Ruộng bậc thang tại xã Quý Hòa (Lạc Sơn).

Ruộng bậc thang tại xã Quý Hòa (Lạc Sơn).

(HBĐT) - Như bao người con khác của núi rừng, sau 5 năm về đồng bằng học đại học, tôi lại trở về với quê hương miền núi công tác. Ngày lại ngày đi dưới bóng núi, trước mắt tôi thấp thoáng những chân ruộng bậc thang. Mải miết với những lo toan nơi xưởng máy, công sở để kiếm sống, tôi dửng dưng trước những chân ruộng bậc thang đó. Có gì đâu, những lô đất có từ ngày xưa, vẫn là ba màu lặp đi lặp lại: màu nâu, màu xanh, màu vàng. Hết cày lại cấy, gặt.

 

Nhưng nhiều lần đi công tác qua các tỉnh miền núi, nhất là Tây Bắc, những chân ruộng bậc thang ấy cứ ám ảnh tôi suốt dọc những nẻo đường xuôi ngược. Lại còn văng vẳng trong tôi những câu thơ: “Em ơi quê ta đó - Thấp thoáng trong sương - Ruộng bậc thang cuốn vành khăn… Cô gái Mèo núi Chát…” (Ruộng bậc  thang - Đinh Lằm). Lần theo những câu thơ ấy tôi đã đến với tác giả của nó, nơi đất Phù Yên - Sơn La; ngồi uống rượu với nậm pịa cùng nhà thơ Đinh Lằm. Ngày ấy đã xa lắm rồi, có lẽ trên bốn mươi mùa lúa chín. Nhất Thanh - nhì Lò - tam Uyên - tứ Tấc. Mường Tấc chính là cánh đồng Phù Yên của Đinh Lằm. Đó là một trong bốn vựa lúa nổi tiếng của Tây Bắc. Xâu chuỗi bốn vựa lúa nổi tiếng ấy là những con đường liên tỉnh, liên huyện như những đường chỉ thêu trên váy áo người con gái ngày hội. Dọc những con đường ấy là những vạt ruộng bậc thang, lúc bên này, lúc bên kia sườn núi. Ruộng bậc thang của người Thái, người Tày, người Mường ở vùng đồi thấp thường rộng hơn ruộng bậc thang của người Dao, người Mông ở vùng núi cao. Đất càng dốc, ruộng bậc thang càng hẹp, càng dài như cánh ná, mảnh mai như lá lau, lá lúa, bờ ruộng phía trên cao quá tầm tay với. Ruộng chồng lên ruộng như những lát bánh chưng xanh, như những khoanh giò lụa ngày tết, ngày cưới. Ai đã lên Sa Pa không thể không dừng chân nơi lưng chừng dốc mà ngắm ruộng bậc thang của người Mông dưới chân mái nhà Tổ quốc - đỉnh Phan Xi Pan. Đó là những bức tuyệt tác của cộng cư miền núi, nó vừa hài hoà giũa thiên nhiên và con người, vừa tĩnh lại vừa động, vừa lạ, vừa quen. Dọc đường 12A, 12B của đất Mường cũng thấp thoáng những bức tranh như thế. Nhiều lần qua Tú Sơn (Kim Bôi), tôi cũng đứng lặng bên đường mà ngắm, mà suy ngẫm. Trên cùng là đỉnh núi với những thảm thực vật xanh ngút ngàn ngày đêm sinh thuỷ, thấp hơn là lô xô những mái nhà sàn lợp ngói đỏ, lợp tấm prôximăng. Trước những mái nhà sàn là chân ruộng bậc thang và dưới cùng là con suối - nơi khởi nguồn dòng sông Bôi róc rách ngày đêm. Nước và các chất thải từ những mái nhà sàn là nguồn dinh dưỡng cho cây lúa trên những bậc thang đất. “Người nuôi đất, đất cần cù nuôi lúa” - cũng trật tự ấy giữa con người và thiên nhiên mà có “Cơm Mường Vó, lọ Mường Vang” chăng?

Hồi nhỏ, theo gia đình tản cư vào rừng, tôi đã phát nương làm rẫy. Nương rẫy mà cây lúa, cây ngô tươi tốt là nương rẫy mùa đầu, có nhiều tro than do phát vào rừng có nhiều cây cối. Chọc lỗ, bỏ hạt là giống lúa nương chịu hạn. Mỗi khi mùa mưa lũ tới nhìn xuống sông, xuống suối thấy phù sa cuồn cuộn xuôi về với đồng bằng và lại thấy dưới chân mình tro than theo mưa lũ vợi dần. “Bốn mươi giống lúa nà, ba mươi giống lúa nương” mà đói vẫn hoàn đói, nghèo vẫn hoàn nghèo. Vào cái thời khắc ấy cũng như tôi, chắc là bao người xưa đã bừng thức: phải giữ lại cho cây lúa nước những gì là của nó, cần cho nó! Nước và màu mỡ phải ở lại nơi cây lúa, cây lúa phải tươi tốt ngay trên đất dốc. Giây phút ấy đã vỡ oà ra ý tưởng: phải làm ruộng bậc thang ngay trên lưng chừng núi. Đó là bước ngoặt lớn nhất cho nghề trồng cây lúa nước ở miền núi! Để nhận ra cái điều giản đơn ấy phải mất bao đời người? Ruộng bậc thang ra đời từ bao giờ, tộc người nào khai phá đầu tiên? Nhà nông học, nhà dân tộc học nào đã có câu trả lời?

Hoá ra cây lúa cũng cần được ứng xử như con người! Nhà sàn cột thấp, cột cao nhưng sàn nhà phải bằng phẳng - bát nước đầy không đổ - mới ngon cơm ăn, tròn giấc ngủ, mới nên vợ, nên chồng, sinh con đẻ cái. Từ đó, trước mỗi bản Mường cứ mọc lên những cánh đồng bậc thang bốn mùa tươi tốt.

Khi còn công tác, tại một buổi họp về thu hút đầu tư, sau khi nghe chủ dự án báo cáo, các đại biểu khác đăng đàn, tôi đã bộc bạch tâm sự của mình: Nông dân miền núi nói chung đều đặt cái làm lên trước cái ở. Đất bằng phẳng hơn dành làm ruộng bậc thang cho cây lúa, nhà cửa lùi lên cao nơi đất dốc hơn; đặt cái “ lạc nghiệp” lên trước cái “an cư” - đó có phải là cái khác cơ bản của người miền núi so với người đồng bằng, thành thị? Vì một dự án đầu tư nào mà phải phá đi ruộng bậc thang phải được tính toán, cân nhắc kỹ càng.

Bây giờ thì nhiều địa phương, ruộng bậc thang không chỉ là nơi cây lúa sinh sôi theo mùa vụ để nuôi người, nó còn là những điểm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Họ đến và thu vào ống kính những bức hình sống động về cây lúa cheo leo nơi lưng chừng trời đất. Những người nông dân miền núi cứ cặm cụi lam làm, mải miết cày bừa, cấy hái, họ có ngờ đâu mỗi cử chỉ của họ như những động thái của người hoạ sĩ cầm cọ chấm  phá cho bức tranh bao đời ấy cứ ngời ngợi lên dọc những nẻo đường dốc quanh co đồi núi.

 

 

                                                             Đinh Đăng Lượng (T.T.V)

 

 

Các tin khác


Thủy điện Hòa Bình - niềm tự hào công trình thế kỷ

(HBĐT) - Xuyên suốt quá trình 135 năm thành lập tỉnh và 30 năm tái lập tỉnh, công trình thủy điện Hòa Bình như một dấu ấn đáng tự hào, ghi dấu mốc son chói lọi trong bản trường ca chinh phục sông Đà, góp sức xây dựng, phát triển quê hương, đất nước.

Những nét khái quát về sự hình thành tỉnh Hòa Bình

(HBĐT) - Hòa Bình là tỉnh thuộc tiểu vùng Tây Bắc của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, có vị trí quan trọng, chiến lược về kinh tế, chính trị, AN-QP... Tỉnh là nơi có nền Văn hoá Hòa Bình nổi tiếng - cái nôi văn hoá của người Việt cổ.

Tự hào cuộc khởi nghĩa Tổng Kiêm - Đốc Bang (1909 - 1910)

(HBĐT) - Hòa Bình là một tỉnh miền núi thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc, với truyền thống yêu nước, ngay từ khi thực dân Pháp đặt ách đô hộ tại đây, Nhân dân Hòa Bình đã tổ chức nhiều cuộc nổi dậy chống thực dân và chế độ lang đạo hà khắc. Trong dòng chảy lịch sử hào hùng 135 năm thành lập tỉnh, cuộc khởi nghĩa Tổng Kiêm - Đốc Bang (1909 - 1910) là một mốc son chói lọi về lòng yêu nước của Nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình.

Đảng bộ tỉnh - những mốc son lịch sử

(HBĐT) - Với truyền thống vẻ vang trong quá trình xây dựng và phát triển, Đảng bộ, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh bằng những hành động, việc làm cụ thể, nắm bắt các cơ hội phát triển, trách nhiệm, nỗ lực thi đua thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, xây dựng tỉnh phát triển nhanh, bền vững.

Hòa Bình giai đoạn từ năm 2015 đến nay - những dấu ấn tự hào

(HBĐT) - Từ năm 2015 đến nay, với sự đoàn kết thống nhất, cùng nỗ lực vượt bậc của toàn tỉnh, Hòa Bình tiếp tục thu được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực KT-XH, QP-AN, xây dựng hệ thống chính trị. Kinh tế tăng trưởng khá và bền vững, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; các ngành, lĩnh vực sản xuất đều phát triển. Hoạt động xúc tiến đầu tư trong giai đoạn này được đẩy mạnh, môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện; kết cấu hạ tầng kỹ thuật được đầu tư, quan tâm với nhiều công trình quan trọng. Hoạt động đối ngoại được mở rộng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục