Sáng 25/11, đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì họp UBND tỉnh thường kỳ tháng 11/2024, kiểm điểm việc thực hiện các nhiệm vụ do UBND tỉnh giao và thảo luận, cho ý kiến vào các vấn đề phát triển KT-XH của tỉnh.
Đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận cuộc họp.
Theo Báo cáo của UBND tỉnh, trong tháng 10, các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố đã tích cực triển khai các nhiệm vụ, công việc do UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh giao để thúc đẩy sản xuất - kinh doanh. Trong đó, tập trung giải ngân vốn đầu tư công (GNVĐTC), thu ngân sách nhà nước; đẩy mạnh giải phóng mặt bằng (GPMB) các dự án trọng điểm; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; rà soát các dự án chậm tiến độ, không triển khai thực hiện, không có giá trị giải ngân để xử lý theo thẩm quyền…
Thảo luận tại cuộc họp, các đại biểu đã cho ý kiến về các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác GNVĐTC, GPMB các dự án trọng điểm. Theo đó, các đại biểu nêu rõ: Mặc dù đã có sự chỉ đạo quyết liệt nhưng công tác GNVĐTC hiện nay rất chậm so với kế hoạch, nhiều công trình có nguy cơ mất vốn. Trong đó, một số công trình dự án giao thông trọng điểm tỷ lệ giải ngân thấp. Nguyên nhân chủ yếu là công tác đền bù, GPMB gặp vướng mắc, nhiều thửa đất trong diện thu hồi bị chồng lấn, chưa quy chủ, vì vậy, khó hoàn thành khối lượng GPMB theo kế hoạch. Ngoài ra, các chương trình mục tiêu quốc gia giải ngân vốn chậm so với kế hoạch. Nguyên nhân chủ yếu do các thủ tục đầu tư triển khai chậm và kéo dài thời gian. Nhóm dự án thuộc vốn chương trình ổn định dân cư vùng lòng hồ Hòa Bình cũng có tỷ lệ giải ngân vốn rất thấp…
Các đại biểu đề nghị tỉnh có hướng dẫn cụ thể về việc cưỡng chế GPMB đối với những thửa đất chưa quy chủ, không phối hợp trong công tác đền bù GPMB. Mặt khác, cần tiếp tục có hướng dẫn cụ thể quy trình, hồ sơ, thủ tục đối với công tác đền bù GPMB theo quy định của Luật Đất đai mới.
Tại cuộc họp, các đại biểu cũng xem xét và cho ý kiến vào Tờ trình dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh về việc phê duyệt Kế hoạch đầu tư công năm 2025; Tờ trình dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh về việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 (lần 8) và Tờ trình dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh về việc dừng chủ trương đầu tư một số dự án trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhận định: Hiện nay, công tác GPMB nhiều dự án chậm tiến độ, cấp ủy đảng, chính quyền một số địa phương tỏ ra lúng túng, chưa thuộc hết quy trình công tác bồi thường, GPMB, nhất là việc áp dụng Luật Đất đai mới. Vì vậy, các sở, ngành, địa phương cần có sự phối hợp, hướng dẫn và giải quyết kịp thời.
Liên quan đến công tác bồi thường, GPMB, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nêu: Theo Luật Đất đai mới, để thu hồi đất cần phải có bố trí tái định cư cho các hộ dân thuộc diện thu hồi đất. Vì vậy, nhiệm vụ mang tính chiến lược trong thời gian tới là các ngành, UBND các huyện cần tính đến phương án xây dựng các khu tái định cư để triển khai các dự án cần thu hồi đất. Muốn vậy, phải thực hiện đồng bộ ngay từ khâu quy hoạch đất và các quy hoạch khác về xây dựng các khu tái định cư.
Đối với công tác GNVĐTC, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố khẩn trương chỉ đạo sát sao, quyết liệt giải ngân đảm bảo theo đúng kế hoạch, không để bị mất vốn. Với các dự án có nguồn vốn lớn cần rà soát và đốc thúc các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ, tăng khối lượng để thực hiện giải ngân. Đồng chí cũng đề nghị tiếp tục quan tâm đầu tư các tuyến giao thông bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ đã xuống cấp để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại. Yêu cầu thủ trưởng các đơn vị, lãnh đạo UBND các huyện, thành phố nâng cao trách nhiệm, phải rõ vai thuộc bài, chủ động, tích cực thực hiện hoàn thành nhiệm vụ chung, đảm bảo thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển KT-XH của địa phương năm 2024.
Đinh Hòa
Thực hiện kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trên địa bàn huyện Lạc Thủy có 28 công trình triển khai trên địa bàn 8 xã với tổng mức đầu tư khoảng 65.704 triệu đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương 23.607 triệu đồng; ngân sách tỉnh 9.442,80 triệu đồng; ngân sách huyện đối ứng 14.164,20 triệu đồng; vốn huy động khác khoảng 18.526 triệu đồng.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021 - 2025, các địa phương trong tỉnh chú trọng tổ chức lại sản xuất theo hướng tăng cường liên kết để thêm sức mạnh phát triển kinh tế nông thôn. Đến nay, đã có 110 xã hoàn thành tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, đạt tỷ lệ 85,3% tổng số xã trong toàn tỉnh.
Những năm qua, phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” được các cấp Hội Nông dân huyện Cao Phong triển khai thực hiện hiệu quả, qua đó xuất hiện nhiều tấm gương nông dân nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế, làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Theo Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mai Châu, đến hết tháng 10/2024, tổng dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn huyện đạt 433,1 tỷ đồng, với 10.784 khách hàng còn dư nợ. Trong 10 tháng, có 2.265 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn được tiếp cận vốn chính sách, doanh số cho vay đạt trên 114 tỷ đồng.
Triển khai nhiều chương trình tín dụng, thủ tục vay vốn đơn giản, lãi suất ưu đãi, những năm qua, nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) đã giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh vượt lên khó khăn. Đây là "đòn bẩy” quan trọng để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Ngày 28/10/2024, tại Hà Nội, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam ra mắt thử nghiệm sàn thương mại điện tử (TMĐT) Nông sản Bưu điện để giới thiệu các loại nông sản đặc sản vùng miền trong cả nước. Tại buổi ra mắt, những trái cam Cao Phong đã vượt qua nhiều sản phẩm tiêu biểu, được lựa chọn để giới thiệu đến các doanh nghiệp (DN) và người tiêu dùng. Sau khi trải nghiệm, khách hàng có những phản hồi tích cực về những tiện ích sàn giao dịch TMĐT này mang lại, cũng như hương vị đặc trưng thơm, ngọt của trái cam Cao Phong. Trong 2 ngày diễn ra sự kiện, số lượng cam Cao Phong được tiêu thụ lên tới 5.250 kg. Tiếp sau đó, sản phẩm cam Cao Phong liên tiếp được ghi nhận là một trong những mặt hàng dẫn đầu về sản lượng tiêu thụ trên sàn TMĐT này.