Tranh thủ những ngày thời tiết ấm, nông dân xã Bảo Hiệu (Yên Thủy) tập trung cấy lúa chiêm xuân.
Tại huyện Kim Bôi, nông dân các xã, thị trấn tập trung hoàn thành cấy lúa chiêm xuân. Theo kế hoạch, vụ xuân 2025, toàn huyện cấy trên 2.400 ha lúa, chủ yếu là các giống Nhị ưu 838, TRC225, BC15, Thụy Hương 308... Đồng chí Nguyễn Thị Minh Anh, Phó phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện cho biết: Những ngày đầu năm mới, thời tiết rét đậm, rét hại. Để đảm bảo cho mạ non phát triển, phục vụ việc gieo cấy, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn khuyến cáo nông dân thực hiện theo hướng dẫn của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện về quy trình, kỹ thuật chống rét cho mạ non. Đồng thời, theo dõi thường xuyên diễn biến thời tiết, sự xuất hiện và gây hại của các đối tượng dịch hại để có biện pháp chỉ đạo phòng trừ kịp thời. Đến nay, toàn huyện không có diện tích cây trồng bị thiệt hại do nhiệt độ xuống thấp. Công tác phòng, chống rét cho cây trồng tại các địa bàn được chủ động, đảm bảo sẵn sàng ứng phó những đợt không khí lạnh tiếp theo.
Cùng với huyện Kim Bôi, thời điểm này, nông dân các địa phương trong tỉnh tích cực, chủ động các biện pháp chống rét, phòng ngừa sâu bệnh cho các loại cây trồng vụ xuân; đồng thời theo dõi diễn biến thời tiết để có phương án gieo trồng phù hợp, đảm bảo cơ cấu giống. Để bảo vệ an toàn cho sản xuất trồng trọt trước, trong và sau Tết Nguyên đán, UBND tỉnh ban hành Công điện số 01/CĐ-UBND, ngày 28/1/2025 về việc chủ động phòng, chống rét đậm, rét hại kéo dài trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) tỉnh đề nghị phòng chuyên môn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố; cán bộ địa bàn tăng cường bám sát địa bàn, chỉ đạo cơ sở và hướng dẫn nông dân giám sát đồng ruộng; thường xuyên kiểm tra, phát hiện sớm, nắm chắc diễn biến, cảnh báo thời tiết và hướng dẫn nông dân phòng, chống sinh vật gây hại trên các loại cây trồng kịp thời, hiệu quả.
Theo đó, để phòng, chống rét cho mạ và lúa mới cấy, cần theo dõi sát diễn biến thời tiết trên địa bàn, dự báo về rét đậm, rét hại, thông tin kịp thời đến người dân để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó; tuyệt đối không gieo mạ, cấy lúa trong những ngày nhiệt độ xuống thấp dưới 150C. Đối với diện tích mạ đã gieo nhưng chưa cấy, phải giữ nước thường xuyên trên mặt luống từ 2 - 3 cm để dưỡng mạ và giữ ấm cho chân mạ; thực hiện che phủ nilon toàn bộ diện tích mạ đã gieo. Với những diện tích lúa đã cấy cần giữ nước thường xuyên trên mặt ruộng từ 3 - 4 cm để dưỡng lúa và giữ ấm cho lúa. Không bón thúc phân đạm vào những ngày có nền nhiệt độ thấp dưới 150C. Chủ động lượng giống, mạ dự phòng khi mạ, lúa mới cấy bị chết do ảnh hưởng của rét đậm, rét hại.
Đối với phòng, chống chuột hại, điều kiện thời tiết lạnh và khô trong thời gian tới làm chuột gia tăng tìm kiếm thức ăn trên đồng ruộng, gây hại cho nhiều loại cây trồng, đặc biệt là lúa mới gieo cấy. Các địa phương thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý chuột và tổ chức chiến dịch diệt chuột trong thời gian đổ ải, làm đất.
Đồng chí Vũ Thị Anh Đào, Chi cục phó Chi cục TT&BVTV tỉnh cho biết: Cùng với tập trung phòng, chống rét, các địa phương cần theo dõi diện tích mạ đã gieo, thường xuyên điều tra phát hiện sâu bệnh và có biện pháp xử lý kịp thời. Đặc biệt chú ý các ổ bệnh đạo ôn, bệnh lùn sọc đen và hiện tượng nấm trên mạ. Chỉ đạo kiểm tra, hướng dẫn kỹ thuật che phủ nilon, chú ý dỡ bỏ nilon trong những ngày thời tiết ấm hay nắng nóng, tránh nhiệt độ môi trường trong khung mạ tăng cao gây chết mạ.
Dự báo thời gian tới, trên địa bàn tỉnh tiếp tục xuất hiện những đợt không khí lạnh mới. Do đó, các địa phương cần thực hiện triệt để theo chỉ đạo tại các công điện của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Môi trường, Chi cục TT&BVTV tỉnh về việc chủ động phòng, chống rét đậm, rét hại kéo dài trên địa bàn tỉnh; quy trình kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh trên các loại cây trồng vụ xuân năm 2025...
Thu Hằng