Một góc thị trấn Cao Phong – trung tâm Mường Thàng hôm nay
Ảnhh: ĐP

Một góc thị trấn Cao Phong – trung tâm Mường Thàng hôm nay Ảnhh: ĐP

(HBĐT) - Tôi được lãnh đạo tỉnh mời tham gia Ban Biên tập và tham gia soạn thảo, dịch thuật cuốn “Mo Mường Hòa Bình” mà trọng tâm là dịch thuật phần truyện tình “Vườn hoa - Núi cối”. Sau khi cuốn “Mo Mường Hòa Bình” hoàn thành, là những người cầm bút lại sinh ra từ vùng đất này, chúng tôi rất vui mừng, song cũng có nhiều băn khoăn, trăn trở về những cái được, chưa được của cuốn sách.

 

Dù sao từ những roóng mo, cát mo truyền miệng bao đời nay đã được “văn tự hóa” bằng một cuốn sách. Tôi và hai nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Bùi Văn Nợi, Bùi Huy Vọng (trong tiểu ban soạn thảo, dịch thuật) dự kiến sẽ tổ chức những cuộc điền dã, lần trở lại những roóng mo để tìm hiểu những gì mà quá trình soạn thảo, dịch thuật mình còn chưa rõ hoặc “văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình”. Chuyến đi điền dã đầu tiên lần này, chúng tôi chọn Mường Thàng và Mường Bi. Trước hết về Mường Thàng.  

Mường Thàng và Thiên tình sử bi tráng Vườn hoa Núi Cối

 

Ba anh em chúng tôi đến nhà văn hóa Cao Phong bằng xe máy, nơi Bùi Văn Bình - Trưởng phòng VH-TT huyện là người Mường Rậm, Mường Bát - quê chàng Khói, chàng Hoa nhưng gốc gác lại là người xã Tân Phong, dưới chân Khụ Cối đang đón đợi. Nhớ lại cách đây đúng 10 năm, ngày 13/12/2001, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải ký Nghị định 95/CP, tách 10 xã vùng Cao Phong khỏi huyện Kỳ Sơn để thành lập huyện Cao Phong. Tôi là người đầu tiên có mặt với tư cách là người được Thường trực Tỉnh ủy giao nhiệm vụ khảo sát địa điểm đặt trụ sở huyện và xây dựng phương án nhân sự chủ chốt cho huyện mới.

 

Ngày ấy, điểm nổi bật nhất về kinh tế cũng như kiến trúc của cao nguyên này là Nông trường Cao Phong, cây công nghiệp chủ đạo là mía tím và cam. Vì thế, trụ sở Nông trường đã được chọn là nơi làm việc cho huyện mới được chia tách. Anh kỹ sư trẻ ngành nông nghiệp Vũ Đình Việt đang giữ chức Phó Giám đốc Nông trường được chuyển sang đảm nhận chức Phó Chủ tịch UBND huyện từ đó.

Bây giờ, sau 10 năm thành lập, nếu ông cun chưởng Lý Vi Thàng, bà Chúa Nguyệt, chàng Khói, chàng Hoa và các nàng con Tiên vì một phép màu nào đó được trở lại vùng đất này sẽ chẳng nhận ra. Trụ sở Huyện ủy, UBND và các ban, ngành huyện tọa lạc ở vào vị trí có địa thế đẹp nhất, nhà cửa khang trang. Với “lầu son, gác tía” của vua cha nơi “chợ Hạc, bến Đông” ngày ấy chắc gì sánh kịp! Đâu chỉ có chợ Khến, chợ Khang, bà Chúa Nguyệt có nhiều chợ để thỏa sức mua vàng, bán bạc khi về sống với ông cun chưởng Lý Vi Thàng.

 

Những nhân vật trong thiên tình sử ấy, nhất là chàng Khói, chàng Hoa và hai nàng con Tiên sẽ rất phiền lòng khi nhìn thấy những gì đã gắn bó với họ không còn như xưa nữa, đó là Vườn hoa Núi cối, chùa Veèng ang, Pó Piếng, đền Bụt… cho dù dấu tích vẫn còn đó, chuông chùa đặt trong chùa Veèng ang sau mấy lần “kẻ trộm bất lực” đã được bảo quản, hòn đá bên bờ Pó Piếng còn đó, chùa Veèng ang còn hai cây đại trăm tuổi trước cửa, bát hương nhũ đá vẫn còn lại trên nền chùa Bụt. Khụ Cối vẫn như một cái cối đá khổng lồ trơ trơ cùng tuệ nguyệt. Mộ bà Chúa Nguyệt ở gò Ma Lươn đã bị khai quật từ lâu. Theo anh Bùi Thanh Bịnh (công chức văn hóa xã Dũng Phong) cho biết: Cạnh mộ có một tấm đá ong trộn mật như một tấm phản, khi khai quật mộ bà có một mũ dát vàng, đối diện là khu mộ Đống Cúi (nay là xóm Đồng Mới) có 4 mộ chính, khi khai quật có trống đồng, con nghê và một kiếm vàng.

 

Trao đổi với chúng tôi tại trụ sở xã Tân Phong với sự có mặt của Chủ tịch UBND xã Bùi Văn Yển và công chức văn hóa xã Bùi Văn Găm, Trưởng phòng VH-TT Bùi Văn Bình cho biết: Huyện đang xây dựng phương án khôi phục lễ hội Mường Thàng mà trọng tâm là những điểm nhấn xung quanh Vườn hoa Núi cối, đáng quan tâm hơn là phần lễ. Thật đáng mừng. Tôi hiểu họ và tin bởi vì trong thời gian chưa tách huyện, dẫu chỉ là lãnh đạo một doanh nghiệp nhưng tôi có tham gia cấp ủy Kỳ Sơn ngày ấy và bây giờ hầu hết lãnh đạo chủ chốt của Cao Phong là những người đã từng gắn bó với tôi nhiều năm, họ tâm huyết với vùng đất mà cha ông để lại.

 

Nhưng với ba anh em chúng tôi, sau một ngày “mục sở thị” các địa danh, tên nhân vật trong đang Vần Va (theo Đinh Văn ân), 11 cát mo Vườn hoa Núi cối vẫn chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa”. Những băn khoăn trăn trở: ông cun chưởng Lý Vi Thàng tên thật là gì hay chỉ là phiên bản của những ông lang cun Mường Thàng? Nhà ông, mộ ông ở chỗ nào? Chàng Khói, chàng Hoa có phải là tên thật không hay cũng chỉ như “liền chị, liền anh”? Châm Quà là một hay hai người? Các cuộc tình tay đôi, tay tư trong thiên tình sử ấy thì cuộc tình nào là có thực? Phải chăng chỉ có cuộc tình của ông cun chưởng Lý Vi Thàng với bà Chúa Nguyệt là có vật chứng và có thật? Tất cả vẫn chỉ là dang dở như những cuộc tình bi tráng ấy. Đó cũng là cái cớ để chúng tôi khi tạm biệt Mường Thàng nói với những người tiễn chúng tôi một lời cửa miệng, cũng là dòng chữ ghi trên tấm biển nơi ranh giới các huyện, các mường: Hẹn gặp lại.

 

Nhất Bi và “Nhòm Mường Bi”

 

Trước khi xuất bản cuốn mo Mường Hòa Bình, Ban Biên tập và Tiểu Ban soạn thảo, dịch thuật đã có các cuộc trao đổi, hội thảo về những vấn đề nổi lên cần được sự đồng thuận là: Bố cục cuốn sách, tên cuốn sách... Có ý kiến cho rằng, với 12 đêm mo ở Mường Lầm, xã Phong Phú (Tân Lạc) thì chỉ nên đặt tên cho cuốn sách là: Mo Mường Bi. Ngược lại, có ý kiến cuốn “Mo - sử thi dân tộc Mường” là cuốn sách xuất bản năm 1997 do Vương Anh chủ biên vẫn chủ yếu được sưu tầm ở một số huyện miền núi Thanh Hóa thì sao? Bố cục phần tóm tắt nội dung trước từng roóng mo cũng là điểm sáng tạo trong việc biên tập cuốn sách, giúp cho người đọc tiếp cận nội dung một cách dễ dàng hơn.

 

Đối với tôi, Mường Bi vẫn là miền đất còn huyền bí. Trước đây, đường lên Tây Bắc theo hướng qua phà chợ Bờ, suối Rút, đường 6 chưa qua đây thì Mường Bi vẫn là xứ “sơn cùng, thủy tận”, vùng biên viễn. Chỉ riêng Bùi Văn Nợi là dân sở tại, còn tôi và Bùi Huy Vọng lạ nước, lạ cái. Lần đầu tiên đến Mường Bi với tư cách người cầm bút ai cũng chỉ là “nhòm Mường” thôi. Nếu như buổi chiều hôm trước tiếp 3 anh em chúng tôi trong đoàn có Bùi Văn Linh, Trưởng phòng VH-TT huyện Tân Lạc và Nguyễn Thanh Trà, Phó phòng thì ngày hôm sau có Đinh Thị Cúc, cán bộ phòng quê ở Đung Ngau, xã Phú Vinh và Hạt trưởng, Hạt phó Kiểm lâm Tân Lạc Nguyễn Văn Chậm, Bùi Văn Pư cùng đoàn lên Ngau Đung, xã Phú Vinh.

Trước khi vào mường cổ xóm ải nghỉ đêm, chúng tôi đã đến miếu thờ đức mẹ Hoàng Bà ở xóm Cò Lũy thắp hương và nghe người trông miếu kể về lễ hội Khai hạ ngày 8 Tết hàng năm và tục săn thú trước đó.

 

Ba anh em chúng tôi vào nhà ông Bùi Văn Khẩn, ông vốn là một giáo viên tiểu học, có người anh trai là liệt sỹ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Sau khi nghỉ hưu, ông tiếp tục nghề mo có “nổ” của cha ông, túi khót và heéng mo ở mái nhà nói lên điều đó.

 

Chủ khách mải mê hàn huyên về xóm Lũy, xóm ải. Có phải đây là cửa ải và thành lũy không khi mà vua Lê Lợi đi dẹp giặc Đèo Cát Hãn dừng chân? Khu mộ cổ Đống Bay đã biến thành xóm bản từ bao giờ, chỉ còn lại những bát sành (tương truyền dùng cho quân sỹ trong bữa ăn) và rải rác những hòn mồ. “Nhất cun Bi, nhì cai ải”, xóm Lầm, xóm ải, con cái không dám lấy nhau. Lang cun Bi ở Mường Lầm đã 20 đời, Đinh Thế Chinh là đời cuối cùng. Vì thế mới có câu “Lở đồi Cút mới mất cai ải, lở đồi ải mới bại cun Bi” sao? Cun Bi đã không còn nhưng đồi ải vẫn ngút ngàn cây lá. Tương truyền vua đã 4 lần đưa quân lên diệt thổ tù, lang đạo xứ này, diệt hết chỉ còn lại một đứa bé, nhờ bú một con chó mà sống sót, vì thế, một thời họ Đinh vùng này không ăn thịt chó. Chế độ của Lang cun Bi qua nhiều đời hà khắc như thế nên người đời xếp lang vùng này vào hạng “nhất Bi”?

 

“Trước Đung Ngau, sau Chiềng Lầm”. Lời mo ấy như thôi thúc chúng tôi quyết tâm lên nơi khởi nguồn của cun Bi. Dẫu đã nghe câu chuyện ở xóm Lũy có gia đình Bùi Văn Mậu (tá đinh) thờ chúa Ngao, người đã bắn 8 mặt trời, 8 mặt trăng để lại một mặt trời, một mặt trăng, để rồi khi nhà có người chết chỉ được gõ mủng, không được đánh trống. Dẫu đã hay con muông tìn vìn tợng vợng bị dân xé xác, chia phần ở mường Khến... nhưng đối với chúng tôi thế là chưa đủ, “lại ngược lên thung Hoe, núi Khướng, mường Giác - nơi ấy là lộc đất, lộc nước Mường Bi - núi ấy từ khi ông Thường Ban - núi ấy từ ông An  đô - Thánh ban cho bu gà bói chúa - vào bói chúa tại cung vua - vua phong cho cấp Cẩm Vũ Hầu - Chầu nhà vua cho làm quan, làm tướng - nhà vua thưởng cho một con voi - nên giàu nên sang bởi núi Khướng mường Giác - của cả, của con dưới đất - không biết là mấy ngàn kho”.

Lễ rước kiệu thành hoàng làng tại lễ hội Khai hạ Mường Bi.

 

Khởi nguồn của cun Bi là từ Ngau Đung thuộc xã Phú Vinh sao? Ngau có lang, Đung có tạo. Đất rộng lại gần bến sông Đà nhưng chỉ có 3 đời lang cun ở đây. Chùa Kè, chùa Giác, chùa Ngau, hầu như xóm nào cũng có chùa, có miếu. Đúng là một vùng Mường cổ. Trùm lên chùa, lên miếu là bóng những cây đa, cây si. Chùa Kè có đến 6 cây đa vây quanh. Hạt trưởng Kiểm lâm huyện Nguyễn Văn Chậm lấy làm tâm đắc với điều này: Bảo vệ rừng bằng tâm linh! “Si là anh, sanh là ún”, người Mường quan niệm như vậy, cho dẫu theo ngành sinh vật cảnh thì cây sanh mới có giá trị. Nhưng đối với những người cầm bút chúng tôi thì “cây chu đồng” còn là cây thần, nó có chỗ đứng trong văn học dân tộc Mường. Lại nói về chùa Đung Ngau nói riêng, chùa trong mường nói chung còn rất sơ khai, chủ yếu có nhũ đá (bụt mọc) và bát hương với mái lá đơn sơ. Lễ hội hàng năm dân làng thường đem gà, đem xôi đặt và thắp hương, sau đó lại ném còn, hát thường rang trên những bãi rộng, bưa bằng. Lời hát, tiếng chiêng vút lên đỉnh núi Khướng mường Giác, “nơi ấy là lộc đất, lộc nước”.

 

Thầy mo để lại cho đất này những róong mo, vén bức màn thời gian cho chúng ta thấy được đất Mường Bi đã từng giàu có. Nhưng chỉ có lớp con cháu bây giờ mới có thể làm cho đất này giàu có hơn lên để khỏi hổ thẹn với cha ông đã từng “nhiều bạc, lắm vàng, lại có nhiều cơm, lắm của lại là anh - Cun Bi có sanh ba ngăn, có ninh ba cạnh - có sanh bốn tai, có quai con rồng, đồng Mường Bi rộng nhất, mới có câu “Nhất Bi, nhì Vang, tam Thàng, tứ Động” - đó sao.

 

Hai nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Bùi Huy Vọng, Bùi Văn Nợi rất tâm đắc với vùng đất này. Các anh nghe, ghi chép và thu lượm cả những mảnh vỡ đồ sứ để nghiên cứu. Với những công trình nghiên cứu của mình, các anh đã được trao nhiều giải cao của Hội văn nghệ dân gian Việt Nam. Rất may cho đất Mường ta, sau lớp Bùi Thiện, Quách Giao, Bùi Chỉ lại được các anh kế tục một công việc âm thầm và khá nhọc nhằn này.

 

 

                             Ghi chép của Đinh Đăng Lượng

 

 

Các tin khác


Thủy điện Hòa Bình - niềm tự hào công trình thế kỷ

(HBĐT) - Xuyên suốt quá trình 135 năm thành lập tỉnh và 30 năm tái lập tỉnh, công trình thủy điện Hòa Bình như một dấu ấn đáng tự hào, ghi dấu mốc son chói lọi trong bản trường ca chinh phục sông Đà, góp sức xây dựng, phát triển quê hương, đất nước.

Những nét khái quát về sự hình thành tỉnh Hòa Bình

(HBĐT) - Hòa Bình là tỉnh thuộc tiểu vùng Tây Bắc của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, có vị trí quan trọng, chiến lược về kinh tế, chính trị, AN-QP... Tỉnh là nơi có nền Văn hoá Hòa Bình nổi tiếng - cái nôi văn hoá của người Việt cổ.

Tự hào cuộc khởi nghĩa Tổng Kiêm - Đốc Bang (1909 - 1910)

(HBĐT) - Hòa Bình là một tỉnh miền núi thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc, với truyền thống yêu nước, ngay từ khi thực dân Pháp đặt ách đô hộ tại đây, Nhân dân Hòa Bình đã tổ chức nhiều cuộc nổi dậy chống thực dân và chế độ lang đạo hà khắc. Trong dòng chảy lịch sử hào hùng 135 năm thành lập tỉnh, cuộc khởi nghĩa Tổng Kiêm - Đốc Bang (1909 - 1910) là một mốc son chói lọi về lòng yêu nước của Nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình.

Đảng bộ tỉnh - những mốc son lịch sử

(HBĐT) - Với truyền thống vẻ vang trong quá trình xây dựng và phát triển, Đảng bộ, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh bằng những hành động, việc làm cụ thể, nắm bắt các cơ hội phát triển, trách nhiệm, nỗ lực thi đua thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, xây dựng tỉnh phát triển nhanh, bền vững.

Hòa Bình giai đoạn từ năm 2015 đến nay - những dấu ấn tự hào

(HBĐT) - Từ năm 2015 đến nay, với sự đoàn kết thống nhất, cùng nỗ lực vượt bậc của toàn tỉnh, Hòa Bình tiếp tục thu được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực KT-XH, QP-AN, xây dựng hệ thống chính trị. Kinh tế tăng trưởng khá và bền vững, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; các ngành, lĩnh vực sản xuất đều phát triển. Hoạt động xúc tiến đầu tư trong giai đoạn này được đẩy mạnh, môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện; kết cấu hạ tầng kỹ thuật được đầu tư, quan tâm với nhiều công trình quan trọng. Hoạt động đối ngoại được mở rộng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục