(HBĐT) - Một tháng nay, ông nội tôi có vẻ mệt, thất thần đứng ngồi không yên. Đôi khi hay gọi lẫn bố tôi là "thằng Tân, thằng Đức à…". Bố ướm lời định cho đi khám bệnh thì ông gạt đi. Buổi chiều, ông hay ra đầu ngõ nhìn hướng con đường quốc lộ hun hút dẫn về Nam. Thỉnh thoảng ông lại đưa tay lên phía túi ngực trái. Mẹ nói nhỏ với bố: "Chắc chắn ông đang nhớ về chú Tân". Nhưng không hẳn thế, ông nói với bố: "Khả năng mấy hôm nữa nhóm thằng Đức đến thăm nhà mình". Ôi, ông nói gì vậy? Lâu rồi cả nhà đã biết thêm tin gì của chú Đức và các chú từng về đóng quân nơi đây đâu?… Nhìn dáng ông còng còng đi đi lại lại ngoài ngõ, đứng rất lâu dưới cây bưởi mà chú Tân trồng trước khi nhập ngũ, mẹ tôi hình như đã khóc…

Chú Tân là chú út trong gia đình. 2 bác gái đi lấy chồng huyện bên. Còn bố mẹ tôi sinh cơ lập nghiệp trong căn nhà cha ông để lại và phụng dưỡng ông bà. Thời chống Mỹ, bố tôi bị dị tật ở mắt và tay nên được miễn tòng quân. Tuy không vào bộ đội nhưng bố tôi cũng tham gia trực chiến, tiếp đạn cho trận địa phòng không, đào giao thông hào, tối tối vẫn đi trực, đi tuần. Còn chú Tân, to cao vạm vỡ, 18 tuổi đã xung phong lên đường. Chú hay nói hay cười nhất nhà. Hàm răng trắng cùng lúm đồng tiền khiến chị em trong xóm cảm mến. Nhiều đêm trăng, chú đi tập văn nghệ cùng thanh niên xóm, ai cũng thích nghe giọng hát dân ca của chú. Giọng cao mà ấm áp, nhiều nhạc cảm. Nhưng khi ông bà hỏi đã có đám nào chưa, chú cười ngất rồi bảo: "Con cứ đi bộ đội về hẵng tính. Miền Nam giải phóng xong tha hồ mà chăm lo việc gia đình. Con cưới vợ, sinh con đẻ cái thật đông vào…". Chú là thế, câu nói, câu cười khiến cuộc chia tay bớt đi sự bi lụy…

Còn chú Đức thì lại là câu chuyện khác. Chú Đức người xuôi, có mấy tháng đóng quân ở xóm tôi thôi, thời kỳ biên giới Tây Nam có giặc. Hồi đó, khi từng đoàn quân kéo về để tập luyện tại xóm cũng là lúc gia đình chính thức nhận được tin báo tử của chú Tân sau nhiều năm bặt tin. Cả nhà suy sụp, bà nội thì quỵ hẳn, qua đời khi ốm nửa năm trời. Chúng tôi không thấy ông nội khóc bao giờ, nhưng nhìn đôi mắt đỏ quạch vì mất ngủ, mẹ khẳng định chắc với cả nhà: ông đã thầm khóc mỗi đêm trong hàng tháng trời. Giữa những ngày buồn bã nhất đó, xóm làng lại như có ngày hội khi bộ đội về. Nhà tôi được đón chú Đức và một vài chú khác nữa. Họ ăn tại nơi tập luyện, nhưng ngủ tại mỗi gia đình. Hôm chú Đức khoác ba lô bước vào sân, ông tôi và bố mẹ tôi lập cập xuống cầu thang, chạy ra. Ông lỡ lời gọi: "thằng Tân… con". Chú Đức bối rối nhưng cũng chợt hiểu. Chú chạy đến đón bàn tay của ông run run: "Ôi bố, con được đơn vị phân nghỉ ở nhà ta". Không hiểu có điều gì thật ngẫu nhiên mà chú Đức lại có nét hao hao giống chú Tân đến vậy: người to cao, da khá trắng và cũng rất hay hát, hay cười. Duy mái tóc xoăn điệu nghệ thì khác chú Tân. Tóc chú Tân cứng, rễ tre khác hẳn với giọng nói, câu cười của chú.

"Nhóm chú Đức" đến đã làm vơi bớt nỗi buồn trong ông và cả gia đình. Mỗi buổi tối sinh hoạt xong ở doanh trại dã chiến, chú lại ngồi bên bếp lửa lùi ngô, sắn và kể chuyện nhà chuyện cửa dưới xuôi cho cả nhà nghe. Mỗi người lính đều ra đi từ một ngôi nhà, từ những con suối, dòng sông hay cây đa, bến nước, sân đình nên ký ức thật đầy đặn, trong veo. Chú Đức kể cho cả nhà nghe về con sông nhỏ trước nhà, những bờ dâu, ruộng lúa thẳng cánh có bay… Có lần, chú còn hát một bài kiểu như "địa phương ca” cho cả nhà cùng nghe. Ở ngôi nhà dưới xuôi đó, bố mẹ chú Đức đang chăm một mẹ già và một con gái nhỏ. Chú kể với bố mẹ: "Bé Thảo Vân chép trong sổ tay của em bao bài đồng dao ngày nhỏ hay cùng hát”. Chú hứa hẹn: Phải có một dịp con đón bố và cả nhà xuống chơi, đi thuyền trên dòng sông nhỏ đỏ quạch phù sa. Buổi sáng sẽ cho cháu đây đi thu những lờ đánh tôm trên sông…

Mấy tháng huấn luyện thế mà nhanh quá. "Nhóm chú Đức” lên đường mà ông nội tôi bịn rịn như lần tiễn chú Tân nhà tôi. Bàn tay nắm chặt bàn tay dù không có nước mắt như lần chú ruột tôi lên đường. Một năm, một năm nữa qua đi, gia đình bất ngờ nhận được lá thư của chú Đức. Tên địa danh thấy xa lắc xa lơ ở chiến trường K. Chú hỏi thăm ông tôi như tình cảm của một người con đối với người cha thân yêu của mình khiến cả nhà xúc động. Chú hỏi thăm căn bệnh về mắt của ông hiện ra sao. Chuyện học hành, phấn đấu của mấy anh em chúng tôi. Chú cũng nói sau này khi ra quân sẽ vào thăm nhà cùng các bạn chiến đấu cũ và hẹn sẽ đón nhà tôi về thăm nhà… Lá thư đó được ông cất giữ đến tận hôm nay…

Và câu chuyện "nhóm chú Đức” sẽ về thăm nhà vào dịp gần nhất vẫn được ông nội tôi nhắc đến, dù chỉ căn cứ từ nội dung bức thư từng nhận được. Tôi hiểu, đó chỉ là mong ước, vì từ đó đến nay, gia đình tôi chưa có thêm thông tin gì về chú. Để ông đỡ buồn, cả nhà vẫn thường kể những câu chuyện ngắn ngủi về chú Đức, chú Tân cho ông nghe. Kể cả những câu chuyện chúng tôi phải "sáng tác” thêm. Dẫu biết là không nên thế, nhưng nhìn ánh mắt rạng ngời của ông, cả nhà lại thấy yên lòng hơn. Và mọi người thầm mong sẽ gặp lại chú Đức… một người lính đi qua gia đình tôi dù chỉ thoáng qua trong cuộc đời này. Tôi đã nói với ông, sẽ xuống thăm gia đình chú theo chỉ dẫn vào dịp gần đây nhất. Ông cười mà đôi mắt lại hướng ánh mắt về bức ảnh chú Tân.

                   Bùi Huy

Các tin khác


Chuyện về chiếc mũ cối

(HBĐT) - Ông Dũng ngồi dưới gốc cây trứng gà, nhấp ngụm trà xanh, trầm ngâm nghĩ ngợi. Bỗng đám trẻ con trong xóm rủ nhau chạy đến bên ông, tranh nhau nói:

Chuyện ở xóm Núi

(HBĐT) -Nghe tin chị Thoan sắp đi lấy chồng, mấy chị em chúng tôi thấy vui lắm. Lại được chén cỗ rồi. Bong bóng lợn sẽ được thổi thành quả bóng cho đám trẻ đá ở đầu ngõ. Mà lấy ai chứ lấy anh Huỳnh thì còn gì bằng. Cùng làng, cùng xóm với nhau nên quá biết rồi. Nhưng chuyện yêu đương của anh Huỳnh và chị Thoan quả là bất ngờ. Họ yêu nhau kín thế. Chỉ đến lúc bảo anh sắp nhập ngũ thì cả 2 bên mới biết chuyện.

Lựa chọn của trái tim

(HBĐT) - Con gái thành phố, mảnh mai, trắng trẻo thế kia thì làm nông sao cho đặng? - Ừ. Chẳng biết con bé ấy bùa mê thuốc lú gì mà lại yêu cậu Giáp, con bà Huê. Cậu ấy chỉ là một anh nông dân. Còn cô Hương, nghe nói là giáo viên dạy tiểu học trên phố.

ĐÂU PHẢI VỀ KHÔNG Truyện ngắn của Nguyễn Tiến Lợi

(HBĐT) - Mọi thủ tục di chuyển hài cốt liệt sỹ đã hoàn tất ở Phòng LĐ-TB&XH huyện từ chiều hôm qua, sáng nay, anh em Ẻo có mặt tại nghĩa trang liệt sỹ từ rất sớm. Mặt trời lên đến đỉnh núi Chư Prông mới thấy 2 người thanh niên vai vác cuốc xẻng lững thững bước đến. Ông quản trang xem qua giấy tờ rồi ngồi xuống châm điếu thuốc rê phì phèo. Ẻo sốt ruột:          

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục