(HBĐT) - Hòa Bình không chỉ là cái nôi của người Việt tiền sử với nền văn hóa Hòa Bình nổi tiếng, miền đất này còn được biết đến với nhiều di tích, danh thắng đặc biệt. Những điều kiện thiên nhiên ưu đãi đã tạo cho mảnh đất này những cảnh sắc thiên nhiên hấp dẫn và kỳ vĩ.
Hang Đầu Rồng, thị trấn Cao Phong (Cao Phong) được Bộ VH-TT&DL công nhận là di tích danh thắng vào năm 2012.
Các yếu tố như địa chất, thiên nhiên đã tạo cho Hòa Bình hàng trăm hang động tự nhiên lớn nhỏ với sức hấp dẫn của cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng, hữu tình. Các di chỉ khảo cổ và hệ thống đình, đền, miếu mạo gắn liền với nền văn hóa Hòa Bình hết sức độc đáo. Các hang động không chỉ là sản phẩm đơn thuần của tự nhiên, tạo hóa mà với thời gian, bàn tay và khối óc con người nguyên thủy đã biến nó thành đối tượng phục vụ cho cuộc đấu tranh sinh tồn của mình và khắc lên đấy những dấu ấn có ý nghĩa to lớn trong lịch sử phát triển của xã hội loài người nói chung, khu vực Đông Nam á và quốc gia Lạc Việt nói riêng…
Tính đến tháng 4/2016, tỉnh Hòa Bình có 41 di tích cấp quốc gia, 30 di tích cấp tỉnh. Trong đó, cấp tỉnh có 24 di tích lịch sử văn hóa, 5 di tích lịch sử cách mạng, 1 di tích danh thắng. Di tích cấp tỉnh do Chính phủ ủy quyền cho Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định và cấp bằng công nhận. Cấp quốc gia có 14 di tích lịch sử văn hóa, 9 di tích lịch sử cách mạng, 18 di tích danh thắng. Di tích cấp quốc gia do Chính phủ ủy quyền cho Bộ Văn hóa - Thông tin trước đây (nay là Bộ VH-TT&DL) ra quyết định và cấp bằng công nhận.
Trong các di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh, nhiều di tích lịch sử văn hóa gắn với tín ngưỡng dân gian và gắn liền với tâm thức con người, trở thành một bộ phận của đời sống văn hóa, thông qua không gian tâm linh cụ thể, trực tiếp, trực diện là hệ thống đình, đền, miếu mạo, lăng tẩm vốn là nơi thờ phụng các thánh thần, các anh hùng, danh nhân có công với nước, với cộng đồng dân cư gia tộc, dòng họ đến gia đình, xóm, bản. Khi đến thăm, bái vọng, con người thể hiện một niềm tin, gửi gắm những khát khao và quan niệm về chân - thiện - mỹ. Qua đó, con người cảm nhận được nguồn động viên, khích lệ có thêm sức mạnh tinh thần, sức trỗi dậy của bản năng sinh tồn, sức mạnh trí tuệ để chống chọi và vượt qua những khó khăn, thách thức từ thiên tai, địch họa…Nhiều di tích tiêu biểu có sức sống cùng thời gian và nay tiếp tục được đầu tư, quan tâm hơn về nhiều mặt; có đời sống mạnh mẽ trong cộng đồng như động Tiên (xóm Lão Nội, xã Phú Lão, Lạc Thủy), hang Chùa và Chùa Hang (xóm á Đồng, xã Yên Trị, Yên Thủy), khu mộ cổ Đống Thếch (xóm Chiềng, xã Vĩnh Đồng, Kim Bôi), đền và miếu Trung Báo (thôn Trung Báo, xã Cao Thắng, Lương Sơn)…
Bên cạnh đó, nhiều di tích danh thắng cùng các thắng cảnh đẹp của tỉnh đã được nhiều báo, tạp chí trong nước giới thiệu; thu hút sự quan tâm của độc giả. Nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử và nhiều “tour”, tuyến, điểm du lịch đã chọn tìm đến trong các địa chỉ đỏ trên đất Hòa Bình như động Thác Bờ (xã Ngòi Hoa, Tân Lạc), quần thể hang động khu vực chùa Tiên (xã Phú Lão, Lạc Thủy), quần thể hang động núi Đầu Rồng (thị trấn Cao Phong, Cao Phong), động Tiên Phi (xóm Gai, xã Hòa Bình, TP Hòa Bình), hang Mỏ Luông (thị trấn Mai Châu, huyện Mai Châu), động Hoa Tiên (xóm Ngòi, Ngòi Hoa, Tân Lạc)...
Nhiều danh thắng đẹp, nhiều làng, bản mang đậm bản sắc dân tộc cũng đang được du khách gần xa tìm đến như bản Mường Giang Mỗ (xã Bình Thanh - Cao Phong), xóm ải (Phong Phú - Tân Lạc), các bản, làng của người Thái như: Bản Lác, bản Văn, Poom Cọong (huyện Mai Châu) đang là các điểm đến ấn tượng. Trong đó, bản Lác (xã Chiềng Châu) nằm gọn, không tách rời khỏi thung lũng Mai Châu quyến rũ, nên thơ. Bản Lác của người Thái còn giữ được khá đậm nét những phong tục, tập quán cùng bản sắc văn hóa riêng biệt của mình: những ngôi nhà sàn cao ráo, sạch đẹp được quy hoạch gọn gàng, ngăn nắp; ngành nghề truyền thống được giữ vững (dệt thổ cẩm…) cùng tâm hồn mộc mạc, giản dị của đồng bào dân tộc nơi vùng cao tạo được thiện cảm đối với du khách.
Hiện nay, nhiều danh thắng, cảnh đẹp khác trên địa bàn tỉnh đang được khai thác và có cơ hội quảng bá rộng rãi như thác Mu (Lạc Sơn), Nhà máy thủy điện Hòa Bình, các khu bảo tồn thiên nhiên… Cùng với di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh thì di tích lịch sử cách mạng là một phần hết sức quan trọng trong hệ thống các di tích, danh thắng tỉnh ta. Theo suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, trên địa bàn tỉnh đã diễn ra nhiều sự kiện trọng đại, nhiều địa danh đã trở thành di tích lịch sử cách mạng và tồn tại như những nhân chứng lịch sử. Tiêu biểu như nhà tù Hòa Bình ở phường Tân Thịnh(TP Hòa Bình). Nhà tù được xây dựng năm 1896 để giam giữ thường phạm; năm 1943 là nơi giam giữ một số tù chính trị từ nhà tù Sơn La chuyển đến. Những năm 1943-1945, phong trào hoạt động cách mạng của chi bộ nhà tù do đồng chí Lê Đức Thọ làm bí thư đã có ảnh hưởng sâu sắc đến phong trào cách mạng ở Hòa Bình. Di tích nhà tù Hòa Bình vừa là nơi ghi dấu tội ác của thực dân, vừa là nhân chứng cho tinh thần đấu tranh bất khuất, kiên cường của các chiến sĩ cách mạng Việt
(Còn nữa)
Bài 19: Những nét chính về nhà ở, làng bản các dân tộc thiểu số tỉnh ta
Bùi Văn (TH)
(HBĐT) - Sáng 30/9, Ban Tổ chức Lễ kỷ niệm 130 năm thành lập tỉnh, 25 năm tái lập tỉnh và Lễ hội Chiêng Mường năm 2016 (Lễ kỷ niệm) đã tổ chức họp đánh giá công tác chuẩn bị tổ chức Lễ kỷ niệm. Dự cuộc họp có các đồng chí Bùi Văn Cửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban tổ chức; Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương được giao chủ trì các hoạt động.
(HBĐT) - 25 năm qua, hoạt động khoa học và công nghệ ngày càng bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT -XH của tỉnh. Các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất có hiệu quả hơn; nhiều đề tài nghiên cứu, mô hình sản xuất mới được ứng dụng thành công đã góp phần quan trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, thúc đẩy KT -XH của tỉnh phát triển.
(HBĐT) - Giai đoạn này, đất nước đứng trước tình hình: cả nước có chiến tranh, dù hòa bình đã được lập lại ở miền Bắc. Tỉnh ta đã quán triệt sâu sắc tinh thần Hội nghị Trung ương Đảng (tháng 3/1965): “Miền Nam là tiền tuyến lớn, miền Bắc là hậu phương lớn”; nhiệm vụ được đặt ra là: Tiếp tục xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, kết hợp chặt chẽ xây dựng kinh tế với tăng cường quốc phòng, kiên quyết bảo vệ miền Bắc, đánh thắng chiến tranh phá hoại”.
(HBĐT) - 25 năm qua, sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân trong tỉnh đã phát triển vượt bậc, đạt nhiều thành tựu. Đã khống chế được những bệnh dịch nguy hiểm, những bệnh đặc thù của địa phương như sốt rét, bướu cổ, loại trừ đậu mùa, thanh toán bại liệt. Các chỉ tiêu về sức khỏe của nhân dân được nâng lên rõ rệt. Các bệnh dịch truyền nhiễm như bạch hầu, uốn ván, ho gà, sởi, tỷ lệ tử vong mẹ, tử vong trẻ sơ sinh đều giảm.
(HBĐT) - Sau hiệp định Giơ ne vơ, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng. Nhiệm vụ đặt ra cho toàn Đảng, toàn dân là nhanh chóng hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế, ổn định đời sống xã hội, đấu tranh thống nhất nước nhà. Trong giai đoạn 1954 - 1965, tỉnh Hòa Bình không ngừng củng cố chính quyền nhân dân, ổn định đời sống, khôi phục và phát triển KT -XH. Cùng miền Bắc là hậu phương vững chắc cho miền Nam.
(HBĐT) - Sau 25 tái lập tỉnh, GD&ĐT tỉnh ta đã không ngừng đổi mới, phát triển và đạt được những thành tích đáng kể. Bộ mặt các nhà trường khang trang, sạch đẹp. Quy mô trường, lớp phát triển phù hợp, huy động tối đa trẻ em đến trường học tập. Chất lượng GD &ĐT được nâng lên rõ rệt. Công tác phổ cập giáo dục đạt được nhiều thành quả quan trọng. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được quan tâm, chăm lo đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp GD &ĐT.