Những ngày qua, diễn biến giá vàng trên thị trường quốc tế lẫn ở trong nước liên tục biến động, xu hướng tăng là chủ yếu, nhiều đỉnh giá đã được thiết lập, có thời điểm xấp xỉ chạm mốc 3.000 USD/ounce - vượt xa dự kiến của nhiều chuyên gia và nhà đầu tư; trong khi đó, ở trong nước, cả vàng nhẫn lẫn vàng miếng SJC cũng ở mức cao.

Chú thích ảnh

Vàng trang sức được bày bán tại một cửa hàng kinh doanh vàng Bảo Tín Minh Châu. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Hiện tại, lúc 16h30 giờ Việt Nam, giá vàng quốc tế đang được giao dịch ở mốc 2.902,75 USD/ounce, tăng 0,65% so với cùng thời điểm ngày hôm qua. Quy đổi theo tỷ giá ngân hàng, tương đương với 89,73 triệu đồng/lượng. Song song đó, giá vàng SJC đang được niêm yết trên thị trường nội địa ở mức 87,6 - 90,6 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 300 nghìn đồng/lượng ở cả 2 chiều giao dịch mua và bán; trong khi trước đó có ngày giá vàng lên mốc 93,1 triệu đồng/lượng.

Trước tình hình này, đại diện Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản phản hồi. Theo Ngân hàng Nhà nước, mặc dù giá vàng trong nước tăng theo xu hướng chung của thế giới, mức tăng này không nhanh bằng giá vàng quốc tế. Thực tế, sau khi Ngân hàng Nhà nước can thiệp bán vàng trực tiếp để ổn định thị trường, giá vàng thế giới vẫn tiếp tục tăng nhanh hơn so với vàng miếng trong nước.

Theo Luật Giá năm 2012 và Luật Giá sửa đổi năm 2023, vàng không được xếp vào nhóm hàng hóa thiết yếu và không thuộc danh mục bình ổn giá. Do đó, Ngân hàng Nhà nước không thực hiện việc kiểm soát giá vàng mà chỉ can thiệp khi cần thiết nhằm giữ cho thị trường vận hành ổn định, tránh tình trạng đầu cơ và biến động bất thường gây tác động tiêu cực đến nền kinh tế.

"Giá vàng diễn biến tăng cả trên thế giới chứ không chỉ riêng tại Việt Nam. Từ thời điểm Ngân hàng Nhà nước can thiệp bán vàng trực tiếp, giá vàng thế giới còn tăng nhanh hơn giá vàng miếng trong nước. Theo quy định pháp luật, vàng không phải là mặt hàng thiết yếu và không thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá”, Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh.

Cũng theo Ngân hàng Nhà nước, giá mua – bán vàng hiện nay do các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp kinh doanh vàng niêm yết và quyết định. Thực tế, ngay cả các ngân hàng trung ương trên thế giới cũng không trực tiếp quản lý giá vàng mà để thị trường tự điều tiết theo cung – cầu.

Do đó, Ngân hàng Nhà nước chỉ thực hiện các biện pháp can thiệp khi thị trường có dấu hiệu bất ổn, chứ không can thiệp trực tiếp vào giá vàng. Điều này giúp đảm bảo thị trường vàng vận hành theo đúng quy luật thị trường, đồng thời tránh gây ra những tác động không mong muốn đối với nền kinh tế và hệ thống tài chính.

Bình luận về động thái này của Ngân hàng Nhà nước, Chuyên gia kinh tế PGS.TS Ngô Trí Long cho hay, biến động của thị trường vàng kể từ sau Tết Nguyên đán tới nay có thể xuất phát từ một số nguyên nhân như: chênh lệch cung - cầu trong nước, nhu cầu mua giảm sút; ảnh hưởng từ giá vàng thế giới, biến động tỷ giá và thậm chí cả do chính sách điều tiết thị trường của Ngân hàng Nhà nước...

Thường sau Tết, nhu cầu mua vàng tích trữ của người dân giảm mạnh, trong khi lượng cung từ các nhà đầu tư bán ra tăng, khiến giá vàng trong nước không còn giữ mức cao so với vàng thế giới. Giá vàng thế giới tăng mạnh gần đây là do tâm lý lo ngại về lạm phát tại Mỹ, tình hình căng thẳng địa chính trị và nhu cầu trú ẩn an toàn. Trong bối cảnh giá vàng thế giới biến động mạnh, trước đây, vàng miếng SJC thường có mức chênh lệch cao hơn khoảng 10 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới quy đổi. Nhưng nay, khoảng cách này đang dần được thu hẹp, thậm chí có lúc thấp hơn đã chứng tỏ Ngân hàng Nhà nước có thể đã có động thái điều tiết nhằm ổn định thị trường vàng.  

Việc giá vàng trong nước có thời điểm thấp hơn so với giá vàng quốc tế sau quy đổi là biểu hiện bất thường, Chuyên gia Trương Vi Tuấn, Giavang.net phân tích, điều này thể hiện vàng trong nước không kịp phản ứng với đà tăng cao của vàng thế giới. Thống kê của Giavang.net cho thấy,  từ thứ Ba tuần trước đến bây giờ, giá vàng trong nước vẫn đang thấp hơn so với giá vàng thế giới sau quy đổi cộng cả thuế phí, mức chênh dao động từ 1 triệu đồng/lượng trở xuống.

Thực tế, người dân nếu có nhiều tiền, tâm lý thường vẫn là nắm giữ vàng, bất động sản hoặc các tài sản có giá  khác hơn là giữ tiền mặt. Vì thế, xu hướng mua vàng tích sản khá phổ biến trong cách thức đầu tư của nhiều gia đình; nhất là các người già hay độ tuổi trung niên. Cũng vì vậy mà trước đây, người dân thường chấp nhận mua vàng miếng, vàng nhẫn cao hơn so với giá vàng thế giới quy đổi, thậm chí mua cao hơn rất nhiều. Nhưng hiện tượng lạ gần đây cho thấy, có thời điểm, giá vàng trong nước phản ứng mua bán thấp hơn giá vàng thế giới. Đây là một điều khá bất bình thường so với trước đây.

Hiện tại, dù Ngân hàng Nhà nước không có sự can thiệp và giá vàng đang do thị trường tự điều tiết bởi cung - cầu nhưng việc xử lý nghiêm minh những sai phạm đang cho thấy những nỗ lực của quản lý Nhà nước trong việc minh bạch và lành mạnh hoá thị trường vàng, ông Trương Vi Tuấn nhấn mạnh. 

Khuyến nghị người dân và nhà đầu tư vàng trong bối cảnh thị trường kim loại quý này có nhiều biến động, ông Trương Vi Tuấn cho rằng, do sức cầu mua vàng trong nước đã không còn quyết liệt như thời gian năm 2023 và 2024, nên nhà đầu tư cần bình tĩnh quan sát thêm diễn biến thị trường vàng thế giới và sự biến động của tỷ giá trong nước để chủ động đầu tư.



Theo Baotintuc.vn

Các tin khác


Kiểm tra tiến độ thi công Dự án cao tốc Hoà Bình - Mộc Châu

Sáng 14/2, đoàn công tác của UBND tỉnh do đồng chí Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã kiểm tra tiến độ thi công và công tác bồi thường hỗ trợ và tái định cư Dự án cao tốc Hoà Bình - Mộc Châu (đoạn từ Km19+000 - Km53+000 trên địa bàn tỉnh Hoà Bình).

Lợi ích kép từ thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt

Thanh toán không dùng tiền mặt đã và đang mang lại nhiều lợi ích cho người dân, giúp tối ưu hóa thời gian, chi phí, đồng thời đảm bảo tính an toàn và minh bạch. Với những nỗ lực trong công tác chuyển đổi số, Công ty Điện lực Hòa Bình (PC Hoà Bình) đang triển khai các hình thức thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt (TTTĐKDTM) để đem lại sự tiện lợi cho khách hàng.

Tháng 1, tổng mức bán lẻ hàng hoá ước đạt trên 1.800 tỷ đồng

Theo báo cáo của Cục Thống kê tỉnh Hòa Bình, hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh trong tháng 1/2025 tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ổn định.

Đồng bộ giải pháp thúc đẩy xuất khẩu nông sản

Phát huy những lợi thế, tiềm năng nhằm thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm nông sản của tỉnh, đặc biệt là qua hoạt động xuất khẩu, năm qua, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cùng các ngành, đơn vị liên quan đã phối hợp thực hiện nhiều giải pháp để đưa nông sản Hòa Bình đến gần hơn với những thị trường khó tính trên thế giới.

Đẩy mạnh hỗ trợ, hướng dẫn để tránh hóa đơn tiền điện tăng cao

Sau mỗi dịp Tết cổ truyền, sản lượng điện thường có xu hướng tăng cao. Trước thực trạng này, Công ty Điện lực Hòa Bình (PC Hòa Bình) đã triển khai các giải pháp nhằm kiểm soát chỉ số công tơ và hỗ trợ khách hàng trong việc sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.

Ngành Ngân hàng đảm bảo cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế

Ngày 12/2, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Hoà Bình tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng tỉnh năm 2025. Đồng chí Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục