Phụ nữ bản Xô, xã Nà Mèo (Mai Châu) tranh thủ thời gian nông nhàn, thêu hàng thổ cẩm, phụ thêm kinh tế cho gia đình.
(HBĐT) - Từ trung tâm xã Nà Mèo (Mai Châu), có hai cách để vào được bản Xô. Một là đi bộ khoảng gần 10 km theo con đường mòn xuyên rừng. Hai là quay ra thị trấn Mai Châu và ngược thêm gần 25 km đến xóm Lọng Sắng, xã Bao La, rẽ phải, đi thêm gần 3 km là vào đến bản.
Tháng 3 ở vùng cao sương mù ẩm ướt, e ngại lũ vắt rừng nên chúng tôi quyết định chọn con đường thứ 2 để vào bản Xô. Thấy có người lạ hỏi đường vào bản Xô, anh Hà Văn Khái nhà ở đầu bản Lọng Sắng ngăn: “Từ đây vào bản Xô chỉ khoảng 3 km nhưng không quen đường thì không đi xe máy được đâu, đường rất khó đi và nguy hiểm”. Nghe theo lời anh Khái, chúng tôi gửi xe, chuẩn bị hành trang gọn nhẹ “cuốc bộ” vào bản.
"Nghề" soi nhái ở bản Xô
Đón chúng tôi ở đầu bản là ông Hà Công Xanh, Bí thư chi bộ bản Xô. Ông Xanh dẫn chúng tôi về nhà với mâm cơm chiều đã được chủ nhà chuẩn bị sẵn.
Nhái nướng trong lá chuối có vị ngọt ngậy, nhái rán lá lốt có vị giòn thơm, chả nhái có vị đặm đà thơm cay, nhái nấu măng chua ăn với cơm trắng thì thật tuyệt vời! Bữa cơm chiều với đặc sản nhái khiến cho chúng tôi có ấn tượng ban đầu thật đặc biệt đối với bản Xô.
Nhanh chóng kết thúc bữa cơm chiều, tôi được chủ nhà “trang bị” cho một chiếc đèn pin, một chiếc túi đeo ngang hông khâu tay bằng bao tải cũ và một đôi ủng. Đó là hành trang đầy đủ để tôi trở thành một “thợ bắt nhái”.
Biết chúng tôi từ nơi khác đến, anh Hà Công Hiêm vui vẻ trò chuyện: Mùa soi nhái bắt đầu từ tháng 3. Đó là khi đông qua đi, xuân về, thời tiết bắt đầu ấm lên. Khi bắt đầu có mưa xuân, nhái từ trên núi xuống, nhái từ trong hang ra. Nhái tập trung nhiều nhất ở các ruộng nước, triền đồi. Cứ soi đèn sẽ thấy rồi dùng tay bắt. Soi tìm thấy nhái thì dễ vì khu vực này rất nhiều nhái vì rừng còn nhiều, bà con cũng trồng sắn, trồng ngô, trồng lúa nhiều, nhái có chỗ ở và có thức ăn. Nhưng bắt nhái thì khó vì con nhái nhảy rất nhanh, người bắt phải nhanh nhẹn và kiên trì. Bây giờ đầu mùa, một đêm một người chỉ bắt được khoảng vài lạng đến một cân nhưng một hai tháng nữa vào mùa mưa, một đêm bắt được 4 - 5 kg là bình thường. Nhái bản Xô thường được bán tại chợ Săm Khòe và nếu đi được xuống thị trấn Mai Châu thì sẽ bán được giá hơn. Mùa mưa nhái có giá từ 40 - 50.000/kg, còn đầu mùa thì nhái có giá 70 - 80.000 đồng/kg.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết hiện nay, nhái là một món ăn đặc sản được khá nhiều các nhà hàng, quán bia ưa chuộng. Trong khi đó nhái chủ yếu được bắt ngoài tự nhiên nên lượng cung luôn ít hơn so với cầu. Nhái do bà con bản Xô bắt được bán khá đắt hàng tại các chợ. Thậm chí vào mùa cao điểm, tư thương còn lặn lội vào tận bản Xô, đến từng hộ gia đình thu mua.
Theo nhẩm tính của bà con bản Xô, một đêm đi soi nhái có thể kiếm được cả trăm nghìn đồng, bán đi cũng đong được 7 - 8 kg gạo. Nếu không bán thì nhái trở thành món khoái khẩu và tiện lợi, được bà con người Thái nơi đây rất yêu thích trong bối cảnh đường tới chợ xa quá là xa... Do đó, tranh thủ sau bữa cơm tối gia đình nào cũng có người đi soi nhái, thường là hai bố con. Vào mùa mưa, nhái từ nương sắn, ruộng ngô ra nhiều thì cả nhà đi soi nhái.
Ở bản Xô, người ta coi đi soi nhái như một nghề vì vào mùa cao điểm, có đến hơn 50% người dân bản Xô đi soi bắt nhái đêm. Ánh đèn pin sáng loang loáng khắp thửa ruộng. Tiếng cười, tiếng nói râm ran khắp các sườn đồi.
Bản Xô đêm bình yên
Trong khi ở ngoài các thửa ruộng, trên các sườn đồi đàn ông thanh niên đi soi nhái thành từng đoàn thì trong những ngôi nhà sàn truyền thống, phụ nữ bản Xô chăm chỉ ngồi thêu tay.
Ngôi nhà đầu tiên chúng tôi đến thăm là gia đình chị Hà Thị Huân. Đón chúng tôi, chị ngừng tay thêu trò chuyện: “Tranh thủ lúc nhàn rỗi, tôi lại ngồi khâu thêu những tấm vải này để bán cho bà con người Mông may váy hoặc có đợt thì khâu thuê do khách dưới thị trấn đặt. Mỗi tháng cũng kiếm thêm được vài trăm nghìn. Có thêm tiền mua quần áo, sách vở cho con cái đi học”.
Đưa chúng tôi đi qua những ngôi nhà sàn chưng đèn sáng, rộn ràng tiếng cười nói, đồng chí Bí thư chi bộ Hà Công Xanh tự hào: “Bản Xô có 98 hộ với hơn 400 khẩu. Hàng năm trồng được hơn 60 ha ngô và 15 ha lúa nước. Ngoài ra, tận dụng lợi thế có rừng, có chỗ chăn thả nên hộ gia đình nào cũng chăn nuôi trâu, bò, ít thì 1 - 2 con, nhiều thì 5 - 6 con. Người dân bảo Xô có truyền thống chăm chỉ, ban ngày đi làm nương, làm đồng; tối về đàn ông đi soi nhái bán kiếm thêm tiền hoặc để làm thức ăn, phụ nữ thì ở nhà làm thêm nghề phụ là khâu thêu tay các tấm vải. Bà con trong bản rất đoàn kết, đồng lòng, bản không có tệ nạn xã hội, không có người nghiện, không có người mua bán trái phép chất ma túy. Tuy giao thông đi lại khó khăn nhưng trong bản không có trẻ em bỏ học. Liên tục nhiều năm liền, bản được công nhận là Làng văn hóa cấp huyện, là đơn vị có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước của huyện Mai Châu. Chi bộ xóm Xô nhiều năm liền là chi bộ trong sạch vững mạnh.
Trong ngôi nhà sàn khang trang là nhà văn hóa ở giữa bản, anh Hà Văn Tuấn, Trưởng xóm phấn khởi cho biết: “Nhà văn hóa được hoàn thành vào năm 2010 với tổng trị giá khoảng 160 triệu đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 16 triệu đồng, còn lại là do nhân dân đóng góp vật liệu và ngày công. Nhà văn hóa được bà con nhân dân trong bản cùng chung tay tích cực xây dựng nên chỉ một tháng đã hoàn thành. Giờ đây, nhà văn hóa là nơi sinh hoạt chung rất nhiều hoạt động của bản. Từ khi có nhà văn hóa, mọi công việc, hoạt động của bản Xô trở nên thuận tiện và hiệu quả hơn nhiều”.
Có nhà văn hóa, đời sống tinh thần của người dân bản Xô được nâng lên rõ rệt. Nhiều hoạt động tập thể, cộng đồng được tổ chức. Hoạt động của chi bộ, Mặt trận tổ quốc, các hội đoàn thể cũng sôi nổi, tích cực hơn. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, đặc biệt là tác hại của ma túy đến được với người dân sâu sắc hơn. Do đó, nhiều năm liên tục, bản Xô không có người mắc tệ nạn xã hội, không có trường hợp sinh con thứ 3, bản làng bình yên, bà con đoàn kết cùng chung tay phát triển KT-XH, XĐ-GN.
Trăn trở về những khó khăn của bản Xô, đồng chí Bí thư chi bộ cho biết: Người dân bản Xô cần cù, chịu khó sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm, làm nghề phụ, nhưng giao thông đi vào bản quá khó khăn. Bản cách quá xa trung tâm xã Nà Mèo, bà con trồng ra hạt ngô, củ sắn nhưng không mang đi bán được. Tư thương vào tận đây thu mua thì ép giá. Do đó, nhiều hộ gia đình chủ yếu vẫn là tự sản tự tiêu, phục vụ nhu cầu gia đình là chính, giá trị hàng hóa không cao. Điều đó dẫn đến tuy diện tích canh tác khá nhiều, sản lượng khá nhưng hiệu quả kinh tế thấp, thu nhập bình quân của xóm năm 2013 mới chỉ đạt mức 6,5 triệu đồng/người/năm và bản còn có tới 40% số hộ thuộc diện hộ nghèo. Người dân bản Xô cứ trông chờ mãi con đường bê tông về bản, phải có đường thì đời sống bà con nơi đây mới khá lên được.
Dương Liễu
(HBĐT) - “Mùa xuân Hòa Bình ơi, xanh xanh núi Đúng sông Đà, mùa xuân Hòa Bình ơi, điện dâng ánh sáng chan hoà, bản Mường em vui ngày hội xuân, ngọt ngào sao câu hát ví. Cồng ngân đánh điệu đón dâu, chàng trai phố núi rước người quê xuôi Hòa Bình ơi...”. Có lẽ vì khúc ca như lời mời gọi ấy nên năm nào cũng vậy, cho dù những ngày cuối năm công việc tất bật là thế mà mấy đứa bạn thời đại học của tôi cũng khấp khởi rủ nhau từ thủ đô hoa lệ lên thăm Hòa Bình. Để rồi cả nhóm lại được ngồi bên dòng sông Đà ngắm ánh điện lung linh soi rọi dòng sông và ngâm nga mấy bài hát quen thuộc cứ như những đứa con lâu ngày về thăm quê.
(HBĐT) - Du sơn, ngoạn thủy trên vùng hồ Hòa Bình trong mùa xuân, đặc biệt là tháng giêng này đã trở thành lịch trình không thể thiếu của nhiều người dân Hòa Bình và đông đảo du khách thập phương. Đến vùng hồ Hòa Bình trong mùa xuân sẽ được tận mắt ngắm nhìn nước hồ trong xanh màu ngọc bích, những đảo núi nhấp nhô, huyền ảo như vịnh Hạ Long, những ngôi nhà sàn bình yên bên sườn núi… Đến vùng hồ trong những ngày này còn được cùng dòng người vui với mùa lễ hội đền Bờ; được tìm hiểu văn hóa, lịch sử tâm linh đầy huyền thoại về Bà chúa thác Bờ giúp vua Lê đánh giặc…
(HBĐT) - Ai đã từng đặt chân đến huyện đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh hẳn không thể nào quên hình ảnh của hòn đảo xanh giữa biển khơi. Cảnh đẹp nguyên sơ, con người chân chất, gần gũi đã tạo nên sức hút tiềm ẩn đối với du khách. Đặc biệt, được đứng trước Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, thắp nén hương tưởng niệm Người, trong mỗi người đều trào dâng niềm xúc động, tự hào vô hạn bởi đây là nơi đầu tiên và duy nhất được Bác Hồ cho phép dựng tượng khi Người còn sống. Đến đây cũng thật vui khi chứng kiến cuộc sống người dân đang từng ngày đổi thay...
(HBĐT) - Trời đẹp quá lên mặt đập thôi, tranh thủ ghi lại những khoảnh khắc đẹp để còn nhớ! Không biết tự bao giờ nhóm “nghệ sỹ nhiếp ảnh” nửa mùa chúng tôi tạo ra thông lệ đó. Chỉ biết rằng nếu không ngắm, không chụp sẽ thấy tiếc vì bức tranh kỳ ảo mà đất trời và thiên nhiên đã ban tặng. Cũng dòng sông ấy (sông Đà), nhưng dòng nước không chảy lại hai lần, ánh mặt trời cũng khi tỏ khi mờ và sắc cầu vồng cũng có lúc sắc nét, lúc lại mờ phai. Có lẽ đó cũng là cảm nhận chung của những người cầm máy hiện đang sinh sống trên đất Hòa Bình nên ngày càng có thêm nhiều những bức ảnh đẹp ghi lại những khoảnh khắc diệu kỳ trên dòng sông ánh sáng.
(HBĐT) - Theo các tài liệu, những câu chuyện kể và truyền thuyết trong dân gian có đến 2 nàng công chúa được gả về làm dâu xứ Mường. Hai nàng công chúa, hai mối duyên tình, hai số phận khác nhau. Người đã đi hết con đường tình với người mình yêu, người dang dở trong sự tiếc nuối... Trải qua biết bao thăng trầm, biến cố của lịch sử, câu chuyện về 2 nàng công chúa được gả về làm dâu xứ Mường không phải ai cũng biết.
(HBĐT) - Một chiếc chiêng có đến 4 âm với các âm độ cao thấp khác nhau, chính vì vậy, chỉ cần dùng một chiếc chiêng này thôi người nghệ nhân đã có thể chơi được tiết tấu đơn giản của một làn điệu xéc bùa. Theo tiến sỹ Quách Văn Ạch - nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh, nguyên Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, “ở Hoà Bình, đây có thể xem là chiếc chiêng độc đáo có một không hai”.