Trẻ em làng chài phải tự đi thuyền vào bờ để đến trường.
(HBĐT) - Nay đó, mai đây, đời nối đời lênh đênh sông nước, chỉ khi có con đập sừng sững ngăn sông, họ tụ lại. Thấm thoắt mà đã 25 năm. Những con người tụ lại ấy nay đã thành cụm dân cư ở trung tâm thành phố với 57 hộ, 206 nhân khẩu. Chỉ có điều không phải trên bờ mà họ vẫn đang ở dưới sông...
25 năm, tụ lại một làng chài
Dưới chân cầu Hòa Bình, phía bờ trái sông Đà thuộc phường Tân Thịnh (TPHB) là nơi cư ngụ của một làng chài. Tất cả các hộ dân làng chài này đều có xuất xứ từ hai xã Cổ Đô và Trung Hà, Ba Vì, Hà Nội. Từ nhiều đời nay, họ sống bằng nghề sông nước. Ông bà, con cái, cháu chắt nối tiếp nhau làm bầu bạn, sống chết với dòng Đà giang. Khi chưa có con đập thủy điện Hòa Bình chắn ngang, thuyền bè xuôi ngược theo sông, tiện đâu đậu đấy mà kiếm kế sinh nhai. Từ ngày ngăn sông đắp đập làm điện, chính xác là từ năm 1989, con đập sừng sững chắn ngang sông Đà đã giữ họ lại nơi hạ lưu ngay chân đập, từ đó hình thành làng chài.
Trước đây, đa số các hộ dùng tre, bương kết thành bè nổi. Trên đó dựng một căn nhà cũng bằng bương, tre hoặc khá hơn là gỗ và lợp lá cọ nên gọi là nhà bè. Hiện nay, phần bè đã được thay bằng phao sắt, sàn sắt. Còn căn nhà cũng đã hàn khung, ván sắt và lợp mái tôn, nên được gọi là nhà nổi. Để có một căn nhà nổi khoảng 25 - 30 m2, mỗi hộ phải bỏ ra từ 150 200 triệu đồng. Thời gian đầu, tôm, cá còn sẵn, nhu cầu sinh hoạt lại không đòi hỏi nhiều thứ như bây giờ. Có lẽ vì thế mà mặc dù lên bờ là một ước mơ truyền đời của họ nhưng xem ra cũng chưa thật cấp bách. Tính đến nay cũng đã 25 năm. Từ hơn 20 hộ nay làng chài đã lên tới 57 hộ với 206 nhân khẩu. Nếu trên cạn với số hộ này thừa sức lập một xóm hay một tổ dân phố, như vậy, ngoài thuận lợi của điều kiện tự nhiên còn nhiều quyền lợi khác của đơn vị hành chính như trường học, lớp mẫu giáo, nhà văn hóa nhưng đối với xóm chài thì thiếu nhiều thứ và thiệt thòi nhiều lắm.
Người xóm chài, lớn bé, già trẻ chỉ biết có sông nước, nhưng mặt nước lại không của riêng họ. Dân làng chài đánh bắt cá tôm theo kiểu truyền thống như thả lưới, giăng câu, đánh cụp, thả rọ. Theo lẽ sinh tồn sản vật tự nhiên hao đi đi rồi lại tiếp tục sinh sôi. Một số người sống trên cạn đã có một hay nhiều công việc làm nghề sống chính, họ kiếm con cá, con tôm cải thiện theo kiểu vô trách nhiệm. Đó là đánh mìn, kích điện dẫn đến tận diệt cá, tôm. Chính sự gây ra và không bị ngăn chặn của người trên cạn dẫn đến người dưới sông cũng nhắm mắt học theo thế là sinh ra sự vô lý hết chỗ nói. Dòng sông cưu mang dân chài bao đời, nay chính họ lại ngậm đắng nuốt cay mà tiêu diệt dòng sông.
Ông Ngô Văn Phích, 65 tuổi buồn rầu: Nhà tôi có 7 miệng ăn. Tối thiểu mỗi ngày phải kiếm ra khoảng 200.000 đồng mới tàm tạm. Trước cố được, giờ chỉ kiếm được khoảng 60.000 đồng/ngày thôi. Ngoài nghề chài lưới, chúng tôi không có biết việc gì khác. Vốn liếng không có. Vay ngân hàng lấy gì thế chấp?. Thêm vào đó, môi trường nước ô nhiễm bởi chất thải làm cho đời sống đã khó khăn lại càng thêm khó. 100% bà con làng chài ăn nước sông. Nhà nào cẩn thận bơi thuyền ra giữa dòng chảy múc nước, còn đa số ở đâu, múc luôn tại đó mà ăn, uống, sinh hoạt.
Hiện nay 2/3 lao động chính của làng chài phải vượt vũ môn lên vùng hồ để kiếm sống. Họ rủ nhau thuê cẩu thuyền lên ô tô chở lên Sơn La, Điện Biên hay Lai Châu rồi lại hạ thủy sông Đà. Nếu gia đình không có việc đột xuất có khi hàng 6 tháng hoặc 1 năm họ mới về lại làng chài. Cảnh chim trời, cá nước nên dù kinh nghiệm đến mấy cũng phần nhiều trông chờ vận may. Ông Ngô Văn Thông, 61 tuổi tham gia lãnh đạo tổ dân phố số 4 và trực tiếp làm xóm trưởng làng chài trầm ngâm: Năm 2010, xóm chúng tôi mất 1 cháu trai 5 tuổi tên là Nguyễn Đức Thiện. Thỉnh thoảng gia đình cho cháu lên bờ để làm quen với đất liền nay mai còn đi học, cháu trượt chân rơi xuống sông chết đuối. Mỗi gia đình chỉ có một hay hai người già ở lại trông trẻ con mà xung quanh là nước, lo lắm. Năm 2006, 2007, một số bà con làng chài đã quyết tâm tìm đường lên bờ để con cháu có điều kiện đi học nhưng khi đụng phải giá đất không thể đủ tiền mua, thế là đành chịu.
Cơ hội thực hiện ước mơ đổi đời
Sau 18 năm neo bán nơi hạ lưu chân đập thủy điện Hòa Bình, năm 2007, làng chài được chính thức nhập khẩu và thành cư dân tổ dân phố số 4, phường Tân Thịnh. Ngày lễ, tết, bà con được sự quan tâm thăm hỏi, của lãnh đạo phường. Trong làng chài có các tổ chức quần chúng sinh hoạt cùng với thành viên, hội viên trên bờ. Có khẩu, có phường, đến nay đã có 17 công dân làng chài lên được bờ, vào làm công nhân may, công nhân mài thấu kính, số lên bờ tìm kế sinh nhai ấy có vài cô gái lấy chồng, thế là thoát khỏi mặt nước, thoát khỏi nỗi khổ truyền kiếp của cha ông nên mỗi khi có cô gái làng chài nào lấy chồng trên bờ là cả làng mừng và đám cưới ấy vui lên gấp bội lần.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 33/2011/QĐ-TTg ngày 10/ 6/ 2011 về việc miễn tiền sử dụng đất cho hộ dân làng chài, dân sống trên sông nước, đầm phá di chuyển đến định cư tại các khu điểm tái định cư. Căn cứ quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các hộ làng chài thuộc tổ dân cư số 4, phường Tân Thịnh đã làm đơn gửi lên các cấp có thẩm quyền xin được cấp đất tái định cư. Ông Ngô Văn Thông cho biết: Tết Nguyên đán Nhâm Thìn (năm vừa có Quyết định số 33 của Thủ tướng Chính phủ), chúng tôi vui lắm. Ngồi trên sông xem bắn pháo hoa mà cứ ngỡ như đang đứng ở sân nhà mình. Cụ Ngô Văn Tám, năm ấy 87 tuổi là NCT nhất làng chài thì khỏe ra vì mừng sắp được lên bờ, được sống trong căn nhà trên bờ dù là nhà tranh, vách đất cho những ngày cuối đời cũng sung sướng. Các cháu học sinh ít ỏi của làng chài Tân Thịnh mong đợi từng ngày để được đón bạn bè đến chơi nhà mình. Vì từ ngày các cháu đi học đến nay không một lần được bạn bè đến chơi nhà. Phần vì tự các cháu mặc cảm không dám mời bạn, phần vì các bạn ở trên bờ cũng không dám xuống sông chơi, nhất là khi các cháu còn học tiểu học, các bậc phụ huynh trên bờ càng không dám cho con cháu mình đến bờ sông, chưa nói gì đến xuống sông chơi
Trên 700 ngày của năm 2012, 2013 như nước sông Đà trôi xuôi, người dân làng chài Tân Thịnh vẫn kiên nhẫn trông chờ những tín hiệu từ các cấp chính quyền.
(HBĐT) - Ai đã từng đặt chân đến huyện đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh hẳn không thể nào quên hình ảnh của hòn đảo xanh giữa biển khơi. Cảnh đẹp nguyên sơ, con người chân chất, gần gũi đã tạo nên sức hút tiềm ẩn đối với du khách. Đặc biệt, được đứng trước Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, thắp nén hương tưởng niệm Người, trong mỗi người đều trào dâng niềm xúc động, tự hào vô hạn bởi đây là nơi đầu tiên và duy nhất được Bác Hồ cho phép dựng tượng khi Người còn sống. Đến đây cũng thật vui khi chứng kiến cuộc sống người dân đang từng ngày đổi thay...
(HBĐT) - Trời đẹp quá lên mặt đập thôi, tranh thủ ghi lại những khoảnh khắc đẹp để còn nhớ! Không biết tự bao giờ nhóm “nghệ sỹ nhiếp ảnh” nửa mùa chúng tôi tạo ra thông lệ đó. Chỉ biết rằng nếu không ngắm, không chụp sẽ thấy tiếc vì bức tranh kỳ ảo mà đất trời và thiên nhiên đã ban tặng. Cũng dòng sông ấy (sông Đà), nhưng dòng nước không chảy lại hai lần, ánh mặt trời cũng khi tỏ khi mờ và sắc cầu vồng cũng có lúc sắc nét, lúc lại mờ phai. Có lẽ đó cũng là cảm nhận chung của những người cầm máy hiện đang sinh sống trên đất Hòa Bình nên ngày càng có thêm nhiều những bức ảnh đẹp ghi lại những khoảnh khắc diệu kỳ trên dòng sông ánh sáng.
(HBĐT) - Theo các tài liệu, những câu chuyện kể và truyền thuyết trong dân gian có đến 2 nàng công chúa được gả về làm dâu xứ Mường. Hai nàng công chúa, hai mối duyên tình, hai số phận khác nhau. Người đã đi hết con đường tình với người mình yêu, người dang dở trong sự tiếc nuối... Trải qua biết bao thăng trầm, biến cố của lịch sử, câu chuyện về 2 nàng công chúa được gả về làm dâu xứ Mường không phải ai cũng biết.
(HBĐT) - Một chiếc chiêng có đến 4 âm với các âm độ cao thấp khác nhau, chính vì vậy, chỉ cần dùng một chiếc chiêng này thôi người nghệ nhân đã có thể chơi được tiết tấu đơn giản của một làn điệu xéc bùa. Theo tiến sỹ Quách Văn Ạch - nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh, nguyên Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, “ở Hoà Bình, đây có thể xem là chiếc chiêng độc đáo có một không hai”.
(HBĐT) - 20 năm trước, tháng 12/1993, ông Đinh Công Đốc đã từ trần, khép lại những năm tháng tận tâm tận lực cống hiến cho cách mạng. 5 năm sau ngày ông mất (tức tháng 4/1998), con cháu ông được đón nhận niềm vinh dự: Nhà nước tặng thưởng Huy chương Kháng chiến hạng nhất, ghi nhận ông Đinh Công Đốc đã có thành tích trong cuộc kháng chiến lâu dài và anh dũng của dân tộc.
(HBĐT) - Từ xa xưa, bà con đồng bào dân tộc vùng cao Mai Châu dựng nhà giữa hoang sơ núi rừng, súng săn là một vật không thể thiếu trong mỗi gia đình. Súng cùng bà con lên rừng săn thú, súng được giữ trong nhà đề phòng thú dữ tấn công. Trong kháng chiến chống Pháp, súng cùng bà con hăng hái tham gia các chiến dịch bảo vệ bản làng, quê hương. Hòa bình lập lại, cuộc sống đã có nhiều đổi thay, súng săn được treo như vật kỷ niệm trong mỗi gia đình. Súng được coi như là bảo vật, là tài sản quý, thậm chí là vật thiêng trong mỗi gia đình. Nhưng hôm nay, vì trật tự an toàn xã hội, vì tính nghiêm minh của pháp luật, hơn 3.600 khẩu súng các loại đã được bà con nhân dân huyện Mai Châu tự giác giao nộp cho chính quyền.