Những ngày đầu xuân, chúng tôi về xã Hương Nhượng (Lạc Sơn). Trồng rừng đang là hướng đi đầy triển vọng mang lại mùa xuân no ấm cho nhân dân vùng đất này. Xã có 8 xóm, phố. Phong trào trồng rừng phát triển mạnh ở các xóm Bưng, Biu, Vín Thượng, Vín Hạ. Đồng chí Bùi Văn Chiền, Chủ tịch UBND xã Hương Nhượng cho biết: Năm 2017, xã trồng được trên 100 ha rừng, diện tích rừng khai thác cho thu nhập trên 50 triệu đồng/ha. Có được những cánh rừng trải dài này là nhờ chỉ đạo, tổ chức triển khai của cấp ủy, chính quyền xã và sự đồng lòng, chung sức của nhân dân. Trước đây, do đời sống người dân còn nhiều khó khăn nên bà con đã chặt phá rừng bừa bãi.
Người dân xóm Bưng, xã Hương Nhượng (Lạc Sơn) thác rừng keo cho thu nhập bình quân 50 triệu đồng/ha.
Để khắc phục tình trạng đó, Ban quản lý phát triển rừng của xã và các xóm, phố rà soát lại diện tích rừng bị lấn chiếm, đẩy mạnh tuyên truyền thông qua các cuộc họp thôn, xóm, tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh xã... để giúp người dân hiểu rõ những lợi ích trong phát triển trồng rừng. Nhờ đó, bà con đã có nhận thức đúng đắn và tích cực trồng cây gây rừng. Nhiều hộ thoát nghèo, có cuộc sống khấm khá từ trồng rừng như hộ anh Bùi Văn Hà, Quách Văn Thành ở xóm Bưng...
Đồng chí Bùi Văn Khánh, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Lạc Sơn cho biết: Do sớm nhận thức, xác định được lợi thế, tiềm năng đất đai và nguồn nhân lực dồi dào tại địa phương với những cơ chế chính sách thông thoáng, khuyến khích phát triển lâm nghiệp nên nhiều gia đình trong huyện được giao đất lâm nghiệp đã biết làm giàu từ trồng rừng kinh tế. Ngoài diện tích được giao, nhiều hộ liên doanh trồng rừng kinh tế với công ty lâm nghiệp, lâm trường trong huyện. Các hộ trồng rừng còn thực hiện các mô hình kinh tế cho hiệu quả cao dưới tán rừng như chăn nuôi lợn, gà thả vườn, nuôi ong lấy mật, xây dựng mô hình VACR liên hoàn... Nhờ những mô hình kinh tế này, cuộc sống của người dân ngày càng khởi sắc. Bên cạnh đó, huyện Lạc Sơn đã đẩy mạnh xã hội hóa nghề rừng, tiến hành giao đất, giao rừng cho nhân dân quản lý để góp phần nâng cao ý thức tự giác của người dân trong bảo vệ và làm giàu vốn rừng. Đến nay, 100% diện tích đất lâm nghiệp đã được giao cho các hộ nhận chăm sóc và quản lý. Các địa bàn đã xây dựng được hương ước bảo vệ rừng, khai thác, tỉa thưa rừng hợp lý, cho thu nhập kinh tế cao.
Ông Nguyễn Xuân Trường, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Năm 2017, tỉnh có kế hoạch trồng mới 7.500 ha rừng. Nhờ chủ động về đất đai, cây giống, đến hết tháng 12, các huyện, thành phố và các lâm trường trong tỉnh đã trồng được 7.528 ha rừng ha và 220.000 cây phân tán các loại; khai thác 320.000 m3 gỗ; 2 triệu ste củi; hơn 16 triệu cây luồng, tre, nứa các loại và 9,5 tấn lâm sản ngoài gỗ. Giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp ước đạt 1.221 tỷ đồng. Các địa phương đã chú trọng trồng cây gỗ lớn và cây bản địa, tăng cường công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng. Các khu rừng được bảo vệ tốt không có hiện tượng chặt, cháy, lấn chiếm xâm hại rừng làm nương rẫy. Với kết quả đó, tỉnh ta tiếp tục duy trì độ che phủ rừng ổn định trên 51%.
Để triển khai có hiệu quả chỉ tiêu phát triển rừng ngay từ đầu năm, các địa phương đã giao đất lâm nghiệp, giao rừng, cho thuê đất lâm nghiệp đối với các hộ và các đơn vị sản xuất kinh tế lâm nghiệp; khuyến khích các thành phần kinh tế mở rộng quy mô, chế biến lâm sản trên địa bàn để tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường. Bên cạnh đó, công tác bảo vệ rừng cũng luôn được chú trọng. Từ việc nhận khoán trồng, chăm sóc, bảo vệ, ý thức của người dân đã được nâng lên rõ rệt. Những khu rừng keo có tác dụng cải tạo, hồi sinh vùng đất bạc màu và trả lại sự cân bằng môi trường sinh thái. Thực tế tại các địa phương cho thấy, phong trào trồng rừng kinh tế đã phát triển mạnh. Hàng ngàn hộ nông dân của các huyện Kim Bôi, Lạc Thủy, Lạc Sơn... từ nghèo khó đã vươn lên khá giả nhờ trồng rừng, phát triển nông, lâm kết hợp...
Đinh Thắng