Truyện ngắn của Lê Phượng

(HBĐT) - A Lếnh về đến nhà thì đã chập choạng tối. Mặt trời đã sửa soạn để đi ngủ. Con lợn nái hung hung đen nằm trong chuồng sắp đến ngày đẻ. Đợt này, vợ A Lếnh cũng đẻ. A Lếnh sẽ chăm đàn lợn con cho thật nhanh lớn để bán, lấy tiền mua quần áo đẹp cho con, cho vợ mình.

Vừa tủm tỉm cười khi nghĩ đến Hoa súng sính trong chiếc váy xòe hoa mới, A Lếnh vừa bước nhanh chân vào nhà, vui vẻ ngó ngay qua bếp. Đang định cất tiếng kể chuyện chiều nay trên rẫy cho vợ nghe, bỗng anh khựng lại, nụ cười vụt tắt trên môi. Hoa không ngồi bên bếp thổi lửa nấu cơm chờ A Lếnh về như mọi khi. Bếp lạnh tanh, không có lấy một tàn than đỏ. Muộn rồi, Hoa đi đâu cơ chứ? Bụng Hoa to như thế! Chẳng lẽ… mới có nghĩ vậy thôi A Lếnh liền đưa tay lên đấm vào đầu tự chửi mình là điên. Không được nghĩ bậy. Không được nghĩ xấu cho vợ. Hoa đã thề sẽ sống đến chết cùng A Lếnh ở nơi này, sẽ sinh cho anh những đứa con dễ thương. Hoa sẽ không bỏ anh mà đi đâu. A Lếnh chạy một mạch sang nhà Vàng Mẩy bên kia dốc. Đôi chân vừa mới chạm cái sân đất nhà Vàng Mẩy anh đã cất tiếng gọi:

- Hoa ơi! Vợ ơi!

Vàng Mẩy bước ra, tay còn cầm cây cời bếp cất tiếng ồm ồm nói một tràng:

- Nó không có ở đây đâu. Mày đi làm về muộn mất rồi. Nó đi rồi. Chiều nay, tao thấy nó đi về phía con dốc kia kìa, tao gọi mà hình như nó không nghe thấy, cứ cắm cúi đi. Nó đeo theo cái gùi nữa. Nó tìm đường về xuôi rồi A Lếnh ạ! Nó không ở với mày nữa đâu.

- Không phải đâu. Nó đã nói sẽ sống với tôi đến khi không còn thở được nữa, đến khi con cái chúng tôi đều lớn lên khỏe mạnh mà.

- Nó là người dưới xuôi A Lếnh ạ. Con gái dưới xuôi không quen đi rừng, đi dốc. Cái chân nó mỏi. Nó không ở với mày mãi được. Mày lại nghèo quá. Nó làm sao chịu khổ mãi được.

- Không, bà đừng nói thế. Tôi đi tìm Hoa về đây.

Nói rồi A Lếnh vội vàng quay ra, anh bước thấp bước cao đi về phía Vàng Mẩy nói Hoa đã đi. Bóng tối bắt đầu phủ đều lên tất cả mọi vật. Từ ngày lên đây, về làm vợ A Lếnh, Hoa chưa bao giờ đi đâu vào buổi chiều muộn. Hoa sợ bóng đêm, sợ những tiếng kêu vào ban đêm. A Lếnh vừa đi vừa gọi, chỉ có tiếng những con vật của đêm đáp lại tiếng anh. Chúng như truyền nhau lời A Lếnh, có lúc kêu rộn lên. A Lếnh đâm hoảng, chúng kêu như vậy sẽ làm Hoa rất sợ. Cô ấy sẽ khóc ngất đi mà không tìm được đường về mất. Nghĩ vậy, A Lếnh ngồi bệt xuống, không dám gọi nữa.

          Cũng chỗ này, hơn 2 năm trước A Lếnh thấy Hoa ngồi thu lu phía bụi cây ven đường, run rẩy. Mặt mũi, tóc tai Hoa xơ xác, phờ phạc, chân tay cô đầy vết xước, chắc do gai cào. A Lếnh đi rẫy về muộn, nghe thấy tiếng khóc thút thít thì lại coi. Rồi đưa Hoa về nhà. Hoa yếu lắm, đi được nửa đường thì lả đi. A Lếnh phải cõng về. Mẹ A Lếnh chăm sóc cho Hoa, lau rửa, thay đồ, thấy trên người Hoa bầm tím nhiều chỗ. Mấy lần bà hỏi, Hoa không trả lời, chỉ khóc, càng hỏi càng khóc nhiều hơn. Bà cũng sợ không dám hỏi nữa. Hoa cứ ở đó, theo mẹ A Lếnh đi làm, trỉa bắp, hái măng… rồi đồng ý làm vợ A Lếnh. Lúc đầu, người ta cứ nói Hoa là con gái dưới xuôi, môi đỏ, má hồng, không ở được đây đâu, sớm muộn gì nó cũng bỏ A Lếnh đi thôi. A Lếnh không tin, có khi bực mình khi nghe những lời đó. Hoa chỉ cười hỏi A Lếnh: "A Lếnh có tin tôi không? Tôi không còn ai thân thích ngoài A Lếnh và bố, mẹ của A Lếnh. Giờ họ là bố mẹ tôi. Nhà A Lếnh cũng là nhà tôi. Tôi sống ở đây, chết cũng ở đây chứ không đi đâu nữa cả. Ai nói gì kệ họ A Lếnh ạ!”. A Lếnh dựng nhà sang bên này được nửa năm thì Hoa mang bầu. A Lếnh sắp được làm bố rồi càng chịu khó làm hơn, càng thương vợ nhiều hơn.

Bỗng A Lếnh giật mình khi nhớ lại gần đây, Hoa hay ngồi ở cửa nhìn xa xăm, có khi A Lếnh đi làm về đến nhà rồi cũng không để ý. Anh có hỏi thì Hoa lại nói không nhìn gì, không nghĩ gì cả. Hay là nó nhớ dưới xuôi, nhớ con người ở đó rồi? Hay nó không còn thương mình nữa? Nhiều người nói với mình như vậy mà mình không tin. Giờ thì nó bỏ mình thật rồi! Thôi, đúng rồi.

          Nghĩ vậy, A Lếnh vụt đứng dậy đi về nhà. Anh bắt đầu thấy giận Hoa vì anh thương cô như thế mà cô bỏ anh đi, phản bội anh. Từ buồn, giận, anh tức tối rồi nước mắt ở đâu thi nhau chảy ra. A Lếnh muốn đi thật nhanh về nhà. Anh sẽ vứt hết những gì liên quan đến Hoa. A Lếnh đi như chạy, vừa đi vừa xin Giàng hãy trừng phạt người đàn bà đã lừa dối mình, kẻ đã phản bội niềm tin của mình. Nhưng vừa đặt chân vào sân, anh liền đứng khựng lại khi nhìn thấy ánh lửa hắt ra từ gian bếp, lập lòe. Sau vài giây ngỡ ngàng, A Lếnh chạy vội vào trong bếp. Hoa đang lúi húi thổi lửa, dáng khó nhọc. Vừa thấy chồng về, Hoa đã cười trách:

- Sao hôm nay anh về muộn vậy? Em đi hái ít lá cho con lợn, hồi chiều em thấy nó gãi ổ rồi. Chắc đêm nay là nó đẻ. Em về mà anh còn chưa về.

A Lếnh không biết nói sao, chỉ thấy trong lòng như rung lên âm vang của tiếng khèn, tiếng sáo, vui tươi, hân hoan. Anh vội vàng cúi xuống thổi lửa, cùng Hoa nấu ăn. Anh giấu nhẹm chuyện mình đi tìm Hoa, giấu luôn cả cái ý nghĩ căm ghét khi tưởng Hoa đã bỏ mình về xuôi. Có tiếng con lợn nái ngoài chuồng, Hoa giục A Lếnh bê mớ lá hái được hồi chiều mang ra:

- Anh mang ra cho nó ăn đi. Già Dan nói ăn lá này nó sẽ nhiều sữa hơn đấy.

A Lếnh đi trước, Hoa theo sau. Con lợn nái nằm yên thở khó nhọc, ba chú lợn con vừa ra đời đã tìm vú mẹ để bú.

Hoa bày cho Khắn cách lấy giẻ lau sạch những cái màng mỏng bao bọc quanh những chú lợn con, rồi cho chúng nằm vào bú mẹ. Những cái đó Hoa học được ngày còn dưới xuôi. A Lếnh vui vẻ làm theo, mỗi chú lợn con ra đời anh lại bước vào chuồng lau chùi cẩn thận, sạch sẽ.

Hoa nhìn chồng mỉm cười rồi đưa tay xoa bụng. Vợ chồng cô cũng sắp đón đứa con đầu lòng. Ở nơi đây, bên A Lếnh, cô thấy bình yên và hạnh phúc, điều mà trước đây cô nghĩ sẽ không bao giờ có được.

Các tin khác


Chuyến lên phía thượng nguồn



(HBĐT) - Hè năm thứ nhất, khi biết tin cha sẽ có chuyến đưa hàng ngược sông ở phía thượng nguồn, tôi đã nằng nặc đòi theo. Không chối nhưng cũng chẳng hẳn đồng ý, cha tôi thủng thẳng: Có mang vác được đồ đạc của mình thì hẵng đi. Cũng trèo đèo, lội suối đó… Không dễ đi đâu. Còn mẹ tôi, một mẫu phụ nữ ít giao du, cằn nhằn giao nhiệm vụ cho cha: "Anh làm thế nào cũng phải thu dóc nợ đi. Mấy triệu đồng… hàng tháng nay rồi… Để ngân hàng là đẻ lãi ròng đó”. Kèm theo đó có tiếng thở dài... Mắt mẹ buồn nhìn đi chỗ khác…

Tháng 5 hoa phượng đỏ

(HBĐT) - Khi tiếng chim tu hú trên đồi gọi bày, tiếng ve sầu râm ran trên các ngọn cây là những cánh phượng nở đỏ rực trời tháng 5. Hoa phượng nở đỏ nhắc cô cậu học trò khắc phục cái oi bức để học tập, hoàn thành kết quả của 1 năm học. Trừ những học trò lười còn tất cả đều chăm chỉ, lo lắng cho những năm tháng đèn sách của mình. Cháu Quang thằng cháu nội của tôi, năm nay có những bước đi rõ nét. Đặt ra chương trình ôn tập, bố trí giờ giấc, không để bố mẹ phải nhắc nhở.

Nghe mưa đầu mùa Tản văn của Bùi Việt Phương

(HBĐT) - Sớm nay, trong cái vắng tanh của con ngõ, người xóm tôi đi vắng từ rằm tháng Giêng, tôi gõ nhẹ vào cái hộp gỗ đựng trà, nghe tiếng rỗng không. Cuối tháng 3 âm lịch, còn một ít xuân, tôi đứng dậy pha trà, ấm trà cuối của một niềm xưa cũ.

Hoa đỏ dong riềng

(HBĐT) - Lâu lắm rồi, hôm nay, tôi có dịp trở lại vùng đất năm xưa về công tác. Thế mà đã tròn 50 năm, vùng đất đổi thay. Con đường được trải nhựa, bê tông. Qua suối đã có cầu, con trẻ đi học đến trường đứa đi bộ, đứa xe đạp ríu rít nói cười. Nhìn bọn trẻ mới biết đồng đất này đã qua cái đận đói nghèo, giáp hạt. Xóm làng đổi thay, đồi cao bạt ngàn hoa dong riềng đang phất phơ trong nắng, gió tháng tư. Tháng tư về, đồi dong riềng xanh um cao vút, hoa dong riềng lay bay trước gió một màu sắc đỏ, sắc vàng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục