Đường lên Mai Châu quanh co, được bao phủ trong màn sương. Qua đèo Thung Khe, từ quốc lộ 6 nhìn xuống, thung lũng Mai Châu thật quyến rũ. Vùng đất nổi tiếng với những cô gái Thái xinh đẹp và duyên dáng. Đây cũng là vùng đất đẹp của khu vực Tây Bắc nên từ lâu, đã phát triển du lịch cộng đồng.
Chuyến đi của tôi dịp này là tìm lại ký ức của đoàn quân Tây Tiến năm xưa. Dừng chân tại trung tâm thị trấn, thăm nghĩa trang liệt sĩ, hiện có rất nhiều ngôi mộ của chiến sĩ Tây Tiến đã hy sinh trên mảnh đất Mai Châu và được nhân dân quy tập về.
Tiếp tục cuộc hành trình, tôi tìm đến với Mường Hịch, nay là xã Mai Hịch. Đây là nơi đặt trụ sở chỉ huy của mặt trận Tây Tiến năm xưa. Gặp đồng chí Vì Văn Tít, Bí thư Đảng ủy xã, qua trò chuyện được biết: Vùng đất Mai Hịch với lợi thế có nhiều hang động chạy dọc theo hai hướng tây nam và đông nam, tạo thuận lợi cho việc triển khai chiến tranh du kích và làm hậu cứ kháng chiến. Ngoài ra, đường 15 nối liền Liên khu III hướng lên Việt Bắc và Lào, là trục đường chiến lược vận chuyển vũ khí và lương thực, thực phẩm lên chiến trường. Chính vì vậy, Trung đoàn Tây Tiến đã chọn nơi đây là hậu cứ, trú ẩn.
Trong chuyến đi, may mắn tôi được gặp ông Vì Văn Kiểu, người dân xã Mai Hịch, hiện là giáo viên dạy sử trường THCS Pà Cò. ông chia sẻ: Đầu năm 1947, Trung đoàn 52 bộ đội Tây Tiến do đồng chí Hoàng Sâm, Lê Hiển Mai chỉ huy đã về đóng ở Mường Hịch. Thời gian này, ngoài việc đối phó với địch, nhân dân và bộ đội còn phải đối mặt với thú dữ. Chỉ trong thời gian ngắn, hổ, báo đã ăn thịt 9 người dân và 2 bộ đội. Chính điều này được nhà thơ Quang Dũng khắc họa trong bài thơ Tây Tiến "Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người”. Với lòng căm thù giặc sâu sắc và mong ước về một đất nước độc lập, tự do, nhân dân Mai Hịch đã tạo mọi điều kiện tốt nhất, an toàn và bí mật cho cán bộ, bộ đội hoạt động cách mạng. Tích cực giúp đỡ bộ đội xây dựng nhiều khu vực cất giữ quân nhu, quân trang, vũ khí và thực phẩm phục vụ chiến trường. Các mẹ, các chị xung phong đảm nhận việc tiếp tế, nuôi bộ đội. Tháng 7/1947, tại nhà ông Vì Văn Thiện ở suối Buốc, ủy ban Kháng chiến liên xã Mai Châu được thành lập, gồm 6 đồng chí: Hà Công Thính, Hà Công Thiếm, Vì Văn Vương, Vì Văn Tôn, Vì Văn Sơn, Hà Văn Long, sau đó phát triển lên 66 đồng chí, đảm nhiệm làm công tác binh vận và cùng bộ đội xây dựng lực lượng tự vệ vũ trang của xã.
Chúng tôi đến xóm Hịch 1, là nơi đóng quân, củng cố lực lượng của Trung đoàn Tây Tiến trong thời kỳ chống Pháp. ông Hà Mạnh Cầm, trưởng xóm Hịch 1 kể lại: Có lẽ đối với những người dân nơi đây thì ngày 5/10/1947 là ngày không thể nào quên. Sau khi ủy ban Kháng chiến hành chính lâm thời liên xã của Mai Châu được thành lập ở đây, thực dân Pháp vô cùng cay cú. Chúng tổ chức lùng sục gay gắt khắp nơi và dùng súng đạn bắn phá làm cháy hết nhà dân, chính vì thế nhân dân nơi đây hay gọi xóm Hịch 1 là xóm Cháy. Không những thế, chúng bắt hàng chục cụ già, em nhỏ, phụ nữ trong xã đưa về đồn đánh đập hết sức dã man. Không khai thác được gì về bộ đội Tây Tiến, bọn Pháp đã lùa cả dân ra một cánh đồng rồi giết hại hàng chục người vô tội. Có gia đình đã mất 2, 3 người cùng một lúc. Cho dù vậy, nhân dân vẫn quyết tâm, kiên trì bám trụ xóm, bản lao động chở che bộ đội chống lại từng đợt càn quét của giặc. Nhiều cụ già, em nhỏ sẵn sàng hy sinh chứ không chịu khai ra nơi trú ẩn của bộ đội.
Những đóng góp của quân và dân xã Mai Hịch đã góp phần bảo vệ nền độc lập, tự do cho đất nước. Ghi nhận thành tích trên, xã Mai Hịch đã vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang dân nhân thời kỳ kháng chiến chống Pháp”.