Người Mường Vang vẫn giữ phong tục tập quán “Cơm đồ, nhà gác, nước vác, lợn thui”. Trong ảnh: Lợn được đem thui trước khi đem chia phần cho các nhà ăn đụng.
(HBĐT) - Chưa năm nào tôi bỏ lỡ “ăn đụng lợn” trong dịp Tết của người Mường Vang quê tôi. Năm nay cũng vậy, khi nghe bố tôi bảo ngày 28 tết sẽ về quê ăn đụng lợn ở nhà ông Huy, xã Chí Đạo (Lạc Sơn), trong lòng tôi lại thấy háo hức, chộn rộn lạ thường.
Lúc còn nhỏ, thời đó còn nghèo khó, lũ trẻ con chúng tôi chờ đến ngày ăn đụng lợn chỉ với ý nghĩ đơn giản là được ăn thịt lợn thoải mái. Giờ cuộc sống no đủ hơn, suy nghĩ cũng đã lớn hơn, tôi mới thực sự hiểu và trân trọng biết bao tục lệ của quê hương. Đụng lợn đã trở thành một phong tục đẹp với bao ý nghĩa lớn lao: ngày ăn đụng lợn là ngày vui vẻ, ấm áp trong sự sẻ chia, đoàn tụ của cả gia đình; là sự tin tưởng, đoàn kết của hàng xóm, láng giềng; là dịp để chúng tôi khám phá và thấm sâu hơn bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình.
Mỗi năm về quê ăn Tết là mỗi lần tôi có những cảm xúc thật đặc biệt. Tết ở quê không ồn ào như ở phố thị, không rực rỡ cờ hoa mà sâu lắng, ngọt ngào. Bức tranh quê hương ngày Tết với mái nhà sàn thấp thoáng bên cây đào phai nở hoa báo hiệu mùa xuân đã tới rất gần. Với không khí rộn ràng của những người phụ nữ ngược xuôi sắm sửa, trang hoàng nhà cửa và nụ cười hào hứng cùng sự trông ngóng của lũ trẻ nhỏ làm cho Tết ở quê thật ấn tượng, đặc biệt là không khí không thể nào quên về ngày ăn đụng lợn. Từ sáng sớm, những người phụ nữ đã sắm sửa bếp núc, xoong nồi, ngâm gạo, chặt lá chuối... Những người đàn ông thì leng keng với dao, thớt chuẩn bị cho bữa ăn Tết đầu tiên đón chào năm mới (với người Mường ở quê tôi, bữa ăn ngày thịt lợn được coi là bữa ăn Tết đầu tiên của năm mới đầy ý nghĩa).
Câu hỏi đầu tiên mà mỗi năm tôi đến ăn đụng lợn ở một gia đình là: “Năm nay có mấy nhà ăn đụng? Con lợn bao nhiêu cân?”... và những câu hỏi thăm về một năm qua của gia chủ có lợn thịt. Sự quan tâm đó của tôi cũng chính là định nghĩa về tục ăn đụng lợn, tức là, mấy nhà gần nhau hoặc mấy anh em cùng chung nhau thịt một con lợn để ăn Tết. Con lợn được chọn để ăn đụng được nuôi từ trước Tết 5 - 6 tháng, có khi là cả năm và hơn thế. Con lợn này được nuôi cẩn thận như: chọn giống thuần chủng, không nuôi tăng trọng để thịt thơm, ngon. Chủ nhà sẽ thông báo trọng lượng của con lợn để các nhà có nhu cầu ăn đụng đăng ký, góp công, góp của và chia phần trong ngày ăn đụng.
Thực ra, ở quê tôi trước đây, trong dịp Tết, thường thì mỗi nhà sẽ thịt 1 con lợn để ăn. Theo như người già ở quê cho biết, thời đó khó khăn, xa chợ, phương tiện đi lại không có nên đa số người dân chỉ thực sự được no 3 ngày Tết. Chính vì vậy, nhà nào cũng thịt lợn để con cháu trong gia đình được ăn no và phần thịt còn dư lại sẽ chế biến thành các món thịt muối, thịt hun khói có thể để lâu dài ra giêng ăn dần. Ngoài ra cũng còn một lý do quan trọng nữa là trong mâm cúng gia tiên phải có thủ lợn nên ngày đó, nhà nào cũng phải thịt lợn như vậy. Những ngày xa xưa đó không có tục ăn đụng lợn nhưng vẫn có bữa ăn Tết thịt lợn giống như bữa ăn đụng lợn ngày nay. Các nhà sẽ lần lượt thịt lợn sớm để mời anh em, hàng xóm cùng sang ăn bữa ăn Tết đầu tiên với nhà mình. (Đó cũng là một trong những lý do trước đây quê tôi ăn Tết hàng tháng trời).
Nhân dịp đón Tết Nhâm Thìn, tôi lại nhớ về bữa ăn đụng lợn ở nhà ông Huy cũng thật vui vẻ và ấm cúng. Từ sáng ngày 28, con lợn gần 40 kg ông Huy nuôi thả rông gần 1 năm được đưa làm sạch, thui vàng và chia làm 3 phần đều nhau. Riêng nhà ông Huy được ưu tiên cái thủ để đặt bàn thờ cúng tổ tiên. Phần tiết canh, một phần thịt, bộ lòng được chế biến để liên hoan bữa đụng lợn. Bữa ăn Tết sớm thật ngon và ý nghĩa với những lời cảm ơn gia chủ nuôi được con lợn ngon cùng những lời chúc mừng năm mới may mắn, phát tài, phát lộc... Không khí Tết sớm đến với gia chủ thật hân hoan!
Hồng Duyên
(HBĐT) - Năm nào cũng vậy, lễ cơm mới của người Thái ở Mai Châu được tổ chức một lần vào tháng 8 âm lịch. Không định ngày tuỳ theo điều kiện của từng gia đình mà làm lễ cơm mới to hay nhỏ.
(HBĐT) - Ngày 22/6/1886, tỉnh Hòa Bình được thành lập, lấy tên là tỉnh Mường gồm có 4 phủ: Vàng An, Lương Sơn, Lạc Sơn, Chợ Bờ, tỉnh lỵ đặt tại chợ Bờ.
(HBĐT) - Hòa Bình từ lâu là một địa danh nổi tiếng với nền văn hóa đặc sắc, tiêu biểu trong quá trình phát triển của dân tộc Việt Nam. Trên vùng đất lịch sử này, các dân tộc anh em đã cùng đoàn kết, gắn bó xây dựng và bảo vệ quê hương, tô thắm núi sông, bản làng, xây dựng nên truyền thống văn hóa đa dạng, phong phú đậm đà bản sắc dân tộc. Trong đó có 7 dân tộc chủ yếu là Mường, Kinh, Thái, Tày, Dao, Mông, Hoa.
(HBĐT) - Mường Bi - xứ Mường lớn nhất trong 4 Mường. Song hành cùng với một không gian văn hóa truyền thống đặc sắc, Mường Bi còn gìn giữ được một không gian văn hóa cồng chiêng độc đáo. Hướng về Lễ kỷ niệm 125 năm thành lập tỉnh, 20 năm ngày tái lập tỉnh và Lễ hội văn hóa cồng chiêng, từ vùng núi cao Ngổ Luông, Quyết Chiến đến thủ phủ Địch Giáo, Phong Phú, Phú Vinh đã ngân dài những giai điệu ping! poòng! piing... Thức dậy rồi, hồn chiêng Mường Bi!
(HBĐT) - Tôi được lãnh đạo tỉnh mời tham gia Ban Biên tập và tham gia soạn thảo, dịch thuật cuốn “Mo Mường Hòa Bình” mà trọng tâm là dịch thuật phần truyện tình “Vườn hoa - Núi cối”. Sau khi cuốn “Mo Mường Hòa Bình” hoàn thành, là những người cầm bút lại sinh ra từ vùng đất này, chúng tôi rất vui mừng, song cũng có nhiều băn khoăn, trăn trở về những cái được, chưa được của cuốn sách.
(HBĐT) - Tỉnh Mường - tỉnh Hòa Bình còn rất trẻ, năm 2011 này mới vừa tròn 125 năm thành lập và phát triển (1886). Tuy nhiên, lịch sử của tỉnh Hòa Bình không phải chỉ được tính từ năm 1886, theo Dụ thành lập tỉnh Mường của quan Kinh lược Bắc kỳ mà phải tính từ khi con người thời tiền sử đã sinh sống cách nay hàng nghìn năm, thậm chí hàng vạn năm về trước trong các hang động, mái đá vôi của tỉnh.