(HBĐT) - Đồng chí Bùi Thanh Sướt, Chủ tịch UBND xã Đú Sáng cho biết: Là xã vùng đặc biệt khó khăn, cách trung tâm huyện Kim Bôi 17 km, Đú Sáng có trên 13.000 hộ, 5.900 khẩu sống trên địa bàn 17 xóm. Trong những năm qua, được sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước và sự nỗ lực không ngừng của Đảng bộ, chính quyền nhân dân trong xã, Đú Sáng được biết đến là một trong những điểm sáng về chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Nhiều mô hình mới đem lại hiệu quả kinh tế cao được triển khai trên địa bàn, góp phần nâng cao đời sống nhân dân.


Thôn Bưa Sào là xóm chuyển đổi cơ cấu cây trồng mạnh và thành công của xã. Cùng với duy trì diện tích lúa, người dân đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng bí xanh. Vụ bí vừa qua, nông dân Bưa Sào được mùa, được giá. Theo người trồng bí ở đây, với thời gian từ 4-5 tháng, đầu vụ năm nay, mỗi kg bí xanh có giá bán 15.000 đồng/kg, trung bình cả vụ 10.000 đồng/kg. Tính mỗi ha, nông dân thu về từ 250- 300 triệu đồng. Cùng với trồng bí xanh, người dân còn chuyển đổi sang các loại rau màu khác như: mướp đắng, dưa chuột thương phẩm, đậu cô ve… Từ lâu, nông dân đã tổ chức sản xuất 3 vụ/năm. Nhiều hộ ở Bưa Sào còn thầu đất ở nơi khác để phát triển sản xuất. Từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhiều hộ đã có cuộc sống no ấm.


Người dân xóm Sáng Trong, xã Đú Sáng (Kim Bôi) đầu tư trồng bí xanh nâng cao thu nhập.

Không chỉ ở thôn Bưa Sào, trên địa bàn xã Đú Sáng, các xóm đều tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện của từng vùng. Xã chia làm 3 vùng: Đú Sáng A, Đú Sáng B và Đú Sáng C. Vùng Đú Sáng A gồm các xóm: Sáng Mới, Sáng Trong, Sáng Ngoài, Đồi Mu, người dân chủ yếu trồng lúa, hoa màu và cây ăn quả. Vùng Đú Sáng B gồm các xóm: Bưa Sào, Đồng Bãi, Gò Bùi, Bãi Tam tận dụng diện tích đất bưa bãi trồng bí xanh, rau, củ các loại cung cấp cho thị trường Hà Nội. Vùng Đú Sáng C với các xóm: Suối Chuộn, Suối Thản, Lâm Trường, Suối Bí, địa hình đồi núi nên chủ yếu phát triển cây lâm nghiệp.

Toàn xã có tổng diện tích gieo trồng trên 1.000 ha. Người dân tích cực ứng dụng KH- KT vào sản xuất, năng suất cây trồng, vật nuôi được nâng lên rõ rệt. Với diện tích cấy lúa 272 ha, năng suất bình quân đạt 53 tạ/ha, sản lượng đạt 1.442 tấn. Diện tích ngô 320 ha, năng suất 48 tạ/ha, sản lượng đạt 1.536 tấn. Diện tích còn lại, người dân trồng bí xanh, bí đỏ, mướp đắng lấy hạt, dưa chuột, rau, đậu các loại... Đặc biệt, gần đây thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện, xã thực hiện liên kết sản xuất, thu hút các doanh nghiệp đầu tư các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị, nâng cao giá trị, ổn định thị trường tiêu thụ nông sản. Nhiều mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao đã được triển khai và nhân rộng trên địa bàn xã như: Mô hình trồng dưa chuột Nhật liên kết với Công ty TNHH Pacific quy mô 8 ha, triển khai tại xóm Sáng Trong; mô hình trồng đậu đũa liên kết với Công ty CP Nông nghiệp xanh miền Bắc; mô hình trồng mướp đắng, bí đỏ lấy hạt, quy mô 46 ha tại xóm Đồng Bãi, Bưa Sào, Bãi Tam đem về thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha... Bên cạnh đó, xã phát triển diện tích trồng rừng trên 2.200 ha, cây ăn quả 17 ha.

Cùng với trồng trọt, người dân bước đầu đầu tư chăn nuôi theo hướng hàng hóa với tổng đàn trâu, bò gần 1.400 con, lợn trên 5.200 con, đàn gia cầm 41.000 con, dê 135 con và 12 ha nuôi thủy sản.

Nhờ tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mạnh dạn trong tư duy, cách làm, cuộc sống người dân Đú Sáng đã thay đổi rõ rệt. Năm 2017, xã phấn đấu đạt thu nhập bình quân 15 triệu đồng/ người/năm. Đến nay, xã đạt 11/19 tiêu chí xây dựng NTM.

Tuy nhiên, theo đồng chí Bùi Thanh Sướt, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn cao, một bộ phận người dân đời sống còn nhiều khó khăn. Trong thời gian tới, xã tập trung quy hoạch vùng sản xuất, duy trì và phát triển rộng vùng trồng tập trung chuyên canh mang tính hàng hóa. Đối với chăn nuôi, xã duy trì và phát triển mạnh đàn gia súc, định hướng chuyển đổi từ chăn thả sang chăn dắt tại chuồng trại, quy hoạch đồng cỏ, trồng cỏ làm thức ăn cho gia súc đảm bảo phát triển chăn nuôi.


H.L

Các tin khác

Không có hình ảnh

Nâng cao hiệu quả sử dụng đất canh tác

(HBĐT) - Tân Lạc là vùng đất tiềm năng về nông sản, hơn thế 93,49% dân số sống bằng nghề nông. Tuy nhiên, đất nông nghiệp của huyện chỉ chiếm 14,3% diện tích đất tự nhiên. Bởi vậy, trong những năm qua, huyện đã có nhiều nỗ lực nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất canh tác trong sản xuất nông nghiệp.

Ngô đông phủ xanh đồng đất Phú Lương

(HBĐT) - Mặc dù phải chịu những ảnh hưởng của trận mưa lũ lịch sử trong 2 ngày 10 - 11/10, thế nhưng, bà con xã Phú Lương (Lạc Sơn) vẫn miệt mài, không cho đất nghỉ. Gần chục năm trở lại đây, sau khi thu hoạch vụ hè thu, nông dân xã vùng sâu này lại cắt rạ làm vụ đông.

Công bố nhãn hiệu tập thể “Cam Lạc Thủy”

(HBĐT) - Ngày 12/11, huyện Lạc Thủy đã tổ chức lễ công bố đón văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể "Cam Lạc Thủy” cho các sản phẩm cam của huyện. Tới dự có đại diện Bộ NN & PTNT, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH & CN), Trung tâm Khuyến nông quốc gia. Phía tỉnh ta có các đồng chí: Nguyễn Văn Quang, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Văn Tứ, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam, thường trực HĐND, UBND, lãnh đạo các sở, ngành, các huyện, thành phố trong tỉnh và tỉnh lân cận, cộng đồng người trồng cam cùng đông đảo nhân dân trên địa bàn.

Xây dựng thương hiệu Cam Lạc Thủy, tạo động lực thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, nông thôn

(HBĐT) - Lạc Thủy là huyện vùng núi thấp của tỉnh, tiếp giáp với TP Hà Nội, các tỉnh: Hà Nam, Ninh Bình, rất thuận lợi cho giao lưu hàng hóa, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản, cây ăn quả. Đặc biệt, huyện có điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi, nguồn lao động, trình độ thâm canh của huyện thích hợp và là những tiềm năng lớn, phát triển các loại cây ăn quả, cây có múi có giá trị kinh tế cao như: cam, quýt, bưởi theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo chuyển dịch trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

Cố Nghĩa - hòa chung niềm tự hào Cam Lạc Thủy

(HBĐT) - Nói đến cam Lạc Thủy không thể không nói đến xã Cố Nghĩa - vùng đất được cho là "cái nôi” của cam Lạc Thủy, nơi mà từ những năm 1970 cây cam đã phủ xanh các triền đồi, mang lại no ấm cho biết bao hộ dân sinh sống thuộc thị trấn nông trường Sông Bôi (cũ). Giờ đây, sau hơn 40 năm mất đi vị thế cây chủ lực, cây cam đang dần tìm lại chỗ đứng trên đất Cố Nghĩa, hứa hẹn trở thành cây đột phá về kinh tế và tiếp thêm sức mạnh cho thương hiệu nông sản được tự hào mang tên địa danh: Cam Lạc Thủy.

Xã Phú Thành phát triển vùng cam truyền thống

(HBĐT) - Vài năm trở lại đây, xã Phú Thành (Lạc Thủy) đã lựa chọn những lối đi bền vững. Bên cạnh việc nhân dân trên địa bàn tích cực đưa các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao vào sản xuất thì việc khai thác tốt tiềm năng thổ nhưỡng, phát triển mạnh mẽ trồng cây ăn quả, trong đó có cây cam theo hướng sản xuất hàng hoá đã tạo ra sự bứt phá mạnh mẽ đối với đời sống cũng như thu nhập của một bộ phận không nhỏ người dân nơi đây.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục