(HBĐT) - Vùng Thung Rếch - xã Tú Sơn (Kim Bôi) có 7 xóm, trong đó có 5 xóm là bà con chuyển dân vùng lòng hồ sông Đà từ những năm 1990. Những ngày đầu mới chuyển đến, vùng thung còn thưa thớt người ở. Các xóm Thung Dao và Thung Mường khi đó cũng chỉ có ít hộ dân. Bà con từ các xã lòng hồ của huyện Đà Bắc chuyển đến được phân bố đều về các điểm lập thành 5 xóm, kết hợp hai từ của hai huyện Kim Bôi, Đà Bắc mà thành tên xóm Kim Bắc từ 1 đến 5. Bắt tay vào khai phá, cải tạo mảnh đất chỉ toàn lau lách, cây rừng, cỏ dại, bà con dựng nhà mới, trồng cây, tra hạt, biến vùng đất hoang vu thành những bãi mía, bãi ngô trải dài.



Ông Quách Công Tiến, xóm Kim Bắc 2 (bên trái), chăm sóc cam Canh trong trang trại cây ăn quả rộng trên 3 ha.

Từ đường 12B, theo con đường nhỏ gần trường TH & THCS xã Tú Sơn, chúng tôi ngược dốc lên vùng thung, trong tâm trí vang lên những vần thơ của tác giả Đào Khang Hải về công cuộc đi khai phá vùng thung những năm 1970: "Lên thung, lên thung, lên Thung Rếch/ Đường đá tai mèo, dốc cao ngất/ Lau xanh, lau xanh, lau xanh um/ Một vùng mênh mông lau bát ngát/ Tay trái vít lau, tay phải chặt/ Xác lau dài ngả dưới chân ta Ta gieo hạt này/ Ta gieo hạt khác/ Mầm xanh non đội đất nhú lên/ Mầm xanh no ấm/ Mầm xanh bình yên... Vượt qua đoạn dốc cao hiện ra trước mắt là một vùng đất rộng bằng phẳng, thoai thoải dưới chân núi. Vùng lau xanh um thuở nào giờ đây đã được phủ một màu xanh của ngô, mía, cây ăn quả xanh tốt.

Dừng chân tại Kim Bắc 4, xóm giáp với xã Đú Sáng cùng huyện và xã Thống Nhất (TP Hòa Bình), anh Triệu Văn Lập, trưởng xóm cho biết: Thực hiện chủ trương chuyển dân lòng hồ sông Đà, từ năm 1993-1994, các hộ dân thuộc nhiều xã của huyện Đà Bắc đã chuyển về Thung Rếch định canh, định cư, trong đó, 20 hộ đồng bào Dao ở xã Toàn Sơn lập thành xóm Kim Bắc 4. Khi đó, nơi này là một vùng bãi hoang vu, đồi gianh, cỏ dại, rừng rậm rạp, cơ sở hạ tầng không có gì. Bà con phải bỏ rất nhiều công sức khai phá, tự mở đường, dựng nhà, tìm các khe suối để lấy nước về ăn. Một số hộ chuyển đến thấy khó khăn quá không trụ được lại chuyển về quê cũ. Dần dần cuộc sống từng bước ổn định. Điều kiện đất sản xuất ít, bà con trong xóm vẫn thường xen canh, giữ mối quan hệ tốt với bà con các xã giáp ranh Đú Sáng, Thống Nhất.

Khó có thể kế hết những khó khăn, vất vả, sức người, sức của đổ xuống đất này để đến nay, cả vùng Thung Rếch mang một màu xanh tươi tốt, màu mỡ. Từ cây trồng truyền thống là mía, ngô, những năm gần đây, bà con dần chuyển đổi cơ cấu, phát triển các loại cây có múi. Nhiều hộ dân đã đưa vào trồng cam, quýt, bưởi, nhãn nâng cao hiệu quả kinh tế, thu nhập. Vùng thung đã có những người tiên phong, năng động, tư duy đổi mới trong cách nghĩ, cách làm, mạnh dạn đầu tư các mô hình kinh tế trang trại quy mô góp phần mang lại diện mạo mới, tạo sự đổi thay trong phát triển kinh tế của vùng. Gia đình chị Lý Thị Kim, xóm Kim Bắc 4 hiện có 3 vườn với hơn 1.000 gốc cam trồng năm thứ 3, ngoài ra, chị còn chăn nuôi lợn, trồng ngô trên đồi mỗi vụ cho thu 20 - 30 tấn ngô. Hộ ông Quách Công Tiến, xóm Kim Bắc 2, 1 trong 3 hộ của vùng thung là thành viên HTX Mường Động đầu tư trang trại hơn 3 ha trồng cây có múi. Đến thăm trang trại, ông Tiến chia sẻ: Sau nhiều năm trồng mía, ngô hiệu quả kinh tế ngày càng thấp. Nếu trước đầu tư 1 tạ giống ngô có thể cho thu 200 triệu đồng thì nay chỉ cho thu khoảng 50 triệu đồng. Trước trồng mía nguyên liệu cho nhà máy mía đường, đầu ra ổn định, nay chủ yếu trồng mía tím, mía ép nước nên cũng bấp bênh. Do đó, gia đình đã quyết định chuyển hướng sang đầu tư cây ăn quả. Toàn bộ trang trại có diện tích trên 3 ha được trồng cam đường Canh, bưởi đỏ Tân Lạc, đến nay đang bắt đầu cho quả bói. Với quy trình sản xuất đảm bảo an toàn, sản phẩm HTX bao tiêu hy vọng sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ khi chuyển về đây sinh sống đến nay có thể nói, đời sống đã ổn định, có nhiều đổi thay tích cực, bà con yên tâm định canh, định cư. Tuy nhiên, trong sản xuất vẫn gặp nhiều khó khăn, hai cây trồng chính là mía và ngô ngày càng rớt giá. Mong muốn của bà con hiện nay là được hướng dẫn, hỗ trợ định hướng lựa chọn các loại cây, con phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, có giá trị kinh tế đưa vào sản xuất, nuôi trồng để nâng cao hơn nữa đời sống, thu nhập.

Đồng chí Bạch Công Dương, Chủ tịch UBND xã Tú Sơn cho biết: Những năm qua, vùng thung đã được quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng như đường giao thông, điện, nhà văn hóa xóm, trường học... tạo điều kiện để bà con yên tâm ổn định cuộc sống. Hiện nay, việc đi lại giữa vùng thung với vùng thấp đã thuận lợi hơn rất nhiều, không còn khó khăn, cách trở. Do đặc thù điều kiện sản xuất nên mức thu nhập của người dân còn thấp, số hộ nghèo còn cao. Đây là vấn đề cấp ủy Đảng, chính quyền xã quan tâm trong công tác lãnh, chỉ đạo, triển khai thực hiện để phát triển KT-XH vùng thung.

Có lợi thế về điều kiện tự nhiên, khí hậu, đất đai màu mỡ, tươi tốt, tuy nhiên, đời sống người dân vùng thung phần lớn còn khó khăn. Ngoài tuyến đường trục chính nối liền các xóm được đầu tư còn lại hầu hết các tuyến đường nội xóm, đường nội đồng còn là đường đất, có những đoạn đường rãnh sâu như giao thông hào ảnh hưởng rất lớn đến việc đi lại, vận chuyển nông sản hàng hóa. Vùng thung đã được đầu tư hệ thống cấp nước nhưng đến nay đã bị hư hỏng, bà con phải dùng nước giếng khoan và nước khe suối cho sinh hoạt, sản xuất. Bình quân thu nhập đầu người đạt thấp, số hộ nghèo còn cao như xóm Kim Bắc 2 có 27/41 hộ nghèo, xóm Kim Bắc 4 có 16/31 hộ nghèo, bình quân thu nhập đầu người mới chỉ đạt 10-13 triệu đồng/năm. Đời sống ổn định nhưng tìm hướng đi hiệu quả đang là nỗi niềm trăn trở của bà con.

Hà Thu


Các tin khác


Nông dân xóm Cóc Lẫm xót xa vì năng suất lúa sụt giảm

(HBĐT) - Trong lúc nhiều nơi, người nông dân trồng lúa hân hoan đón nhận vụ mùa năm nay thắng lớn thì ở một số xóm của các xã: Kim Bôi, Kim Truy, Trung Bì... của huyện Kim Bôi nông dân chẳng thiết đến thu hoạch bởi lúa có bông, hạt lép hoặc có hạt nhưng cũng chỉ lác đác.

Sở Xây dựng cải cách hành chính để nâng cao hiệu quả hoạt động

(HBĐT) - Năm 2015, Sở Xây dựng tiếp nhận và giải quyết 728 thủ tục hành chính (TTHC). 100% TTHC giải quyết đúng hạn, không có TTHC giải quyết quá hạn. Năm 2016, Sở tiếp nhận, giải quyết 922 TTHC, trong đó, 916 TTHC giải quyết đúng hạn (chiếm 99,35%), 6 TTHC giải quyết quá hạn, chiếm 0,65%. 8 tháng năm nay tiếp nhận, giải quyết 397 TTHC, 100% giải quyết đúng hạn, không có TTHC giải quyết quá hạn. Kết quả xếp hạng chỉ số cải cách hành chính (CCHC), năm 2015, Sở Xây dựng xếp thứ 17/20 sở, ngành, cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, năm 2016 vươn lên xếp thứ 9/20. Công tác CCHC được Sở chú trọng thực hiện nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với các lĩnh vực ngành Xây dựng.

Kim Bôi: Nông dân xót xa vì năng suất lúa sụt giảm

(HBĐT) - Trong lúc nhiều nơi, người nông dân trồng lúa hân hoan đón nhận vụ hè thu năm nay được mùa thắng lớn. Thì ở một số xóm của các xã như Kim Bôi, Kim Truy, Trung Bì… của huyện Kim Bôi chẳng thiết đến thu hoạch- lúa có bông, hạt lép, hoặc chẳng có hạt nhưng cũng chỉ lác đác.

Tập trung giải quyết vướng mắc trong GPMB và khiếu nại trên địa bàn

(HBĐT) - Ngày 4/10, đồng chí Nguyễn Văn Quang, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì hội nghị trực tuyến chuyên đề về " Tình hình giải phóng mặt bằng và công tác giải quyết khiếu nại liên quan đến thu hồi đất, giả phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư trên địa bàn. Dự hội nghị có các đồng chí: Hoàng Văn Tứ, Phó Chủ tịch HĐND; Bùi Văn Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, tổ chức liên quan, các huyện, thành phố trong tỉnh.

Đổi mới đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh

(HBĐT) - Đổi mới trong chỉ đạo, điều hành; đổi mới và nâng cao hiệu quả đối thoại với doanh nghiệp, nhà đầu tư bằng những giải pháp cụ thể giải quyết những khó khăn, vướng mắc hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh được UBND tỉnh thực hiện từ đầu năm đến nay đang góp phần xây dựng bộ máy chính quyền đồng hành, phục vụ doanh nghiệp và người dân vì sự phát triển chung của tỉnh.

Triển vọng từ mùa quả ngọt

(HBĐT) - Chúng tôi đến thăm mô hình kinh tế gia đình của bà Lê Thị Tâm, xóm Trường Sơn, xã Trường Sơn (Lương Sơn) vào một buổi trưa nắng. Từ dưới đường nhìn lên là cả một đồi cam, bưởi xanh bát ngát. Nhìn thì gần nhưng phải đi gần 30 phút chúng tôi mới lên được đồi nhà bà Tâm. Khu đồi bưởi xen cam của gia đình bà Tâm trước đây là đồi chè cằn cỗi. Nhanh nhẹn, tháo vát, miệng nói, tay làm, bà Tâm gây ấn tượng với người đối diện ngay từ lần gặp đầu tiên. Nhìn cách bà leo đồi thoăn thoắt và cuốc vườn không ai nghĩ bà đã gần 60 tuổi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục