(HBĐT) - Những năm qua, với sự nỗ lực của các doanh nghiệp, hợp tác xã, người sản xuất và sự đồng hành của ngành chức năng, chính quyền các địa phương trong tỉnh đã góp phần đưa thương hiệu các sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), sản phẩm nông nghiệp, nông thôn tiêu biểu đến với người tiêu dùng.
Sản phẩm gừng tươi của Công ty Pacific Hòa Bình (phường Thống Nhất - TP Hòa Bình) được sơ chế đảm bảo tiêu chuẩn của đơn đặt hàng từ thị trường Nhật Bản.
Là một trong những địa phương dẫn đầu trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cũng như thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP, thời gian qua, các dịch vụ hỗ trợ nông dân thông tin, xây dựng thương hiệu và tiêu thụ nông sản luôn được các cấp chính quyền huyện Lạc Thủy quan tâm. Đồng chí Ngọ Đình Tâm, Trưởng phòng NN& PTNT huyện cho biết: Huyện Lạc Thủy đề ra mục tiêu đến hết năm 2023 phấn đấu nâng cấp, chuẩn hóa và công nhận thêm 4 sản phẩm đạt hạng 3 - 4 sao. Bên cạnh đó, với nhóm sản phẩm đặc thù địa phương, ngành nông nghiệp huyện phối hợp với UBND các xã, thị trấn tiếp tục rà soát, xây dựng và hỗ trợ chủ thể hoàn thiện thủ tục pháp lý, đổi mới bao bì, mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm; hỗ trợ, định hướng quy trình tham gia đánh giá phân hạng OCOP cho các sản phẩm này trên cơ sở điểm mạnh, điểm yếu của từng sản phẩm để có kế hoạch phát triển phù hợp.
Nhờ triển khai hiệu quả, đồng bộ nhiều giải pháp, đến nay, toàn huyện có 17 sản phẩm OCOP 3 - 4 sao. Trong đó, một số sản phẩm như chè, măng đã qua sơ chế, chế biến được xuất khẩu sang thị trường Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức... Các sản phẩm OCOP khác đang được bày bán rộng rãi tại hệ thống các cửa hàng nông sản sạch trong huyện, trong và ngoài tỉnh, hệ thống siêu thị lớn trong cả nước như: Winmart, Lottemart, Big C, các sàn thương mại điện tử Voso.vn, Posmart.vn... Những thành quả từ Chương trình OCOP đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân các địa bàn trong huyện. Đồng thời cũng là cơ sở cho sự phát triển kinh tế nông thôn bền vững, góp phần vào thành công cán đích huyện nông thôn mới theo đúng lộ trình.
Những năm gần đây, với sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương; sự thay đổi tư duy sản xuất của nông dân; sự tham gia kịp thời của các sàn thương mại điện tử trong việc đào tạo, tập huấn cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh tiếp cận công nghệ thông tin, kỹ năng kinh doanh trên nền tảng số... sản xuất nông nghiệp của tỉnh có những chuyển biến tích cực. Toàn tỉnh hiện có 123 sản phẩm OCOP đạt 3 - 4 sao, trên 100 chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng thực phẩm an toàn, góp phần tạo liên kết chặt chẽ giữa người sản xuất và doanh nghiệp để sản xuất hàng hóa gắn với thị trường, thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh.
Cùng với đó, từ việc cấp 21 mã số vùng trồng cho tổng diện tích canh tác 168,7 ha, đã mở ra cơ hội xuất khẩu cho nhiều mặt hàng nông sản của tỉnh sang những thị trường lớn. Các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP ngày càng đa dạng, chất lượng cao, phát huy được tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương, đáp ứng những yêu cầu khắt khe của các nước nhập khẩu. Từ đầu năm đến nay, đã có 7 doanh nghiệp, hợp tác xã sơ chế, chế biến sản phẩm nông, lâm, thủy sản xuất khẩu sản phẩm sang thị trường các nước: Nhật Bản, Trung Quốc, Anh và thị trường EU... với tổng sản lượng đạt trên 1.504 tấn, tổng giá trị xuất khẩu đạt 62,52 tỷ đồng.
Đồng chí Nguyễn Hữu Tài, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tỉnh cho biết: Hơn ai hết, để đưa sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, các sản phẩm OCOP của tỉnh vươn xa ra thị trường, cần sự chủ động của các chủ thể về xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh, phát triển sản phẩm. Chú trọng ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất, nâng cao chất lượng, nhãn hiệu, mẫu mã sản phẩm, xây dựng thương hiệu… Để thực hiện mục tiêu này, những tháng tiếp theo, Chi cục tiếp tục hướng dẫn, thẩm định và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản; hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã trong xúc tiến thương mại; thực hiện thanh tra theo kế hoạch việc chấp hành các quy định an toàn thực phẩm trong chế biến, kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản nhằm ngăn chặn các sản phẩm kém chất lượng được lưu hành trên thị trường...
Thu Hằng
Tại các tỉnh miền núi, các dự án đầu tư ngoài ngân sách của cộng đồng doanh nghiệp thường gặp nhiều rủi ro, thách thức hơn so với các địa phương khác. Nhiều khó khăn trong thời gian qua đã ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp ở Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng.
(HBĐT) - Chiều 25/10, UBND tỉnh và Hội Nông dân (HND) tỉnh phối hợp tổ chức hội nghị biểu dương nông dân xuất sắc trong phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi (SX-KDG) tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021 - 2023. Dự hội nghị có đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
(HBĐT) - Sáng 25/10, đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đoàn công tác đã kiểm tra công tác chuẩn bị Lễ hội cá tôm sông Đà tỉnh Hoà Bình lần thứ nhất, Hội chợ nông nghiệp và triển lãm sản phẩm OCOP khu vực trung du, miền núi phía Bắc năm 2023.
(HBĐT) - Những năm gần đây, người dân huyện Kim Bôi tập trung phát triển kinh tế theo hướng trồng rừng sản xuất. Phát triển kinh tế rừng đem lại những lợi ích thiết thực về KT-XH, bảo vệ rừng đầu nguồn, bảo vệ môi trường, tăng độ che phủ rừng và tạo việc làm tại chỗ, đảm bảo nguồn thu nhập ổn định, góp phần xóa đói - giảm nghèo cho người dân địa phương.