Nghệ sĩ Ưu tú Bùi Chí Thanh
(HBĐT) - Năm 1993, tại một cuộc hội thảo về văn hóa các dân tộc miền núi, bản tham luận về nghệ thuật múa Mường mang tên “Tìm về một nền nghệ thuật bị lãng quên” của Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Bùi Chí Thanh đã gây được sự chú ý đặc biệt đối với nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Tây Bắc.
Trước đó, có nhiều nhà nghiên cứu từng khẳng định rằng người Mường không có múa. Nhưng với bản tham luận này, là kết quả của nhiều năm nghiên cứu, sưu tầm điền dã, ông Thanh đã khẳng định, người Mường có những điệu múa hết sức đặc sắc.
Ông Thanh cho biết, người Mường không có chữ viết, song văn hóa truyền miệng đã để lại hàng trăm tác phẩm văn học có giá trị như sử thi "Đẻ đất đẻ nước", các tác phẩm thơ, truyền thuyết hết sức đa dạng, phong phú, cùng với nó là một hệ thống nhạc không lời và các nhạc khí của dân tộc Mường rất đồ sộ và phong phú. Từ các nghiên cứu, điền dã trên các vùng Mường, các di chỉ khảo cổ đều cho thấy, trong đời sống tinh thần của người Mường có những điệu múa phục vụ cho nhiều hoạt động khác nhau như ngày mùa, lễ hội hay tang ma.
Ngày xưa, tại các vùng Mường còn tồn tại chế độ lang đạo (tầng lớp cai trị cao nhất của vùng), các điệu múa thường chủ yếu phục vụ giai cấp này. Mỗi nhà lang đạo thường có các đội múa riêng và không được phổ biến nhiều trong dân. Khi Cách mạng Tháng 8 thành công, chế độ lang đạo bị lật đổ vì thế những điệu múa cũng bị thất truyền.
Không sinh ra ở Tây Bắc, nhưng cái duyên với nghệ thuật múa của các dân tộc Tây Bắc đã ngấm vào máu của Bùi Chí Thanh khi ông còn là một anh lính trẻ say mê tham gia các hoạt động nghệ thuật tại vùng này. Năm 1959, ông được cử đi học Trung cấp múa tại Hà Nội với chuyên ngành biên đạo múa, ra trường ông lại quay trở về Tây Bắc tham gia đào tạo, nghiên cứu, tổ chức nhiều lớp múa cho các dân tộc Thái, Dao, Mường…
Cả cuộc đời gắn bó với Tây Bắc nên ông càng quan tâm đến các điệu múa cổ truyền của người Mường. Trước những luận điểm cho rằng người Mường không có múa, ông Thanh đã bắt tay vào nghiên cứu và tìm cách phục dựng lại nhiều điệu múa Mường. Tại nhiều vùng Mường từ Hòa Bình đến tận Thanh Hóa, Nghệ An đều lưu dấu chân điền dã của ông. Và từ những chuyến đi ấy, các ghi chép, nghiên cứu từ các di chỉ khảo cổ, các hoạt động tín ngưỡng đã đưa ông đến một kết luận cơ bản, đó là người Mường có những điệu múa riêng của mình.
Ông Thanh cho biết: “Trong những chuyến điền dã, tìm hiểu các ngày lễ hội, những dịp đón khách và đi sâu vào nhân dân chúng tôi đã thấy dân tộc Mường đã từng có một nền nghệ thuật múa phong phú, đặc sắc và hiện còn đang giữ được một số điệu múa cổ truyền của mình. Nghệ thuật múa Mường trước đây luôn được gắn liền và chiếm một vị trí quan trọng trong các hội lễ, đặc biệt là trong nghi thức tang ma.”
Từ những năm tháng say mê nghiên cứu ấy, ông Thanh đã tìm ra và phục dựng lại rất nhiều điệu múa Mường. Các điệu múa đặc sắc và có quy mô lớn như: Múa quạt ma, Múa cờ, Múa dâng lễ, Múa mặt mẻ (múa giả trang)… Cùng với đó ông đã công bố nhiều công trình nghiên cứu về nghệ thuật Mường như: “Âm nhạc trong gia đình người Mường”, “Điệu múa nàng dâu”...
Trong căn nhà nhỏ tại thành phố Hòa Bình, ông Thanh vẫn ngày ngày say mê với các trang bản thảo nghiên cứu về các điệu múa Mường, các giá trị văn hóa của người Mường. Vợ ông, một họa sĩ và cũng là một phụ nữ Mường, cũng là một cộng sự đặc biệt giúp ông trong công việc nghiên cứu. Ông mong ước rằng, tiếng cồng chiêng, điệu múa Mường sẽ vươn xa, được lớp trẻ yêu thích gìn giữ và phát huy để gìn giữ cho đất nước một vốn vắn hóa quý.
Nghệ sĩ ưu tú Bùi Chí Thanh sinh năm 1933 tại Gia Viễn, Ninh Bình. Ông từng đoạt giải đạo diễn xuất sắc cho các tác phẩm múa: “Cây bông mẫu" (1993), “Hoà Bình chiến thắng" (1992). Được Giải thưởng Nhà nước cho 3 công trình nghiên cứu về nghệ thuật múa Mường. Với những cống hiến cho nghệ thuật, ông đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì và phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú. |
HBĐT tổng hợp
(HBĐT) - Mo Mường là bộ sử thi rất đồ sộ của người Mường. Một số nhà nghiên cứu sưu tầm đã bỏ công tập hợp lại các bài mo vốn chỉ được truyền khẩu qua các ông mo Mường ở tỉnh Hòa Bình và Thanh Hóa, là những vùng có người Mường sinh sống đông nhất.
(HBĐT) - Theo các tài liệu cổ viết bằng chữ Tày, trải qua hàng nghìn năm đấu tranh với thiên nhiên để giành sự sống cho mình, người Tày huyện Đà Bắc đã đúc rút được những kinh nghiệm quý giá, chẳng hạn như để dự báo thời tiết họ quan sát bầu trời về ban đêm: phá chi phận đạo chánh, phá chi lánh đạo chộm (Trời mưa sao tỏ, trời nắng sao mờ) hay: Cọp lếch nong, cọp tong lánh (Trăng quầng thì hạn, trăng tán thì mưa) hoặc: Phá lánh máu hộn, phá phận máu ọc (trời sắp mưa mối ra, trời nắng mối vào).
(HBĐT) - Hòa Bình là tỉnh có ít di tích loại Đình, Đền, Miếu - Đình Xàm xã Phú Lai, huyện Yên Thủy thờ thành hoàng là người bản địa, còn lưu giữ được 11 bản sắc phong (sớm nhất cuối thế kỷ XVIII muộn nhất vào năm 1925). Những yếu tố trên có thể coi đình Xàm là một di sản văn hóa quý giá giữa vùng Mường cổ của Hòa Bình.
(HBĐT) - Hang Chổ thuộc xóm Hui, xã Cao Răm, huyện Lương Sơn. Cách thành phố Hoà Bình 42km về hướng Đông bắc, cách thủ đô Hà Nội 40km. Theo tiếng Mư¬ờng có nghĩa là hang ốc vì trong hang có rất nhiều vỏ ốc nằm rải đều khắp trên nền hang.
HBĐT) - Di tích ghi dấu chiến công diệt xe tăng của anh hùng Cù Chính Lan nằm ở dốc Giang Mỗ cạnh đường 6A (cũ) thuộc địa phận xóm Giang Mỗ, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong. Chiến công diệt xe tăng địch của anh hùng Cù Chính Lan tại Giang Mỗ được gắn liền với chiến thắng oanh liệt của quân dân ta trong chiến dịch Hoà Bình năm 1951-1952.
(HBĐT) - Hang Muối nằm trong núi đá Ba Bến thuộc thị trấn Mường Khến, huyện Tân Lạc. Cách thành phố Hoà Bình khoảng 29km theo quốc lộ số 6 ngay thị trấn Mường Khến, huyện Tân Lạc. Hang Muối là một mái đá cao, thoáng đãng và rộng rãi, cửa rộng 27m; sâu 11m; cao 13m. Cửa hang quay theo hướng Đông nam thoáng mát về mùa hè và tránh được những cơn gió lạnh thấu xương về mùa Đông.