu, bò, ong mật, chăn nuôi kết hợp trồng rừng thu nhập từ 200 - 300 triệu đồng/ hộ. Thu nhập bình quân đầu người đạt 34,2 triệu đồng/năm, hộ nghèo giảm còn 2,6%. Năm 2017, cán bộ và nhân dân xã Dân Hòa được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Năm 2018, công tác xây dựng Đảng, chính quyền đứng thứ nhất của huyện.
Lê Chung