Tầm 6h, chuyến xe về huyện T. cũng đủ lượng khách và từ từ rời thành phố. Buổi sáng, nắng chưa lên nên yên tĩnh, trong lành mát rượi. Phía đầu xe, một bà mẹ trẻ đang nựng cậu con trai ngủ ngon lành trong lòng. Hai vợ chồng già rủ rỉ, thì thầm câu chuyện chuẩn bị cưới vợ cho cậu con trai.

Bỗng… xoẹt, đùng… đoàng… bùm... Một cháu choai choai tầm 13 tuổi đang chơi "gêm”. Chắc là một "gêm thủ” có hạng nên ngón tay cậu ta cứ nhoay nhoáy. Chỉ tội là âm thanh to quá, mà người chơi chẳng buồn cắm tai nghe. Bố cậu ngồi cạnh thấy không ổn, lừ mắt: "Con có tắt đi không. Con có thấy mọi người đang cần yên tĩnh không”. Thấy bố cương quyết, cậu thiếu niên cũng miễn cưỡng tắt âm thanh. Nhưng một lát, cậu ta có vẻ chán, nên thôi hẳn.

Qua thành phố 10 km, xe đón khách một nhóm khách tầm 5 người. Nhưng nổi bật nhất là cặp vợ chồng nọ. Chị tầm 40 tuổi, anh chồng lại có vẻ trẻ và phong độ hơn. Từ lúc đó, nhiệt trên xe thay đổi hẳn. Không hiểu nhận thấy mình "kém cạnh” hơn hay sao mà thời trang của chị thật tung tẩy, trẻ trung đến ngỡ ngàng. Bộ váy trắng mỏng mảnh khoe đôi chân khá dài. Hai người ngồi cạnh nhau mà chị lại thấy như anh ngồi quá xa nên vẫn vắt vẻo: "Anh ơi, chồng ơi… Lấy em chai nước… Anh à, cài giúp em chiếc khuy váy phía sau…”.

Tiếng của chị trầm bổng với âm lượng lớn khiến tất cả ánh mắt trên xe đều dồn tới. Rồi tiếng chị "thánh thót” sang chuyện dự định đi spa để làm đẹp: "Em ứ làm ở tỉnh đâu. Anh ơi cho em về tận Hà Nội để "nâng tầm” nhé”. Mọi chuyện gia đình chị bắt đầu được vanh vách kể với cả xe. Chuyện mua xe, dạy con, chuyện xóm phố (mà là đang tâm sự với anh chồng ngồi cạnh đấy chứ?). Thôi, đó là một người mặn chuyện, chẳng chết ai. Giờ đến lượt chiếc điện thoại của chị cất tiếng. Dòng nhạc "bô-lê-rô” tràn ngập khắp xe. "Anh ơi, anh nghe Lệ Quên hay Quang Lê…”, sau đó là những câu hát cất lên: "Không giờ rồi anh ngủ đi thôi/ Hơi đâu mà lo lắng em ơi/ Thà nghèo mà biết mến thương nhau…”.

Điện thoại xịn nên âm thanh rất bắt tai, nhưng vẫn có tiếng xì xào phản đối. "Tranh thủ chợp mắt tý mà chẳng yên. Từ lúc chị ta lên xe là cứ rộn ràng hẳn lên”. Tiếng một cụ bà cuối xe. Dường như để phụ họa cho lời ca thán đó, người phụ nữ tiếp tục: "Anh ơi, anh xem lại cái "cờ-níp” em lai-chym hôm nọ đi tắm thác đây này”. Tiếng cười nói của du khách, tiếng thác chảy, tiếng nhạc của quán bên thác… Một thứ âm thanh hỗn tạp, inh ỏi vang lên. Đứa trẻ lúc nãy đang thiu thiu ngủ khóc váng lên. Bà mẹ thấy dường như mình có lỗi để con khóc, ảnh hưởng người khác nên mặc sức dỗ dành. Chắc thấy bà xã mình hơi quá đà, anh chồng trẻ khẽ nhắc: "Thôi tắt tiếng đi em. Mọi người không muốn nghe”. Chị vợ cụt hứng nhưng vẫn vớt vát: "Mọi người hay nhỉ, chuyện riêng của người ta cứ để ý làm gì”. Kèm theo là một cái lườm tới phía có người nhắc nhở…

Dù chị bực mình và khó chịu đến mấy, nhưng cả xe cũng phải cám ơn vì từ lúc đó cho đến khi về bến, mọi người đỡ phải chịu đựng sự hồn nhiên thái quá đó.


Bùi Huy


Các tin khác


Chém gió

(HBĐT) - Quán ăn sáng ở phố T. mới mở độ 3 năm nay. Thức ăn sạch, ngon, hợp khẩu vị nhiều lứa tuổi nên sáng nào cũng đông khách. Sáng nay, chỗ này có một ông bố đang dỗ dành cậu con tầm 4 tuổi ăn bún mọc, góc kia một bà mẹ đang lùa cho cô út bát bún gà. Các bàn ăn sáng đều tĩnh lặng giống như buổi sáng hôm nay: nắng nhẹ, trời trong, yên bình.

Bát canh cua đồng

Truyện ngắn của Hoàng Bình Trọng

(HBĐT)-- Ba lại định múc canh mang sang cho bà Mừng à? Con không cho đâu! Không cho!

Thằng cu Cam nhoài người giành lại bát canh cua nổi gạch vàng ươm trên tay anh Nhã. Sợ đổ, anh phải đặt xuống bàn.

- Con sao thế? – Anh Nhã kinh ngạc hỏi - Canh còn nhiều. Ba giã cả một giỏ bự, ăn sao hết?

- Không hết cũng ứ cho. Ai bảo bà ấy mắng con là "đồ chuột nhắt”. Mà con chui qua vườn bà để bắt... chứ có...

- Ờ, thế cũng tại con một phần. Lẽ ra con phải theo lối cổng chính đi vào đàng hoàng, chứ a lại chui như chuột nhắt vậy – anh Nhã cười hề hề, đặt một bàn tay lên mái tóc vàng như râu ngô của cậu con trai. Tuy vậy, ba cũng phải thưa lại với bà Mừng để từ rày bà không gọi con như thế nữa. Còn bây giờ, chúng tay phải bưng canh sang biếu bà. Bà đang ốm, ăn cơm với rau luộc nuốt làm sao nổi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục