Những đường lò được cài chống tạm bợ đang trở thành mối lo thường trực của những nhân công làm việc trong đó.
(HBĐT) - Cho dù chuyện đã xảy ra cách đây cả chục ngày nhưng với những người tưởng chừng bị chôn sống trong vụ sập hầm khai thác than tại xóm Đồi, xã Lỗ Sơn (Tân Lạc) dường như vẫn chưa hết bàng hoàng, sợ hãi. “Đó là những giây phút sợ hãi, tuyệt vọng mà chưa bao giờ mình từng trải qua trong cuộc đời”. Cậu thanh niên trẻ vạm vỡ cuồn cuộn cơ bắp của người siêng làm những công việc nặng nhọc bẽn lẽn kể lại cảm giác hãi hùng khi cùng với 6 công nhân bị mắc kẹt trong vụ sập hầm khai thác than vào buổi sáng ngày 5/7 vừa qua.
Trở về từ... âm phủ
Theo chỉ dẫn của anh Bùi Văn Nghị, Phó Công an xã Lỗ Sơn, chúng tôi ngược dốc từ trụ sở UBND xã về xóm Đồi tìm gặp lại những nạn nhân trong vụ sập hầm lò trong ngày 5/7 vừa qua. Người đầu tiên mà chúng tôi gặp là anh Bùi Văn Dân. Đây chính là người kéo xe than từ trong lò ra ngoài do bất cẩn đã va quệt vào cột chống làm đất, đá đổ sập bịt kín toàn bộ đường lò khi phía trong vẫn còn 7 công nhân đang làm việc. Trong câu chuyện của mình, dường như người đàn ông này vẫn còn cảm giác bàng hoàng khi tận mắt chứng kiến hàng chục m3 đất, đá bất ngờ đổ sụp xuống bịt kín đường hầm cùng với 7 người đều là anh em, họ hàng thân thích. Kể lại vụ tai nạn bất ngờ đó, ông Bùi Văn Bích, Chủ tịch UBND xã Lỗ Sơn cho rằng đó là một sự may mắn, nếu hôm đó rủi ro mà người kéo xe bị cột chống lò, hàng chục m3 đất, đá đổ ụp xuống người mà không thể ra ngoài nhờ người đến cứu giúp có lẽ 7 người bị mắc kẹt trong đường lò cũng khó có cơ hội sống sót do thiếu dưỡng khí. Vì vị trí sập cách cửa lò khoảng 60 m nên cũng rất khó để phát hiện và tổ chức cứu hộ kịp thời.
Những người may mắn trở về sau vụ tai nạn sập hầm lò tại mỏ than xóm Đồi, xã Lỗ Sơn (Tân Lạc) ngày 5/7/2012.
Vẫn còn nguyên cảm giác bàng hoàng, thảng thốt, thậm chí có lúc là tuyệt vọng, cậu trai trẻ Bùi Văn Cường năm nay mới 22 tuổi là một trong số 7 người bị mắc kẹt trong lò sau khi đất, đá đổ sập xuống bít kín đường lò nhớ lại: Bình thường, buổi sáng anh em bắt đầu làm việc lúc 7h30‘. Nhưng hôm ấy, tất cả đều có cảm giác bất an nên anh em đã không xuống làm việc như thường lệ mà mãi đến tận 8h15 mới bắt đầu xuống lò. Khi vừa chở xe than đầu tiên lên thì xảy ra tai nạn. Là người chứng kiến gần và được anh Bùi Văn Dân - người kéo xe đẩy ngược trở vào trong ngay sau khi nhận thấy những dấu hiệu mất an toàn nên Cường đã may mắn thoát chết trong gang tấc nên cảm thấy bị sốc và sợ hãi. Cường bảo: anh cứ tưởng tượng xem, chỉ cần thêm một, hai bước chân nữa là bị đất, đá, cột chống lò đổ ụp xuống người mình, bảo sao mà không sợ. Phải mất mấy ngày liền em mới hết được cảm giác sợ hãi lúc đó. Đêm nào ngủ cũng mơ thấy cảnh lò sập, người chết. Khi lò sập, mình lại là người thoát chết trong gang tấc nên cảm giác sợ hãi càng tăng lên gấp bội, thậm chí là cả 7 anh em đều hoảng loạn với tâm lý lo sợ sẽ không có ai đến cứu, sợ rằng sẽ không có ai còn có cơ hội sống sót.
Khi ấy, không riêng gì những người bị mắc kẹt lại trong đường lò mà tâm lý lo lắng, sợ hãi, bất an đến tột cùng cũng đã bao trùm cả xóm Đồi bởi không chỉ cả 7 người bị mắc kẹt trong lò đều có mối quan hệ họ hàng huyết thống mà họ cũng có mối quan hệ họ hàng huyết thống với hầu hết các gia đình ở trong xóm. Vì thế nên vụ tai nạn sập hầm lò ngày 5/7 nếu có thương vong, cả xóm Đồi sẽ chìm trong tang tóc. Anh Bùi Văn Chương (xóm Đồi) chia sẻ: May mắn là vụ tai nạn đã không để lại hậu quả nghiêm trọng, không có thương vong về người chứ nếu nhỡ ra thì 2 cậu em ruột của tôi bị mắc kẹt trong lò là Bùi Văn Hiền, Bùi Văn Phương cũng chẳng biết thế nào mà nói trước được. ông Bùi Văn Bích, Chủ tịch UBND xã Lỗ Sơn cho rằng, cũng là may mắn chứ nếu hôm đấy mà có người bị chết thì không thể nói hết được những hậu quả nó để lại cho xã, các gia đình có người bị thương vong là như thế nào.
Mất An toàn lao động nghiêm trọng
Đó là điều mà ông Chủ tịch UBND xã Lỗ Sơn Bùi Văn Bích và chính những công nhân trực tiếp làm tại mỏ than khẳng định. Anh Bùi Văn Dân - công nhân khai thác than tại mỏ than xóm Đồi thuộc trách nhiệm quản lý của Công ty TNHH Tân Sơn cho biết: khai thác than với phương thức lò đất như ở xóm Đồi chúng tôi xác định là rất nguy hiểm, nguy cơ sập hầm cao. Tuy nhiên, khi được hỏi về ATLĐ tại đây, những người làm công đều cho biết từ trước đến nay, Công ty TNHH Tân Sơn chỉ đứng ra thu mua sản phẩm và chỉ quản lý khu vực mỏ than với diện tích hơn 30 ha bằng hình thức cho thầu khoán nên hầu như không có trách nhiệm trong công tác đảm bảo VSATLĐ - PCCN, trang bị bảo hộ lao động, tập huấn ATLĐ... cho người lao động khai thác tại mỏ. Khi tai nạn rủi ro xảy ra, hầu như người lao động phải tự gánh chịu. Anh Bùi Văn Dân cho biết thêm: anh em tôi đã làm ở đây nhiều năm rồi nhưng chưa từng được tập huấn về bất kỳ một kỹ năng đảm bảo VSATLĐ - PCCN nào và cũng không có bất kỳ một sự ràng buộc trách nhiệm nào ngoại trừ việc mua - bán sản phẩm với Công ty. Anh em tự đứng ra nhận thầu khoán nên tất cả đều tự làm. Về kỹ thuật khai thác than thì mình nhìn những nhóm đã từng đi làm ở Quảng Ninh về, họ đào, chống lò thế nào mình làm thế.
Bên cạnh việc mất ATLĐ trong hoạt động khai thác, việc khai thác than cũng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cho địa bàn xã Lỗ Sơn. ông Bùi Văn Bích, Chủ tịch UBND xã Lỗ Sơn cho biết: Vấn đề ô nhiễm môi trường chúng tôi đã phản ánh nhiều lần thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri và bằng văn bản gửi các cấp.
Trên thực tế, tính về hiệu quả kinh tế so với những tác động môi trường nói như ông Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Lạc thì chẳng thấm vào đâu, tính ra, mỗi năm, Công ty TNHH Tân Sơn chỉ nộp cho ngân sách Nhà nước từ 20 - 30 triệu đồng tiền phí môi trường. Đồng thời, ông Phó Chủ tịch UBND huyện cũng đã thừa nhận tình trạng mất ATLĐ nghiêm trọng tại mỏ than xóm Đồi kéo dài trong thời gian qua và cho biết sau sự cố TNLĐ trên, UBND huyện đã yêu cầu Công ty TNHH Tân Sơn tạm dừng hoạt động khai thác tại các hầm lò than của Công ty để khắc phục tình trạng mất ATLĐ, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường đến khi nào đảm bảo yêu cầu, thực hiện bảo vệ môi trường theo quy định mới cho phép Công ty tiếp tục hoạt động khai thác.
Mạnh Hùng
(HBĐT) - Trang trại của vợ chồng anh Trần Viết Ngân, cách cầu xóm Chu, xã Trung Minh (TPHB) một cây số. Khi tới đầu trang trại, nhìn hai quả đồi cao dốc dựng đứng tầm sáu mươi độ, mấy ai tin được hai quả đồi ấy cách đây mười năm còn là đồi lau sậy mà nay đã là rừng tre, keo xanh tươi lá hát quanh năm với gió rừng.
(HBĐT) - Cho đến bây giờ, dù đã qua hơn 3 năm nhưng chuyến thâm nhập thực tế tìm hiểu thực trạng khai thác lâm sản trái phép ở Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Ngọc Sơn - Ngổ Luông vào khoảng đầu tháng 10/2009, với chúng tôi vẫn còn sâu đậm. Ấn tượng, điều đáng nhớ nhất đó là chính là những bài viết về tình trạng khai thác lâm sản trái phép ở KBTTN Ngọc Sơn - Ngổ Luông được viết ngay tại... rừng dưới ánh đèn pin le lói trong bóng đêm đặc quánh vẻ liêu trai.
(HBĐT) - Người nữ du kích, người bà, người mẹ Nguyễn Thị Vuông hôm nay đã bước sang tuổi 83 nhưng vẫn còn đó sự nhanh nhẹn, tháo vát và một trí nhớ tuyệt vời. Trí nhớ đó khắc sâu một miền nhớ về những ngày tháng cách đây hơn 60 năm...
(HBĐT) - Đã nhiều lần lỗi hẹn, cho tới một ngày gần đây, chúng tôi mới có dịp ngược dốc “con đường tình yêu” của nhạc sỹ Huy Tâm để đến với Thung Rếch, một miền đất trù phú và gợi nhiều cảm xúc ở xã Tú Sơn (Kim Bôi). Xóm làng bình yên với những bãi mía, nương ngô trải dài ngút mắt dưới ánh nắng ban mai còn đẹp hơn bức tranh, hình ảnh mà chúng tôi đã từng tưởng tượng. Đón chúng tôi là ánh mắt, nụ cười hồn hậu của người dân nơi đây. Nhìn sâu vào những đôi mắt ấy và qua những câu chuyện tâm tình gợi mở mới thấy hết sự rắn rỏi, cương trực và một sự khát vọng lớn lao đang trỗi dậy ở vùng đất, những con người nơi đây.
(HBĐT) - Nếu đem so với cây ngô và dong riềng là những loại cây trồng chủ lực ở Trung Thành, cây chè có giá trị trung bình gấp 4 - 5 lần. Dẫu vậy, trên vùng đất chè xưa của Đà Bắc vẫn đang có hàng chục ha chè dường như bị lãng quên, mọc thành rừng xen giữa những loại cây dại không tên trong nỗi nuối tiếc, xót xa của những người có tâm huyết với chè.
(HBĐT) - Một “đại công trường” trải suốt một dải 3 km trên dòng suối Cháo (xã Kim Tiến - Kim Bôi) với hàng nghìn con người già có, trẻ có ngày đêm hừng hực khí thế, chung một quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khai thác cát phục vụ việc xây Lăng Bác. Có lẽ vẫn còn nguyên trong ký ức nhiều lớp người dân xã Kim Tiến, niềm tự hào đó như một ngọn lửa sáng truyền từ thế hệ này sang thế hệ kế tiếp.