(HBĐT) - Người bạn từ phương Nam xa xôi thể hiện những dòng trạng thái trên Facebook với những tình cảm trân trọng về miền quê bên dòng sông Đà đang chuẩn bị chào đón tròn 30 năm từ ngày tái lập tỉnh. Bạn vui vì thành phố vẫn đang yên bình trong khi dịch Covid-19 bùng phát ở nhiều nơi trên toàn quốc. Thành phố hôm nay và thị xã ngày xưa… Bạn nhắc nhiều về những kỳ niệm thời ấu thơ, dù thành phố này không phải là nơi sinh ra, nhưng lại là nơi có nhiều kỷ niệm, dấu ấn về tình bạn, tình yêu, tình quê hương thắm thiết…


Cái ngày chúng ta "khám phá” thị xã Hòa Bình khi chỉ là cậu học trò trường huyện xa xôi. Vì những lý do khác nhau, nhóm bạn được lên thăm thị xã trước khi Hòa Bình nhập với Hà Tây thành "khúc ca Hà Sơn Bình”. Ôi cái thời sông Đà chưa bị ngăn dòng, đứng trên đề nhìn dòng nước lũ cuồn cuộc, đục ngầu đổ về từ thượng nguồn mà chóng cả mặt. Những khúc gỗ, khúc củi lao vun vút, nhấp nhô trên bọt nước ngầu đỏ, trắng xóa; nhưng những người đi vớt củi còn nhanh hơn, bơi ra… Con đò nhỏ chòng chành, chống chọi sóng dữ. Bạn bè đứng trên đê Đà Giang mải miết nhìn về dòng nước cuộn xoáy trôi về xuôi. Thị xã…bất ngờ khi bắt gặp bạn bè cùng trang lứa người thị xã đã biết kiếm tiền bằng nghề bán nước chè xanh ở bến xe. Tiếng rao "Ai nước chè đây”… cứ vọng mãi về sau; các bạn nhỏ ấy sớm vào đời kiếm sống(Ù, thì cũng giống như cả thị xã thời đó đan cót thôi mà). Thích thú chuyến xe ngựa chở khách từ bến xe cầu Đen ngược Phương Lâm lóc cóc trong ánh hoàng hôn; bâng khuâng nhìn những dãy nhà gỗ yên bình bên đường. Có thể nói đây cũng là "Thành phố tuổi thơ” với bao phen đi xếp hàng mua kem cho bà ở cửa hàng thương nghiệp cũ cạnh bờ đê; hay chen chúc nhau mua các suất chiếu phim truyện chiến đấu của Liên xô (cũ). Những buổi đội nắng đi ra hiệu sách (sau này là địa điểm Phòng GD), ra vườn trẻ chơi cầu trượt (nay là tiểu học Lý Tự Trọng). Những người bạn cũ và những người mới quen… chẳng có rào cản gì, cùng say sưa vui đùa, đọc chung những cuốn sách mua ở hiệu sách hay mượn ở thư viện. Thị xã nhỏ bé, nhà cửa đơn sơ mà ấm áp, thân tình… Sau này, còn nhiều dịp trở về thị xã nhỏ miền sơn cước này, nhất là khi công trình Thủy điện được khởi công. Cũng vì những khao khát được đến, được biết, khám phá… đã bao lần nhóm bạn lại đồng hành cùng nhau trở lại. Nhất là khi tái lập tỉnh Hòa Bình, thị xã bên sông đã trở thành điểm đến, cư trú sinh sống và làm việc của bao người bạn. Có người rời nơi đây nhưng luôn hướng lòng về đất này. Như người bạn đang sinh sống ở phương Nam nắng gió và đang gồng mình phòng, chống Covid-19. Ở nơi xa vẫn dõi theo thành phố tuổi thơ, vẫn thuộc lòng bài hát "Thành phố bên sông Đà” (Nguyễn Hữu)… Nhưng có 1 điều là, vì bạn 10 năm nay chưa trở lại nên, sẽ rất bất ngờ vì thị xã năm xưa nay đã là thành phố đang trên đà phát triển. Đẹp và thay đổi nhiều lắm… "Ký ức” về cây cầu phao khắc khổ, dập dềnh bắc qua sông Đà sau ngày tái lập tỉnh, những con đường nội thị hẹp, gồ ghề một thời đã trở thành dĩ vãng xa vời. Nay 2 cây cầu hiện đại đã nối đôi bờ, cây cầu thứ 3 sẽ được đưa vào sử dụng trong tương lai không xa, đã "xóa nhòa” ranh giới bờ phải-bờ trái năm nào. Thành phố đã có quảng trường lớn, có những con đường nội đô đẹp, những khu độ thị sầm uất, những siêu thị và con đường đẹp ven bờ sông Đà dập dìu du khách gần xa (trước dịch Covid-19). Nhiều con đường đẹp làm cho "vóc dáng” thành phố thêm uy thế mới như: Trương Hán Siêu, Chi Lăng, Trần Hưng Đạo, Thịnh Lang… Thành phố nay đã mở rộng dần về phía đông gồm cả huyện Kỳ Sơn; nhiều xã, thị trấn đã lên phường. Những phường trung tâm giờ ngày càng đẹp sầm uất, đông vui, nhịp sống phố phường. Tâm thế người thành phố nay cũng khác vì đang làm chủ một thành phố, đô thị văn minh, giàu bản sắc và yên bình.  

Không thể kể hết với bạn về thành phố hôm nay, nên đành dành cả buổi đến các địa điểm có thể Check-in đẹp, chụp ảnh, quay video để có các khuôn hình đẹp gửi cho bạn qua zalo. Facebook... Chắc chắn bạn sẽ bất ngờ, sẽ vui và tự hào…Sau 30 năm tái lập tỉnh, thị xã năm xưa - thị xã tuổi thơ và thành phố hôm nay đã đổi thay đến ngỡ ngàng.


                                    Bùi Huy

Các tin khác


Đom đóm và hoa gạo

Tản văn của Đức Dũng


Chuyện của nắng mưa

Nắng sớm, mưa chiều là câu cửa miệng của cư dân miền nhiệt đới nóng ẩm, mưa nhiều. Nói rộng ra là thế, còn nhìn gần, hình như nó giống với câu chuyện của một ngày mùa hạ. Đầu ngày là nắng đổ gay gắt và cuối ngày đong đầy những giọt mưa.

Bước đi từ hoa cỏ

Mùa Xuân bao giờ cũng cho tôi một lối cỏ hoa. Tôi nhận ra điều ấy khi tóc đã bạc, chân đã bước qua nhiều miền đất xa xôi. Tôi đi từ ngõ nhà mình ra thấy con đường bụi bặm, cằn cỗi hôm nào bỗng hào hứng bằng muôn thứ hoa cỏ lạ. Hóa ra, mình đã trách nhầm những cơn gió mùa, trách nhầm mưa phùn giá rét vì trong sự u ám, rét mướt đó đã có bao hạt mầm tha hương đến đây. Những hoang dại không tên làm nên lối đi đầy xúc cảm.

Khoảnh khắc mùa Xuân

Đi qua mùa Đông lạnh giá, bầu trời bước vào những ngày Xuân ấm áp. Cánh cửa mùa Xuân mở ra vẫy gọi vạn vật đua sắc, khoe hương. Những vết tích của một mùa khắc nghiệt trong năm dần được thay thế bằng màu xanh lộc biếc, bằng rộn rã tiếng chim gọi bầy. Mặt trời chiếu những tia nắng dịu dàng, ấm áp. Cả đất trời như dệt gấm, thêu hoa rực rỡ. Còn khoảnh khắc nào đẹp hơn khoảnh khắc của mùa Xuân, khi mọi vật sinh sôi, sức sống tràn trề, khi cây cỏ đều được bừng thức như nhận ra sứ mệnh của mình.

Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục