Việc triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi bộ mặt của nhiều làng quê trong tỉnh. Thời gian qua, các địa phương đã triển khai đồng bộ các giải pháp, đặc biệt là đầu tư cơ sở hạ tầng để tạo động lực thúc đẩy xây dựng nông thôn mới.
Thông qua Chương trình xây dựng nông thôn mới, hạ tầng giao thông ở các vùng quê trong tỉnh được đầu tư ngày càng đồng bộ. Ảnh chụp tại xóm Đừng, xã Gia Mô (Tân Lạc).
Là xã vùng sâu đặc biệt khó khăn của huyện Tân Lạc, xã Gia Mô bắt tay vào xây dựng nông thôn mới với xuất phát điểm thấp. Nhờ sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước và nỗ lực bền bỉ của cấp uỷ, chính quyền, nhân dân, công cuộc xây dựng nông thôn mới ở Gia Mô đã đạt được nhiều kết quả thiết thực. Năm 2021, Gia Mô được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Từ đó đến nay, các hạ tầng thiết yếu trên địa bàn được quan tâm đầu tư.
Tại xóm Đừng, năm 2024, được đầu tư cứng hoá tuyến đường nội xóm. Đến nay đường giao thông trong xóm đã cơ bản được đầu tư hoàn thiện. Ông Bùi Văn Trưng, Trưởng xóm Đừng cho biết: Nhờ chương trình xây dựng nông thôn mới, đường giao thông trong xóm từng bước được cứng hoá. Năm qua, xóm tiếp tục có thêm tuyến đường được mở rộng, cứng hoá. Để có tuyến đường đẹp, bà con đã hiến hơn 7.600 m2 đất và hàng trăm cây cối.
Bên cạnh đường giao thông, nhà văn hoá ở các xóm trên địa bàn xã Gia Mô cũng đang được đầu tư hoàn thiện, phục vụ tốt nhu cầu của bà con. Như xóm Gia Phú, xóm được sáp nhập từ xóm Bo và xóm Quắn (cũ), trước đây nhà văn hoá là nhà sàn nhưng đã xuống cấp, nay xóm đã được xây dựng nhà văn hoá mới rộng rãi, có đủ các thiết bị. "Khuôn viên nhà văn hoá rộng rãi, có 2 sân bóng chuyền giúp bà con rèn luyện thể thao, tổ chức các hoạt động giao lưu văn hoá, thể thao với các xóm bạn”, ông Bùi Văn Đượng, người dân xóm Gia Phú, xã Gia Mô chia sẻ.
Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong năm 2024, huyện đã huy động trên 7,6 tỷ đồng thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Nguồn vốn được tập trung đầu tư xây dựng các hạ tầng thiết yếu, nhờ đó bộ mặt nông thôn trên địa bàn huyện có sự chuyển mình rõ rệt. Đến hết năm 2024, toàn huyện có 10 xã đạt 19 tiêu chí, 5 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí, bình quân đạt 16,5 tiêu chí/xã. Năm 2025, huyện phấn đấu có thêm 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 3 xã nông thôn mới nâng cao, bình quân tiêu chí nông thôn mới đạt 16,93 tiêu chí/xã.
Trên địa bàn toàn tỉnh, năm 2024, các địa phương đã huy động trên 8.894 tỷ đồng thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ trên 161,7 tỷ đồng, ngân sách địa phương trên 214,4 tỷ đồng, vốn lồng ghép từ các chương trình khác trên 527,4 tỷ đồng, vốn tín dụng 7.965 tỷ đồng, vốn huy động từ các nguồn hợp pháp khác trên 26,3 tỷ đồng. Trọng tâm của chương trình nông thôn mới tiếp tục đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện, trường học, trạm y tế và các công trình văn hóa. Đến nay, toàn tỉnh có 96/129 xã đạt tiêu chí về giao thông, 121/129 xã đạt tiêu chí thủy lợi và phòng, chống thiên tai, 129/129 xã có hệ thống điện đảm bảo phục vụ sản xuất, sinh hoạt.
Bên cạnh đó, các công trình trường học, trạm y tế được đầu tư khang trang, hiện đại. Toàn tỉnh có 87/129 xã đạt tiêu chí về trường học, 104/129 xã đạt tiêu chí về y tế. Đặc biệt, hệ thống cơ sở vật chất văn hóa được nâng cấp, với 107/129 xã đạt tiêu chí này. Đến hết năm 2024, toàn tỉnh có thêm 3 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 2 xã nông thôn mới kiểu mẫu. Như vậy, toàn tỉnh hiện có 83 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 32 xã đạt nông thôn mới nâng cao và 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, có 75 khu dân cư kiểu mẫu, 258 vườn mẫu.
Năm 2025, tỉnh phấn đấu có thêm 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; bình quân tiêu chí nông thôn mới toàn tỉnh đạt 17 tiêu chí/xã. Để hoàn thành mục tiêu đó, việc tiếp tục tăng cường đầu tư vào các công trình thiết yếu như: giao thông, thủy lợi, điện, nước sinh hoạt được xác định là một trong những giải pháp quan trọng.
Viết Đào
Sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, trên khắp các cánh đồng trong tỉnh, bà con nông dân hối hả xuống đồng sản xuất cho một mùa vụ quan trọng. Trước diễn biến thời tiết giá rét kéo dài, tổng lượng mưa ít hơn so với cùng kỳ, nhưng với sự chủ động và quyết tâm, sản xuất vụ đông xuân cơ bản diễn ra khẩn trương và thuận lợi.
Về xóm Ót, xã Chí Đạo (Lạc Sơn) những ngày đầu năm dễ dàng nhận thấy những ngôi nhà mới còn thơm mùi nước sơn được xây dựng khang trang, đời sống người dân ấm no, hạnh phúc. Những năm gần đây cây bí xanh dần trở thành cây trồng giúp nhiều nhà nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống. Tại xóm Ót, mô hình trồng bí xanh ngày càng được nhân rộng, trở thành mô hình chủ lực giúp người dân thoát nghèo, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
Sáng 14/2, đoàn công tác của UBND tỉnh do đồng chí Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã kiểm tra tiến độ thi công và công tác bồi thường hỗ trợ và tái định cư Dự án cao tốc Hoà Bình - Mộc Châu (đoạn từ Km19+000 - Km53+000 trên địa bàn tỉnh Hoà Bình).
Thanh toán không dùng tiền mặt đã và đang mang lại nhiều lợi ích cho người dân, giúp tối ưu hóa thời gian, chi phí, đồng thời đảm bảo tính an toàn và minh bạch. Với những nỗ lực trong công tác chuyển đổi số, Công ty Điện lực Hòa Bình (PC Hoà Bình) đang triển khai các hình thức thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt (TTTĐKDTM) để đem lại sự tiện lợi cho khách hàng.
Theo báo cáo của Cục Thống kê tỉnh Hòa Bình, hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh trong tháng 1/2025 tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ổn định.
Phát huy những lợi thế, tiềm năng nhằm thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm nông sản của tỉnh, đặc biệt là qua hoạt động xuất khẩu, năm qua, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cùng các ngành, đơn vị liên quan đã phối hợp thực hiện nhiều giải pháp để đưa nông sản Hòa Bình đến gần hơn với những thị trường khó tính trên thế giới.