Cồng chiêng ngân lên sức sống, làm sống dậy cái hồn phách của xứ Mường Bi. Ảnh chụp tại Lễ hội Khai hạ Mường Bi 2011.
(HBĐT) - Mường Bi - xứ Mường lớn nhất trong 4 Mường. Song hành cùng với một không gian văn hóa truyền thống đặc sắc, Mường Bi còn gìn giữ được một không gian văn hóa cồng chiêng độc đáo. Hướng về Lễ kỷ niệm 125 năm thành lập tỉnh, 20 năm ngày tái lập tỉnh và Lễ hội văn hóa cồng chiêng, từ vùng núi cao Ngổ Luông, Quyết Chiến đến thủ phủ Địch Giáo, Phong Phú, Phú Vinh đã ngân dài những giai điệu ping! poòng! piing... Thức dậy rồi, hồn chiêng Mường Bi!
Trưởng phòng VHTT huyện Tân Lạc, Bùi Văn Linh cho biết: Trước đây, ở Mường Bi hầu như nhà nào cũng có cồng chiêng. Nó được giữ gìn và trở thành vật gia bảo truyền đời. Nhưng khi cuộc sống khó khăn, phần lớn số cồng chiêng quý giá đó đã trở thành vật mua bán, đổi chác. Vì thế, Mường Bi đã mất đi hàng nghìn, hàng vạn chiếc chiêng quý. Đáng mừng là khi cuộc sống đã qua thời kỳ khó khăn, nhiều nhà đã tìm mua lại những chiếc chiêng quý vốn trở thành món hàng hóa khi xưa.
Đến nay, theo thống kê, toàn huyện có khoảng hơn 500 chiếc cồng chiêng. Với số lượng ấy, Mường Bi đã dần khôi phục lại không gian văn hóa cồng chiêng đã từng bị mai một. Tới đây, trong Lễ kỷ niệm thành lập tỉnh và Lễ hội văn hóa cồng chiêng, huyện đã lựa chọn 80 diễn viên ở các xã trong huyện tham gia đánh cồng chiêng và thành lập một đội văn nghệ biểu diễn cồng chiêng với 30 diễn viên tham gia biểu diễn tại Lễ hội cồng chiêng. Khi ấy, “cái hồn” của vùng đất Mường Bi sẽ thức dậy cùng mười hai âm sắc. Cũng theo ông Bùi Văn Linh, trong dịp Lễ kỷ niệm những diễn viên Mường Bi sẽ trình diễn những giai điệu đặc sắc, độc đáo nhất, nguyên bản nhất theo giai điệu, biểu diễn theo bài, đúng với phong cách trình diễn của không gian văn hóa cồng chiêng cổ, ngân lên sức sống, làm sống dậy cái hồn phách của xứ Mường Bi do chính những nghệ nhân của địa phương đã kỳ công sưu tầm. Đó sẽ là nét đặc sắc nhất mà những diễn viên Mường Bi đem đến ngày hội một không gian văn hoá cồng chiêng đậm đà bản sắc dân tộc. Nói như nghệ nhân Bùi Văn Ểu ở xóm Lầm, xã Phong Phú thì: Không gian đó không trầm hùng, sôi động, mạnh mẽ, dồn dập và ngùn ngụt hứng khởi như không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, mà không gian văn hóa cồng chiêng của Mường Bi nhịp nhàng, lắng đọng để rồi khơi gợi một cách nhuần nhị những rung động tinh tế nhất ở thẳm sâu tâm hồn. Đôi tay thiếu nữ Mường càng đánh càng hay, âm thanh cồng chiêng Mường càng nghe càng say đắm, giai điệu này cứ dặt dìu nối tiếp giai điệu kia, lúc bay bổng mơ màng, lúc thiết tha lắng đọng, lúc rộn ràng giục giã như sắp đi trẩy hội, lúc lại khoan thai thư thái như cụ bà ngồi bỏm bẻm nhai trầu bên khung cửa voóng. Có nghe sẽ hiểu, có hiểu rồi mới thấu.
Theo trí nhớ truyền đời của những người như ông Ểu thì khởi nguồn của cồng chiêng là những âm thanh thần bí phát ra khi vô tình chạm vào các nhũ đá trong hang động. Lâu dần được con người chế tác và hoàn thiện thành nhạc cụ bằng kim loại như bây giờ. Một dàn cồng chiêng đủ bộ của người Mường gồm 12 chiếc tượng trưng cho 12 tháng trong năm và trọn một vòng quay xuân - hạ - thu - đông của đất trời. 12 chiếc chiêng tạo ra 12 âm sắc, đồng thời hợp thành một dàn cồng chiêng độc đáo với những bản hoà âm đã tạo dựng một “âm sắc Mường” độc đáo và riêng biệt. Những âm sắc đó đã góp phần làm nên những giá trị đẹp cho nền văn hoá cổ truyền của vùng đất Mường Bi. Cồng chiêng theo phường Bùa mang may mắn đầu năm đến tận cửa mọi nhà. Cồng chiêng chúc phúc cho đôi uyên ương trong ngày cưới, cồng chiêng thành khẩn đưa người về với cõi “Mường ma”. Cồng chiêng thúc giục người dân đi trẩy hội xuống đồng. Cồng chiêng gọi nhà nhà đến chia vui lễ cơm mới... Dẫu vậy, không gian văn hóa cồng chiêng ở Mường Bi đã có những lúc tưởng như mai một. Nhận rõ nguy cơ đó ngày càng rõ nét, những người như ông Ểu, cụ Bùi Thị Mành ở xóm Lầm, xã Phong Phú, ông Bùi Văn Sự, xã Ngọc Mỹ và nhiều người nữa không thể kể hết ra đây vẫn đang âm thầm, tự nguyện truyền dạy cho lớp trẻ với ước nguyện gìn giữ sự kỳ diệu của “mười hai âm sắc” mãi là cái hồn Mường.
Hướng về ngày Lễ lớn, khắp vùng Mường Bi luôn rộn ràng tiếng cồng chiêng không dứt, vẫn vang âm trọn vẹn giữa đất trời, núi rừng trùng điệp xứ Mường Bi.
Mạnh Hùng
(HBĐT) - Nhà sàn của người Mường không lẫn với nhà sàn của người Thái và không giống với những ngôi nhà của các dân tộc khác. Những ngôi nhà sàn này độc đáo từ cách chọn hướng, dựng nhà cho tới cách bố trí những đồ vật trong ngôi nhà.
(HBĐT) - Người Dao quan niệm mọi vật đều có linh hồn (vần), khi vật đó chết thì hồn lìa khỏi xác để biến thành ma và hồn ma có ở khắp nơi. Người dao cho rằng có ma lành và có ma dữ trong cuôc sống của họ. Gặp mà lành thì người ta gặp được sự yên ổn, bảo trợ, giúp đỡ, còn gặp ma dữ tức là không may mắn, tai họa. Người ốm là do không đủ số hồn ở trong người mình, do đó phải tìm đến thầy bói đi tìm hồn và nhờ thầy cúng tìm cách đưa những hồn trong người trở lại vị trí cũ.
(HBĐT) - Trước đây, người Mường thường dựa vào trồng trọt, chăn nuôi và săn bắt, hái lượm làm nguồn cung cấp thức ăn chính. Trong các loại cây trồng, lúa vẫn được xem là loại cây lương thực chủ lực bên cạnh ngô, khoai, sắn.
(HBĐT) - Vũ trụ quan của người Thái gồm ba thế giới, một thế giới ở trên trời cao và hai thế giới cùng tồn tại ở mặt đất, một bên là thế giới của những người sống và một bên là thế giới của ma. Thế giới trên trời có Then Luông là đấng tối cao nhất cai quản trời đất, loài người và vạn vật, Then Luông được các quần thần giúp việc. Dưới trần gian, bất cứ ở nơi nào cũng có các ma (phi) cai quản. Muốn lập bản, khai phá ruộng, phát nương, đánh cá, săn thú đều phải xin phép các ma ruộng, ma nương, ma rừng, ma suối… Những vị thần trên trời, các ma dưới trần kể trên cùng với ma nhà (phi hươn), ma họ (phi đẳm), những ông, bà, cụ kỵ đã khuất (pú pầu) là những lực lượng phù hộ, bảo vệ người.
(HBĐT) - Về các nhân vật thực hành tín ngưỡng của người Mường, có hai người phổ biến nhất là ông mo và bà mới. Ông mo là người thực hành nghi lễ và kể mo trong đám ma là chủ yếu, ngoài ra còn có thể thực hành một số nghi lễ khác. Bà mới (đôi khi cũng có ông mỡi) là người thực hành các nghi lễ cúng chữa bệnh, phần nào giống với lên đồng của người Kinh.
(HBĐT) - Thờ thành hoàng làng cũng là một tín ngưỡng phổ biến ở người Mường. Thành hoàng là vị thần bảo trợ chung cho bản mường, che chở, đỡ đầu cho bản mường. Thành hoàng mường có thể là một hay nhiều vị được thờ tại quán hay miếu, sau này khi đời sống cao hơn là các đền. Đền có thể xây, nhưng có nơi chưa có điều kiện thì làm bằng tre, gỗ. Nhà nghiên cứu Từ Chi khi đi sâu nghiên cứu các nhân vật được thờ trong quán đã thấy như sau: