Hạ tầng giao thông đô thị TP Hòa Bình được đầu tư góp phần thúc đẩy KT-XH trên địa bàn tỉnh.
Đường giao thông đang hiện thực hóa ước mơ đổi đời cho người dân nhiều vùng khó khăn trong tỉnh. Vùng cao Ngọc Sơn, Tự Do, Ngọc Lâu (Lạc Sơn); Quyết Chiến, Lũng Vân, Ngổ Luông vui phiên chợ đầy ắp nông sản hàng hóa. Đường nối lên Ba Khan, Cun Pheo, đường từ Hang Kia- Pà Cò (Mai Châu) đón sắc đào tươi thắm, sắc trắng tinh khiết hoa mai, lảnh lót tiếng khèn bản Xà Lĩnh. Đường giao thông đang mang lại cơ hội phát triển du lịch văn hóa, trải nghiệm cho du khách, cải thiện đời sống người dân các xóm bản ven hồ Hòa Bình... Giao thông đang xóa đi cảm giác bị cô lập cho người dân các xã: Pù Pin, Noong Luông, Ba Khan (Mai Châu), làm vợi bớt cuộc sống lam lũ cho người dân các xã Đồng Chum, Suối Nánh, Mường Chiềng (Đà Bắc)…
Năm 2017- thiên tai, mưa lũ gây thiệt hại kỷ lục cho mạng lưới giao thông tỉnh, ước tính sơ bộ lên tới hàng trăm tỷ đồng. Hạ tầng giao thông bị phá hủy nghiêm trọng, nhiều khu vực bị cô lập, tiếp cận khó khăn. Tỉnh đã chỉ đạo cả hệ thống chính trị, tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ, tiếp cận các vùng bị cô lập trong thời gian sớm nhất có thể, giúp người sớm ổn định sản xuất và đời sống. Cho đến nay, dẫu còn khó khăn, nhưng tất cả các tuyến đường đã được thông xe mang lại cảm giác an tâm cho đồng bào vùng thiên tai, lũ bão khi xuân đã cận kề.
Những năm gần đây, đã có hàng nghìn tỷ đồng đầu tư hạ tầng giao thông của tỉnh. Hầu hết các tuyến quốc lộ trên địa bàn được đầu tư nâng cấp. Thực hiện quy hoạch phát triển giao thông vận tải, tỉnh ưu tiên đầu tư một số tuyến đường có tính chất đối ngoại, đường đô thị, đường đến các khu, cụm công nghiệp, qua các vùng động lực kinh tế, đường kết nối với khu du lịch quốc gia, đường nối quốc lộ với quốc lộ, tỉnh lộ với tỉnh lộ và một số tuyến đường quan trọng đối với phát triển KT-XH, bảo đảm QP-AN, xây dựng nông thôn mới. Nhiều tuyến đường được đầu tư xây dựng như: đường tỉnh 438 Khoan Dụ- An Bình (Lạc Thủy); đường liên huyện vùng cao Lạc Sơn - Tân Lạc; đường Cun Pheo - Hang Kia - QL 6, đường Hồ Chí Minh, QL 12 B đi QL 1, đường tỉnh 433- Hòa Bình- Đà Bắc, cầu Suối Hoa…Nhiều công trình giao thông được hoàn thành và phát huy hiệu quả đầu tư, thúc đẩy giao lưu kinh tế, cải thiện dân sinh.
Mặc dù hạ tầng giao thông của tỉnh đã được quan tâm đầu tư ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển KT-XH. Thế nhưng đặt trong bối cảnh hội nhập và kết nối, kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh còn nhiều vấn đề hạn chế như: Cấp kỹ thuật còn thấp, công trình vượt sông, suối lớn còn thiếu, quy mô chưa phù hợp với quy hoạch, tỷ lệ mặt đường có kết cấu bằng bê tông nhựa, bê tông xi măng thấp. Nhìn vào thực tế còn nhiều khó khăn, thế nhưng cơ hội phát triển hạ tầng giao thông của tỉnh đang có những tín hiệu lạc quan. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI xác định: Kết cấu hạ tầng giao thông là một phần quan trọng trong kết cấu hạ tầng KT-XH, phản ánh bộ mặt của các quốc gia cũng như trình độ phát triển của mỗi địa phương; phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là một trong ba khâu đột phá trong phát triển KT-XH.
Năm 2017, cùng với chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả nặng nề do thiên tai, mưa lũ, bảo đảm giao thông bước 1 và đề xuất giải pháp bảo đảm giao thông bước 2, UBND tỉnh đề xuất Bộ GTVT và được phê duyệt 48 cầu trên toàn tỉnh với mức đầu tư trên 96 tỷ đồng. Dự án đang được triển khai, góp phần giải quyết tình trạng giao thông ở nhiều khu vực còn khó khăn. Tỉnh cũng phối hợp với các tỉnh Nam Định, Ninh Bình thống nhất đề xuất xem xét nâng cấp một số tuyến đường địa phương thành quốc lộ nối với QL 10, QL 37 B, QL 38 B, cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình với đường Hồ Chí Minh thuộc các tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Hòa Bình. Bộ GTVT đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung tuyến đường vào quy hoạch phát triển GTVT Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, chiều dài địa phận tỉnh 20,5 km, đi qua các xã: Yên Bồng, Khoan Dụ, Liên Hòa, An Bình (Lạc Thủy).
Tỉnh đang thực hiện các giải pháp huy động nguồn lực đầu tư xây dựng mạng lưới giao thông hoàn chỉnh, có khả năng kết nối thuận lợi với TP Hà Nội và các tỉnh đồng bằng sông Hồng, mở rộng liên kết vùng nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư, khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế phát triển công nghiệp, nông nghiệp, du lịch dịch vụ. Trong đó phấn đấu hoàn thành dự án đường Hòa Lạc - TP Hòa Bình và một số cầu qua sông Đà; xây dựng tuyến đường liên huyện vùng cao Lạc Sơn - Tân Lạc; đường Cun Pheo - Hang Kia - QL 6, QL 70 - Hòa Bình đi Phú Thọ; QL 6, đường tỉnh 433 đi Sơn La; đường 438 A, 438 B đi Ninh Bình, QL 15 đi Thanh Hóa; đường liên huyện Ngổ Luông- Ngọc Sơn; đầu tư nâng cấp một số tuyến đường phục vụ thu hút đầu tư, khai thác tiềm năng khu du lịch hồ Hòa Bình như cải tạo đường Bình Thanh - Thung Nai, một số tuyến đường lên các bản du lịch của Tân Lạc và Đà Bắc… phấn đấu đến năm 2020, hệ thống quốc lộ, đường tỉnh cơ bản đưa vào cấp kỹ thuật, quốc lộ cơ bản đạt tiêu chuẩn đường cấp III, đường tỉnh đạt tiêu chuẩn cấp IV, giao thông đô thị cơ bản đưa vào cấp kỹ thuật, đường huyện cơ bản đạt tiêu chuẩn cấp V, đường xã tiêu chuẩn đường cấp VI gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới; triển khai kế hoạch nạo vét tuyến đường thủy nội địa đạt tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy hoạch, xây dựng các bến cảng trên tuyên sông Đà và sông Bôi. Chắc chắn trong tương lai gần, khi quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đang được hiện thực hóa sẽ là động lực lớn giúp tỉnh ta quản lý, khai thác hiệu quả các tiềm năng lợi thế, mở ra con đường đi tới hạnh phúc, ấm no.
L.C