Trống đồng Hòa Bình được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh. ảnh: TL
(HBĐT) - Nhà nước Văn Lang - âu Lạc được hình thành và xây dựng trong thời đại kim khí - thời kỳ văn hóa Đông Sơn (là một nền văn hoá cổ từng tồn tại ở một số tỉnh miền Bắc và Bắc Trung bộ Việt Nam như Phú Thọ, Yên Bái, Hòa Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Nghệ An, Ninh Bình mà trung tâm là khu vực đền Hùng, được lấy theo tên địa danh làng Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa, nơi tìm được một số đồ đồng).
Nhà nước Văn Lang do Hùng Vương dựng nên, theo Việt sử lược có 15 bộ là Giao Chỉ, Việt Thường Thị, Vũ Ninh, Quân Ninh, Gia Ninh, Ninh Hải, Lục Hải, Thanh Tuyền, Tân Xuyên, Bình Văn, Văn Lang, Cửu Chân, Nhật Nam, Hoài Nam và Cửu Đức.
Hòa Bình thời đó nằm trong địa giới của bộ Gia Ninh (nằm ở đông - nam bộ Gia Ninh, phía đông - bắc và phía bắc tiếp giáp với bộ Giao Chỉ và bộ Vũ Ninh; phía đông - nam và phía nam tiếp giáp với bộ Quân Ninh và bộ Cửu Chân; phía bắc và tây - bắc tiếp giáp với bộ Văn Lang - địa bàn trung tâm của nước Văn Lang)... Theo các nhà nghiên cứu, người Mường và người Việt cùng chung một nguồn gốc. Từ thời đại Hùng Vương dựng nước, Hòa Bình đã là nơi sinh tụ của chính người Mường. Về đời sống, người Mường vào thời ấy chưa có nhiều khác biệt so với người Việt. ở đây, nền văn hóa đồng thau cũng phát triển rực rỡ ở nhiều bộ như Văn Lang, Vũ Ninh, Giao Chỉ, Cửu Chân... Nghề luyện kim đúc đồng Đông Sơn đã đạt tới đỉnh cao. Với số lượng lớn các di vật đồng Đông Sơn được phát hiện ở Hòa Bình chứng tỏ sự phát triển tiếp nối, chuyển từ thời đại đá sang thời đại kim khí của cư dân Hòa Bình cổ. Trong đó, nổi bật ở kỹ thuật đúc đồng và phát triển của văn minh đồ đồng - văn minh Đông Sơn (trống đồng, lưỡi rìu, lưỡi giáo, lưới qua...).
Về trống đồng, Hòa Bình có 2 loại: trống Đông Sơn Heger I và trống loại II Heger. Trống Đông Sơn có khung niên đại từ thế kỷ IV trước công nguyên đến thế kỷ V sau công nguyên. Có 11 chiếc trống Đông Sơn (loại I Heger) trên địa bàn Hòa Bình. Trống loại II Heger được tìm thấy ở Hòa Bình có số lượng lớn (59 chiếc) và tìm thấy chủ yếu trên địa bàn cư trú của người Mường. Trong số 11 chiếc trống đồng (loại I Heger) có 3 chiếc thuộc nhóm A là trống sông Đà, trống Đồi Ro và trống Hòa Bình; nhóm B có 2 chiếc là trống Yên Bồng III và trống Đú Sáng; nhóm C có 5 chiếc là trống Khoan Dụ, Chợ Bờ, Lạc Long, Yên Bồng I và Yên Bồng II; nhóm Đ có trống Vĩnh Đồng II.
Trống đồng loại II gắn bó lâu dài với người Mường; phân bố tập trung trên địa bàn cư trú của người Mường. Trống đồng loại II là biểu trưng về sức sống của của truyền thống văn minh Đông Sơn, là biểu trưng xác nhận quyền lực của phong kiến Việt Nam đối với các thổ lang Mường; thể hiện tính thống nhất về mặt chính trị Việt - Mường. Trống đồng đã gắn bó cuộc sống người Mường và trống đồng loại II gắn bó lâu dài với người Mường. Những chức năng ban đầu là biểu tượng thần thoại của trống trong nghi thức cầu mưa, cầu mùa liên quan đến nghề nông đã phai nhòa. Đối với người Mường, chức năng rõ nét của trống là biểu tượng quyền uy của tầng lớp lang, đạo và là một nhạc cụ trong tang lễ. Trống loại II là biểu tượng văn hóa của người Mường, tiêu biểu cho bản sắc Mường. Nếu như trống đồng Đông Sơn là biểu tượng văn hóa, văn minh Việt cổ thì trống đồng loại II là biểu tượng văn hóa Mường ở Việt Nam. Sự hiện diện của trống đồng loại II trên vùng cư trú của người Mường là một bằng chứng hùng hồn của truyền thống Đông Sơn, là sự tiếp nối và sáng tạo nền văn hóa văn minh Việt cổ. Với những ý nghĩa trên, trống đồng loại II Heger có thể gọi là trống Mường.
Không gian của xã hội Văn Lang - âu Lạc là không gian của văn hóa Đông Sơn cũng là không gian tìm được nhiều nhất trống đồng Đông Sơn nhất và tồn tại nhiều trống cổ nhất.
Xã hội mà trống Đông Sơn phản ánh là một xã hội nông nghiệp làm lúa nước phát triển. Hình tượng bông lúa được thể hiện trên các cặp quai một số trống Đông Sơn. Trên một số trống có cảnh giã gạo chày tay. ở giai đoạn này, người Đông Sơn đã thành thạo nghề trồng lúa. Qua trống đồng có thể thấy được bóng dáng của một số ngành nghề thủ công nghiệp, dệt vải, may mặc, làm mộc (dựng nhà, đóng thuyền), đúc đồng, lễ hội... trong sinh hoạt cư dân thời bấy giờ.
Những hoạt động xã hội cũng được tái hiện hết sức sống động trên mặt trống đồng Đông Sơn. Nghệ thuật âm nhạc đã khá phát triển bao gồm nhạc cụ bộ gõ (trống đồng, trống da, chuông, nhạc, sênh) và bộ hơi (khèn).
Người Mường cũng luôn ca ngợi vẻ đẹp của hoa văn trống đồng như giáo sư Từ Chi nhận ra, đã được in trên cạp váy Mường như lời công bố: trống đồng chẳng khi nào phai mờ trong cả vô hình và cái hữu hình của nền văn hóa Mường.
(còn nữa)
Bài 7: Hòa Bình thời kỳ Bắc thuộc và quá trình phân hóa Việt - Mường
Bùi Văn (TH)
(HBĐT) - Theo quan niệm của người Mường, không gian văn hóa chiêng là giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể. Hàng nghìn dàn chiêng, hàng chục nghìn chiếc chiêng quý giá, hàng chục bản nhạc chiêng đặc sắc, phản ánh sâu sắc tâm tư, tình cảm, ước mơ về một cuộc sống yên bình, no đủ, hạnh phúc và những phương thức trình tấu, trình diễn hay đã song hành nâng đỡ, nuôi dưỡng tâm hồn, tình cảm suốt vòng đời mỗi người, của cộng đồng làng xóm và suốt quá trình hình thành, phát triển của dân tộc.
(HBĐT)- Hòa Bình là một trong các tỉnh phía Bắc có nhiều dân tộc sinh sống. Theo số liệu tổng điều tra dân số tháng 4/1999, trên địa bàn tỉnh có 15 dân tộc sinh sống. Trong đó, đông nhất là các dân tộc Mường, Kinh, Thái, Tày, Dao, Mông...
(HBĐT) - Tỉnh miền núi Hòa Bình nằm ở cửa ngõ vùng Tây Bắc của Tổ quốc, có vị trí quan trọng của vùng chuyển tiếp từ đồng bằng lên miền núi. Tỉnh có diện tích tự nhiên 4.596,4 km2; phía Bắc giáp tỉnh Phú Thọ, phía Đông giáp Thủ đô Hà Nội, phía Tây giáp tỉnh Sơn La; phía Nam và Tây - Nam giáp các tỉnh Ninh Bình, Hà Nam, Thanh Hóa. Tỉnh được thành lập từ ngày 22/6/1886. Từ năm 1896, địa giới của tỉnh cơ bản đã ổn định. Sau năm 1954, các châu được chuyển thành đơn vị hành chính cấp huyện. Sau năm 1976, hai tỉnh Hòa Bình, Hà Tây sáp nhập thành tỉnh Hà Sơn Bình. Năm 1991, tỉnh được tái lập.
(HBĐT) - Năm 2016, tỉnh ta kỷ niệm 130 năm thành lập tỉnh (1886 - 2016), 25 năm tái lập tỉnh (1991 - 2016) và Lễ hội chiêng Mường lần thứ II. Nhân dịp này, Báo Hòa Bình tổng hợp, khái lược, giới thiệu về Dư địa chí tỉnh Hòa Bình nhằm góp phần giới thiệu, quảng bá hình ảnh, cuộc sống, con người Hòa Bình trong chặng đường phát triển đã qua và hôm nay.
(HBĐT) - Trải qua hàng ngàn năm phát triển và định hình một dàn chiêng (gọi là phường sắc bùa của người Mường), phải có từ 4, 5, 7, 9 chiếc; hoàn chỉnh bộ phải đủ 12 chiếc. Ngoài ý nghĩa âm nhạc, dàn chiêng 12 chiếc còn được quan niệm của sự biểu hiện cho 12 tháng trong một năm. Dàn chiêng được chia đều ra làm ba bộ: Bộ chiêng Dàm còn gọi là chiêng Khầm có kích thước lớn thuộc âm khu trầm nhất trong dàn. Bộ chiêng Bồng còn gọi là chiêng Đục bồng, chiêng Bòng beng, thuộc âm khu trung trong dàn. Bộ chiêng Tlé còn gọi là chiêng Chót, chiêng Poóng, chiêng Đón, chiêng Lắc, thuộc âm khu cao nhất trong dàn.