Con đường bụi đỏ phía trước mặt bao giờ cũng báo cho tôi biết niềm vui khi mẹ đang về. Trên chiếc xe đạp lọc cọc, tiếng của những phụ tùng vênh váo, han rỉ vang trong không gian làm thức tỉnh chú vàng thính tai. Nó nhìn xuống con đường gồ ghề, sủa lên mấy tiếng, cái đuôi mừng quýnh ngoáy tít rồi quay lại liếm chân tôi, cậu chủ bé nhỏ. Nó cũng như tôi ngóng mẹ về nhưng mẹ chẳng có quà gì cho nó. Nhưng có lẽ thứ mà nó mong lại chính là sự bình an, để biết mình không bị bà chủ bỏ rơi. Sau này lớn lên, tôi nhận ra đó là một bài học lớn.
Mẹ về đến sân, mồ hôi thấm đẫm chiếc áo. Nắng, gió, sự mệt nhọc chẳng chịu buông tha, cứ quấn lấy mẹ cả ngày. Đàn lợn, đàn gà - những niềm hy vọng vào sự đổi đời thì cứ nhẩn nha chẳng vội lớn. Cây cối trong vườn cũng mỗi mùa một khác nhưng bóng mát thì luôn đầy ắp trước sân như bàn tay của mẹ. Tôi biết, tất cả những cái cây ấy đều một tay mẹ trồng, mẹ chăm bón. Mẹ trồng từ lúc tôi chưa sinh ra, có lẽ người đợi đứa con trong ước vọng tươi xanh ấy đã từ lâu lắm…
Những ngày đi học xa nhà bao giờ vui nhất nhưng giờ đây lại thấy nuối tiếc. Nuối tiếc vì đã làm bố mẹ lo lắng và những năm tháng ấy tôi không được sống trong miền thơ ấu này. Bên khung cửa sổ phòng tôi, những cành hoa đã ghé hương thơm, những cánh ong đã bay qua, nắng bao lần ghé thăm, soi những tia sáng qua song cửa nhưng đều vô vọng ra về. Trong đời mỗi người đều có những năm tháng xa vắng đó. Đó là khoảng thưa vắng khi mái nhà võng xuống bởi tuổi tác cột kèo, cha mẹ còng lưng bởi lo toan, còn ta vẫn đang cố sải bước chân theo đuổi đam mê mà không mỏi.
Tôi mở cửa bước vào, căn nhà xưa tuy không ai ở nhưng vì có người trông nom nên sạch sẽ, ấm áp. Bàn ghế ngăn nắp, những cuốn sách nằm trên giá ngay ngắn, chiếc đàn ghi ta cha tôi vẫn chơi bài "Phố núi buồn" của nhạc sĩ Trần Tiến còn đó. Tôi vẫn nhớ giọng cha tôi hát: "Tráng sĩ nghèo, áo vải nâu/ Đèo An Khê cưỡi voi chập chùng/ Thung lũng xanh/ Những giai nhân và những anh hùng…”. Thanh âm quen thuộc như đang phảng phất, vang vọng giữa bốn bức tường gỗ cũ.
Tôi nhớ có một năm hiếm mưa, đất đai cằn khô, đôi môi nứt nẻ. Tôi nằm trên cỏ khô rạc ngắm bầu trời xanh và hỏi bố: "Trên trời kia ai tưới mà xanh mát thế hả bố?”. Bố tôi đang cặm cụi làm vẫn ngẩng lên, đưa khăn quệt mồ hôi và bình thản nói: "Xanh bởi những điều ước chứ nào có ai tưới”. Nghe bố tôi giảng giải, tôi hiểu được có biết bao người ở buôn này, xã kia, châu này, châu khác đã gửi lên đó những ước mơ. Ước mơ không bao giờ khô héo mà luôn xanh mát niềm hy vọng như thế. Thế rồi mưa từ đâu về bất chợt rơi xuống, mưa táp vào mặt tôi mát lạnh. Kỳ lạ quá, không có sấm chớp, không vần vũ bầu trời mà mưa như lời nói đùa ào ạt đáp lại câu hỏi của tôi. Đất nồng mùi mưa, tiếng trẻ con nô đùa trong mưa, những cái cây được gột rửa bụi bặm lại xanh vút lên ngạo nghễ…
Miền ký ức ấy chẳng nhiều nhặn gì nhưng cũng đủ khiến tôi bâng khuâng khi trở về. Chỉ có tôi mới nhận ra, mới hồi tưởng và thấy từng chiếc lá quý giá. Nhìn viên gạch đã mòn bởi bước chân của thời gian, ta mới thấy mình đã bỏ lại sau lưng quá nhiều ký ức. Đó là một miền đất không định danh trên bản đồ, không được xác lập bằng sông núi, biển đảo nhưng mênh mông, tít tắp trong sự nuối tiếc của mỗi người. Chỉ khi thật sự được trở về bằng niềm hoài vọng sẽ thấy mình lại được bé nhỏ, dại khờ, được sống giữa những điều quen thuộc lắm tựa như một cuốn sách lâu chưa đọc lại.
Tôi bước ra, khép lại cánh cổng gỗ, nghe tiếng thời gian vang lên phía sau lưng, biết rằng tóc mình đêm nay có lẽ sẽ bạc thêm…
Em chào bác! Em sang xin cốc nước vối ạ.