(HBĐT) - Mùa mưa kéo dài từ tháng 6 đến tháng 12 hàng năm khiến mực nước sông Bôi dâng cao. Các phương tiện vận tải hàng hóa không thể vượt sông vào khu vực trung tâm xã Hưng Thi (Lạc Thủy). Vì thế mà nông sản của nông dân rất nhiều khó khăn khi tìm đầu ra. Thực trạng này diễn ra từ nhiều năm nay ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình phát triển KT-XH của xã.


Địa bàn xã Hưng Thi bị chia cắt bởi nhiều sông, suối, dân cư sinh sống thưa thớt và hình thành các chòm dân cư nhỏ lẻ. Trước năm 2015, chính quyền xã khắc phục khó khăn bằng cách làm cầu tạm bằng tre, thùng phi để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Rất may trong nhiều năm liền không có sự việc đáng tiếc xảy ra. Thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn của xã, Hưng Thi vừa được Nhà nước đầu tư 28 tỷ đồng xây dựng 4 chiếc cầu treo dân sinh đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân. Trong đó, cầu Gạo Bạc nối liền khu vực trung tâm xã với tuyến đường Hồ Chí Minh được xem là con đường huyết mạch giúp người dân dễ dàng lưu thông ra huyện và chợ đầu mối để buôn bán, trao đổi hàng hóa. Tuy nhiên, bề mặt cầu treo dân sinh chỉ rộng 1,5 m, tải trọng 0,5 tấn, chỉ đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân bằng xe đạp, xe máy, còn việc vận chuyển hàng hóa từ Hưng Thi ra ngoài vẫn vô cùng gian nan.

Đồng chí Bùi Văn Dương, Chủ tịch UBND xã Hưng Thi cho biết: Để khắc phục tạm thời những khó khăn trên, thời điểm mùa khô (từ tháng 1 đến tháng 6) hàng năm, xe tải có thể vượt sông Bôi để vận chuyển hàng hóa từ trung tâm xã ra đường Hồ Chí Minh tiêu thụ. Nhưng khi vào mùa mưa nước lũ dâng cao, khu vực sâu nhất có thể lên đến 10 m, xe tải phải lựa chọn cung đường đi vòng qua xã Mỵ Hòa (Kim Bôi) dài 20 km để đến trung tâm xã. Tuy nhiên, trục đường liên xã Mỵ Hòa - Hưng Thi hiện chưa được cứng hóa, mặt đường hẹp, lầy lội rất khó đi. Vận chuyển khó khăn dẫn đến nông sản của địa phương bị ép giá, mất giá.


Xe tải vượt sông Bôi để vận chuyển hàng hóa vào xã Hưng Thi (Lạc Thủy).

Trao đổi với chúng tôi, anh Bùi Văn Nhinh, thôn Khoang cho biết: "Trong nhiều năm trở lại đây, nhân dân Hưng Thi chủ yếu phát triển nông, lâm nghiệp. Các sản phẩm như mía, cam, bưởi thường cho thu hoạch từ tháng 7 đến tháng 11, trùng với thời điểm nước sông Bôi dâng cao. Chính vì vậy, việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa gặp nhiều khó khăn. Nếu cây mía tại các xã vùng ngoài Phú Thành, Phú Lão có thể bán ra thị trường 3.000 đồng/cây, tại Hưng Thi chỉ bán được 2.000 đồng/cây. Ngoài ra, nếu xe tải đi đường vòng qua xã Mỵ Hòa (Kim Bôi) mất thêm chi phí vận chuyển từ 300.000- 400.000 đồng/xe.

Anh Bùi Văn Như ở thôn Khoang, là lái xe tải chở hàng cho biết: "Do không có cầu bê tông nên vận chuyển hàng hóa qua sông Bôi gặp nhiều khó khăn. Mùa khô không sợ chứ mùa mưa nguy hiểm luôn rình rập. Trong quá trình vượt sông, đã có lần xe tôi bị sa lầy, máy móc hư hỏng… Tôi phải nhờ đến sự giúp đỡ của anh em trong thôn mới có thể đưa được xe lên bờ. Mỗi lần như vậy, chi phí sửa chữa rất cao, chưa kể có những thời điểm xe hàng bị đổ, thiệt hại rất lớn về kinh tế, nên chúng tôi rất ngại khi vận chuyển hàng ra, vào Hưng Thi.

Hiện nay, Hưng Thi có 10 xóm, gần 1.000 hộ với khoảng 4.000 nhân khẩu, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã còn 26%. Tuy nhiên, Hưng Thi là xã duy nhất của huyện Lạc Thủy không có đường ô tô vào trung tâm xã. Việc xây dựng cầu treo đã giải quyết được nhu cầu cấp thiết của người dân. Tuy nhiên, một cây cầu bê tông kiên cố vẫn luôn là mơ ước của người dân nơi đây để mở đường cho nông sản Hưng Thi ra thị trường, góp phần thiết thực nâng cao đời sống.

 

               Đức Anh

Các tin khác


Huyện Lạc Sơn: Vượt khó thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

Phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2023, ngay từ quý I/2024, huyện Lạc Sơn tiếp tục nỗ lực vượt khó, quyết tâm thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội (KT-XH) quan trọng.

Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản

Căn cứ Quyết định số 482/QĐ-UBND, ngày 28/3/2024 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch hành động đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản tỉnh Hòa Bình năm 2024, Sở NN&PTNT ban hành Kế hoạch hành động số 262/KH-SNN, ngày 15/4/2024 về đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản năm 2024.

Tín hiệu kinh tế khởi sắc ở huyện Cao Phong

Những ngày trung tuần tháng 4, trên các vườn mía xã Hợp Phong (Cao Phong), nông dân tập trung thu hoạch mía bán cho tiểu thương. Anh Bùi Văn Biện cùng một vài người dân vác từng bó mía từ vườn ra trục đường lớn. Mồ hôi nhễ nhại nhưng trên gương mặt anh toát lên tinh thần lao động hăng say. Anh Biện cho biết, vụ mía năm nay giá bán thấp hơn cuối năm trước từ 2.500 - 3.000 đồng/cây. Tuy nhiên, cây mía phát triển tốt nên được tiểu thương đánh giá cao về chất lượng và tiêu thụ nhanh.

Hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xã Mai Hạ

Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, thời gian qua, xã Mai Hạ (Mai Châu) khuyến khích nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ cây lương thực kém hiệu quả, vùng canh tác không chủ động nước tưới sang trồng các loại cây chịu hạn, cây có hiệu quả kinh tế cao nhằm nâng cao giá trị sử dụng đất.

Quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 5,5% so với cùng kỳ

Trong quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh ước tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục