- Cô Tâm ra đồng sớm thế?
- Dạ… chào bác Hiền!
- Ơ, sao mặt cô tím bầm thế kia?
- Cháu… cháu đi không cẩn thận nên lỡ va đập vào cánh cửa thôi bác.
- Cô lại nói dối. Chắc chú Quán lại rượu vào rồi đánh cô nữa chứ gì!
- Cháu… chị Tâm òa lên nức nở. Cháu khổ quá! Chồng con gì đâu mà cứ rượu chè vào là đánh vợ. Ra đường nhìn chòm xóm, cháu xấu hổ quá bác ạ. Thương 3 đứa con chứ không cháu đã bỏ đi từ lâu rồi... Tâm kể về nỗi khổ của mình trong nước mắt khiến bà Hiền động lòng xót xa.
- Chú Hùng trong xóm nhà mình, chả hiểu sao cứ thích uống rượu và đánh vợ. Mới sớm cô Tâm ra đồng mặt mũi đã tím bầm hết cả. Vừa về đến sân nhà, thấy ông Lương, chồng mình đang ngồi hút thuốc lào dưới mái hiên, bà Hiền liền phàn nàn.
- Chắc lại chuyện sinh toàn con gái. Phần nữa là do kinh tế khó khăn, 3 đứa con lại đang ăn học, cái gì cũng cần tiền… Ông Lương rít một hơi thuốc lào, phả khói thành vòng bay lên trước mặt, chậm rãi nói.
Tâm và Hùng là người cùng làng. Vốn chẳng được ăn học đầy đủ vì gia cảnh cả hai đều nghèo khó. Năm tròn 20 tuổi, gia đình Tâm giục nhà Hùng tổ chức đám cưới.
Cưới nhau xong, 2 vợ chồng được ba mẹ Hùng cho một miếng đất chừng 60 m2, ban đầu là dựng tạm cái chòi để trú nắng trú mưa, mãi sau tích góp cũng cất được cái nhà ngói. Rồi cái Sĩ, cái Tấn, cái Tân nối tiếp nhau ra đời.
- Sinh con gái, người ta đặt tên Hồng, Hoa, Lan… gì đó. Chú Hùng nghĩ sao mà lại đặt tên con gái là Sĩ, Tấn, Tân.
Họ hàng rồi hàng xóm góp ý, Hùng nổi cáu: Đó là chuyện nhà tôi. Ai cần mấy người phải xía vào. Lắm chuyện!
Ngày cái Sĩ và Tấn còn nhỏ, ngôi nhà của vợ chồng Hùng ngày nào cũng ngập tràn tiếng cười. Nhưng… mọi thứ bỗng chốc thay đổi từ khi cái Tân ra đời và mấy đứa con ngày càng lớn lên.
- Vợ với chả con. Sang hàng xóm mà học hỏi nhà người ta kia kìa. Đẻ một cái là ra thằng cu ngay. Đằng này… đẻ mãi mà vẫn cứ bươm bướm, vịt giời!
- Sao mình lại nói thế. Con cái là trời cho. Gái hay trai là do cả vợ lẫn chồng chứ đâu phải tôi muốn đẻ toàn con gái…
- Thôi đi! Hùng cắt ngang, giọng càng hằn học. Bao nhiêu chuyện đông chuyện tây, chuyện bị coi thường khi đi ăn giỗ, gặp người này, người khác ngoài đường, Hùng lôi ra nói một tràng. Hùng lôi chuyện đặt tên con để minh chứng cho việc ước có được đứa con trai. Giận cá chém thớt, Hùng đập cả chai rượu đang uống xuống nền nhà, sấn lại kéo tóc, bạt tai, đấm thẳng vào mặt vợ. Chị Tâm loạng choạng, ngã dúi xuống đất, nước mắt giàn dụa. Con bé Tân chạy đến ôm lấy chân bố van xin:
- Bố đừng đánh mẹ nữa! Đừng đánh mẹ nữa bố ơi. Mẹ đau lắm!
- À… cái con vịt giời này… Mày lại còn bênh con mẹ mày. Hùng vung tay đẩy con gái ra xa rồi xông đến tiếp tục đánh vợ.
- Bố… bố đừng đánh mẹ nữa! Vừa lúc chị em Sĩ, Tấn đi học về đến ngõ, thấy bố vẫn đang sừng sộ còn mẹ thì ngồi ôm mặt khóc bên cạnh đứa em út dưới hiên nhà, chúng liền mếu máo:
- Mẹ chạy đi… mẹ đừng ngồi đấy nữa. Nếu không bố sẽ đánh mẹ chết mất.
- À… thêm hai con vịt giời này nữa. Chúng mày đủ bộ rồi nhỉ. Tao sẽ cho chúng mày một trận no đòn luôn. Thấy chồng định xông vào đánh các con, chị Tâm vùng dậy, dắt tay con, cả bốn mẹ con ba chân bốn cẳng chạy ra khỏi nhà. Hùng loạng choạng đuổi theo nhưng chỉ được vài bước thì ngã kềnh giữa sân, miệng vẫn lè bè chửi.
Năm lần bảy lượt chạy trốn, mẹ con chị Tâm chẳng biết tá túc ở đâu, chỉ biết chạy vì sợ bị đuổi đánh. Bà Hiền thấy mẹ con Tâm hớt hơ hớt hải chạy ngang qua nhà mình, biết sự chẳng lành liền bảo họ vào nhà.
- Cứ bị đánh thế này thì da thịt nào mà chịu cho nổi. Cái Sĩ cũng sắp thi đại học, cái Tấn thì chuẩn bị vào cấp ba. Bà Hiền nhìn chồng rồi nói với mẹ con chị Tâm bằng vẻ mặt đầy đồng cảm.
- Cháu thì sao cũng được, nhưng chỉ tội cho tụi nhỏ. Một chút bình yên cũng không có. Suốt ngày chúng chỉ thấy bố nó uống rượu rồi đánh đập, chửi bới, phá đồ.
- Mẹ ơi, con sẽ không đi học nữa. Con sẽ ở nhà đi làm kiếm tiền phụ mẹ.
- Con cũng vậy. Nghe chị nức nở khóc nói với mẹ, Tấn và Tân cũng nói theo.
- Không. Các con còn nhỏ. Các con phải ráng học. Mẹ dù khổ thế nào cũng không để các con chịu cảnh thất học được. Mẹ không thể để các con sau này giống bố mẹ được.
- Nhưng chúng con là con gái. Mà con gái thì đủ tuổi là lấy chồng rồi lo gia đình, con cái thôi. Học nhiều để làm gì. Chẳng phải bố đã từng nói thế sao! Sĩ vừa nói vừa sụt sùi.
- Không phải đâu cháu. Dù là con gái hay con trai thì cũng đều bình đẳng như nhau cả. Chỉ tại làng mình vẫn còn trọng nam khinh nữ đấy thôi. Con nào chả là con. Cháu học giỏi. Cháu hãy cứ cố gắng học rồi thi cho tốt. Còn làm gương cho hai em. Sau này mới thoát khỏi cảnh đói nghèo và thay đổi cái suy nghĩ lạc hậu ấy được. Nghèo gì chứ nghèo tri thức, hiểu biết mới đáng lo cháu à! Ông Lương ôn tồn.
- Ước gì bố của bọn trẻ cũng hiểu được những lời bác nói. Chị Tâm nói với vẻ buồn bã, thất vọng.
- Ừ. Để tôi sang nói chuyện với chú Hùng thử xem thế nào.
- Đúng đấy. Dù sao cũng là đàn ông với nhau. Vả lại, ông cũng lớn tuổi, chắc chú ấy sẽ nghe.
***
- Hai hay 3 đứa con gái thì cũng khác gì nhau đâu chú. Cũng khó khăn, cũng bị người này người khác nói ra nói vào. Nhưng mình sống cho mình mà chứ phải cho người khác đâu, để ý đến những lời đàm tiếu không hay làm gì! Mình phải có lập trường vững vàng chú à. Cha mẹ có hòa thuận, gia đình có vui vẻ thì con cái mới phát triển tốt được. Thời bao cấp, vợ chồng tôi cũng phải chạy ngược chạy xuôi kiếm ăn từng bữa. Thế rồi cũng qua. Bây giờ, 2 đứa con gái của chúng tôi cũng có công việc ổn định, yên bề gia thất trên thành phố. Chúng hiếu thảo với vợ chồng tôi lắm. Tôi nói thật lòng, thay vì cứ tự làm khổ mình, làm khổ vợ con, vợ chồng chú cứ chịu khó làm ăn nuôi các cháu ăn học nên người, rồi mai mốt sẽ ổn thôi.
- Nói thật với bác, từ khi vợ con bỏ đi, cháu đã suy nghĩ rất nhiều. Giờ bác nói… cháu đã nhận ra cái sai của mình và rất ân hận. Cháu thật không ra gì vì đã đối xử không tốt với vợ con mình.
- Ngôi nhà muốn bình yên thì mỗi người trong gia đình phải bình yên trước đã. Sống như thế nào để gia đình luôn là tổ ấm, là niềm an vui thì mới là hạnh phúc thực sự… Nghe ông Lương thủ thỉ chân tình, Hùng hiểu mình cần phải làm gì. Anh đứng dậy rồi lững thững qua nhà ông Lương.
- Mình… tôi… tại tôi nông cạn, gia trưởng nên mới khiến mẹ con mình khổ như thế. Các con… tha lỗi cho bố, bố biết bố sai rồi! Nhìn má vợ vẫn còn ngang dọc những vết bầm tím do bàn tay, nắm đấm mình gây ra, nhìn 3 đứa con chưa hết sợ hãi, đứng rum rúm nép vào người mẹ, Hùng thấy mình thật đáng trách.
Hùng cảm ơn ông Lương, bà Hiền rồi cùng vợ con ra về. Nắm lấy tay vợ, trao cho con cái nhìn trìu mến, Hùng thấy trân quý hơn hạnh phúc gia đình.
Truyện ngắn của Lê Thị Xuyến
(HBĐT) -Vừa cất lời hỏi thăm nhà chị Th, bà bán nước đầu ngõ đã lắc đầu nguây nguẩy: "Các anh chị không gặp được chị kia đâu. Nhất là mấy anh kia đẹp trai như thế”. Rồi bà cười ra chiều bí hiểm.
(HBĐT) - Sau một số lần Thạch phò mã mắc khuyết điểm, cực chẳng đã Phụ vương đành ban ấn điều về làm giám đốc Trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe ở vùng "rừng xanh núi đỏ”. Vốn đã quen "ăn trên, ngồi trốc”, giờ quản lý một trung tâm nho nhỏ, Thạch Sanh cũng hơi ngán ngẩm. Tuy vậy, kinh tế ngày một phát triển, người người, nhà nhà đua nhau mua sắm ô tô nên đào tạo, sát hạch lái xe bỗng chốc trở thành nghề "hót”.
(HBĐT) - Đến thăm gia đình người bạn học cũ. Ngày nghỉ, bạn và đám con cháu đang ngồi chơi cùng người mẹ già dưới vòm lá xanh mát trong vườn. Khung cảnh thật thanh bình. Nghe cả tiếng chim lích chích sau những tán lá. Chào, bà không còn nhận ra là ai nữa, dù sức vóc chưa đến nỗi, chỉ tội phải chống gậy… Một thời dọc ngang các phiên chợ quê buôn bán, làm ăn, gây dựng gia đình, giờ già, bé nhỏ, lặng lẽ bâng quơ nhìn mây, nhìn trời cùng đám con cháu túm tụm trong vườn. Người bạn đỡ lời: May quá bạn à, mới bị lẫn nhẹ thôi. Như nhầm đứa con nọ ra đứa con kia, còn mọi sinh hoạt bà vẫn chủ động bình thường. Nói là quên vậy nhưng bà nhớ bao chuyện ngày xưa, mới tinh như ngày hôm qua. Người bạn nói rổn rảng, nhưng trong mắt như có nước… Có những câu chuyện bà "dẫn” đi dẫn lại bao lần, khiến đám con cháu cũng thuộc lòng luôn…
(HBĐT) - Ba đang vẽ gì đấy ạ? Thấy ông Trung đang miệt mài ngồi bên bàn, trên tay cầm cây bút chì đưa lên, kéo xuống một cách cẩn thận, tỉ mẩn, Phong, con trai ông bước lại gần tò mò.
(HBĐT) - Hè năm thứ nhất, khi biết tin cha sẽ có chuyến đưa hàng ngược sông ở phía thượng nguồn, tôi đã nằng nặc đòi theo. Không chối nhưng cũng chẳng hẳn đồng ý, cha tôi thủng thẳng: Có mang vác được đồ đạc của mình thì hẵng đi. Cũng trèo đèo, lội suối đó… Không dễ đi đâu. Còn mẹ tôi, một mẫu phụ nữ ít giao du, cằn nhằn giao nhiệm vụ cho cha: "Anh làm thế nào cũng phải thu dóc nợ đi. Mấy triệu đồng… hàng tháng nay rồi… Để ngân hàng là đẻ lãi ròng đó”. Kèm theo đó có tiếng thở dài... Mắt mẹ buồn nhìn đi chỗ khác…
(HBĐT) - Khi tiếng chim tu hú trên đồi gọi bày, tiếng ve sầu râm ran trên các ngọn cây là những cánh phượng nở đỏ rực trời tháng 5. Hoa phượng nở đỏ nhắc cô cậu học trò khắc phục cái oi bức để học tập, hoàn thành kết quả của 1 năm học. Trừ những học trò lười còn tất cả đều chăm chỉ, lo lắng cho những năm tháng đèn sách của mình. Cháu Quang thằng cháu nội của tôi, năm nay có những bước đi rõ nét. Đặt ra chương trình ôn tập, bố trí giờ giấc, không để bố mẹ phải nhắc nhở.